(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đã bao đời nay, đình làng của người Việt luôn là “biểu tượng”, là “linh hồn” của văn hóa cộng đồng làng xã. Hàng trăm di tích đình làng hiện còn trên địa bàn Thanh Hóa là tài sản quý giá mà thế hệ cha ông đi trước đã để lại cho lớp người sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiêng liêng không gian văn hóa làng

(VH&ĐS) Đã bao đời nay, đình làng của người Việt luôn là “biểu tượng”, là “linh hồn” của văn hóa cộng đồng làng xã. Hàng trăm di tích đình làng hiện còn trên địa bàn Thanh Hóa là tài sản quý giá mà thế hệ cha ông đi trước đã để lại cho lớp người sau.

Độc đáo những công trình kiến trúc đình làng

Ai đã có dịp đến thăm đình Thượng Phú xã Hà Đông (Hà Trung) hẳn sẽ rất ấn tượng về một công trình kiến trúc gỗ độc đáo và đậm chất văn hóa dân gian. Theo người dân địa phương cho biết, đình được dựng lên bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ Chămpa tài hoa. Đó cũng là lí do giải thích, đến thời điểm hiện tại, đây là một trong số ít công trình có kiến trúc Chăm đậm nét còn khá nguyên vẹn. Những mảng chạm khắc, hình ảnh linh vật, cây cỏ đến những đường nét được khắc lên những thớ gỗ, từng vì kèo... thật sự sống động và thu hút. Bên cạnh đó, Hà Đông xưa kia còn nổi tiếng với những rừng sến bạt ngàn. Có lẽ vậy nên khi xây đình, ngoài tìm mua những cây lim quý thì người dân trong xã còn vào trong rừng chọn cho được những cây sến, cây lim làm cột to sải tay người lớn ôm không xuể. Đã hàng trăm năm trôi qua, mái đình tuy ngả màu rêu song vẫn sừng sững với thời gian, trở thành một biểu tượng linh thiêng của bao thế hệ người dân trong làng.

Khác với đình Thượng Phú, đình Động Bồng xã Hà Tiến (Hà Trung) lại nổi tiếng là công trình kiến trúc đồ sộ vào loại bậc nhất ở xứ Thanh, đây cũng là một trong ba ngôi đình của huyện Hà Trung được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đình Động Bồng không chỉ lớn mà còn tọa lạc trên vị trí “không thể đẹp hơn” theo cảm nhận của những người đến đây. Với kiến trúc kiểu chuôi vồ (chữ đinh), năm gian hai chái, đình là không gian thiêng của người dân địa phương tự bao đời nay. Và đình Động Bồng có lẽ là di tích duy nhất trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn duy trì mỹ tục “Lửa đình liệu” vào thời khắc giao thừa hàng năm.

Với kiến trúc đồ sộ, đình Động Bồng còn nổi bật bởi hệ thống cột gỗ dựng đình. Trong đó, chủ yếu là gỗ lim, lát và sến với tất cả 32 cột cái và cột quân.

Là biểu tượng và cũng là niềm tự hào tự bao đời của người dân làng Phú Khê (Hoằng Hóa), đến nay đình làng Phú Khê đã có ngót nghìn năm tuổi. Bác Lê Văn Lai - Trưởng Ban quản lý di tích đình làng Phú Khê cho biết: đình Phú Khê có từ thời Lý, là nơi thờ hai vị Thành hoàng của làng là Chu Minh và Chu Tuấn. Trong đình hiện tại vẫn còn lưu giữ một số “bảo vật” quý giá, tương truyền có từ thời xa xưa và được đánh giá cao về giá trị lịch sử, kiến trúc.

Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đình làng Phú Khê, xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) phát huy hiệu quả khi được chính quyền và người dân quan tâm, gìn giữ.

Nhưng điều khiến chúng tôi thực sự xúc động chính là tình cảm của người dân được “sinh ra và lớn lên từ làng” với di tích lịch sử cấp Quốc gia. Với mỗi người dân làng Phú Khê, dù ở thời điểm nào, đình làng vẫn là biểu tượng thiêng liêng và đồng thời cũng là không gian tâm linh của cộng đồng. Rằng, mỗi người dân trong làng, từ nhỏ đến lớn, khi có việc đều ra đình “báo cáo” lên Thành hoàng như một niềm tin tâm linh thành kính. Người dân tin rằng, với sự “giúp đỡ” của vị thần bảo trợ, mọi sự sẽ được may mắn. Đặc biệt, những gia đình có con đi thi thì việc ra đình dâng hương được xem là quy định luật bất thành văn. Và niềm tin tâm linh đó đã, đang và vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Người xưa đã dựng lên đình làng với những mong ước, kì vọng và cả niềm tự hào rằng “đình làng mình sẽ to nhất”, đẹp nhất. Rằng, đình làng không chỉ là không gian thiêng, nơi thờ Thành hoàng làng mà còn là nơi hội họp, bàn việc lớn của cả làng, để người già, người trẻ dù đi đâu, về đâu đến ngày hội làng cũng nhớ về tụ hội.

Để không gian thiêng mãi trường tồn?

Nếu trước đây, mỗi làng đều có đình thì giờ đây, trải qua lịch sử và thời gian, việc duy trì không gian văn hóa đình làng không phải địa phương nào cũng có thể. Dẫu vậy, số lượng di tích đình làng trên địa bàn cả tỉnh hiện còn cũng không hề ít, trong đó, đặc biệt có những địa phương vẫn còn giữ gìn được số lượng lớn di tích. Bài toán khó phần lớn các di tích đình làng hiện nay đều đang phải đối mặt chính là việc gìn giữ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Đó là sự xuống cấp theo thời gian, khi đình làng mang đặc trưng của kiến trúc gỗ thì việc xuống cấp theo thời gian cũng là điều dễ hiểu. Song, nguồn kinh phí để đáp ứng yêu cầu trùng tu lại là bài toán khó với rất nhiều địa phương.

Năm 2015, di tích đình làng Thượng Phú, xã Hà Đông được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng cho việc trùng tu. Song đến thời điểm hiện tại, việc trùng tu di tích vẫn chưa thể thực hiện. Chia sẻ về điều này, lãnh đạo địa phương cho biết: việc trùng tu di tích nếu thực hiện sẽ hết trên 3 tỷ. Vẫn biết rằng có những loại hình di tích cần được bảo vệ, hạn chế người ghé thăm nhưng rõ ràng điều đó không đúng với di tích đình làng.

Trong khi nhiều địa phương loay hoay với câu chuyện đình làng thì có không ít di tích đã và đang phát huy hiệu quả khá tốt: Bảng Môn đình (xã Hoằng Lộc); đình Phú Khê (xã Hoằng Phú)...

Ngoài sự quan tâm của Nhà nước, cơ quan chức năng thì chính quyền và người dân phải thực sự nhận thức được giá trị của loại hình di tích đặc trưng, có như vậy, không gian thiêng của đình làng mới trường tồn cùng thời gian!

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]