(vhds.baothanhhoa.vn) - “Tiếng người trong văn” (NXB Phụ nữ, 2022) là tên cuốn sách của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết về cuộc đời văn chương của mình từ đọc văn, học văn, dạy văn, viết văn cho đến đàm luận về văn chương. Qua 18 mảnh hồi ức ấy, người ta hiểu rằng thường bạn đọc yêu mến một nhà văn và đọc xong tác phẩm rồi vẫn còn muốn được biết thêm những tác phẩm khác trước đó, thậm chí tò mò muốn biết nguyên mẫu mà các nhân vật họ tạo ra là ai, có phải là một con người cụ thể không?. Cái sự tò mò ấy suy cho cùng là muốn biết nhà văn muốn nói gì phía sau trang viết?.

Tiếng người trong văn

“Tiếng người trong văn” (NXB Phụ nữ, 2022) là tên cuốn sách của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết về cuộc đời văn chương của mình từ đọc văn, học văn, dạy văn, viết văn cho đến đàm luận về văn chương. Qua 18 mảnh hồi ức ấy, người ta hiểu rằng thường bạn đọc yêu mến một nhà văn và đọc xong tác phẩm rồi vẫn còn muốn được biết thêm những tác phẩm khác trước đó, thậm chí tò mò muốn biết nguyên mẫu mà các nhân vật họ tạo ra là ai, có phải là một con người cụ thể không?. Cái sự tò mò ấy suy cho cùng là muốn biết nhà văn muốn nói gì phía sau trang viết?.

Tiếng người trong văn

1.Sinh ra ở làng Triều (nay thuộc phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn), sau này lại là thầy giáo dạy Văn, vì thế nhà thơ Văn Đắc mê thơ cũng chẳng có gì lạ. “Hai triền sông” (NXB Văn học, 1973) là tác phẩm đầu tiên của ông. Đến nay sau gần 50 năm ông đã xuất bản 11 tập thơ. Và tập thơ nào ra đời cũng gây ấn tượng với bạn đọc bởi sự táo bạo, từng trải và kinh nghiệm sáng tác.

Nhà thơ Mai Văn Phấn khi bàn về thơ Văn Đắc đã nhận định: “Một trong những mẫu gốc quan trọng tạo nên rường cột không gian thơ của ông chính là cát... Cát trong thơ ông là người. Đời cát là thân phận người, nơi khởi sinh và nuôi dưỡng nguồn cảm xúc sáng tạo bất tận trong thơ Văn Đắc”. Bởi thế ông có những câu “Với cát, thời nhỏ cởi trần/ Chạy trên cát/ Ta lẫn vào với cát” (Với cát); “Nơi cát trắng ùn lên nỗi nhớ” (Tâm sự với con đường). Cũng chính bởi thế mà tháng 5-2022 ông vừa ra mắt tập thơ có tiêu đề “Cát lầm” (NXB Hội Nhà văn). Khi tôi hỏi, tại sao lại là cát lầm, ông giải thích: Cát lầm là loại cát lấm láp, dấp dính, quấn quyện vào nhau. Đó là loại cát cuộn lầm lên che lấp những giá trị, những vật bên cạnh nó. Nhưng điều tôi muốn nói, “Cát lầm” còn mang nội hàm khác, trĩu nặng mà phát sáng, nhẫn nhịn và can đảm. Những câu thơ như: “Rồi từ thăm thẳm đêm sâu, Tiếng quê ríu rít gọi nhau cùng về” (Cát lầm); “Có người, rất nhiều người, lớp lớp người/ Vùi trái tim vào cát/ Mọc/ Hai bờ sông xanh” (Sau cơn mưa). Ám ảnh cát là sự quay trở về với cái quen thuộc, cái thô mộc mà gần gũi nhất. Bài thơ “Nơi ấy” cho ta cảm nhận rõ về điều đó. Có lúc “Cát giấu mình vào phố biển ưu tư”, lại có lúc “Cát lặng im nghe sóng biển cười”, và để “Đêm về/ Tôi có một giấc mơ đi trong tiếng đàn như ma ám, đi trên mái nhà cao tầng như đi trên cát”. Nghe trong thơ người ta nhận ra sự khắc khoải của một người ở thành phố nhớ về biển. Nghe trong thơ người ta biết được dù ông này có đi đâu, có nghĩ gì, thì cuối cùng vẫn cứ loay hoay quay về với biển.

Văn Đắc có một nguồn năng lượng tràn trề, lúc nào cũng tươi cười, rổn rảng, cứ như một người vô lo, chả biết ngày mai là gì, hôm nay hãy cứ sống vui thật vui. Quả thật, qua thơ ông, người đọc cũng nhận ra cái hồn nhiên như tự nhiên ấy. Nhưng là bản năng, không hề có chút gắng gượng. “Cát lầm” vì thế có cái năng lượng tràn trề của một người ham sống, yêu đời, và lại có cái lấp lánh, trầm tĩnh, và vô cùng tự tin của một người ở độ tuổi 80.

2.Nhắc về nhà văn Nguyễn Huy Súc nhiều người thường đùa: Hội viên trẻ nhiều tuổi nhất. Chẳng là ông vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khi vừa tròn 75 tuổi. Thực ra cái tuổi đó theo quy chế kết nạp hội viên là không được, nhưng ông lại được “đặc cách”. Đặc cách vì gần 50 năm trước ông đã tham gia Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh, rồi có truyện đăng báo, in chung với một số tác giả khác cuốn “Lòng Thung” (Ty Văn hóa, 1973). Ông cũng đã từng tham gia trại viết cùng các nhà văn, nhà thơ Đặng Ái, Anh Chi, Đào Phụng, Hà Thị Cẩm Anh... Nhưng rồi, công việc nghề y cứ cuốn lấy ông. Để mãi đến năm 2017, sau khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, đóng cửa phòng khám tư, ông mới có thời gian viết văn. Những trang văn của ông ngôn ngữ giản dị nhưng lại hàm chứa kiến thức lịch sử, vốn sống, và cả những thấu hiểu tâm lý con người.

Điều mà người đọc nhận ra qua 2 tập truyện “Người Lưỡng Bột” (NXB Hội Nhà văn, 2018) và “Phu nhân quan bố Chính sứ” (NXB Hội Nhà văn, 2021), đó là các câu chuyện, các nhân vật đều có gốc gác hoặc phong thái của người Lưỡng Bột, vùng đất nơi ông sinh ra, lớn lên và già đi. Anh Chi cho rằng: “Thật vui vì xứ Thanh có thêm một nhà văn, nhà văn Nguyễn Huy Súc đang viết về những sự đời và cuộc sống con người xứ Thanh bằng lối văn chương phong tục”.

Tính tuổi mụ theo các cụ ta xưa thì ông năm nay tròn 80. Khỏe khoắn, mạnh mẽ. “Tôi cứ viết loanh quanh thế thôi. Từ các câu chuyện lịch sử, về các ông Thành hoàng làng, rồi các ông tướng là quá đủ”. Điều hấp dẫn độc giả là đọc văn Nguyễn Huy Súc thấy dễ chịu, chi tiết mà không vụn vặt. Ông chia sẻ: Viết lịch sử tưởng dễ mà không dễ, để viết được tôi không chỉ đọc sách, tìm tư liệu, và phải hư cấu vừa độ để không đi xa lằn ranh lịch sử.

“Tiếng người trong văn” cả một quá trình chiêm nghiệm để hiểu rằng: “Nhà văn phải tự tạo ra mình, tự sinh nở ra mình... Nhà văn phải độc hành đi theo hướng mình đã chọn lựa. Nếu gặp duyên, hắn sẽ đến được đích, nếu không hội đủ được nhân duyên, thể tất hắn phải hy sinh. Nhà văn như kẻ đi săn, cuốn tiểu thuyết hắn cố gắng đạt tới, nó như một con thú dữ vừa nhanh nhẹn, vừa xảo quyệt. Có thể hắn sẽ chết trước khi đến được con thú nhưng cũng có thể hắn thuần phục được con thú dữ”. Ai đó sẽ nghĩ là có một sự so sánh khập khiễng, và xin đừng so sánh ai với một nhà văn có thân phận chìm nổi như Nguyễn Xuân Khánh. Nhưng nếu cứ nhìn vào 2 nhà văn, nhà thơ vừa tròn 80 tuổi là Văn Đắc và Nguyễn Huy Súc chúng ta sẽ hiểu, chỉ đi vào tận cùng của cảm xúc, và một năng lực văn chương cùng với tình yêu con chữ thì họ mới cất lên được tiếng nói của riêng mình. Bởi “Cuộc đi tìm cái chân - ngã ấy chẳng ai có thể làm hộ ta, nó chẳng hề dễ dàng. Phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt...”.

Dù họ chẳng nói ra, nhưng tôi tin, nhà thơ Văn Đắc và nhà văn Nguyễn Huy Súc sẽ còn miệt mài với con chữ, bởi đó là “món nợ” đeo đẳng cả cuộc đời họ.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]