(vhds.baothanhhoa.vn) - Cô giáo Trường THCS Tuy Lộc (xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc) Hồ Hải Hà, bộc bạch: “Vì là giáo viên dạy Văn nên tôi mê những giá trị văn hóa cổ”. Từ khi còn rất nhỏ, chị được bố mẹ đưa về quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - nơi có nhà nhờ dòng họ Hồ, được các cụ giới thiệu những giá trị mà ông cha để lại trong đó có sắc phong, kèm lời nhắn nhủ: Di vật này rất quý giá với ông tổ dòng họ nhà mình.

Tìm lại “hồn làng”: Cô giáo trường làng tặng trả sắc phong

Cô giáo Trường THCS Tuy Lộc (xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc) Hồ Hải Hà, bộc bạch: “Vì là giáo viên dạy Văn nên tôi mê những giá trị văn hóa cổ”. Từ khi còn rất nhỏ, chị được bố mẹ đưa về quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - nơi có nhà nhờ dòng họ Hồ, được các cụ giới thiệu những giá trị mà ông cha để lại trong đó có sắc phong, kèm lời nhắn nhủ: Di vật này rất quý giá với ông tổ dòng họ nhà mình.

Tìm lại “hồn làng”: Cô giáo trường làng tặng trả sắc phongChị Hồ Hải Hà với những bức sắc phong chưa kịp đi trao đến các địa phương.

Dù chưa biết giá trị sắc phong cụ thể thế nào nhưng khi ấy chị thấy thích thú, thấy đẹp. Cơ duyên để chị biết đến và say mê sắc phong bắt đầu từ khoảng hơn chục năm trước. Lúc đó xã Thành Lộc (Hậu Lộc) sau ngày đón nhận Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh đối với di tích nghè Tây, đã bị mất 14 sắc phong. Chị Hà chia sẻ: "Tôi đã từng viết bài phát biểu trong buổi lễ đón nhận di tích, vì thế những nội dung, sự tích làng tôi rất nhớ. Sau vài tháng, tôi có đọc được thông tin của một người ở miền Nam hỏi: Có ai biết làng Sơn Đông xưa ở đâu không? Vì thế tôi có nhắn riêng cho người ta và được biết họ có hai sắc phong”. Để rồi sau đó, vào dịp 30-4 chị cùng lãnh đạo xã Thành Lộc đã vào tận miền Nam để nhận lại 2 sắc phong.

Chữ duyên bắt đầu từ đó, mọi thứ xung quanh chị “vận” vào với hai chữ sắc phong. Chị mải mê tìm người bán, chủ yếu lên các trang mạng mua bán dò tìm để mua sắc phong. Nắm được thông tin, chắc chắn là hàng thật thì chị hỏi mua, sau đó nhờ người dịch nghĩa và tìm nơi xuất phát của sắc phong để trao lại cho địa phương.

Tôi hỏi: “Lương giáo viên sao kham nổi đam mê của chị? Trong khi mỗi sắc phong có giá thấp nhất là vài triệu, cao nhất có khi tới vài chục triệu như sắc phong đời Lê...”. Chị cười: “Có lúc đi vay hết người này tới người khác, thậm chí đi vay ngân hàng. Như “lệnh trên” ban ấy, thấy họ bán mà mình không mua là bứt rứt, lo sợ, thậm chí mất ăn mất ngủ”.

Tìm được sắc phong đã khó, hành trình đi trao số sắc phong ấy còn khó hơn rất nhiều. Hầu hết trong sắc phong ghi tên xã thì đến nay có thể chỉ còn là một làng, thậm chí làng ấy đã không còn trên bản đồ hành chính. Lớp trẻ biết công nghệ, sử dụng mạng xã hội thì không hề có thông tin. Một vài người cao tuổi còn sống, nắm được thông tin thì lại không biết sử dụng internet. Tính đến nay chị đã trao được hơn 100 sắc phong, trong đó riêng đình làng Bồng Châu, xã Phú Cường, huyện Kim Động (Hưng Yên) là 12 sắc phong. Chị đi vào tận Bình Thuận, Khánh Hòa, rồi đến Bảo tàng cung đình Huế, hay đi Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng... để trao trả lại cho làng.

Tìm lại “hồn làng”: Cô giáo trường làng tặng trả sắc phongChị Hồ Hải Hà trao trả số sắc phong phủ mẫu thờ công chúa Liễu Hạnh thôn Thượng (nay là thôn Cát Đằng) xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hầu hết các địa phương quan tâm và vui mừng khi có được thông tin về những sắc phong của làng bị mất. Ví dụ làng Yên Lưu Thượng, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô (Ninh Bình) dù được chị gửi toàn bộ thông tin trước đó, nhưng họ rất cẩn thận vào tận nhà để kiểm chứng, có biên bản làm việc của chính quyền. Hay làng Trần Xá, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), sắc phong là sự linh thiêng, quý giá, là báu vật nên mỗi năm, Ban Quản lý di tích làng Trần Xá chỉ đôi lần mở ra xem. Cái ngày phát hiện mất một lúc 16 sắc phong trong tổng số 38 đạo sắc, cả làng bàng hoàng, không tin nổi. Vì thế, khi nghe chuyện có người bỗng dưng... trả lại sắc phong, không ít người dù nghi kỵ vẫn mong một sự may mắn. Tuy vậy, còn rất nhiều địa phương không muốn nhận lại sắc phong. Chị chia sẻ: “Có những làng liên hệ đến lần thứ 3 mà họ vẫn đưa ra lý do không tưởng: Chúng tôi đón nhận di tích văn hóa cấp quốc gia rồi; ...Chúng tôi không có chỗ để cất giữ; Khi nào có điều kiện chúng tôi sẽ nhận sau... dù tôi trao hoàn toàn miễn phí”.

Có cần thì chúng tôi mới trao, đó là quan điểm của các thành viên trong nhóm Tâm Phát mà chị Hà là thành viên cũ nhất. Dù rất hạn chế là không biết chữ Hán, không trực tiếp làm công tác văn hóa, nhưng vì quá đam mê nên chỉ cần nhìn qua, chị dễ dàng phân biệt đâu là sắc giả/ thật. Hơn ai hết, nếu vì tiền mà dễ “tơ vương” có khi chị đã giàu to.

Gần đây nhất, ngày 21-4, tại đình thôn Thượng, xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) đã diễn ra lễ đón nhận 19 sắc phong. Trong đó có 8 đạo phong cho ngài Cao Sơn, 8 đạo phong cho ngài Nam Phương và 3 đạo phong cho ngài Đông Phương. Số sắc phong này bị thất lạc là do một nhà sư ở xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) mượn mang đi dịch và không trả lại từ năm 2018. Đến 2020, sau khi xem chuyên mục Người tử tế, trong chương trình Chuyển động 24h, trên kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam nói về nhóm Tâm Phát, Bí thư kiêm trưởng thôn Thượng đã tìm đến gặp chị Hà và nhóm Tâm Phát nhờ tìm kiếm. Với nhiều tác động và áp lực, chị Hà cùng nhóm của mình đã đưa sắc trở lại thôn Thượng, khiến mọi người dân mừng hơn cả “được vàng”.

“Chơi gì thì chơi, không nên chơi sắc phong, phạm đến thánh thần”, và việc trao trả lại hàng trăm sắc phong cho đình, đền của cá nhân chị Hà và nhóm Tâm Phát đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng theo hướng thêm trân quý về một tư liệu lịch sử quý giá và chân thực, một nét văn hóa độc đáo của người Việt.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]