(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mới đây, UNESCO đã trao Bằng công nhận "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho Bộ VH,TT&DL. Đây là sự công nhận truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam. Thanh Hóa là vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời. Trên mảnh đất này, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành và phát triển rực rỡ, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Báo Văn hóa và Đời sống xin giới thiệu loạt bài "Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thanh Hóa", đem đến cho độc giả góc nhìn về sự hình thành, giao thoa, phát triển hưng thịnh của tín ngưỡng thờ Mẫu trong dòng chảy văn hóa xứ Thanh và nét đẹp các di tích cũng như những con người đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh. Với những mong cùng góp tiếng nói để bảo tồn và tiếp tục phát huy vốn văn hóa quý báu này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thanh Hóa (Bài 1): Một góc nhìn về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thanh Hóa

(VH&ĐS) Mới đây, UNESCO đã trao Bằng công nhận "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho Bộ VH,TT&DL. Đây là sự công nhận truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam. Thanh Hóa là vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời. Trên mảnh đất này, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành và phát triển rực rỡ, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Báo Văn hóa và Đời sống xin giới thiệu loạt bài "Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thanh Hóa", đem đến cho độc giả góc nhìn về sự hình thành, giao thoa, phát triển hưng thịnh của tín ngưỡng thờ Mẫu trong dòng chảy văn hóa xứ Thanh và nét đẹp các di tích cũng như những con người đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh. Với những mong cùng góp tiếng nói để bảo tồn và tiếp tục phát huy vốn văn hóa quý báu này.

Xứ Thanh là miền đất cổ hình thành và phát triển cùng với sự trường tồn của đất nước. Xứ Thanh thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với một phức thể văn hóa gồm ba yếu tố: Văn hóa đồng bằng, văn hóa núi và văn hóa biển. Trong đó yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng đóng vai trò chủ đạo, còn yếu tố biển dù cho có nhiều nét khu biệt nhưng vốn là kết quả của sự ứng xử của cư dân nông nghiệp khi họ từ các cửa sông vươn ra biển. Tiếp xúc với Trung Hoa suốt 1.000 năm Bắc thuộc, với Ấn Độ và Chăm pa… bằng cưỡng bức hay giao lưu văn hóa đã đem đến cho xứ Thanh những sắc thái văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng vừa mang tính bản địa rõ nét lại vừa hòa đồng bởi sự phong phú và đặc sắc của cả nước.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một bộ phận của tín ngưỡng thờ thần. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh thì: Tín ngưỡng thờ thần "là tín ngưỡng rất độc đáo của người Việt Nam. Nó xuất phát từ lòng tin là xung quanh người sống, cùng với thế giới hiện hữu của chúng ta, có một thế giới vô hình, ở đó các thần linh ở khắp mọi nơi dõi theo và phù trợ cho thế giới của người sống".

Xuyên suốt trong trường kỳ lịch sử của dân tộc, tới mọi miền quê xứ Thanh từ biển đến đồng bằng hay ngược miền non cao, dù người Kinh hay đồng bào các dân tộc thiểu số đều có tục thờ thần. Theo sách "Thanh Hóa chư thần lục", được biên soạn vào năm Thành Thái thứ mười lăm (1903) được lưu giữ tại Thư viện Hán Nôm Hà Nội (ký hiệu VHv.120), tổng hợp hệ thống những vị thần được thờ ở các di tích đền, miếu thì thờ mẫu thần chiếm số lượng không nhỏ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh nằm trong dòng chảy của văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu với khởi đầu là tôn trọng, sùng bái và gắn bó mật thiết với tự nhiên của cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp (tôn giáo nguyên thủy hồn linh và phiếm thần ẩn trong tín ngưỡng dân gian của người Việt).

Trong tín ngưỡng của người Việt cổ tỉnh Thanh và hiện nay phổ biến và dễ nhận thấy tín ngưỡng thờ các hiện tượng tự nhiên như: Mẹ đất, bà hỏa, bà sét, bà thủy, bà chúa thượng ngàn… diễn ra khá phổ biến.

Do sống trong môi trường rừng núi với nhiều hiểm hoạ của thú dữ, sạt núi, nước lũ dâng trào… để có cuộc sống ổn định, dễ săn bắt hái lượm các sản phẩm từ rừng mang lại cộng đồng cư dân núi đã phải nương nhờ vào thế lực và sức mạnh của các vị nhiên thần được biểu hiện qua hình tượng Mẹ Núi, Bà chúa Thượng Ngàn chở che và giúp đỡ họ để tồn tại giữa đại ngàn mênh mông, bí ẩn. Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục” ở tỉnh Thanh có tới 98 nơi thờ Bà chúa Thượng Ngàn - thần cửa rừng.

Từ non cao theo dòng Mã giang tiến xuống đồng bằng, từ phương thức săn bắn, hái lượm họ chuyển sang canh tác lúa nước, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Muốn có được hạt lúa, củ khoai họ phải “trông trời trông đất trông mây/ trông mưa trông gió trông ngày trông đêm”; sùng bái các hiện tượng tự nhiên: mây, mưa sấm chớp gắn với tục thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, PhápLôi, Pháp Điện, thờ Thiên Lôi tôn thần; thờ nước - cô Bơ, mẫu Thoải, Thủy Tinh công chúa; thờ mẹ đất - mẫu Địa… cho mưa thuận gió hòa để cây trồng, vật nuôi tươi tốt.

Từ đồng bằng vươn ra chiếm lĩnh biển khơi, đứng trước biển và mênh mông biển cả, người Việt cổ xứ Thanh đã nương nhờ vào các vị thần biển: Bà Triều, Mẫu Thoải và Thờ Tứ vị Thánh nương...giúp cho nghề chài lưới ra khơi vào lộng được bình yên, để khoang đầy cá nặng, no ấm đến với muôn nhà. Riêng tục thờ Tứ vị Thánh nương ở các làng cửa sông, ven biển và cả trong đất liền có tới 94 làng thờ.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.(Ảnh: T.H)

Xứ Thanh từ xưa cho tới nay là một trong những miền đất in dấu ấn sâu đậm của Đạo Mẫu. Nếu như tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện sớm và khá phổ biến ở nước ta thì tín ngưỡng thờ Mẫu ở tỉnh Thanh cũng phổ biến và đa dạng như thờ mẹ Âu Cơ sinh ra con dân đất Việt, Mẫu Thượng Ngàn khởi đầu là Mẹ rừng cây, rồi tiếp đó được dân gian gắn cho Mẫu chính là Công Chúa La Bình - Con Thần Tản Viên cai quản 81 cửa rừng cõi Nam Giao. Đối với xứ Thanh không chỉ gọi bà là Thần, là Chúa mà đều tôn làm Mẹ. Sắc phong của các triều đình gọi là Công chúa, nhưng nhân dân tôn bà là Mẫu, gọi cung kính là Mẫu Thượng Ngàn, thờ bà khắp hang động núi non. Mẫu Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thoải ở miền nước, Mẫu Địa - đất mẹ phì nhiêu, Mẫu Liễu Hạnh - Mẫu nghi thiên hạ...

Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ hướng tới bà mẹ thiên nhiên mà còn được lịch sử hóa như Bà Triệu, các vị Quốc Mẫu thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…có công sinh thành và nuôi dạy các vị quân vương trị vì đất nước.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có thời gian dài được đề cao trong tâm thức dân gian “lệnh ông không bằng cồng bà” và cho rằng xuất phát từ thời Bà Triệu với sức mạnh của tiếng cồng hiệu triệu muôn dân đánh đuổi giặc Ngô.

Nếu Phủ Giầy (Nam Định) là nơi phát tích của Mẫu Liễu Hạnh thì tỉnh Thanh là địa phương có “đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh” (phường Bắc Sơn, TX Bỉm Sơn), nơi Liễu Hạnh giáng trần và quy y Phật, đây cũng chính là danh tích diễn ra “trận chiến Sòng Sơn” giữa Mẫu Liễu với Nội đạo An Đông thời Lê Trung Hưng. Sòng Sơn là một trong số ít đền thờ mẫu linh thiêng, thu hút đông đảo người dân trong Nam, ngoài Bắc và cả Việt kiều quanh năm tới chiêm bái, ghi ơn Thánh Liễu, một trong Tứ bất tử. Cùng với đền Sòng nổi tiếng, các điểm thờ: Phố Cát (Thạch Thành), Phủ Na (Như Thanh), Cửa Đạt (Thường Xuân), đền Đá Ngang (Tĩnh Gia)… xuân thu nhị kỳ thu hút nhiều người tới lễ bái, ngoài ra trên đất Thanh còn có 48 điểm thờ Liễu Hạnh - Mẫu nghi thiên hạ.

Tục thờ Mẫu là nét văn hóa đặc trưng, phổ biến, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt nói chung và xứ Thanh nói riêng. Tục thờ này khởi đầu từ thời kỳ mẫu hệ. Trong điện thờ Mẫu thường xuất hiện ba pho tượng: Một thần nữ mặc áo xanh tượng trưng cho mẹ trời, một thần nữ mặc áo vàng tượng trưng cho mẹ đất, một thần nữ mặc áo trắng tượng trưng cho mẹ nước. Trời, đất và nước là nguồn gốc của sự sống. Từ thuở sơ khai, sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, con người tôn vinh rừng cây như một vị thần hộ mệnh. Tới khi rời núi rừng, con người lại men theo các khe suối lớn để săn bắt cá, tiến ra dòng sông và tràn xuống đồng bằng, biết dựa vào sông nước đất đai để tỉa lúa trồng ngô chủ động nguồn lương thực. Nương tựa và tri ân các đối tượng liên quan đến đời sống, người xưa đã tôn vinh tự nhiên và thành kính gọi các đối tượng đó là Mẫu, là Mẹ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (trời, đất, sông nước, rừng cây...) và còn thờ những người phụ nữ tài giỏi hơn người, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho nhân khang, vật thịnh.

Tục thờ ba Mẫu trời, nước và đất gọi là thờ Tam phủ với Tam toà Thánh Mẫu dùng để chỉ hệ thống sáng tạo vũ trụ gồm 3 vị Thánh Mẫu cai quản 3 miền vũ trụ là Mẫu Thượng Thiên (còn gọi là Mẫu Đệ Nhất) - cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị) - cai quản miền rừng núi, Mẫu Thủy (gọi chệch là Mẫu Thoải - còn gọi là Mẫu Đệ Tam) - cai quản miền sông nước. Về sau tín ngưỡng này, không những đáp ứng nhu cầu về tâm linh của con người mà còn phải thỏa mãn nhu cầu về tri thức của người Việt nên tục thờ Mẫu được bổ sung thêm một Mẫu để nhớ về cội nguồn tổ tiên của dân tộc, đó là mẫu Liễu Hạnh. Thế nên trong các nơi thờ Mẫu, ngoài ba vị trên đã có thêm một vị mặc áo đỏ đứng phía trước, và tục thờ Tam phủ trở thành Tứ phủ. Đạo Mẫu thờ Tứ phủ là thờ bốn mẹ: Mẹ Trời - Mẫu Thượng thiên, mẹ đất - Mẫu Thượng Ngàn, mẹ nước - Mẫu Thoải và mẹ người - Mẫu Liễu Hạnh.

TS. Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]