(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng đất Kẻ Neo thuộc tổng Bất Náo, nay là xã Bắc Lương (Thọ Xuân) là nơi đất lành chim đậu. Cách đây hơn một nghìn năm về trước, người Việt cổ đã di cư đến đây để khai phá đất đai, sinh cơ lập nghiệp, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư đông đúc, giao thương, buôn bán tấp nập. Và ngày nay, trong sự phát triển của làng quê nông thôn, Bắc Lương đang nỗ lực trở thành miền quê đáng sống.

Trong không gian văn hóa đất cổ Kẻ Neo

Vùng đất Kẻ Neo thuộc tổng Bất Náo, nay là xã Bắc Lương (Thọ Xuân) là nơi đất lành chim đậu. Cách đây hơn một nghìn năm về trước, người Việt cổ đã di cư đến đây để khai phá đất đai, sinh cơ lập nghiệp, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư đông đúc, giao thương, buôn bán tấp nập. Và ngày nay, trong sự phát triển của làng quê nông thôn, Bắc Lương đang nỗ lực trở thành miền quê đáng sống.

Trong không gian văn hóa đất cổ Kẻ NeoDiện mạo làng quê nông thôn mới Bắc Lương.

Theo cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ (sách địa chí huyện Thọ Xuân): “Neo là Nêu do phát âm chệch mà ra. “Nêu” chính là cây nêu dùng làm cọc tiêu để choán đất, để biểu thị rằng đất này đã có chủ… Căn cứ vào cây tiêu, cọc tiêu (cây nêu, cọc nêu) đã cắm, phần ai của người ấy, không được xâm chiếm của nhau, kẻ đến sau nhìn thấy cây nêu, cọc nêu biết ngay là đất đai đã có chủ… Con số 18 làng Neo là có thật, nay thuộc các xã phía Đông huyện lỵ Thọ Xuân… và Bắc Lương là trung tâm. Bắc Lương còn lưu lại nhiều dấu tích đậm đặc nhất như: đồng Neo, chợ Neo, cầu Neo. Rồi những làng mang tên Neo mà hiện nay nhiều cụ còn nhớ như Neo Thượng, Neo Trung, Neo Nhuế, Neo Nun…”.

Còn theo tài liệu lưu giữ tại địa phương cũng như lời kể của các cụ cao niên trong làng kể lại, cư dân Kẻ Neo (Bắc Lương) nguyên xưa là người Việt cổ phía Bắc, do di tán từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã tụ tập về đây. Sau nhiều người thấy đây là vùng đất tốt lành đã lần lượt kéo nhau về, chủ yếu là từ Hà Đông, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), Hà Nam, Hải Dương. Trong kháng chiến chống Pháp, người dân ở khu 3 như Nam Định, Ninh Bình và một số tỉnh phía Nam như Bình Định, Thừa Thiên - Huế tản cư về ở… Đến thời điểm hiện tại, ở Bắc Lương có đến 45 dòng họ cùng quần cư sinh sống, trong đó dòng họ Lê Đình, Lê Đức, Trịnh Khắc, Lê Hữu… là những dòng họ đầu tiên đến đây. Cũng chính bởi đến từ nhiều địa phương khác nhau, nên người dân Kẻ Neo từ xa xưa vốn đã năng động trong công cuộc mưu sinh. Ngoài trồng lúa nước, người dân còn biết nhiều nghề phụ, lại giỏi việc đan lát, bán buôn.

Trong đó, nghề truyền thống bện thừng, đan cót ở Kẻ Neo nổi tiếng khắp vùng, sản phẩm không chỉ cung cấp cho người dân huyện Thọ Xuân mà còn được tiêu thụ rộng rãi ở các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa… Đến nay, trong dân gian địa phương còn lưu truyền câu ca: “Thứ nhất thừng chão Kẻ Neo/ Thứ nhì đồ đồng kẻ Rị”, hay “Yêu nhau từ thuở đánh thừng/ Trăm chắp, ngàn nối xin đừng quên nhau”.

Từ nhiều thế kỷ trước, Kẻ Neo (Bắc Lương) đã là trung tâm buôn bán sầm uất. Chợ lớn nằm giữa các làng Neo nên người dân thường gọi chợ Neo. Khi xưa, chợ thường họp vào các ngày chẵn với đầy đủ các mặt hàng của thương nhân cũng như người dân khắp nơi mang về đây trao đổi, bán mua. Lý giải cho sự sầm uất của Kẻ Neo, sách Lịch sử xã Bắc Lương viết: “Là vùng đất trung tâm của 18 xứ Neo với 4 làng cổ: Neo Thượng, Neo Hạ, Neo Trung và Neo Nun được thiên nhiên ưu đãi, đồng ruộng bằng phẳng phì nhiêu, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, khí tiết mát lành và ba yếu tố để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội là cận giang (gần sông), cận lộ (gần đường) và cận chợ”.

Đến thời điểm hiện tại, Kẻ Neo gồm 4 làng nhỏ: Mỹ Lý Thượng, Mỹ Lý Hạ, Trung Thôn và Nhuế Thôn, mỗi làng lại có thần tích về lịch sử hình thành khác nhau.

Trong đó, theo truyền thuyết và gia phả dòng họ Lê Trọng ở Mỹ Lý thì làng hình thành vào đầu thế kỷ XI. Khi đó, có ông Lê Lam (già Lam) đem gia quyến đến vùng đất Mỹ Lý ngày nay khai hoang lập ấp. Ban đầu chỉ có 5, 7 hộ quần tụ sinh sống trên rẻo đất cao để thuận lợi cho trồng lúa nước, hoa màu. Đến thời hậu Lê, làng được đặt tên là Mỹ Lý và già Lam được triều đình nhà Lê sắc phong Bản thổ Thành hoàng. Người dân Mỹ Lý luôn tự hào về truyền thống học hành, đỗ đạt và làm quan của cha ông xưa. Vào thời Lê, Mỹ Lý có đến 3 người được phong Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu.

Trong không gian văn hóa đất cổ Kẻ NeoDi tích cấp tỉnh đình làng Mỹ Lý Hạ với kiến trúc gỗ bên trong được giữ gìn khá nguyên vẹn.

Là vùng đất cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, dễ hiểu vì sao các làng ở Kẻ Neo hàng trăm năm trước đều có sự hiện hữu của đầy đủ các loại hình kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo. Đáng tiếc, trải qua thời gian, đến nay một số di tích (chùa, nghè) chỉ còn lại nền móng . Tuy nhiên, điều may mắn, tại đây hiện còn lưu giữ một số đình làng với nét kiến trúc cổ xưa. Trong đó, có thể kể đến di tích lịch sử văn hóa đình làng Mỹ Lý Hạ được khởi dựng dưới thời Nguyễn, kiến trúc 5 gian đến nay còn lại khá nguyên vẹn. Đình vừa là nơi thờ Thành hoàng làng (già Lam), đồng thời diễn ra việc hội họp, sinh hoạt văn hóa, tập hợp sức mạnh đoàn kết của người dân trong làng. Cùng với đình làng Mỹ Lý Hạ, di tích đình làng Trung Thôn cũng là công trình kiến trúc chứa đựng nhiều tâm huyết của người xưa. Ông Lê Doãn Thành, trưởng làng văn hóa Mỹ Lý Hạ tự hào: “Từ xa xưa, làng Mỹ Lý Hạ (Mỹ Lý) nói riêng, Kẻ Neo nói chung đã được biết đến là nơi “đất lành”. Theo đó, cha ông xưa đã cùng nhau gây dựng cơ nghiệp trên vùng đất này. Để đến hôm nay, từng địa danh, từng di tích đều chứa đựng công sức, tâm huyết của người xưa. Cùng với Nhân dân cả xã, người dân làng Mỹ Lý không chỉ cố gắng giữ gìn văn hóa cha ông, mà còn nỗ lực để xây dựng quê hương ngày một phát triển”.

Về xã Bắc Lương hôm nay, trong sự phát triển của xã nông thôn mới (NTM), thật may khi ta vẫn “bắt gặp” ở đây những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ. Trong không gian làng quê thanh bình, yên ả, những di tích đình làng cổ kính như điểm nhấn giá trị cho “bức tranh” NTM ở Bắc Lương. Ông Lê Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bắc Lương, cho biết: “Bắc Lương hiện có 4 làng văn hóa với 6 thôn. Đầu năm 2022, Bắc Lương đã được công nhận là xã NTM . Cảnh quan, đường sá, khu vui chơi, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp… Kẻ Neo xưa - Bắc Lương hôm nay thực sự là miền quê đáng sống”.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]