(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ “cháy thành vạ lây” đến “ao cá lửa thành”

Từ “cháy thành vạ lây” đến “ao cá lửa thành”

Từ “cháy thành vạ lây” đến “ao cá lửa thành”

“Thực là bởi tại phú ông

Chúng tôi quả thực cháy thành vạ lây”.

(Tống Trân Cúc Hoa)

“Ở hiền sao chẳng gặp lành,

Nhân vì một sự cháy thành vạ lây”.

(Bà Chúa Ba)

“Cháy thành vạ lây” nghĩa là gì?

Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TPHCM - 2010) giải thích: “Thành hễ bị cháy thì (những kẻ sống quanh đó) tất bị vạ lây. Hay dùng để than phiền về tình cảnh hay chịu vạ lây khi phải sống gần các cuộc giao tranh lớn”.

Lời giải thích trên đây có thể tạm chấp nhận được. Sở dĩ nói “tạm chấp nhận được”, là bởi cách giảng nghĩa của từ điển hơi hẹp. Điều đáng nói là đến dị bản đồng nghĩa “Ao cá lửa thành”, thì tác giả từ điển lại không hiểu và xếp câu này vào diện “chưa rõ nghĩa” !

Thực ra, Cháy thành vạ lây, Ao cá lửa thành, Lửa thành ao cá, hay Thành môn ngư ương , chính là dạng rút gọn của Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư

Tương truyền, thời Xuân Thu, Trì Trọng Ngư người nước Tống, nhà ở gần cửa thành. Một lần thành bị hỏa tai, lửa lan rộng sang nhà họ Trì, khiến Trọng Ngư bị chết cháy. Và Trì Ngư ở đây chính là Trì Trọng Ngư. Lại có thuyết cho rằng trì

ngư đơn giản chỉ có nghĩa là ao cá

(trì = ao; ngư ‹› = cá). Tống thành bị hỏa hoạn, người ta đổ xô đi múc nước chữa cháy, khiến cho ao chuôm gần đó bị cạn, cá tôm chết khô cả. Về sau, câu Thành môn ngư ương hay Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư, ví với trường hợp không có liên quan gì đến sự việc nhưng lại phải chịu họa hại (tham khảo Hán ngữ đại từ điển - La Trúc Phong chủ biên - Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã - 1993).

Trong hai dị bản trên, thì dị bản “trì ngư” với nghĩa “ao cá” đắt hơn so với nghĩa Trì Ngư là Trì Trọng Ngư - tên người. Bởi vì nhà ở gần cửa thành, lửa cháy lan sang, thì việc Trọng Ngư bị chết cháy là chuyện thường. Trong khi “trì ngư” (cá ở dưới ao), lửa không hề lan tới mà vẫn bị vạ lây mới đúng là chuyện tai bay vạ gió.

Trở lại với cách giảng của Từ điển tục ngữ Việt. Câu “Cháy thành vạ lây” mà giảng là “Hay dùng để than phiền về tình cảnh hay chịu vạ lây khi phải sống gần các cuộc giao tranh lớn”, là hơi hẹp về nghĩa. Bởi vì, khi hiểu theo nghĩa bóng, thì câu tục ngữ không dứt khoát phải gắn với hỏa hoạn, hay chiến tranh, mà nó được vận dụng để ví tất cả những trường hợp bị tai bay vạ gió một cách bất ngờ và oan uổng.

Mẫn Nông



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]