(vhds.baothanhhoa.vn) - Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nghè Vích tọa lạc tại làng Y Bích, xã biển Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Nghè thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương, là một trong những “địa chỉ” tín ngưỡng tâm linh quan trọng trong đời sống của người dân vùng biển.

Về Hải Lộc thăm nghè thờ tứ vị Thánh nương

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nghè Vích tọa lạc tại làng Y Bích, xã biển Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Nghè thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương, là một trong những “địa chỉ” tín ngưỡng tâm linh quan trọng trong đời sống của người dân vùng biển.

Về Hải Lộc thăm nghè thờ tứ vị Thánh nương

Năm 2018 di tích lịch sử văn hóa nghè Vích được tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa.

Tục thờ tứ vị Thánh nương phổ biến ở nhiều làng ven biển của người Việt. Trong đời sống tâm linh của ngư dân ven biển nói chung, vùng biển Hậu Lộc nói riêng, tứ vị Thánh nương được tôn vinh là vị thần bảo trợ, giúp đỡ ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, để thuyền bè ra khơi vào lộng được bình an.

Về Hải Lộc thăm nghè thờ tứ vị Thánh nương

Bốn cột nanh cổ bằng đá hiện còn được lưu giữ phía trước nghè Vích (ngoài đê).

Về huyền tích tứ vị Thánh nương, cư dân các làng biển cho rằng, đó chính là hoàng hậu và các công chúa nhà Nam Tống. Vì gặp nạn nên phải trầm mình xuống biển. Xác bốn mẹ con theo sóng biển trôi về phương Nam, xuống khu vực nay là đền Cờn (Nghệ An) thì được ngư dân phát hiện và thương tình chôn cất cẩn thận, lập đền thờ, về sau hiển linh. Tương truyền, vua nhà Trần trên đường đánh dẹp giặc Chiêm Thành, đêm dừng nghỉ tại đây thì mộng thấy vị nữ thần hiện ra tự xưng là Hoàng hậu nhà Tống, sau khi “thác” được Thượng đế phong cho là thần biển nơi đây, nay thấy nhà vua đi đánh giặc nguyện xin được phù trợ giúp đỡ. Quả nhiên, trận chiến ấy vua quân nhà Trần đại thắng trở về. Không quên nữ thần giúp đỡ, nhà vua đã sắc phong cho thần, đồng thời sắc ban cho người dân ở các cửa lạch thờ tứ vị Thánh nương.

Về Hải Lộc thăm nghè thờ tứ vị Thánh nương

Nghè Vích nằm gần cửa Lạch Trường, phía trước là dãy núi Linh Trường kéo dài.

Theo người dân Hải Lộc, đền thờ tứ vị Thánh nương có từ xa xưa vốn chỉ lợp tranh tre nứa lá. Về sau, Lê Doãn Giai (người đầu tiên của làng Y Bích đỗ đại khoa) đóng góp tiền bạc cùng với Nhân dân xây dựng nên nghè thờ bằng gạch ngói quy mô lớn với ba cung. Nghè nằm ở cuối làng Y Bích, ngay gần cửa Lạch Trường.

Về Hải Lộc thăm nghè thờ tứ vị Thánh nương

Bao đời qua, nghè Vích vẫn là “điểm tựa” tâm linh cho người dân địa phương.

Trước nghè là bốn cột nanh đá được chạm khắc công phu, tinh xảo. Tuy nhiên, thời gian và quá trình biển xâm thực khiến nghè Vích phải “lùi” vào trong. Năm 2018, bằng nguồn xã hội hóa, nghè Vích đã được tôn tạo khang trang bên trong đê, phía trước nghè vẫn là bốn cột nanh đá xưa kia.

Về Hải Lộc thăm nghè thờ tứ vị Thánh nương

Một trong số các hiện vật bên trong nghè Vích.

Ngoài cột nanh đá, tại nghè Vích hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, như: Tượng gỗ, long khám, thần vị, hương án, mâm bồng, hạc chầu, đôi câu đối cổ… cùng với đó là 22 đạo sắc phong, trong đó có 17 đạo sắc thời Lê.

Về Hải Lộc thăm nghè thờ tứ vị Thánh nương

Tại nghè Vích hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ giá trị.

Hàng trăm năm qua, vào ngày 12 tháng 6 (âm lịch) Nhân dân địa phương vẫn duy trì tổ chức lễ hội nghè Vích với sự thành kính và niềm tin tâm linh gửi gắm. Bà Nguyễn Thị Lộc, người trông coi nghè Vích cho biết: “Di tích nghè Vích là “điểm tựa” tinh thần - tâm linh cho người dân. Với niềm tin tín ngưỡng bao đời, ngoài dịp lễ hội, khi người dân trong vùng có việc hệ trọng thì đều ra nghè thành tâm khấn nguyện để mong được thần linh phù trợ và đó cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống”.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]