(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu như Lam Kinh được ví như “kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê thì Vạn Lại - Yên Trường chính là “kinh đô kháng chiến” trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Hơn 400 năm trước, vùng đất bên dòng sông Chu của xứ Thanh - “cửa ngõ” nối liền đồng bằng sông Chu bao la với núi đồi trùng điệp phía Tây đã “chứng kiến” một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử dân tộc... Về Vạn Lại - Yên Trường, một không gian với những dấu tích còn sót lại vẫn khiến lòng người không khỏi suy tư.

Về thăm Vạn Lại - Yên Trường

Nếu như Lam Kinh được ví như “kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê thì Vạn Lại - Yên Trường chính là “kinh đô kháng chiến” trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Hơn 400 năm trước, vùng đất bên dòng sông Chu của xứ Thanh - “cửa ngõ” nối liền đồng bằng sông Chu bao la với núi đồi trùng điệp phía Tây đã “chứng kiến” một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử dân tộc... Về Vạn Lại - Yên Trường, một không gian với những dấu tích còn sót lại vẫn khiến lòng người không khỏi suy tư.

Về thăm Vạn Lại - Yên TrườngHiện vật voi và ngựa đá của kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường được lưu giữ trên địa bàn xã Thuận Minh.

Từ sự suy yếu của một vương triều thịnh trị

Vương triều Hồ dù nỗ lực cải cách nhưng đã không được lòng người ủng hộ dẫn đến đại bại, quốc gia Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh phương Bắc. Nơi núi rừng Lam Sơn, Bình Định Vương Lê Lợi đã thu hút, hội tụ anh tài bốn phương đồng tâm hiệp lực, dựng cờ khởi nghĩa. Sau 10 năm nếm mật nằm gai, dưới sự lãnh đạo của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, non sông gấm vóc đã sạch bóng giặc ngoại xâm, vương triều Hậu Lê được thành lập - mở ra trang sử mới cho quốc gia, dân tộc.

Nếu vua Lê Thái tổ là người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập dựng vương triều Hậu Lê, thì các triều vua kế cận đã không ngừng củng cố, xây dựng quốc gia Đại Việt hùng mạnh. Trong đó, vua Lê Thánh tông vẫn được sử sách ngợi ca là vị vua anh minh xuất chúng. Dưới sự trị vì của ngài, không chỉ cương thổ được mở rộng, mà vị thế quốc gia cũng thực sự vươn tầm. Tuy vậy, thịnh rồi suy dường như đã là quy luật tất yếu. Nhà Hậu Lê (Lê Sơ) sau thời gian dài thịnh trị phát triển đã không tránh khỏi dấu hiệu suy yếu. Càng về cuối thời Lê Sơ, các vị vua nối nghiệp thay vì chăm lo việc triều chính, phát triển đất nước thì lại thích phỉnh nịnh, ăn chơi sa đọa, quan lại trong triều tranh giành quyền lực, chia bè phái khiến đất nước rơi vào loạn lạc, đời sống Nhân dân lầm than.

Dưới sự cai trị của vua Lê Uy Mục và Lê Tương Dực bốn bể khốn cùng, lòng người oán hận; vua Lê Chiêu tông kế nghiệp kém tài khiến vận nước suy lại càng suy, lòng dân ngày thêm bất bình... Bên ngoài thì các quốc gia lân bang dòm ngó, bên trong quyền thần tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau đẩy binh lính và dân thường vô tội vào những cuộc binh biến tàn khốc, loạn lạc khắp nơi. Lúc bấy giờ, Mạc Đăng Dung - quan đại thần được vua Lê tin tưởng đã từng bước nắm trọn quyền hành trong tay. Trong giai đoạn này, vua Lê chỉ là bù nhìn, mọi quyền binh đều ở trong tay vị quan đại thần họ Mạc.

Theo sử liệu, ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), từ đất Cổ Trai, Mạc Đăng Dung đã dẫn theo binh lính vào kinh, dùng uy quyền và sức mạnh uy hiếp nhà vua phải nhường ngôi báu. Sau khi xưng hoàng đế, đổi niên hiệu Minh Đức, Mạc Đăng Dung đã giáng vua Lê xuống làm Cung vương, bắt giam vua cùng hoàng thái hậu, sau đó buộc hai người tự tử.

Đến “kinh đô kháng chiến” Vạn Lại - Yên Trường

Sau khi chiếm ngôi nhà Lê, để tránh hậu họa, Mạc Đăng Dung đã cho người lùng sục khắp nơi để truy lùng, bắt giết con cháu nhà Lê cùng những quyền thần trung thành. Lúc bấy giờ, An Thanh Hầu Nguyễn Kim là bề tôi trung thành của nhà Lê đã chạy sang Ai Lao tránh nạn. Ông được vua nước Ai Lao che chở, giúp sức và cấp đất ở. Từ đây, ông từng bước chiêu mộ tướng lĩnh trung thành với nhà Lê, đồng thời ngầm cho người lần tìm con cháu họ Lê phiêu tán để lập lên ngôi vua, mưu tính sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.

Trong thời gian khoảng 7 năm, với sự giúp sức của vua nước Ai Lao, Nguyễn Kim đã xây dựng lực lượng, chuẩn bị lương thảo, từng bước trấn giữ một số khu vực hiểm yếu ở biên giới hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An (ngày nay). Đến năm 1533, An Thanh Hầu Nguyễn Kim tìm được hậu duệ của nhà Lê để đưa lên ngôi vua. Sự nghiệp Trung hưng nhà Lê chính thức bắt đầu. Và Nguyễn Kim được tôn làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công chưởng nội ngoại sự.

Khi sự nghiệp Trung hưng nhà Lê đang được Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim dốc lòng phò tá thì ông bị kẻ trá hàng Dương Chấp Nhất hãm hại. Từ đây, toàn bộ binh quyền được giao lại cho con rể là Lạng quốc công Trịnh Kiểm. Năm 1546, sau 13 năm vua Lê Trang tông lên ngôi, Trịnh Kiểm quyết định chọn đất Vạn Lại (nay là xã Thuận Minh, Thọ Xuân) để xây dựng “kinh thành kháng chiến” chống nhà Mạc. Lúc bấy giờ, hào kiệt khắp nơi như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Hoàng Đình Ái... với tấm lòng hướng về nhà Lê đã không quản đường xa hiểm nguy để tìm về đất Vạn Lại.

Vùng đất Vạn Lại khi xưa được xem như đất “phên dậu” của hương Lam Sơn, là nơi tập trung nhân tài, vật lực cho khởi nghĩa Lam Sơn. Đây cũng được xem là “cửa ngõ” ra vào Lam Kinh bằng cả đường thủy, bộ. Nơi đây nối liền đồng bằng sông Chu, sông Cầu Chày bao la tốt tươi với những dãy núi thấp, cao trùng điệp của miền Tây xứ Thanh tới tận biên giới Ai Lao.

Nằm liền kề Vạn Lại là Yên Trường (ngày nay thuộc xã Thọ Lập, Thọ Xuân) nằm trong vùng đất “Tiền tam yên, hậu ngũ phúc”. Khác với Vạn Lại đồi núi cao, Yên Trường chủ yếu là đồi gò thấp, đan xen ao hồ. Vạn Lại - Yên Trường tuy hai nhưng là một. Bởi vì, Vạn Lại và Yên Trường do sự liền kề của các vách, các tầng lớp khoáng vật của địa chất tạo thế liên kết, liên hoàn ngầm trong lòng đất (cùng chung một long mạch). Nhìn về góc độ phong thủy cho thấy: Vạn Lại ở thế cao hơn, đây là thế dựa... còn Yên Trường ở thế thấp hơn nhưng thoáng rộng, tạo ra thế minh đường tích thủy của kinh thành Vạn Lại, lấy sông Chu làm án. Những yếu tố này đã tạo cho kinh thành Vạn Lại có tính chính diện và chiều sâu... để cấu thành một kinh thành Vạn Lại - Yên Trường liên hoàn vững chắc. Vậy nên nhà Mạc đã nhiều lần mở các cuộc tiến công lớn vào kinh thành Vạn Lại - Yên Trường nhưng chưa lần nào đặt chân được vào vùng đất hiểm địa linh (Theo sách “Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường”).

Việc di dời “kinh đô” cũng diễn ra nhiều lần ngay tại vùng đất Vạn Lại - Yên Trường. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép: Từ năm Bính Ngọ (1546) đến năm Quý Sửu (1553) ở Vạn Lại; từ tháng 6 năm Quý Sửu (1553) đến tháng 4 năm Canh Ngọ (1570) di dời về Yên Trường; từ tháng 5 năm Canh Ngọ (1570) đến tháng 8 năm Đinh Sửu (1577) di dời về Vạn Lại; từ tháng 9 năm Đinh Sửu (1577) đến tháng 6 năm Mậu Dần (1578) di dời về Yên Trường; từ tháng 7 năm Mậu Dần (1578) đến tháng 3 năm Quý Tỵ (1593) ở Vạn Lại cho đến khi vua di dời ra kinh thành Thăng Long.

Trong khoảng thời gian gần 50 năm đóng vai trò là kinh đô kháng chiến của nhà Lê Trung hưng, trên vùng đất Vạn Lại - Yên Trường đã bao lần diễn ra những trận chiến ác liệt của cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều giữa Lê - Trịnh với nhà Mạc.

Theo sách Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (NXB Thanh Hóa, 2021): “Hành điện Vạn Lại được dựng lên trên dáng đất hình quốc ấn, với một triều đình Trung hưng uy nghiêm, có đầy đủ bá quan văn, võ điều hành cuộc chiến, đánh lui quân Mạc, chiếm lại kinh thành Thăng Long, tiêu diệt nhà Mạc, lấy lại đất nước cho nhà Lê sau hơn sáu mươi năm bị nhà Mạc tiếm ngôi”.

Gần nửa thế kỷ “chứng kiến” những biến động lịch sử với 4 đời vua Lê, Vạn Lại - Yên Trường đóng vai trò quan trọng và ý nghĩa với sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, cũng như lịch sử dân tộc. Tuy nhiên đến nay, trải qua hơn 4 thế kỷ, kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường giờ đây chỉ còn ít ỏi những dấu tích, hiện vật và địa danh, nhưng tất cả cũng đã bị “giăng mắc” bởi lớp “màn” thời gian. Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: “Vạn Lại - Yên Trường mang đầy đủ yếu tố của một kinh đô. Đáng tiếc, đến nay dấu tích của kinh đô kháng chiến thời Lê Trung hưng chỉ còn lại ít ỏi, đây là “bài toán” thực sự rất khó cho việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích. Tuy vậy, khó vẫn cần phải “giải”. Thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn và các nhà nghiên cứu biên soạn sách và tổ chức hội thảo, bước đầu “khẳng định” giá trị của di tích”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]