(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhận xét về bậc danh sĩ xứ Thanh Nguyễn Văn Nghi, nhà bác học thời Nguyễn Phan Huy Chú trong bộ sách nổi tiếng Lịch triều hiến chương loại chí đã không tiếc lời ngợi ca: “Ông là bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, sự nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung hưng”.

Vị danh sĩ xứ Thanh được “ba vua tri ngộ”

Nhận xét về bậc danh sĩ xứ Thanh Nguyễn Văn Nghi, nhà bác học thời Nguyễn Phan Huy Chú trong bộ sách nổi tiếng Lịch triều hiến chương loại chí đã không tiếc lời ngợi ca: “Ông là bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, sự nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung hưng”.

Vị danh sĩ xứ Thanh được “ba vua tri ngộ”Cổng vào Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền thờ Nguyễn Văn Nghi cổ kính, thâm nghiêm.

Làng Cổ Bôn nay là xã Đông Thanh (Đông Sơn) được biết đến là một trong những vùng đất học nổi tiếng của xứ Thanh với nhiều người đỗ đạt, tên tuổi ghi danh bảng vàng, sự nghiệp lưu danh sử sách. Trong đó, Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi (1525 - 1595) được biết đến là thầy dạy ba vua.

Khác với nhiều bậc danh nho trong lịch sử phong kiến, Nguyễn Văn Nghi sinh ra trong một gia đình “danh gia vọng tộc” thời bấy giờ. Ông nội (Nguyễn Uyên) làm tri huyện, được gia phong Thái bảo; thân phụ (Nguyễn Tứ) làm Tham nghị Thái Nguyên, được phong Thái bảo. Từ nhỏ, Nguyễn Văn Nghi (tự là Ấp Thanh) đã nổi tiếng thông minh sáng dạ lại chăm chỉ miệt mài đèn sách để nuôi chí lớn, tiếp nối truyền thống gia tộc.

Năm Giáp Dần (1554) đời vua Lê Trung Tông, triều đình mở khoa thi chọn nhân tài, Nguyễn Văn Nghi đỗ đệ nhất giáp chế khoa (Bảng Nhãn) được bổ nhiệm làm quan trong triều. Cũng từ đây, sự nghiệp quan trường của ông bắt đầu thăng hoa.

Là người tài đức vẹn toàn, ông được nhà vua rất mực quý trọng. Theo sử liệu, khi mới làm quan trong triều đình, ông giữ chức Hiệu lý Viện Hàn Lâm. Sau đó, Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm (người có uy quyền cực lớn trong triều đình lúc bấy giờ) thấy ông “tính đoan chính, cẩn thận, có khuôn phép” (Phan Huy Chú) nên thường xuyên gọi vào hầu giảng cho nhà vua (vua Lê Trung Tông sinh năm 1549, khi đó còn nhỏ). Sau khi vua Lê Trung Tông mất, Lê Anh Tông lên ngôi, Nguyễn Văn Nghi lại được vào giảng bài. Dưới đời vua Anh Tông, Nguyễn Văn Nghi giữ chức Hộ khoa cấp sự trung kiêm quản lý tài chính. Sau đó giữ chức Đông các hiệu thư, rồi được cử làm Tham chính Nghệ An, vài năm sau ông trở về triều giữ chức Tả thị lang Bộ Lại. Năm 1570, Nguyễn Văn Nghi đã được thăng chức Tuyên lực công thần, Đông các học sĩ, tước Phúc Ấm bá.

Khi Hoàng tử Duy Đàm (con trai vua Lê Anh Tông) lên ngôi khi mới 6 tuổi (tức vua Lê Thế Tông), Nguyễn Văn Nghi giữ chức Tả Thị lang Bộ Binh, Tổng ký lực kiêm Tư quân vụ chính dinh. Đến năm 1580, ông lại được đổi sang làm Tả Thị lang Bộ Lại, nhập thị Kinh Diên kiêm Đông các học sĩ. Lúc bấy giờ, vua Lê Thế Tông còn trẻ đã được danh thần Nguyễn Văn Nghi dày công giảng dạy, trau dồi kiến thức để về sau trở thành một trong những vị vua có công khôi phục cơ nghiệp nhà Hậu Lê. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét về vua Lê Thế Tông, đã viết: “Vua tuổi còn thơ ấu, tin dùng huân thần, nên dẹp yên được kẻ tiếm nghịch, khôi phục được cơ nghiệp cũ, làm nên thái bình. Công Trung hưng còn gì lớn hơn thế”.

Dốc lòng bồi đắp, giảng dạy cho vua trẻ với mong muốn đất nước hưng thịnh, thái bình, dù ở đỉnh cao danh vọng song không vì thế mà quan đại thần Nguyễn Văn Nghi lộng quyền, nảy sinh tham vọng. Bởi vậy, nhắc đến ông, hậu thế nhớ đến vai trò của một thầy dạy ba vua, con người tài đức vẹn toàn, nhân cách hiếm có, như lời ngợi ca của nhà bác học Phan Huy Chú. Văn bia lưu tại đền thờ Nguyễn Văn Nghi ở đất Cổ Bôn cũng tán dương: “Ông là bậc đại khoa, ngôi cao chốn triều trung, được khí thiêng của trời đất chung đúc, được tôn làm phúc thần. Vinh hoa chồng chất, phúc đức cao dày. Phúc cho nước, phúc cho dân, phúc cho con cháu, phúc cho dòng dõi... công danh chói lọi, rạng rỡ muôn đời, con cháu được hưởng tiếng thơm lâu dài với dương thế”.

Sau khi qua đời, đại thần Nguyễn Văn Nghi được nhà vua ân tặng Thượng thư bộ Công, gia phong Thái Bảo, ban tên thụy Phúc Khê Tướng công, phong Phúc thần thượng đẳng. Ngưỡng mộ nhân cách, tài năng của Nguyễn Văn Nghi, người dân Cổ Bôn đã lập dựng đền thờ, gọi là “Phúc Khê Tướng công từ” hay nghè Phúc,... nay là Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Văn Nghi.

Di tích nằm ở phía Bắc làng Phúc Triền (làng nhỏ trong làng lớn Cổ Bôn). Căn cứ theo nội dung trên văn bia lưu giữ tại đây, đền thờ được khởi dựng năm 1617. Đến đời vua Lê Kính Tông (năm 1628), con trai thứ hai của ông là Binh Bộ Thượng thư, Thái phó, Đăng Quận công Nguyễn Khải mở rộng quy mô. Và năm 1631, cháu ngoại ông là tri phủ Hà Trung lúc bấy giờ cùng Nhân dân trong huyện Đông Sơn đã tu bổ, hoàn thiện nên công trình uy nghiêm, bề thế.

Đền thờ Nguyễn Văn Nghi là một quần thể kiến trúc quy mô lớn, giá trị và hiếm có ở xứ Thanh vào thế kỷ 17. Di tích bao gồm nhiều công trình nhỏ, đa chức năng theo kiểu “nội công ngoại quốc” với hào thành bao quanh. Bên trong thành nội là kiến trúc gỗ xây theo hình chữ “công”, chữ “tam”, chữ “nhị”, chữ “nhất”. Bên ngoài cổng thành là hệ thống tượng chầu bằng đá (võ sĩ, voi đá, ngựa đá, chó đá) nhiều kích cỡ; văn bia, giếng đá... với kỹ thuật tạo tác, chạm trổ công phu, tinh xảo, được người nghệ nhân xưa “thổi hồn” vào trong mỗi tác phẩm điêu khắc đá. Đứng trong không gian di tích trầm lắng, chiêm ngắm từng hiện vật, ở đó là lịch sử, lắng đọng văn hóa, nghệ thuật kiến trúc.

Đáng tiếc, trải qua 4 thế kỷ, Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Văn Nghi đã bị xuống cấp, hư hỏng nhiều. Ngoài hệ thống hiện vật đá bên ngoài, thì các công trình gỗ bên trong thành nội không còn nguyên vẹn.

Ông Lê Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh, cho biết: “Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi không chỉ là nhân vật lịch sử, tấm gương về đạo đức, nhân cách, ông còn phúc thần của làng. Người dân Cổ Bôn xưa, nay là xã Đông Thanh tự hào về tiền nhân. Ngày 11-11-2020, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 4853/QĐ-UBND về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đền thờ Nguyễn Văn Nghi với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đông Thanh hy vọng việc tu bổ, tôn tạo di tích sớm được triển khai xây dựng, xứng tầm với công trạng, tên tuổi của người xưa”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]