(vhds.baothanhhoa.vn) - Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa ở các địa phương. Tuy nhiên, dù chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ văn hóa cơ sở đã được cải thiện song vẫn còn bất cập, nên chưa khuyến khích cán bộ nhiệt tình công tác, phấn đấu, cũng như chưa thật sự thu hút được nhiều cán bộ có chuyên môn về công tác tại cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Còn đó những gian nan (Kỳ cuối) Cán bộ văn hóa xã có bị xem nhẹ?

Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa ở các địa phương. Tuy nhiên, dù chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ văn hóa cơ sở đã được cải thiện song vẫn còn bất cập, nên chưa khuyến khích cán bộ nhiệt tình công tác, phấn đấu, cũng như chưa thật sự thu hút được nhiều cán bộ có chuyên môn về công tác tại cơ sở.

Theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi tại cấp xã, phường (gọi chung là cấp xã - PV), hiện nay hầu hết đều có từ 1-3 cán bộ phụ trách văn hóa, thể thao và thông tin, trong đó có 1 vị trí chuyên trách và 1 - 2 vị trí không chuyên trách. Lĩnh vực văn hóa ở địa phương rất rộng, bao hàm từ nếp sống văn hóa, gia đình, trẻ em, hoạt động thể dục thể thao, du lịch (nếu có), theo dõi tệ nạn xã hội, quản lý viễn thông và Internet... Ngoài ra, cán bộ phụ trách văn hóa phải phụ trách thêm công tác truyền thanh, vì vậy, khối lượng công việc của bộ phận này đã trở nên quá nhiều và quá tải. Đặc biệt, truyền thanh là lĩnh vực rất đặc thù, yêu cầu người phụ trách phải có chuyên môn nghiệp vụ báo chí, phát thanh; nhưng hầu hết cán bộ văn hóa ở phường, xã đều chưa được đào tạo về lĩnh vực này nên hoạt động truyền thanh đang có dấu hiệu bị chùng xuống.

Anh Lê Đình Thăng, cán bộ phụ trách văn hóa xã Thăng Thọ (Nông Cống), cho biết: "Hiện tại xã có 2 cán bộ văn hóa, tôi vừa kiêm mảng văn hóa, thể thao, vừa kiêm luôn trưởng đài truyền thanh. Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hơn 20 năm, phải làm khối lượng công việc lớn, nên dù có cố gắng đến mấy cũng khó hoàn thành. Ngoài thực hiện những “việc vặt”, như treo băng zôn, khẩu hiệu, đến photocopy, phát giấy mời, chuẩn bị bàn ghế cho hội nghị đến đi kiểm tra các cơ sở karaoke,... mỗi ngày, những người làm văn hóa vẫn phải bảo đảm giờ giấc và công việc tại bộ phận một cửa, nên khó có thời gian bám sát phong trào văn hóa cơ sở, cũng như nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, sáng tạo ra cái mới".

Đồng quan điểm cán bộ văn hóa ở cơ sở phải kiêm nhiệm quá nhiều việc, anh Mai Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Thạch (Nga Sơn), chia sẻ: "Chúng tôi cũng rất cảm thông cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở của mình. Bởi công việc trong hoạt động văn hóa ở địa phương rất nhiều trong khi đội ngũ này lại phải kiêm quá nhiều việc. Đó là còn chưa kể tới đội ngũ kiêm nhiệm dưới thôn. Toàn xã có 4 làng văn hóa thì cả 4 làng đều kiêm nhiệm trưởng thôn chi bộ và trưởng làng văn hóa. Trong khi đó, chế độ dành cho đội ngũ này lại rất thấp. Nhiều khi họ là những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Một tiết mục văn hóa, văn nghệ tại cơ sở.

Ở khu vực miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nét văn hóa rất đa dạng và tiềm năng du lịch lớn, yêu cầu công việc lớn. Thế nhưng, đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã có trình độ đại học chưa nhiều, chủ yếu là trung cấp, còn yếu kỹ năng tin học, lại phải kiêm nhiệm nên còn lúng túng chưa đạt hiệu quả cao. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VH-TT huyện Thường Xuân, nhấn mạnh thêm: "Chúng ta vẫn còn đang thiếu và yếu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và chính sách khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của công tác văn hóa-văn nghệ cơ sở".

Theo ông Huyến: Để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, việc cần làm ngay chính là ổn định, chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Đồng thời, mỗi địa phương cần phải linh động có giải pháp riêng để phát huy cao nhất vai trò của đội ngũ này.

Ông Lê Đình Thức - Trưởng phòng VH-TT, huyện Nông Cống thì cho rằng: Bên cạnh những khó khăn về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, phông nền văn hóa..., một thực tế cho thấy dường như vai trò của cán bộ chuyên trách văn hóa-xã hội cơ sở đang bị xem nhẹ. Họ hầu như phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc và vị trí cũng dễ dàng bị thay đổi, thiếu tính ổn định. Theo tôi cần phải căn cứ vào đặc thù riêng của từng địa phương để xây dựng kế hoạch và triển khai các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa xã; tạo điều kiện cho họ tham gia học tập nâng cao trình độ; tích cực động viên, khuyến khích họ phát huy năng lực để đẩy mạnh hoạt động văn hóa tại các địa phương... Bên cạnh đó, cần quan tâm chế độ chính sách đối với người làm công tác văn hóa để động viên khuyến khích đội ngũ làm tròn chức trách. Đồng thời đội ngũ làm văn hóa cơ sở luôn phải tự mình trau dồi nghiệp vụ, phấn đấu, cầu thị, vượt lên khó khăn trong công tác để theo kịp nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của người dân.

Được biết, để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, Sở VH,TT&DL đã xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng được lựa chọn linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]