(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện nếp sống văn minh và tăng cường công tác quản lý, mùa lễ hội năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều sự đổi thay, tạo hiệu ứng và dư âm tốt đẹp, được người dân và du khách đánh giá cao. Tuy vậy, ở một số di tích những sự tồn tại, hạn chế chưa được xử lý mạnh tay, dứt điểm đã phần nào làm ảnh hưởng tới nét đẹp của di tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng môi trường di tích, lễ hội văn minh: Cần sự mạnh tay

Thực hiện nếp sống văn minh và tăng cường công tác quản lý, mùa lễ hội năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều sự đổi thay, tạo hiệu ứng và dư âm tốt đẹp, được người dân và du khách đánh giá cao. Tuy vậy, ở một số di tích những sự tồn tại, hạn chế chưa được xử lý mạnh tay, dứt điểm đã phần nào làm ảnh hưởng tới nét đẹp của di tích.

Là điểm đến tâm linh nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh, nơi gắn liền với tín ngưỡng thờ đức Thánh mẫu Liễu Hạnh, di tích đền Sòng (Thị xã Bỉm Sơn) có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, cụm di tích đền Sòng đã đóng góp cho ngân sách thị xã 17 tỷ đồng. Và chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, tại di tích đền Sòng và đền Chín Giếng đã có hàng vạn lượt khách đến dâng hương, vãn cảnh với tổng số tiền công đức, giọt dầu thu được trên 2,3 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Hiền - Trưởng Phòng VHTT thị xã Bỉm Sơn cho biết: nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cụm di tích đền Sòng thì ngay những tháng đầu năm, bên cạnh công tác tuyên truyền rộng rãi thì thị xã cũng đã tổ chức 2 đợt kiểm tra các hoạt động tổ chức lễ hội, vệ sinh môi trường... và nhìn chung không để xảy ra các hành vi vi phạm tại khu vực di tích và lễ hội. Trong chính hội đền Sòng năm nay diễn ra vào cuối tháng 2 âm lịch, dự kiến lượng khách đến di tích rất đông, bởi vậy UBND thị xã đã lên kế hoạch bố trí khu vực bãi gửi và trông xe miễn phí cho du khách đến vui hội.

Với sự quan tâm, chú trọng và nỗ lực đó, có lẽ di tích đền Sòng đã trở thành di tích tạo được ấn tượng rất đẹp trong lòng du khách. Tuy nhiên, những hạn chế, tồn tại chưa được xử lý triệt để, đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ tới nét đẹp và không gian của di tích.

Cụ thể, mặc dù việc cấm đổi tiền lẻ tại di tích đã được quán triệt rộng rãi tại các di tích trên địa bàn tỉnh nói chung và di tích đền Sòng nói riêng. Song thực tế, bất cứ du khách đến đây đều rất dễ bắt gặp hình ảnh dịch vụ đổi tiền lẻ công khai ở rất nhiều hàng quán bên trong di tích. Ông Vũ Văn Xuyên, Trưởng BQL các di tíchxếp hạng cấp quốc gia Thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Theo quy định thì việc đổi tiền lẻ tại di tích đền Sòng nói riêng và các di tích khác do ban quản lý nói chung đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các trường hợp vi phạm mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở chứ chưa xử phạt cụ thể”.

Dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra công khai tại khu vực bán hàng bên trong di tích đền Sòng.

Cùng với đền Sòng thì tại đền Cô Bơ (Ba Bông) xã Hà Sơn (Hà Trung) dịch vụ đổi tiền lẻ cũng diễn ra công khai, bất chấp các quy định rất rõ ràng. Và số lượng các di tích để xảy ra những tồn tại như trên không dừng lại ở đền Sòng hay đền Ba Bông. Song lý do nào khiến hạn chế kể trên vẫn đang ngang nhiên tồn tại. Câu hỏi đặt ra là sự vào cuộc thực sự quyết liệt của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm?

Một vấn đề gây chú ý dư luận trong những ngày đầu xuân có lẽ là câu chuyện đốt tiền, vàng, đồ mã tại các di tích, lễ hội. Đây không phải vấn đề mới lạ. Song thực tế, tình trạng đốt, hóa vàng mã hiện nay tại các di tích, lễ hội khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Đến các di tích, lễ hội dịp đầu xuân, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những hình nhân, ngựa, đồ mã được xếp hàng dài, chật kín trong khu vực di tích để được đốt, hóa sau khi làm lễ. Chưa tính tới việc ảnh hưởng môi sinh tự nhiên, nhìn những ngọn lửa đồ mã được hóa cháy rực trở thành tro tàn chỉ trong thoáng chốc theo những niềm tin mơ hồ vô định, nhiều người hẳn đã không khỏi chạnh lòng nghĩ tới những con số thực tế. Có thể sẽ khập khiễng khi liên tưởng tới thịt lợn, cơm gạo... cho người nghèo hay đồng bào khu vực biên viễn còn nhiều khó khăn. Song lại nhớ, hình như tất cả các tôn giáo đều khuyên con người ta làm việc thiện, và rằng: cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp!

Mới đây, một trong những người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi phật tử và các nhà chùa không đốt vàng mã bởi với giáo lý nhà Phật thì đốt vàng mã bị coi là mê tín dị đoan. Ngay sau đó, dư luận đã có những ý kiến phản hồi mà trong đó đa phần đều đồng thuận hưởng ứng.

Tuy nhiên, từ hưởng ứng đồng thuận đến thay đổi hành động là một khoảng cách không hề ngắn. Vì thế, ta vẫn bắt gặp những hình ảnh cúng, đốt vàng mã với số lượng lớn vô cùng đáng ngại.

Thiết nghĩ, việc cúng, đốt đồ mã tại các di tích theo cách hiểu, quan niệm nào đó có thể không hẳn xấu. Nhưng việc cúng, đốt một cách tràn lan, vô số như hiện nay thì quả thực là điều đáng bàn. Và chúng ta cũng thấy, rõ ràng việc cúng hay đốt đồ mã với số lượng lớn đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan, môi trường di tích. Song nhìn chung công tác tuyên truyền, nhắc nhở để người dân hiểu và thay đổi thói quen cúng, đốt vàng mã thì quả thực vẫn chưa được nhiều di tích quan tâm, chú trọng.

Thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường lễ hội tươi vui, lành mạnh nếu hiểu rộng ra thì đó không đơn giản chỉ là việc thực hiện nghiêm túc các quy định cấm của cơ quan nhà nước. Ở đó còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân và đông đảo người dân để cùng nhau loại bỏ những hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan núp bóng, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]