(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ những đánh giá về đặc điểm cơ bản của đường phố khu trung tâm, giải pháp để định hình nếp sống đô thị, đặc biệt là dịp tết đến, xuân về có thể rất cần sự kiên trì thuyết phục, giáo dục để hình thành nếp sống đô thị cho chính người ở đô thị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị khi tết đến, xuân về

Từ những đánh giá về đặc điểm cơ bản của đường phố khu trung tâm, giải pháp để định hình nếp sống đô thị, đặc biệt là dịp tết đến, xuân về có thể rất cần sự kiên trì thuyết phục, giáo dục để hình thành nếp sống đô thị cho chính người ở đô thị.

Nhờ việc xây dựng nếp sống đô thị tốt mà TP Thanh Hóa ngày càng đẹp và văn minh hơn.

Xuân mới đang đến, đường phố đang sôi động thêm nhưng cũng chật chội hơn rất nhanh bởi dòng người và xe cộ từ khắp nơi đổ về. Để có được không gian khu trung tâm gọn gàng, sạch đẹp, ngoài biện pháp đầu tư xây dựng công trình, rất cần định hình nếp sống đô thị cho người dân ở tại chỗ, từ đó lan tỏa những nét đẹp, nét văn minh ra những người từ phương xa đến hoặc có dịp đi qua thành phố.

TP Thanh Hóa là một đô thị có bề dày lịch sử hơn 200 năm và được đầu tư cả bề rộng và chiều sâu kể từ khi đất nước đổi mới năm 1986 trở lại đây. Cũng từ khi nền kinh tế đất nước bước vào hòa nhập với kinh tế thị trường, các không gian đường phố được thể hiện ngày một sinh động hơn, hiện đại hơn nhưng cũng bộc lộ những vấn đề phức tạp trong quản lý đô thị. Để quản lý được không gian đường phố trong khu trung tâm thành phố sạch đẹp vào xuân mới, cần nhận diện những đặc điểm cơ bản sau:

Thanh Hóa là tỉnh có số dân đông lại nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với phía Nam đất nước, điều đó vừa là lợi thế vừa là áp lực lên hạ tầng TP Thanh Hóa.

Thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, là đô thị lớn nhất tỉnh cho đến hiện tại. Sở dĩ phải nêu vấn đề dân số lên đầu tiên vì công tác quản lý đô thị xuất phát từ yêu cầu của người dân và có tác động trực tiếp đến con người. Thanh Hóa hiện có hơn 3,6 triệu dân ở tại chỗ và ước khoảng gần 1 triệu người đi làm ăn muôn phương. Bên cạnh đó, từ Thanh Hóa trở ra Bắc bộ có hình thể ví như chiếc quạt xòe và Thanh Hóa tương tự như vị trí cán quạt. Với hình thể như vậy, hầu hết các trục quốc lộ và đường sắt xuyên Việt đều đi qua tỉnh Thanh Hóa vì thế việc đón dòng người đi qua bằng đủ loại phương tiện tạo nên áp lực với thành phố. Thành phố bỗng chốc đông người lên gấp bội sẽ rất có lợi cho kinh doanh, mua sắm, vui chơi giải trí nhưng lại làm cho hệ thống hạ tầng đô thị quá tải, nếu không có giải pháp tốt rất có thể sẽ tạo ra vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn, đặc biệt là vấn đề môi trường sống.

Nếp sống thị dân chưa ổn định.

Khu trung tâm thành phố, trong khoảng không gian theo hướng Đông Tây từ cầu Đống đến vòng xuyến BigC có chiều dài gần 6km, theo hướng Bắc Nam từ cầu vượt Hợp Lực đến ngã tư Bệnh viện Nhi có chiều dài gần 7km. Ở đó có 10 tuyến đường phố chính với tổng chiều dài khoảng gần 35km. Trong khu vực này, lượng người ở tại chỗ ước khoảng 2 vạn người, tuyệt đại đa số đang có mối liên hệ mật thiết với nông thôn. Trong số họ, rất đông người chưa hình thành nếp sống có trật tự, có quy củ trong môi trường chật hẹp và đông đúc, khi chính quyền lơi lỏng là họ sẵn sàng tùy tiện. Rất nhiều lần thành phố ra quân dẹp vỉa hè, nhưng cũng rất nhiều lần trở về tình trạng lộn xộn cũ. Nhiều nhà kinh doanh trên phố nhưng “hồn nhiên” cho xe tải trườn vỡ đoạn hè vừa lát đá xong, hỏng miệng cống thoát nước... Điều đó minh chứng rằng nếp sống đô thị của người dân tại chỗ hay nói cách khác là nếp sống thị dân chưa ổn định.

Hệ thống hạ tầng đô thị là liên tục, không bị giới hạn bởi ranh giới xã phường nhưng việc khai thác, sử dụng chúng lại diễn ra cụ thể, ngắt đoạn.

Đây là đặc điểm khác biệt quan trọng giữa đô thị và nông thôn. Khi quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, người ta hoạch định tuyến và cấp đường giao thông trước. Đường phố chính toàn đô thị sẽ dài xuyên suốt nhiều khu đô thị, lại có một số trục đường cũng chính là giao thông quốc gia. Đường phố khu đô thị lại chỉ xuyên một khu đô thị cụ thể nào đó. Từ đó, các đường dây đường ống kỹ thuật đi theo đường giao thông cũng theo nguyên tắc cấp đường như vậy. Công trình dịch vụ xã hội được đầu tư dựa trên mức độ thuận lợi của vị trí địa lý trong khu đô thị, nhu cầu thực tế và khả năng nguồn vốn. Hành động của con người nhằm khai thác, sử dụng công trình hạ tầng đô thị chỉ diễn ra rất cụ thể về nội dung, ngắt đoạn về địa lý. Mặc dầu vậy, hậu quả của những việc làm thiếu trách nhiệm trong quá trình khai thác, sử dụng hạ tầng đô thị lại có lúc vô cùng lớn. Hành động dẫn đến nổ trạm biến thế điện, làm cho vỡ đường ống cấp nước, làm cho tắc đường ống thoát nước, hoặc cháy nhà... sẽ rất tai hại nếu nó xảy ra trong khu trung tâm thành phố.

Từ những đánh giá về đặc điểm cơ bản của đường phố khu trung tâm, giải pháp để định hình nếp sống đô thị, đặc biệt là dịp tết đến, xuân về có thể rất cần sự kiên trì thuyết phục, giáo dục để hình thành nếp sống đô thị cho chính người ở đô thị. Ở đó, phải có sự điều tiết của cộng đồng, xã hội bằng tuyên truyền, giải thích, bằng quy tắc đô thị và đặc biệt là điều tiết bằng quy định của pháp luật. Người ở đô thị không cố định theo thời gian và không gian nên để hình thành được nếp sống thị dân không thể một sớm, một chiều mà phải thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ. Khi phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, Nhà nước đều có ban hành quy chế thực hiện quy hoạch kèm theo. Đây là bộ quy tắc đô thị đầu tiên trong việc đầu tư, xây dựng, sử dụng công trình đô thị theo quy hoạch.

Ở đô thị, do không gian chật hẹp và đông đúc, mọi người phải sống tùy thuộc lẫn nhau. Nhà ở liền nhau không thể có chuyện “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, hè phố là của công nhưng mình ở đó sẽ được dùng nhiều nhất nên phải có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ, sử dụng có trách nhiệm. Người thành phố ta có mối liên hệ khăng khít với nông thôn, người nông thôn đến thành phố sống, làm việc, mua sắm và các hoạt động khác mang theo nếp sống nông thôn, người ở đô thị phải làm gương và hướng dẫn cách ứng xử từ những cái nhỏ nhặt như đổ rác, vứt mẩu thuốc lá, đến những cái lớn hơn, để họ cũng cùng tự giác thực hiện.

Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông để không chỉ người ở tại thành phố mà người ở các vùng khác đều hiểu về thành phố chúng ta. Thành phố có cấu trúc không gian mang đậm tính kỹ thuật, thành phố lại có mức độ tập trung người rất cao từ khắp mọi nơi đổ về. Không ai có thể một lúc hiểu được hết những vấn đề ở không gian thành phố cũng không ai có thể tự nhiên hiểu mọi vấn đề của thành phố chúng ta. Vì lẽ đó, tăng cường truyền thông để không chỉ cho người ở tại chỗ mà người ở các vùng khác đều hiểu về thành phố, cùng thực hiện những quy tắc chung khi họ đến nơi này. Chương trình phát thanh và truyền hình về thành phố, ngoài những chuyên đề về phát triển kinh tế xã hội như lâu nay, thiết nghĩ nên có nhiều hơn nữa các chuyên đề, trò chơi truyền hình, các tác phẩm văn hóa, văn nghệ nói về thành phố và nếp sống thị dân như: “Nhỏ mà không nhỏ”, “gọn hè, đẹp phố”, “em yêu thành phố của em”...

Đồng thời, tăng cường quản lý, xử lý vi phạm nếp sống đô thị. Người ở có nhà mặt tiền bám 10 trục đường phố chính khu trung tâm phải có trách nhiệm lớn hơn đối với hạ tầng đô thị, không thể so bì với người ở đường phố nhỏ hơn hoặc kém phát triển hơn. Người dân ở bám đường phố đa số sẽ kinh doanh. Khi cấp giấy phép kinh doanh phải kèm theo điều kiện sử dụng và bảo vệ công trình đô thị. Nhà dân xin kinh doanh sắt thép hoặc thứ cần vận chuyển nặng, ngoài việc phải căn cứ quy hoạch, căn cứ các điều kiện kinh doanh do Nhà nước quy định còn phải kèm theo điều kiện rất cụ thể về bảo vệ vỉa hè, mương thoát nước, bảo vệ các đường dây, đường ống nổi hoặc ngầm trước cửa hàng kinh doanh. Những điều kiện kèm theo này là cơ sở để xử lý những hành vi không chuẩn mực trong sử dụng, khai thác hạ tầng đô thị nếu có xảy ra. Do việc sử dụng công trình hạ tầng đô thị diễn ra rất cụ thể và ngắt đoạn nên một số người dân có xu hướng lợi dụng tình huống để vi phạm quy định. Để khắc phục tình trạng này cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở khối phố, ở phường trong việc kiểm tra, nhắc nhở ngay khi ý đồ vi phạm chưa hoặc vừa xảy ra, giảm bớt bức xúc trong dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của bộ phận Quy tắc đô thị nhằm thể hiện ý chí quản lý của chính quyền thành phố, giúp cho hệ thống chính trị ở dưới hoạt động có hiệu quả hơn.

KTS. Lê Hồng Cẩm


KTS. Lê Hồng Cẩm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]