(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với sự phát triển của dân tộc ngàn vạn năm qua, xứ Thanh luôn khẳng định vai trò, vị thế của vùng đất “phên dậu” trọng yếu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bất cứ giai đoạn thịnh - suy, thăng - trầm của non sông, lịch sử vẫn thường gọi tên vùng đất xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh - một miền di sản

Cùng với sự phát triển của dân tộc ngàn vạn năm qua, xứ Thanh luôn khẳng định vai trò, vị thế của vùng đất “phên dậu” trọng yếu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bất cứ giai đoạn thịnh - suy, thăng - trầm của non sông, lịch sử vẫn thường gọi tên vùng đất xứ Thanh.

Khởi thủy từ sự hình thành và xuất hiện của con người thời tiền sử ở hang Con Moong đến giai đoạn đấu tranh chống giặc phương Bắc thời Bà Triệu. Về sau, người con làng Dương Xá là Dương Đình Nghệ đã đặt nền móng đưa phong trào đấu tranh chấm dứt gần 1000 năm Bắc thuộc lên đỉnh cao. Và tiếp nối truyền thống ấy, là Hoàng đế Lê Đại Hành; Bình Định Vương Lê Lợi... Người xưa dẫu không còn nhưng sử sách thì còn mãi lưu danh. Thời gian trôi qua, những di sản, dấu tích vương triều để lại vẫn âm thầm kể lại cho hậu thế bài ca tự hào về đất và người xứ Thanh.

Năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón bằng công nhận “Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận”. Đây là di chỉ khảo cổ đầu tiên của Thanh Hóa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa.

Khi con người hiện đại phát hiện ra di chỉ hang Con Moong (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) đến khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt là hành trình kéo dài hơn 40 năm. Đó thực sự là khoảng thời gian dài với nỗ lực không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của giới nghiên cứu, các nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và cơ quan, ngành chức năng. Kết quả của hành trình ấy, không chỉ là khẳng định hiển nhiên rằng hang Con Moong là Di sản văn hóa vô giá của nhân loại. Mà sâu xa hơn, chính là sự thực: vùng đất xứ Thanh từng là cái nôi của người Việt cổ xưa.

Với độ cao 147m so với mực nước biển, nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, niên đại ước định khoảng 240 triệu năm. Hang dài khoảng gần 40m với hai đầu thông nhau. Năm 1974, lần đầu tiên con người hiện đại phát hiện ra di chỉ hang Con Moong. Để rồi 2 năm sau đó, các nhà khoa học bắt đầu công cuộc khai quật. Kết quả các lần khai quật, khảo cổ sau đấy đã xác nhận sự phát triển liên tục của kỹ nghệ công cụ đá thuộc các giai đoạn thời đại đồ đá Việt Nam, góp phần soi sáng diễn biến của cuộc sống con người ở giai đoạn bản lề từ thời đại Đá cũ sang thời đại Đá mới; từ săn bắt hái lượm sang nông nghiệp sơ khai, từ hồng hoang đến thế giới văn minh. Và với sự vào cuộc của giới nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế, bước đầu xác định: đây được xem là một trong những hang có cuộc sống của con người cổ nhất Đông Nam Á. Sự khẳng định về những giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong với sự xuất hiện, sinh sống liên tục của người Việt cổ xưa cũng là bằng chứng củng cố cho nhận định về cái nôi văn hoá của vùng đất xứ Thanh từ xa xưa.

Hơn 1700 năm về trước, Bà Triệu, vốn phận nữ nhi nhưng khát vọng “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người” đã hiên ngang cưỡi voi xung trận, khiến quân xâm lược dù bạo tàn cũng phải bao phen kinh hãi. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã đi vào lịch sử. Còn khí tiết, khát vọng của vị nữ vương thì vẫn còn âm vang khắp một dải xứ Thanh. Từ đỉnh Ngàn Nưa hùng vĩ xuống một vùng núi Gai, núi Tùng (Hậu Lộc). Ghé thăm khu di tích lịch sử đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc) ngày hôm nay, trong không gian thiêng của di tích, vẫn còn đó những “lăng mộ, đền thờ” Bà được nhân dân muôn đời tự hào gìn giữ.

Lễ hội đền Bà Triệu diễn ra từ ngày 21 - 23/2 (âm lịch) hàng năm là dịp để hậu thế tưởng nhớ về vị vua Bà.

Nhắc đến hào khí người xứ Thanh, không thể quên một Dương Đình Nghệ với lò võ Dương Xá (nay là làng Giàng, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) đã “đặt nền móng” cho chiến thắng Bạch Đằng Giang năm 938, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam. Và lại càng không thể không nhắc đến một Thập đạo tướng quân, Hoàng đế Lê Đại Hành, người đã kế nghiệp vua Đinh, lãnh đạo nhân dân ta “phá Tống, bình Chiêm”, làm nên một giai đoạn hùng mạnh “khiến vua nhà Tống phải nể sợ” của quốc gia Đại Việt.

Đến thăm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn ở xã Xuân Lập (Thọ Xuân). Ta lại lắng lòng trước những câu chuyện kể của người dân quê nhà về vị vua anh minh lỗi lạc. Cùng chiêm bái và ngắm nhìn hiện vật cổ xưa. Từ chiếc đĩa ngọc do Hoàng đế nhà Tống gửi tặng đến từng nét chạm khắc phù điêu nơi đền thờ... Tất cả hiển hiện sự tôn kính và ngưỡng vọng của người xưa dành cho vị Hoàng đế nhà Tiền Lê.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa, xứ Thanh vẫn được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Vùng đất này, đâu chỉ sinh ra những anh hùng hào kiệt cho đất nước. Ở đó, còn là sự hiển ứng của những vị thần tối linh trong việc phù trợ các triều đại Hoàng đế trên con đường binh nghiệp, gìn giữ non sông, mở mang bờ cõi. Tìm về làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định), dừng chân ở khu di tích núi và đền Đồng Cổ, hẳn bạn cũng như tôi, sẽ cảm nhận phần nào sự linh thiêng ở đó từ cả ngàn năm qua. Tương truyền, từ thời Vua Hùng đi dẹp giặc Hồ Tôn, qua vùng đất xứ Thanh, dừng nghỉ chân ở núi Khả Lao (ngày nay là Tam Thai) thuộc làng cổ Đan Nê, người đã mộng thấy vị thần núi với kiếm kích xin được phù trợ, giúp đỡ đoàn quân nhà vua. Sau khi thắng trận trở về, không quên ơn thần, Vua Hùng đã phong “Đồng Cổ đại vương” và cho lập đền thờ ngay dưới chân núi. Bởi vậy, dân gian tin rằng, truyền thuyết và sự linh ứng của thần Đồng Cổ có từ thời các Vua Hùng dựng nước. Tuy vậy, đến thời Lý, thì sự linh ứng của vị thần núi Khả Lao một lần nữa được lưu truyền khắp cả nước.

Vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi, lập ra vương triều nhà Lý và dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long với bộn bề công việc của quốc gia khiến cho giặc Chiêm Thành ở phương Nam nhân cơ hội ấy nên không ngừng quấy phá. Lúc bấy giờ, thái tử Lý Phật Mã đã theo lệnh vua cha dẫn theo binh sĩ, xuôi về Nam dẹp giặc. Đêm xuống, đại quân hạ trại ở bến Trường Châu bên bờ sông Mã, tựa lưng vào núi Khả Lao mà nghỉ ngơi. Đêm ấy, vị thần núi với tướng pháp khác thường cũng đến trước mặt thái tử Phật Mã xin được cùng theo giúp đỡ. Sau khi thắng trận trở về, thái tử Phật Mã đã không quên ơn thần linh phù trợ. Cùng với việc lập đàn tạ ơn ở bến Trường Châu thì người còn rước linh vị thần Đồng Cổ về kinh đô Thăng Long phụng thờ nhằm giữ nước, hộ dân. Câu chuyện về sự linh ứng của thần Đồng Cổ còn được nhắc đến trong việc mộng báo “tam Vương mưu phản” giúp vua Lý Thái Tông (thái tử Phật Mã) có sự đề phòng. Cảm phục trước sự linh ứng của thần Đồng Cổ, nhà vua đã phong thần làm “thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”.

Xứ Thanh địa linh hẳn nhiên sinh nhân kiệt. Với sự suy vi của vương triều nhà Trần, tể tướng Hồ Quý Ly nổi lên như một ngôi sao với những tham vọng quyền lực và khát vọng cải cách, đưa đất nước thoát khỏi khó khăn. Năm 1400, sau tất cả sự chuẩn bị từ việc dời đô từ Thăng Long (Hà Nội) về Tây Đô (Thanh Hóa), ông đã chính thức lên ngôi, lập ra vương triều Hồ. Dù vương triều Hồ với quốc hiệu nước Đại Ngu (niềm vui lớn) chỉ tồn tại vẻn vẹn 7 năm. Song lịch sử cũng không thể phủ nhận hết những thành quả của triều đại nhà Hồ. Cùng với những cải cách về KT-XH, bộ máy chính trị thì có lẽ công trình đá “Thành Nhà Hồ” chính là một di sản vĩ đại mà vương triều Hồ Quý Ly đã để lại cho hậu thế hôm nay. Trải qua hơn 600 năm dựng xây, Thành Nhà Hồ vẫn sừng sững thách thức thời gian với sứ mệnh lịch sử. Nó nhắc mỗi người chúng ta về khát vọng, niềm tin và cả quyết tâm... tất cả sẽ giúp con người làm nên kì tích, như cách mà người xưa đã xây Thành Nhà Hồ. Nhưng nó cũng là bằng chứng của việc “thuận lòng dân”, như sinh thời Nguyễn Trãi đã nói: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” - thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước.

Bảo vật quốc gia nhà bia Vĩnh Lăng (khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh).

Khép lại sự tồn tại ngắn ngủi của vương triều Hồ là 20 năm đô hộ của giặc Minh xâm lược. Nhưng lịch sử đã chứng minh, người Việt dẫu ở thời đại nào thì cũng không bao giờ khôn nguôi khát vọng độc lập, dù nền độc lập đó vẫn thường phải trả giá bằng máu xương và những đớn đau. Nơi núi rừng Lam Sơn, người con đất Khả Lam Lê Lợi với tâm, tầm và sức mạnh đã tập hợp anh hùng, hào kiệt bốn phương cùng tụ hội về đất Lam Sơn nguyện chung lời thề Lũng Nhai, dấy nghĩa, diệt giặc ngoại xâm. Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai” đau thương khôn tả, cuối cùng Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã tiến đến Ải Chi Lăng, quét sạch bóng giặc Minh trên đất nước Việt. Để từ đây, một vương triều Hậu Lê đã ra đời, thịnh trị và kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến của dân tộc.

Ở đất Lam Sơn hôm nay, còn đó một Lam Kinh với đầy đủ yếu tố của một kinh đô thứ hai nhà Hậu Lê. Vẫn biết rằng, kinh đô ấy mang bóng dáng của một địa điểm thờ tự, thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của các triều vua nhà Lê. Song, chỉ từng ấy cũng đủ để lịch sử và hậu thế khẳng định về vai trò, vị thế của vùng đất xứ Thanh trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Ai đó đã nói, Thanh Hóa là vùng đất khởi phát của bậc đế vương xưa. Điều này hẳn nhiên cũng không sai. Từ Bà Triệu đến Dương Đình Nghệ; Lê Đại Hành; Hồ Quý Ly; Lê Thái Tổ và sau này là vương triều Nguyễn. Ngay cả trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xứ Thanh sẵn sàng “gánh nặng” và san sẻ đau thương với nỗi đau của cả hai đầu dân tộc. Một cầu Hàm Rồng hiên ngang trước bom đạn đến những chuyến xe thồ ngược lên với Điện Biên Phủ và chạy dọc theo dãy Trường Sơn, ở nơi nào lại không có máu xương của người quê Thanh.

Xứ Thanh luôn tự hào về những dấu ấn, đóng góp của mình cho lịch sử dân tộc. Nhìn lại lịch sử và quá khứ, đó sẽ là hành trang đầy ắp sức mạnh cho đất và người quê Thanh vươn mình đi đến tương lai, một tương lai phát triển vững mạnh.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]