(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đi khắp các thôn, làng, bản, chòm ở mọi vùng miền tỉnh Thanh ta đều bắt gặp nhiều truyền thuyết, huyền thoại, chiến công lịch sử. Những câu chuyện, những nhân vật đều thể hiện rõ sự đấu tranh gian lao vất vả và niềm tin khát vọng, lạc quan của con người trong công cuộc khai phá đất đai, phát triển sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ sự yên vui cho cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh, một vùng di sản văn hóa phong phú và đa dạng

(VH&ĐS) Đi khắp các thôn, làng, bản, chòm ở mọi vùng miền tỉnh Thanh ta đều bắt gặp nhiều truyền thuyết, huyền thoại, chiến công lịch sử. Những câu chuyện, những nhân vật đều thể hiện rõ sự đấu tranh gian lao vất vả và niềm tin khát vọng, lạc quan của con người trong công cuộc khai phá đất đai, phát triển sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ sự yên vui cho cuộc sống.

Biểu diễn Trò Xuân Phả tại Lễ hội Lam Kinh. (Ảnh: Đ.Đ)

Xứ Thanh từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất rộng, người đông có đủ các vùng miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Xứ Thanh là vùng đất quần cư của nhiều dân tộc với những sắc thái rõ nét. Thanh Hóa là vùng nối của Bắc Bộ và Trung Bộ. Địa hình cấu tạo khá phức tạp với 3/4 diện tích là đồi núi hiểm trở ở phía Tây. Sông ngòi phần lớn là ngắn dốc, chảy xiết. Vùng hạ lưu sông Mã, sông Chu (hai con sông lớn nhất của tỉnh) là những dải đồng bằng khá màu mỡ có xen lẫn những núi đất, núi đá là vùng sản xuất lương thực chủ yếu của tỉnh Thanh. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu khắc nghiệt nóng mùa hè, lạnh mùa đông, nhiều vùng địa hình phức tạp đất đai không màu mỡ nên người dân phải vật lộn với thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống.

Bởi vậy đã hun đúc nên tính cách mạnh mẽ, khảng khái, trung thực, coi thường hiểm nguy, song người tỉnh Thanh lại cũng rất mộc mạc, cởi mở, chân thành sống có tình nghĩa, thủy chung. Nhà bác học Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã có nhận xét rất xác đáng: “Thanh Hóa mạch núi cao chót vót sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông, Ai Lao (Lào) giáp phía tây, bắc giáp trấn Sơn Nam, nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụhọp lại nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quí cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.

Với thế núi, hình sông hùng vĩ, hiểm trở tạo hóa đã chung đúc tạo nên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như hang Từ Thức (Nga Sơn), động Hồ Công, Kim Sơn (Vĩnh Lộc), động Long Quang, Tiên Sơn (TP.Thanh Hóa), động Trường Lâm (Tĩnh Gia), hòn Trống Mái, núi Trường Lệ (Sầm Sơn), động Bo Cúng (Quan Sơn)... với nhiều truyền thuyết, huyền thoại làm đắm say lòng người suốt nhiều thế kỷ.

Văn minh của xứ Thanh xuất hiện khá sớm trong nền văn minh của người Việt cổ biểu hiện qua các thời đại từ đá cũ đến đá mới rồi đồ đồng, đồ sắt... Những di chỉ khảo cổ học được phát hiện ở núi Đọ (Thiệu Hóa) hang Con Moong (Thạch Thành), mái Đá Điều (Bá Thước), Đa Bút (Vĩnh Lộc), Đông Sơn (TP.Thanh Hóa), Hoa Lộc (Hậu Lộc).... qua các đợt khai quật khảo cổ học là minh chứng hùng hồn cho bàn tay lao động sáng tạo, khéo léo, tài hoa của người xứ Thanh. Những công cụ lao động tinh xảo, những công trình kiến trúc, điêu khắc, các nghề thủ công truyền thống được kế thừa và phát huy từ đời này qua đời khác trên khắp các vùng miền từ miền núi, trung du đến đồng bằng, ven biển. Những công cụ lao động, sinh hoạt như, rìu đá, mũi tên đồng, kiếm, thạp đồng... đều được chế tác tinh xảo.

Trống đồng Đông Sơn với những cảnh lao động, sản xuất, sinh hoạt với đường nét hoa văn cầu kỳ, sống động biểu hiện trình độ sản xuất cao. Văn minh Đông Sơn đã trở thành niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt nói chung và xứ Thanh nói riêng. Kỹ thuật chạm khắc đá tài hoa thể hiện qua các đường nét uyển chuyển trên các voi, ngựa, hổ, chó, phỗng... ở các huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc... và tòa thành đá Nhà Hồ sừng sững hơn 600 năm qua thi gan cùng tuế nguyệt đã khẳng định nghề chế tác đá ở xứ Thanh có từ rất sớm. Nghề mộc nổi tiếng ở Đạt Tài (Hoằng Hóa), nghề gốm, sành sứ ở TP Thanh Hóa, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, nghề rèn ở Hậu Lộc, miền núi của người Mông nghề dệt nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa), chiếu cói ở Nga Sơn, đan lát ở Quảng Xương, Hoằng Hóa.... Những hoa văn trên thổ cẩm, chăn, gối, khăn đội đầu, váy, áo người Mường Thái, Dao, Mông... là minh chứng về sự khéo léo, tài hoa của người lao động qua các giai đoạn lịch sử.

Đi khắp các thôn, làng, bản, chòm ở mọi vùng miền tỉnh Thanh ta đều bắt gặp nhiều truyền thuyết, huyền thoại, chiến công lịch sử. Những câu chuyện, những nhân vật đều thể hiện rõ sự đấu tranh gian lao vất vả và niềm tin khát vọng, lạc quan của con người trong công cuộc khai phá đất đai, phát triển sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ sự yên vui cho cuộc sống. Hình tượng những ông khổng lồ cõng đá, đào sông hay thần Độc Cước tự xẻ thân mình ra làm đôi, nửa để bảo vệ biển cả, nửa để bảo vệ đất liền là niềm tin, khát vọng của người dân trong công cuộc chinh phục, cải tạo tự nhiên và khẳng định người lao động xứ Thanh vừa sớm biết trồng lúa nước vừa sớm biết phát triển ngư nghiệp.

Nằm trong vùng khí hậu nắng lắm mưa nhiều, địa hình dốc, sông, suối đều chảy xiết nên công cuộc chinh phục đắp đê bảo vệ mùa màng có từ rất sớm. Câu hò của người lao động trên sông, trên biển ướt đẫm mồ hôi phản ánh nỗi vất vả, gian lao, nhọc nhằn nhưng vẫn tràn đầy khí thế lạc quan, thấm đẫm men say của mối tình sông nước.

Trên tất cả các vùng miền của xứ Thanh ta đều bắt gặp những huyền thoại, truyền thuyết, giai thoại dân gian được bảo lưu suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sinh hoạt văn hóa dân gian ở từng tộc người có những sắc thái riêng biệt nhưng có nhiều điểm tương đồng. Tinh thần đoàn kết, hợp tác, tương trợ nhau trong chèo thuyền vượt cạn, vượt thác ghềnh, vượt sóng đánh bắt cá ngoài biển khơi, cày bừa, gieo cấy trong những lúc vào mùa thể hiện đậm nét qua các bài ca dao, dân ca ở nhiều vùng miền. Dân ca Đông Anh bên cạnh loạt bài mô tả sự lao động cần cù, vất vả suốt ngày đêm của người nông dân trong thời vụ qua các bài “Vãi mạ”, “Đi cấy” lại xen lẫn nét tươi tắn, trẻ trung của tình yêu đôi lứa không cam chịu lễ giáo, trật tự phong kiến qua “Cửa đóng mà then không cài”.

Hệ thống trò chơi, trò diễn của xứ Thanh ra đời từ rất sớm và hoàn thiện đạt tới trình độ cao như trò Xuân Phả (Thọ Xuân), Ngũ trò Bôn, Viên Khê (Đông Sơn), trò Chiềng, trò Chụt (Yên Định), múa đèn, chạy chữ ở Thiệu Hóa, TP.Thanh Hóa, Chèo chải, tế nữ quan... được tổ chức ở nhiều vùng miền nhất là trong hội làng và lễ hội đầu xuân. Ở các dân tộc thiểu số các trò chơi, trò diễn cũng khá phong phú, đa dạng như người Mường cò pồn pôông, xường, rang, sắc bùa, bộ meẹng, người Thái có cá sa, khua luống, kin chiêng boóc mạy, người Dao có múa chuông, múa bắt rùa...

Những lễ hội văn hóa, lịch sử tại đền thờ Bà Triệu, đền Lê Hoàn, khu di tích lịch sử Lam Kinh, đền thờ Quang Trung; lễ hội dân gian tại đền thờ Mai An Tiêm, Nghè Sâm, lễ hội tôn giáo tín ngưỡng tại đền Sòng, Phố Cát, đền Hàn, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, lễ hội cầu Ngư... đã cuốn hút rất nhiều tầng lớp nhân dân trong sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ.

Hệ thống kho tàng văn hóa dân gian xứ Thanh khá đồ sộ và được giữ gìn bảo lưu trong cộng đồng. Lần theo các huyền thoại, truyền thuyết dân gian ta còn bắt gặp những ông thần gánh núi, lấp biển, đào sông quanhững vết tích bàn chân, những đòn gánh gẫy đất đá tung ra thành núi, thành đồi. Truyền thuyết về nguồn gốc loài người có ở các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Mông... Truyền thuyết, cổ tích ca ngợi chiến công của các anh hùng dựng xây, bảo vệ làng xóm quê hương đất nước được truyền tụng qua nhiều thế hệ.

Sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” hơn 2 vạn câu của người Mường phản ánh chân thật quan niệm về nguồn gốc hình thành, phát triển loài người, quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, gây dựng cuộc sống, chống kẻ thù xâm lược. Các truyện thơÚt Lót, đạo Hồi Liêu, Nàng Nga - Hai Mối của người Mường; Ủ Thêm, Khăm Panh của người Thái, truyện Phương Hoa của người Kinh là những bản tình ca phản ánh tình yêu lứa đôi, khát vọng của người lao động trong những lễ giáo ràng buộc của chế độ cũ.

Tiếng cười dân gian hóm hỉnh, thông minh lúc thì khôi hài, trào phúng, lúc chế giễu, đả kích sâu cay như các truyện Trạng Quỳnh, Xiểm Bột đã phê phán thói hư tật xấu trong sinh hoạt, ứng xử hoặc sự tham lam, tàn ác của lũ quan tham. Có truyện người lương thiện có thể bị hại nhưng niềm tin, ý chí đấu tranh chống cái ác, vươn tới cái thiện không bao giờ bị dập tắt.

Trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc xứ Thanh luôn là địa bàn chiến lược quan trọng, là đất “căn bản”, “phên dậu” của đất nước. Đất Thanh luôn sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Hình tượng Bà Triệu uy nghi trên đầu voi đè bẹp giặc Ngô năm 248; Dương Đình Nghệ có vị con rể tài ba Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán tại trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm 938, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc; Hoàng đế Lê Hoàn có tài cầm quân, trị nước đánh tan giặc Tống xâm lược cả đường bộ, đường thủy; Hồ Quý Ly với nhiều cách tân táo bạo mong xây dựng cơ nghiệp nhưng chí lớn chưa thành; Anh hùng dân tộc. Hoàng đế Lê Lợi phất cao cờ đại nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược sau 10 năm “nếm mật nằm gai” đã giải phóng dân tộc, mở ra vương triều Hậu Lê hơn 360 năm để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Những con người tiêu biểu đó luôn là niềm tin, niềm tự hào của người tỉnh Thanh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xứ Thanh có rất nhiều sĩ phu khí tiết. Đó là Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Quảng trường Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được mang tên Ba Đình. Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước là thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp được nhiều người trân trọng, ngưỡng mộ.

Đất Thanh không chỉ là nơi sinh ra những nhân vật lịch sử, dòng họ nổi tiếng (Ngô, Dương, Lê, Trịnh, Nguyễn...) mà còn là đất của nhiều nhà văn lớn như Khương Công Phụ quê Định Thành (Yên Định) đỗ tiến sỹ đời Đường (thế kỷ VIII) tại Trung Quốc. Ông là tiến sỹ đầu tiên của đất nước. Bài phú “Mây trắng rọi biển xuân” là tác phẩm thành văn cổ nhất của dân tộc. Thần đồng Lê Văn Hưu tác giả bộ “Đại việt sử ký” gồm 30 cuốn rất có giá trị, là ông tổ của ngành sử học nước ta quê ở Thiệu Trung, Thiệu Hóa. Tể tướng Lê Hy noi gương ông là người đã hoàn thành bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” quê ở Đông Khê, Đông Sơn, Lê Quát, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Văn Linh, Lê Thánh Tông, Lưu Hưng Hiếu... Lương Đắc Bằng và Lương Hữu Khánh hai cha con đỗ bảng nhãm và tiến sỹ là những nhà văn hóa nổi tiếng thời Trần, Lê. Nhữ Bá Sỹ, Lê Khắc Tháo, Tống Duy Tân... là những nhà thơ, văn có tiếng ở cuối thế kỷ XIX.

Những con người tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử trên đã được triều đình phong kiến trước đây và Nhà nước ta ghi danh cho lập đền, miếu thờ cúng, được nhân dân ở khắp các địa phương ngưỡng vọng, tôn thờ với tấm lòng thành kính, trân trọng. Đó cũng là nét đẹp trong đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa cộng đồng suốt nhiều thế hệ.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]