(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Báo Thanh Hoá nhận được bài viết của PGS, TS. Hồ Thế Hà (Trường Đại học Huế), đề cập chủ đề Thơ tình yêu trong thơ của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Báo Thanh Hoá nhận được bài viết của PGS, TS. Hồ Thế Hà (Trường Đại học Huế), đề cập chủ đề Thơ tình yêu trong thơ của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

Những tập sách chuyên luận của PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh

Nguyễn Hồng Vinh là nhà báo chuyên nghiệp, nguyên giữ nhiều cương vị quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực: Chuyên gia cao cấp Học viện chính trị Công an nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương...

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh trò chuyện cùng anh Sáu Phong, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước tại nhà riêng ở Bình Dương, ngày 27/4/2021

Ở lĩnh vực nào, ông cũng năng nổ, hoạt động có uy tín và hiệu quả, được dư luận đánh giá cao. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian cho việc sáng tác thơ. Gần một thập niên trở lại đây, song hành với công tác văn hóa - xã hội, ông có phần ưu ái và thao thức nhiều hơn với thơ - một nghệ thuật nghiêng về cảm quan trữ tình, lãng mạn. Và ông đã bắt mạch cuộc sống một cách nhanh nhạy, tạo thành thế giới hình tượng và thẩm mỹ thơ mang bản sắc riêng. Kết quả của quá trình đó là các thi phẩm liên tục ra mắt bạn đọc: Thao thức dòng đời(2010), Nhịp điệu thời gian(2013), Miền thương nhớ(2013), Màu ký ức (2015), Lãng quên thì thầm (2016), Xanh mãi(2019). Và bây giờ là Tiếng quê(2021). Phải nói là ông yêu thơ, yêu đời và dạt dào thi cảm lắm mới có được thi trình liên tục đáng trân quý như thế.

Có thể nhận xét một cách khái quát về chất thơ và hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh từ tiêu đề các tập thơ của ông như sau: Chất thơ của ông luôn “thao thức dòng đời”, bám sát vào nguồn mạch hiện thực cuộc sống đang thao thiết chảy về phía trước. Ở đó, ông nhận được niềm vui và ân nghĩa quanh đời để hình thành nên những “miền thương nhớ” đong đầy “màu ký ức” và “nhịp điệu thời gian”, để hình thành các chủ đề, đề tài chính cho thơ. Còn hồn thơcủa ông chính là những cảm xúc và tâm trạng điển hình được kết tinh từ chất thơ nói trên để hình thành ngôn từ và giọng điệu ngân lên “tiếng quê” có lúc “lãng quên thì thầm”, nhưng “xanh mãi” tình yêu con người và cuộc sống.

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

Những tập thơ đã xuất bản của PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh

Trong bài viết ngắn này về thơ của Nguyễn Hồng Vinh, để tránh sự trùng lặp về nội dung mà những nhà nghiên cứu đi trước phân tích và bình luận kỹ, tôi muốn đi vào một lối nhỏ - nhưng là lối nhỏ thì thầm, xao động đáng nhớ - lối vào tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh. Qua những cảm xúc bạo dạn và ngập ngừng, qua những mối tình thoáng qua và sâu nặng, qua những rung động có thật và có khi nhập vai, Nguyễn Hồng Vinh đã viết nên những câu thơ, bài thơ tình yêu với tâm trạng và phức cảm riêng. Nhờ đó, ông tự hiện hữu mình như một chủ thể hiện sinh luôn thao thức về những điều bình dị mà kỳ diệu của trái tim.

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh cùng các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam

Tình yêu là chủ đề muôn thuở trong thi ca và là nguồn cảm hứng bất tận của thi sĩ. Tùy hiện thực tâm trạng và quan hệ tình cảm của mỗi chủ thể sáng tạo mà tình yêu hiện ra trong thơ với muôn vàn sắc thái và cung bậc. Thơ tình yêu Nguyễn Hồng Vinh có tiếng nói mạnh mẽ, trực tiếp nhưng cũng có lúc e dè, ví von riêng, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ một hoàn cảnh và một điểm tựa tình cảm có thật của chính mình và người thân mà ông là nhân chứng, đồng cảm và biến thành tiếng nói trữ tình chân thành, nhân ái.

Em/ người yêu - nhân vật trữ tình trong thơ Hồng Vinh trước hết là người vợ thương yêu, nhớ mong trong xa cách: “Từ nơi xa vạn dặm/ Nắng xao động lòng em/ Gió xanh lùa xanh tóc/ Thì thầm gì cùng em?/.../ Tình em truyền hơi ấm/ Kéo lại gần mùa xuân!” (Em kéo xuân lại gần). Chính nỗi nhớ có thật đó đã neo giữ hồn quê, chân quê và tình quê bền chặt trong ông:

Anh rời làng ngày ấy

Mang theo cả hồn quê

Thành tiếng thơ đằm thắm

Nay mong mỏi trở về

(Tiếng quê)

Em có khi là nhân vật trữ tình nhập vai để anh suy tư, triết luận. Khi ấy, chủ thể trữ tình đã hóa thân vào nhân vật để nói về những điều không chỉ riêng tư, mà cao hơn, là cho tình yêu muôn thuở: “Không gặp lại em, mọi điều vô nghĩa/ Ước gì hình em nhập vào xanh lá/ Che mát anh suốt chặng đường xa” (Trở lại Hàng Châu). Có khi đó là hoài niệm đẹp đến nao lòng trong ánh trăng thơm hương thu, hương tóc đêm nào:

Nắng hửng rồi và Thu đã sang

Lá xào xạc như cuối chiều ta gặp

Trăng vẫn sáng tựa đêm nào cùng dạo

Hương tóc em còn mãi tỏa bay!

(Xao xuyến thu)

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND tặng quà lưu niệm nhân gặp mặt thân mật các Cộng tác viên thân thiết của Học viện trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (tháng 6/2018)

Tình yêu trong thơ Nguyễn Hổng Vinh thường là bắt nguồn từ hiện thực với không gian, thời gian có thật, ở đó, thiên nhiên trở thành tương cảm cho những âu yếm, ngọt ngào của con người: “Nắm tay em đi dưới nắng/ Hoan ca vang dọc đường xuân” (Khát vọng).

Đa phần trong thơ Nguyễn Hồng Vinh, ta bắt gặp những quan hệ tình yêu gắn với sự đồng hiện một thời chiến tranh gian khổ và ác liệt. Ví như khoảnh khắc hai người gặp nhau khi qua phà Long Đại trong căn nhà nhỏ mà thành kỷ niệm đong đầy:

Trời đã ban cho niềm thương

Gặp em một chiều đầu hạ

Trong căn nhà nhỏ ven sông

Để còn đây lời con sóng vỗ về: “Anh nghe thầm thì lời sóng/ Mầm xanh vẫn trải đời em” (Chuyện thời đáng nhớ), giúp người chiến sĩ vững dạ ra chiến trường.

Lại có một sự thật bất ngờ. Người chiến sĩ nơi ác liệt, gian khổ nhận lá thư người yêu, gửi kèm theo lá thư tỏ tình ngày trước của mình giờ đã ố vàng, bởi tháng ngày ly cách. Cầm trang thư, anh nhận ra sự thực phũ phàng: “Chiến trường tiến sâu vào trong/ Làm tan biến mọi mong manh tin tức/ Mười năm, em thành vọng phu bến nước/ Còn tôi, bom cướp mất chân”. Ngày trở về sau chiến tranh, mỗi người một ngả: “Hòa bình về em đã lên vùng biên/ Cùng bà con dựng trường mở lớp/ Học sinh là những đứa con tinh thần/ Tiếng hát xua đi đơn độc” (Lá thư qua bưu điện). Tình yêu trong thơ Nguyễn Hổng Vinh bao giờ cũng nội cảm nhanh trong lòng người đọc, nhất là người đọc từng sống qua một thời chiến tranh ly cách.

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh cùng các nhà báo, nhà thơ ở CLB nhà báo Thành Nam tại TP HCM

Giữa hai đầu nỗi nhớ là sự sống và cái chết, tình yêu bao giờ cũng thiêng liêng, cao cả. Mọi kỷ niệm đều trở thành gia tài tinh thần giàu có, an ủi người chiến sĩ trên đường ra mặt trận: “Đất nước chiến tranh gọi anh lên đường/ Mang kỷ vật thiêng liêng - chiếc mùi xoa em tặng”. Kỷ vật nhỏ mà thành nỗi nhớ nặng sâu: “Đọc thư em, lòng chộn rộn vấn vương/ Đâu những chiều quê vào mùa gặt hái/ Nhớ nắm xôi đầu mùa, em nấu/ Má ửng hồng, em dúi vội cho anh”. Và giờ đây, thời gian đợi chờ, với người yêu bé nhỏ hậu phương lại có thêm sự dỗi hờn, trách móc để người chiến sĩ phải thanh minh:

Sao lại trách anh “đã quên cả làng quê”

Ngàn lần không, hỡi em yêu dấu

Tháng năm trôi là cả sự lặng thầm

Như dòng sông tải phù sa ra biển

(Thắm sắc hoa ban)

Khi xa tổ quốc, làn hương kỷ niệm chợt về: “Hương sen Hồ Tây chiều hạ/ Tóc em hương bưởi tỏa lan”. Anh liên tưởng đến một thời trận mạc ở Trường Sơn: “Hương thầm từ lá thư em/ Rạo rực mùa hương hoa sữa/ Bịn rịn trong buổi tiễn đưa/ Hương rừng Trường Sơn nhung nhớ” để rồi lan sang hương tình ái trong đêm hội Chèo quê kiểng: “Hương tình man mác đêm thu/ Trống chèo sân đình xao động” (Một chữ hương).

Hình ảnh người em, người phụ nữ đẹp, duyên dáng và thủy chung luôn xuất hiện trong thơ như điểm tựa tinh thần, như duyên cớ để ông nghĩ về quá khứ. Nhờ đó, ông có dịp đồng hiện kỷ niệm để xôn xao, tin yêu trong hiện tại:

Tam Đảo bảng lảng sương buông

Hình như em bên sườn dốc

Đồi chè bậc thang xanh ngắt

Trang viết ẩn hiện tình em!

(Tìm nhau)

Không gian và thời gian hoài vãng có tác dụng làm sống lại kỷ niệm, giúp con người tìm lại những gì đã mất để được sống lại trong hoài nhớ và thầm thì từng kỷ niệm đẹp: “Thu đang đẹp đúng mùa em mong đợi/ Ngày ấm êm tràn ngập nơi em/ Một chút heo may xuyên kẽ tay buốt nhớ/ Gốc cây xưa thầm gọi tháng năm dài”. Nhờ đó mà hiện tại có dịp đánh thức những viên thành trong hiện tại:

Điều ước giản đơn lay thức suốt mùa sang

Em rạng rỡ giữa nắng vàng cây lá

Vẫn biết Thu đi là mùa đông buốt giá

Nhưng với em, mọi thứ đã viên thành

(Tâm tình thu)

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

Ba tập thơ xuất bản từ năm 2018 đến nay của PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh

Cùng trong mạch liên tưởng đồng hiện như trên, Nguyễn Hồng Vinh thường mượn cảnh để ngụ tình. Ý nghĩa của vấn đề không cần nói nhiều qua đối thoại mà thương diễn ra trong độc thoại: “Tam Bạc đêm nào đầu hạ/ Dòng sông chở cả trời sao/ Anh muốn hái chùm sao sáng/ Tặng em lưu nhớ buổi đầu”. Khoảng trống còn lại đã có thiên nhiên nói hộ:

Ngờ đâu em xa, xa hút

Trăng sao cũng trốn biệt tăm

Mộng mơ đi theo gió cuốn

Cánh buồm đơn lẻ, chênh chông

(Xốn xang thàng tư)

Một cơn mưa lất phất cũng gợi bao ao ước thầm lặng: “Mưa đầu xuân lất phất/ Gọi hạt gieo nảy mầm/ Lay tình người bừng giấc/ Đưa Anh về bên Em” (Lời nhắn qua mưa). Và rồi đêm. Đêm của những giấc mơ đẹp, buồn và trong suốt làm lay động giấc mơ: “Bình minh sao muộn thế?/ Để bóng đêm phủ dày/ Trang giấy nhòa nét mực/ Em mơ gì đêm nay?” (Đêm).

Liên hệ những dòng sông hiện thực và tâm tưởng, tác giả cũng có cách hoài vãng như thế. Nhờ cảnh mà tình thêm có điểm tựa vững chắc

Sông Lô vừa trong vừa đục

Đầy vơi theo tháng theo mùa

Riêng em cũng không nhớ nữa

Thu đi, Đông tới bao giờ

(Sông Lô có người con gái)

Khi nghĩ về những dòng sông hiện thực và tâm tưởng, anh để ngòi bút “Trăn trở cùng trang viết/ Thấm đẫm nước dòng sông/ In dáng hình muôn mặt/ Ngàn tấm lòng bao dung” để cuối cùng nỗi nhớ trong ông là có thật:

Anh lại đi trăm ngả

Vượt qua nhiều dòng sông

Mang hình em tươi tắn

Trong trái tim ấm nồng

(Hoài niệm những dòng sông)

Qua những cảnh và người thân thiết, nhà thơ lại nghĩ về những gì đồng nghĩa với tin yêu, để thấy “vẫn mạch đời đằm thắm”, “mênh mang lời tình yêu”. Và một lây lan khác về tình cảm lại hiện hữu trong thơ:

Chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh với các đồng nghiệp ở Hải Phòng

Trong mảng thơ tình của Hồng Vinh, có nhiều bài thơ hay. BàiTam Đảo và emvừa thực vừa ảo, vừa lãng mạn vừa hiện thực: “Vắng em một chiều tím biếc/ Sao thấy nghiêng cả bóng chiều/ Thầm mong tìm nguồn hơi ấm/ Từ em/ vẻ đẹp nàng tiên”. Vậy mà “Sương mù ùa vào lạnh giá/ Đêm như dài suốt tháng năm/ Cô liêu ngập tràn phòng nhỏ/ Ai người tri kỷ, tri âm?”. Để cuối cùng, hiện thực níu anh về với nỗi nhớ đầy vơi:

Tam Đảo sương mù bay lượn

Bồng bềnh như mái tóc em

Đường lên ngoằn ngoèo đèo dốc

Đầy vơi háo hức bao niềm

Mai về thị thành ồn ã

Mang theo Tam Đảo trời mây

Có một miền em da diết

Suối nguồn những cánh thơ bay!...

Bài Liễu cũng nằm trong mạch trữ tình lãng mạn đối cảnh sinh tình quen thuộc của Nguyễn Hồng Vinh. Bài thơ chỉ năm câu ngắn nhưng có cấu trúc chỉnh thể. Hình tượng con người và hình tượng thiên nhiên hòa quyện nhau. Nhân vật trữ tình của bài thơ đã hòa vào thiên nhiên và em để thể hiện tâm hồn đa cảm của mình. Ở đó, em và liễu và anh đã thành chủ thể trữ tình tương cảm và tương ái nhau:

Tóc em liễu hồ

Mắt em biếc hồ

Anh xin làm ngọn gió

Lăn tăn phiêu sóng hồ

Miên man thơm liễu hồ

Nhưng rồi, hiện tại bao giờ cũng nhắc thức con người hướng về phía trước. Giữa bao bộn bề, chao đảo và lo toan, nhà thơ vẫn vững một niềm tin chân thành và mãnh liệt: “Cuộc đời trăm ngàn lẽ/ Không gì thay Thủy chung/ Sống bằng cả yêu tin/ Ấm mãi niềm Hạnh phúc” (Nguồn hạnh phúc). Những đúc kết chân lý như thế xuất hiện nhiều trong thơ Nguyễn Hồng Vinh để thành phương cách sống, phương châm xử thế cho mọi người. Ví như, liên hệ đến công việc sáng tác của mình, ông luôn nghĩ đến những gì đồng nghĩa với niềm tin, lẽ phải và trách nhiệm: “Những vần thơ đêm đêm thắp lửa/ Được sinh thành từ trải nghiệm đời anh/.../ Hạnh phúc bắt nguồn từ nuôi dưỡng Yêu - Tin” (Phút giây hạnh phúc).

Nghĩ về sự kiên nhẫn và lòng chung thủy, ông cũng liên hệ đến những hiện thực gian nan và thử thách, rồi từ đó đúc kết vấn đề:

Đời thử lòng người kiên nhẫn

Em đo tình anh thủy chung

Gian nan sáng lên hạnh phúc

Cùng nhau nhân tiếp màu xanh

(Nhân tiếp màu xanh)

Những đúc kết như thế rất gần với cảm nhận của mọi người nên thơ Nguyễn Hồng Vinh dễ đồng cảm và nội cảm trong lòng bạn đọc.

***

Vậy là tôi đã đi lướt qua lối vào tình yêu trong thơ của Nguyễn Hồng Vinh. Một lối nhỏ nên thơ, thao thức và nhân ái mà với tư cách là nhân vật trữ tình ngôi thứ nhất và là nhân vật trữ tình nhập vai, ông đã cảm nhận và thông điệp đến chúng ta những vui buồn, ân nghiã quanh đời. Thơ tình yêu Nguyễn Hồng Vinh không mãnh liệt, gấp gáp như Xuân Diệu, không tương tư, ngăn cách như Nguyễn Bính, không buồn bã, xa vời như Huy Cận, cũng không lãng mạn, hiện đại như Nguyễn Trọng Tạo, không bạo liệt, bỗ bã như thơ trẻ hiện nay..., trái lại, ở ông, có cái tình đằm thắm, hồn hậu của một người đã đi qua những thăng trầm cùng đất nước; có cái tình xa vời pha chút tiếc nuối của thế hệ chứng kiến những bi kịch lớn của nhân dân; có cái tình của người lớn dần theo tuổi tác giờ ngoái lại có chút ngỡ ngàng, vụng dại, nhưng trách nhiệm và tin yêu. Vì vậy, có thể nói, về một cạnh khía ý nghĩa phổ quát và bản chất, thơ tình yêu Nguyễn Hồng Vinh có tác dụng trân trọng và tôn vinh cái đẹp, tôn vinh tình yêu, hạnh phúc và trách nhiệm với cuộc sống./.

Vỹ Dạ, đêm 04/6/2021

H.T.H


H.T.H

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]