(vhds.baothanhhoa.vn) - Tan giờ làm, đang định ghé vào chợ như mọi ngày thì bỗng tiếng loa của phường vang lên: “A lô! A lô! Tin bão khẩn cấp"… Thế là như một phản xạ, tôi tăng ga để chiếc xe lăn bánh thật nhanh, đưa tôi quay vòng về lại với những ký ức của cơn bão năm xưa - cơn bão của định mệnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cơn bão lòng...

Tan giờ làm, đang định ghé vào chợ như mọi ngày thì bỗng tiếng loa của phường vang lên: “A lô! A lô! Tin bão khẩn cấp"… Thế là như một phản xạ, tôi tăng ga để chiếc xe lăn bánh thật nhanh, đưa tôi quay vòng về lại với những ký ức của cơn bão năm xưa - cơn bão của định mệnh.

Cơn bão lòng...

(Ảnh minh họa)

Tôi sinh ra ở ngôi làng ven biển của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) - nơi luôn chịu ảnh hưởng nặng nề mỗi khi có bão đi qua địa bàn. Nhà tôi nằm ở xóm Mới của làng - xóm của những gia đình vừa đến khai khẩn đất đai và dựng nhà sinh sống. Vậy nên, nghề chính của bố mẹ tôi không phải đi biển mà là trồng lúa và hoa màu như những người nông dân thực thụ. Tuổi thơ chúng tôi ngoài gắn liền với những nương khoai, ruộng lạc còn là những buổi cùng bạn bè đi mò ngao, nạo sò và hôi cá từ những mẻ lưới của ngư dân còn sót lại. Cũng chính bởi điều đó đã cho tôi biết được đường chân trời - nơi khởi nguồn của những con sóng bạc đầu là hình vòng cung mà sau này khi vào đại học, tôi vẫn thường kể với đám bạn học cùng.

Ngày đó, người dân quê tôi còn nghèo lắm, cả làng đa số ở nhà tranh vách đất nên mùa bão đến, dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng khiến người dân phải nhiều phen ngụp lặn.

Có lần cơn bão mạnh cuốn phăng đi cả mái tranh trên nóc, bố nói sẽ sớm xây cho mấy mẹ con một ngôi nhà kiên cố để ở. Bố là bộ đội hải quân xuất ngũ về địa phương công tác. Hồi đó đất hoang còn nhiều nên cứ có thời gian, bố lại ra sức khai khẩn thêm ruộng vườn để trồng các loại hoa màu. Đến năm 1989, bố cũng hoàn thành được ngôi nhà xây lợp mái ngói đúng như mong đợi. Bố yên tâm lắm, nói với mẹ con tôi trong lúc ngồi ăn cơm giữa nhà: “Năm nay mấy mẹ con không còn phải đi tránh bão nữa vì nhà mình giờ là to đẹp nhất xóm rồi”. Từ bữa đó, nhà tôi hôm nào cũng có khách đến chơi chúc mừng. Nhưng niềm vui tân gia chưa được bao lâu thì cơn bão khủng khiếp kéo tới cuốn trôi đi tất cả. Tôi còn nhỏ nên không nhớ lắm, chỉ nghe mẹ kể lại: “Hôm ấy là một buổi chiểu muộn, mẹ vừa đi làm đồng về thì những cơn gió liên tiếp kéo tới làm nghiêng ngả hàng phi lao bên đường. Ngày đó, phần vì bận thu hoạch vội hoa màu, phần vì chủ quan nên bố đã không chằng chống nhà cửa. Chỉ đến lúc, gió thồi vù vù, quật đi quật lại những tàu lá chuối ở trong vườn thì bố mới hốt hoảng bảo mẹ con tôi lên nhà đóng cửa, còn bố thì cố nán lại dưới bếp, cầm ống tre phì phò thổi lửa để nấu cho xong nốt bữa cơm chiều. Trên nhà, mẹ con tôi thu lu ngồi trên chiếc sập bên cạnh chiếc đèn hoa kỳ leo lét, xung quanh là những chum khoai lúa được đúc bằng xi măng đang để trống không.

Thế rồi chúng tôi nghe thấy tiếng rào rào, rắc rắc trong mưa bão, tiếng bố thảng thốt gọi cửa liên hồi. Mở cửa ra, tôi thấy người bố đen ngòm toàn bồ hóng, tay đang bưng nồi cơm độn khoai còn chưa kịp chín nhừ. Vào đến nhà bố nói vẻ tiếc nuối: “Nhà bếp vừa bị tốc mái rồi”. Mẹ con tôi hoảng hồn nhìn bố, rồi lại nhìn lên mái ngói đang rung lắc như sắp bật tung ra. Bên ngoài, gió vẫn gầm rú vây quanh như muốn nuốt chửng ngôi nhà. Tôi thấy nét lo âu hiện lên trên khuôn mặt bố khi có những viên ngói bắt đầu rơi xuống nền nhà loảng xoảng, để lộ ra một khoảng trời tối đen như mực và những cơn gió len lỏi vào bên trong. Ngôi nhà xây kiên cố là thế bỗng trở nên rung lắc trước những trận cuồng phong dữ dội. Khuôn mặt bố tái nhợt đi vì lo lắng. Bố giục mẹ con tôi chạy qua nhà hàng xóm trước, còn bố thì tranh thủ lấy một ít đồ dùng rồi sẽ đuổi theo sau. Trong đêm tối, bốn mẹ con tôi lao đi bất chấp gió mưa đang xối xả. Chợt có tiếng “ầm” phía sau, chúng tôi quay lại nhìn thì thấy ngôi nhà đã đổ ngay trước mắt. Mẹ tôi gào lên gọi tên bố, vừa gọi vừa chạy về phía đống đổ nát ấy. Đúng lúc đó, bố lao ra ôm chầm lấy mẹ hệt như một phép nhiệm mầu. Cả nhà tôi may mắn thoát chết, nhưng đêm hôm đó cơn bão vẫn hoành hành cho đến sáng.

Sau trận bão ấy, bố tôi ốm nặng. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản chắc bố đã dầm mưa quá lâu vào sáng hôm sau chỉ để đứng nhìn ngôi nhà của gia đình đã bị sụp đổ. Sau này phải trải nghiệm đi làm, tôi mới biết, bố ốm một phần vì phải làm việc quá sức trong một thời gian dài, phần vì tiếc mồ hôi, công sức của mình sau bao nhiêu năm tháng đã bị bão cuốn trôi. Vậy mà, thương mẹ con tôi phải sống cảnh nương nhờ nên khi vừa mới khỏe lại, bố đã cùng anh em nội ngoại cào xới đống đổ nát để nhặt từng viên đá, rồi xếp thành một ngôi nhà bằng đá lợp mái kè trên nền móng cũ. Mẹ tôi chạy vạy nhiều nơi để có tiền thuốc thang mà bệnh của bố vẫn không thuyên giảm. Chị cả tôi vì thế cũng phải nghỉ học để hàng ngày gánh rau sang xã đảo bên cạnh bán phụ mẹ kiếm tiền. Tôi và chị hai sáng đi học, chiều về lại ra biển mò ngao, nạo sò để làm thức ăn cho gia đình. Bố tôi héo mòn theo ngày tháng nhưng ánh mắt thì vẫn luôn nhìn các con trìu mến. Một hôm, bố thều thào gọi chị em tôi lại ôm ấp, vuốt ve rồi dặn dò đủ thứ như thế sắp đi xa. Tôi mới tám tuổi nên không hiểu được đó là những phút giây yêu thương cuối cùng của người cha tội nghiệp. Việc gì đến cũng đến, bố ra đi trong một ngày mưa tầm tã khi chị em tôi còn đang ở trường.

Những năm sau đó, ngôi nhà với những viên đá xếp chồng lên nhau để lộ những lỗ hổng luôn là điều khiến mẹ tôi mất ăn mất ngủ. Mùa đông đến, gió luồn qua kẽ đá nên đêm nào mẹ cũng dậy kéo kín chiếc chăn bông nhưng chị em tôi vẫn rét run bần bật. Rồi những cơn bão lại về, mẹ bảo: “Mấy đứa xê dịch giường ra xa khỏi tường để đề phòng đá đổ vào người”. Nhưng may là các cơn bão đều qua nhanh và không quá mạnh nên ngôi nhà đá vẫn trụ lại được trong nhiều năm. Chỉ duy nhất một lần, gió giật mạnh đến nỗi một khoảng đá đã bị đổ sập dưới ngay chân giường. Giá như là ban ngày, mẹ con tôi đã đi tránh bão nhưng bữa đó vào đêm khuya, hàng xóm xung quanh đều đã đóng cửa im lìm. Thế là, phó mặc sự sống chết cho số phận, mẹ con tôi ngồi thu lu ở một góc nhà mãi cho tới sáng.

Sau bận ấy, mẹ quyết định vay mượn tiền để xây một ngôi nhà ngói 3 gian vững chãi, giống như ngôi nhà bố tôi đã từng xây nhưng không cao bằng. Rồi chị cả cũng đến tuổi đi lấy chồng. Từ ấy, cứ đến mùa mưa bão, anh rể tôi lại lo phụ mẹ chằng chống nhà cửa. Dẫu vậy, trong tôi vẫn luôn ám ảnh về cơn bão năm xưa - cơn bão đã cướp đi hạnh phúc của gia đình tôi, khiến tôi phải rời xa người bố đã luôn sống hết mình vì gia đình, để đến bây giờ khi đã làm mẹ, tôi vẫn khao khát được gọi một tiếng “Bố ơi!”.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]