(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi nói về tinh hoa, hồn cốt, cá tính và khí phách của người Thanh Hóa, ta phải nghiên cứu nhiều lĩnh vực, nhiều mảng, nhiều vấn đề, như lịch sử, văn hóa, văn học, ca dao... trong các mối tương quan soi chiếu nhiều chiều, so sánh, chắt lọc. Từ đó mới có cách nhìn khách quan, trung thực, khoa học, rút ra được những kết luận chân xác. Trong bài viết này, tôi chỉ gói gọn việc tìm hiểu, nghiên cứu hồn cốt, cá tính và khí phách - một nét tinh hoa về phẩm chất người Thanh Hóa trong thơ xứ Thanh hiện đại.

Cốt cách người Thanh Hóa qua thơ hiện đại xứ Thanh

Khi nói về tinh hoa, hồn cốt, cá tính và khí phách của người Thanh Hóa, ta phải nghiên cứu nhiều lĩnh vực, nhiều mảng, nhiều vấn đề, như lịch sử, văn hóa, văn học, ca dao... trong các mối tương quan soi chiếu nhiều chiều, so sánh, chắt lọc. Từ đó mới có cách nhìn khách quan, trung thực, khoa học, rút ra được những kết luận chân xác. Trong bài viết này, tôi chỉ gói gọn việc tìm hiểu, nghiên cứu hồn cốt, cá tính và khí phách - một nét tinh hoa về phẩm chất người Thanh Hóa trong thơ xứ Thanh hiện đại.

Cốt cách người Thanh Hóa qua thơ hiện đại xứ ThanhMinh họa: Hà Minh

Thơ xứ Thanh hiện đại từ năm 1945 đến nay, hàng trăm cây bút, rất nhiều tên tuổi nổi tiếng như Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Nguyễn Duy, Lữ Giang, Bạch Văn Ùi… với hàng nghìn tác phẩm thơ, trường ca được sáng tác và công bố là một kho báu đồ sộ, phong phú về nội dung, phong phú về nghệ thuật, có giá trị vô cùng to lớn đóng góp vào di sản văn hóa phi vật thể không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa mà còn có giá trị với cả nước.

Sở dĩ, nói thơ xứ Thanh hiện đại ngời lên cốt cách riêng biệt của người Thanh Hóa là vì xét toàn cục thơ hiện đại Việt Nam, thơ vùng miền nào cũng mang dấu ấn tình cảm cốt cách con người của vùng miền đó, nhưng rõ nét, độc đáo, đặc trưng, trở thành thương hiệu người Thanh Hóa như trong thơ xứ Thanh hiện đại thì gần như chỉ biểu hiện trong thơ những thi nhân Thanh Hóa. Từ Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, Hữu Loan… vừa toát lên cái kiêu hùng, kiêu dũng, can trường, ngạo nghễ vừa có cái phong trần, đội trời đạp đất.

Đi đánh giặc, cái chung của các chiến sĩ ở mọi chiến trường là thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, vất vả “đêm rét chung chăn”, “áo vải chân không/ Đi lùng giặc đánh” (Hồng Nguyên), “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Chính Hữu), chung cảnh “Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau” (Vũ Cao). Nhưng sự khác biệt của người Thanh Hóa là vượt lên hoàn cảnh, chế ngự và chiến thắng hoàn cảnh. Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, chưa có một tấc sắt trong tay, vũ khí chỉ có gậy gộc, giáo, mác cộng với lòng quả cảm, căm thù giặc, dám vượt qua mọi thử thách hiểm nguy, người Thanh Hóa dám: “Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm dao kiếm” (Hồng Nguyên). Cái từ “lột sắt đường tàu”, “rèn thêm dao kiếm”, “đi lùng giặc đánh” không những thể hiện hết lòng căm thù, quyết tâm đánh giặc, nó còn thể hiện hành động nhanh, mạnh, không chần chừ, dứt khoát, quyết đoán, đầy khí thế. Chỉ có những người quen ứng phó trước khó khăn, từng đối mặt nhiều bất trắc, đòi hỏi nhanh mạnh, cương quyết mới tạo nên được bản lĩnh thường trực trong máu như thế. Cái đẹp toát lên ở cử chỉ hành động ấy thể hiện tinh thần lạc quan, vui tươi, tự tin, tự nhiên, không bi lụy, không căng thẳng trong hiểm nguy của cuộc chiến đấu ác liệt, khốc liệt trước kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân đội, vũ khí hùng hậu bậc nhất thế giới.

Giữa bom đạn khốc liệt mà không hề thấy khốc liệt, giữa nơi sự sống mong manh như sợi tóc mà tâm hồn mát rượi. Cái chất phác, mộc mạc, hồn hậu, giản dị đến trong suốt này chỉ có thể lý giải, nó đã được tôi luyện trong cái khủng khiếp, cái quá bình thường đến mức không bình thường ăn sâu vào trong tiềm thức. Giữa cảnh “những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều” (Nguyễn Đình Thi), những người lính vẫn trò chuyện gia đình, chồng vợ “Đằng nớ vợ chưa/ Đằng nớ/ Tớ còn chờ độc lập/ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu” (Hồng Nguyên). Nghìn năm nay lịch sử vùng đất này đã quen giành giật hạnh phúc trong khốc liệt, trong gông cùm, xiềng xích của kẻ thù để tự do, để ca hát, để đoàn tụ gia đình. Nó trở thành một nhận thức tất yếu của người xứ Thanh.

Chiến đấu để hát. Hát để chiến đấu. Đó là minh triết xứ Thanh. Ngay đầu cuộc kháng chiến, người Thanh Hóa tuyệt đối tin tưởng vào chiến thắng, vào hòa bình, độc lập. Họ tin đến vô thức: “Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni/ Dân chúng cầm tay lắc lắc: “Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc” (Hồng Nguyên). Dù ai đi đâu, ở đâu, chỉ cần đọc đến các từ “câu ni”, “cầm tay lắc lắc”, “nhớ rẽ viền chơi ví chắc” sẽ nhận ra ngay cử chỉ người Thanh Hóa, ngôn ngữ và bản tính người Thanh Hóa. Hơn thế, người Thanh Hóa có niềm tin mãnh liệt, một niềm lạc quan tươi rói vào độc lập. Đi chiến đấu đã biết ngày chiến thắng. Hệt như người nông dân, gieo hạt biết có vụ mùa gặt hái. Đó là kinh nghiệm xương máu, là lịch sử mách bảo, là linh cảm. Đó cũng là một đặc sản Thanh Hóa.

Trong bài “Nhớ máu” nhà thơ Trần Mai Ninh viết: “A, gần lắm/ Ta gần máu/ Ta gần người/ Ta gần quyết liệt”. Cái gần ấy đã tôi luyện, hun đúc nên cá tính người Thanh Hóa “Những con người/ Đã bước vào bất tử!/ …/ Đen như mực, đặc thành keo/ Tròn một củ/ Hay những người gầy sắt lại/ Mặt rẹt một đường gươm”. Có nhiều nhà nghiên cứu thi pháp khẳng định Trần Mai Ninh đã có đóng góp to lớn vào việc sáng tạo ra một loại ngôn ngữ thi ca hoàn toàn mới, mang tính đột phá. Nhưng xét về góc độ con người, Trần Mai Ninh không sáng tạo ra tính cách, khí phách con người xứ Thanh mà ông đã làm bật dậy chói ngời nhất vẻ đẹp tinh thần, thể chất, sức sống mãnh liệt của người Thanh Hóa. Nếu không hiểu hết chiều sâu truyền thống, lịch sử xứ Thanh, Trần Mai Ninh không chắt lọc, chưng cất được những câu thơ tinh túy ấy.

Cái tính cách, cái khẩu khí phi phàm, phi thường, “chọc trời khuấy nước”, đậm đặc chất Thanh Hóa ấy lại vang trong bài thơ “Đèo Cả” của nhà thơ Hữu Loan. Chỉ có Hữu Loan mới thấy được “Mây trời Ai Lao sầu đại dương”, mới thấy được “Râu ngược chào nhau bên dốc núi”. Cái ác liệt, cái khốc liệt từng giờ hiện hữu “Giặc từ Vũng Rô bắn tới/ Giặc từ trong tràn ra/…/ Máu giặc mấy lần nắng khô” nhưng “Sau mỗi lần chiến thắng/ Những người trấn Đèo Cả/ Về bên suối đánh cờ/ Người hái rau rừng/ Ăn nheo mắt/ Người vá áo/ Thiếu kim mài sắt/ Người đập mảnh chai/ Vểnh cằm cạo râu/ Suối mang bóng người/ soi những về đâu” (Hữu Loan). Nếu chọn những câu thơ đẹp nhất về người lính hơn nửa thế kỷ qua, tôi chọn những câu thơ này trong bài “Đèo Cả” của Hữu Loan. Những câu thơ của Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Hữu Loan đã kế thừa sâu sắc âm hưởng, khí phách của thơ Lê Lợi khắc trên vách đá sông Đà cách đây sáu trăm năm: “Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn/ Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá/ Nghĩa khí quét sạch nghìn lớp mây mù/ Tráng tâm dời hết vạn trùng núi non” (“Chinh đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đê”, bản dịch của Bùi Huy Bích).

Chính cái tính cách lớn lao ấy giúp Định Hải có một tâm thế lớn khi viết “Bài ca về trái đất”. Ông thể hiện tinh tế cái nhìn của người Thanh Hóa trước vũ trụ bao la, mình là chủ nhân, trái đất chỉ là “Quả bóng xanh bay giữa trời xanh”. Bất cứ hoàn cảnh nào, nguy hiểm nào, người Thanh Hóa vẫn không đánh mất mình, vẫn ngay thẳng, kiên gan, bất khuất. “Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất/ Đền Sòng bay bay tuốt cả chùa chiền/ Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết/ Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn” (Nguyễn Duy). Cái ác, cái dã man, cái sức mạnh tàn bạo của bom đạn có thể thiêu đốt đền chùa miếu mạo, thánh Phật có thể tùy cơ tùy thời ẩn hiện nhưng tinh thần dũng cảm, kiên gan, không sợ bất kỳ một sự tàn bạo nào của người Thanh Hóa, không kẻ thù nào khuất phục nổi. Chính trong bom giật bom rung, khốc liệt ngoài trí tưởng tượng, người Thanh Hóa đã linh hoạt hơn, thông minh hơn, can trường hơn, sáng tạo hơn: “Giặc bỏ bom ngang/ Ta xây làng dọc/ Giặc bỏ bom dọc/ Ta dựng làng ngang/ Trận địa ta giăng hàng/ Rộng hơn vòng bom giặc” (Văn Đắc). Càng dữ dội, bản lĩnh người Thanh Hóa càng vững chắc, càng khỏe khoắn “Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường” (Nguyễn Duy).

Có thể khẳng định dấu ấn sâu sắc nhất mà văn học hiện đại xứ Thanh để lại trong lòng bạn đọc là cốt cách, là tính cách, khí chất không trộn lẫn vào đâu của người Thanh Hóa. Khi viết “Nhớ”, “Nhớ máu”, “Đèo Cả”… tôi tin các tác giả Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Hữu Loan chưa hề bị chi phối bởi các tư tưởng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêng hùng hay kiêu hùng mà chính bản chất, tư chất, phẩm chất người Thanh Hóa bật lên những câu thơ, làm câu thơ phát sáng. Khẩu khí, cốt cách người Thanh Hóa là tiềm thức, là máu thịt các nhà thơ. Những hình ảnh: “Đi lùng giặc đánh” “Đen như mực, đặc thành keo/ Tròn một củ”, “những người gầy sắt lại/ Mặt rẹt một đường gươm” ,“đập mảnh chai/ Vểnh cằm cạo râu” ,“Quất sự nõn nà vào gió”, “Xé trời ra mà sáng” là đặc sản, là nhãn hiệu riêng biệt của người xứ Thanh. Nhạc trưởng cho tâm hồn các nhà thơ chính là sự kết tinh những cá tính anh hùng lịch sử “đạp sóng dữ, chém cá kình cá ngạc ở biển đông, cởi ách nô lệ” của Bà Triệu, sức mạnh “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông” của Lê Lợi từ ngàn xưa để lại làm nên nét cá tính mạnh mẽ trường tồn của vùng đất xứ Thanh.

Nguyễn Minh Khiêm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]