(vhds.baothanhhoa.vn) - Thế hệ chúng tôi, có lẽ ai cũng thuộc bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu. Đây là bài thơ tác giả viết nhân dịp Đảng ta tròn ba mươi tuổi (3-2-1930 - 3-2-1960). Bài thơ từ mở đầu đến kết thúc là nói về Đảng, hát về Đảng, ca ngợi Đảng... tạo sức lan tỏa và niềm tin trong lòng công chúng.

Đọc lại bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu

Thế hệ chúng tôi, có lẽ ai cũng thuộc bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu. Đây là bài thơ tác giả viết nhân dịp Đảng ta tròn ba mươi tuổi (3-2-1930 - 3-2-1960). Bài thơ từ mở đầu đến kết thúc là nói về Đảng, hát về Đảng, ca ngợi Đảng... tạo sức lan tỏa và niềm tin trong lòng công chúng.

Đọc lại bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu

Sau hơn sáu mươi năm đọc lại bài thơ, ngẫm nghĩ, bằng trải nghiệm, bằng hiểu biết, soi rọi lại câu chữ mới thấm tại sao “Ba mươi năm đời ta có Đảng” lại có sức cảm hóa, chinh phục, thu hút, lan tỏa mãnh liệt đến thế. Bài thơ có 258 câu, chủ yếu được viết bằng thể thơ song thất lục bát. Ấy thế mà trong tâm thức người đọc thấy nó có tầm vóc bề thế, đồ sộ, rộng lớn, cao cả, sang trọng có sức lay động như một bản nhạc giao hưởng lớn. Bài thơ là một công trình kiến trúc câu chữ độc đáo.

Có người gọi “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu là diễn ca, không phải thơ. Dân ta không cần biết rạch ròi thơ hay diễn ca. Bài thơ đi vào lòng dân, đi vào lòng công chúng như một thứ men, như một thứ thần dược. Nó như hương thơm, như gió lộng, có sức lan truyền, lan tỏa, lay động, cảm hóa, đánh thức tâm trí, tâm hồn vô cùng lớn. Tự nó ngân lên tiếng hát trong lòng mỗi người. Hơn năm mươi năm, tôi vẫn ngân nga nó du dương như tiếng lòng mình vậy.

Uống nước nhớ nguồn là một đạo lý của dân tộc Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã hát tiếng lòng của hàng triệu người dân Việt bằng những câu thơ thấm đẫm nguồn cội: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”. Chính nhờ có Đảng mà: “Đời ta gương vỡ lại lành/ Cây khô cây lại đâm cành nở hoa”.

Từ cái hạnh phúc “gương vỡ lại lành, cây khô cây lại đâm cành nở hoa” tác giả khéo dẫn muôn người nhìn lại lịch sử của đất nước, của dân tộc tăm tối lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai khi chưa có Đảng lãnh đạo: “Thuở nô lệ dân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”. Một dân tộc đã sống trong cái cảnh đau thương trên đe, dưới búa: “Nửa đêm thuế thúc trống dồn/ Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy”, “Con đói lả ôm lưng mẹ khóc/ Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi/ Kiếp người cơm vãi cơm rơi/ Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”. Từ cảnh tăm tối đó, chúng ta hiểu sâu hơn, thấm sâu hơn công ơn trời biển Đảng ra đời lãnh đạo Nhân dân, lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc là bước ngoặt, ngày mùng 3-2-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập (Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ), đây là sự kiện vĩ đại soi rọi cho toàn dân tộc đi lên. Đảng được ví như mặt trời chói lọi: “Mặt trời kia cờ Đảng giương cao” để “Lại hồi sinh trả lại cho ta/ Trời cao đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người”.

Cái hay của bài thơ là, người đọc bị cái tình, cái hồn, cái sức sống dào dạt trong câu chữ cuồn cuộn cuốn đi mà không cảm thấy bị áp đặt nhận thức, không có cảm giác bị tuyên truyền, giáo huấn. Sự dẫn dụ hết sức tự nhiên khi tác giả nói về sự ra đời của Đảng, nói về phương châm tập hợp quần chúng, nói về cương lĩnh đấu tranh, học thuyết linh hồn của Đảng. Ai cũng ngân nga: “Đảng ta con của phong trào/…/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên người hôm nay/ Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng/ Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta đó Mác - Lênin vĩ đại”. Hình ảnh “nằm trên cỏ” là nói hoàn cảnh ra đời vô cùng khó khăn, gian khổ khi Đảng ra đời. Hình ảnh “Đảng ta muôn vạn công nông” là xác định Đảng của giai cấp công - nông - binh. Hình ảnh “Đảng ta đó Mác - Lênin vĩ đại” là khẳng định, Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng. Ấy thế mà câu thơ cứ ngọt lừ, cuồn cuộn chảy vào tâm hồn quần chúng.

Mọi sự kiện trong suốt ba mươi năm (từ 1930 - 1960) từ đấu tranh hy sinh mất mát, từ bị đàn áp đẫm máu, gông cùm xiềng xích, đấu tranh công khai, bí mật, thành lập mặt trận chống Pháp, chống Nhật qua thăng trầm nhưng tất cả trở thành tiếng hát, tiếng reo trong mỗi trái tim khi đọc “Ba mươi năm đời ta có Đảng”. Tác giả dựng lại không khí cuộc nổi dậy của đồng bào ta với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh mà nó hừng hực khí thế, nó ào ạt trống dong cờ mở “Trống Xô-viết Nghệ An vang động/ Bắc Trung Nam tràn sóng đấu tranh/…/ Đứng lên cứu tự do độc lập/ Đứng lên giành ruộng đất áo cơm/ Đứng lên thân cỏ thân rơm/ Búa liềm không sợ súng gươm bạo tàn”. Người đọc cứ tự nguyện nhập vào đoàn người “Trùng trùng cách mạng ra quân/ Phất cao cờ đỏ công nhân dẫn đầu”. Đội quân ấy cứ tự nguyện kề vai sát cánh thành thành đồng lũy thép làm nên sức mạnh long trời lở đất: “Áo nâu liền với áo xanh/ Nông thôn cùng với thị thành đứng lên”, “Núi càng rung, biển càng sôi/ Thép nung càng luyện, càng tôi, càng bền”.

Tố Hữu đã biến khẩu hiệu cứu nước, cứu dân, giành tự do độc lập thành thơ. Câu thơ nào cũng như có lửa, có gió, có sóng, có tất cả nhiệt huyết sục sôi trong đó. Mỗi câu thơ mang một sức mạnh thần thánh: “Đồng cỏ héo đã bùng lửa cháy/ Nước non ơi hết thảy vùng lên/ Bắc Trung Nam khắp ba miền/ Toàn dân khởi nghĩa chính quyền về tay”. Đọc những câu thơ như thế, đang ngồi cũng bật đứng dậy. Chưa đi cũng bước chân đi. Chưa cầm súng cũng xông lên cầm súng. Thơ đã thành lời hiệu triệu. Chính lời hiệu triệu đó đã làm nên sức mạnh kỳ diệu của Đảng, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi tới miền xuôi kết thành một làn sóng cuồn cuộn lướt tới, xông tới: “Nửa đêm vang tiếng lệnh truyền/ Phố giăng chiến lũy, đường xuyên chiến hào/ Hồn nước dựng thành cao muôn trượng/ Tay Đảng rèn lực lượng muôn dân/ Chín năm kháng chiến thánh thần/ Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn”.

Tố Hữu khẳng định vai trò của Đảng: “Tay Đảng rèn lực lượng muôn dân”, khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc nhưng rất tự nhiên, thoải mái. Không một gợn khiên cưỡng. Ngay cả lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch ngày 19-12-1946 cũng được ông chuyển thành thơ một cách tinh tế, đầy sức sáng tạo, đầy thuyết phục: “Hỡi quốc dân, hỡi đồng bào! Có gươm, có súng, có dao hãy dùng/ Quyết kháng chiến đến cùng cứu nước/ Toàn dân trông phía trước tiến lên”!

Tố Hữu ca ngợi sức mạnh của Nhân dân ta như vũ bão: “Dân ta gan dạ anh hùng/ Trẻ làm đuốc sống, già xông diệt đồn/ Chân toạc máu, chân dồn đuổi giặc/ Tay chém thù, tay sắc như gươm”. Ông biến cái trừu tượng thành cái cụ thể. Ông biến cái lịch sử, cái chủ trương, đường lối của Đảng thành hơi thở, thành nhu cầu cuộc sống, đặc biệt thành niềm tự hào của Nhân dân. Khi nước nhà độc lập thì câu thơ hay tiếng lòng ông reo lên, nghẹn ngào: “Ôi hai tiếng đồng bào Tổ quốc/ Đến hôm nay mới thuộc về ta/ Trăm năm mất nước mất nhà/ Hôm nay mới cất lời ca tiếng cười”.

Lý tưởng của Đảng là giải phóng dân tộc, quốc gia độc lập, dân sống hòa bình, hạnh phúc, văn minh, công bằng, bác ái, bình đẳng. Và mọi chủ trương đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng đã được Tố Hữu biến thành thơ trong “Ba mươi năm đời ta có Đảng”. Chưa bao giờ, chưa đâu viễn ảnh của đất nước xã hội chủ nghĩa được vẽ lên đầy ấn tượng, đầy quyến rũ, đầy sức hấp dẫn như trong “Ba mươi năm đời ta có Đảng”. Ông viết: “Màu áo mới nâu non nắng chói/ Mái trường tươi roi rói ngói son/ Đã nghe nước chảy lên non/ Đã nghe nước chảy thành con sông dài/ Đã nghe gió ngày mai thổi lại/ Đã nghe hồn thời đại bay cao/ Núi rừng có điện thay sao/ Nông thôn có máy làm trâu cho người”. Điều kỳ diệu là, những câu thơ gần như tiên tri, tiên đoán ấy bây giờ đã trở thành hiện thực. Rất hiện thực. Còn trên cả giấc mơ xưa nữa.

Làm nên sức mạnh thần thánh của Đảng, không ai khác ngoài Nhân dân. Từ khi Đảng ta: “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương sương gió tơi bời” đến khi Đảng lãnh đạo Nhân dân ta trường kỳ kháng chiến đánh tan bọn thực dân Pháp: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, Đảng tập hợp dân, Đảng giáo dục dân, Đảng rèn luyện dân, kết tinh những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân để họ “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng nghìn thu/ Mặt trời có lúc mây mù/ Trái tim kia vẫn đỏ bầu máu tươi”.

Nhân ngày thành lập Đảng, đọc lại “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu, vẫn cảm nhận được bài thơ có một sức truyền cảm tuôn trào mãnh liệt. Bằng nhãn quan cách mạng, tình cảm cách mạng, Tố Hữu không phải chỉ ngợi ca công lao trời biển của Đảng trong ba mươi năm (1930 - 1960), mà đây mãi mãi là bài ca ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đời đời bất diệt. Đọc bài thơ, ta càng yêu Đảng, tin Đảng mãi mãi là mặt trời chói lọi mang lại hạnh phúc tốt đẹp nhất cho Nhân dân.

NGUYỄN MINH KHIÊM



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]