(vhds.baothanhhoa.vn) - Thưởng thức xong món “Gà ta đi bộ” của quán Thuận nằm sâu phía trong Trạm điều tiết thủy lợi của hồ Đa Tôn, chàng sinh viên hội họa, chuyên ngành Sơn dầu của Đại học Mỹ thuật thành phố, đang trong giai đoạn hoàn thành học phần Sáng tác tốt nghiệp, ngay sau khi leo lên đỉnh đồi, cách đó chừng vài trăm thước, đã phải thốt lên:

Đồi gió

Thưởng thức xong món “Gà ta đi bộ” của quán Thuận nằm sâu phía trong Trạm điều tiết thủy lợi của hồ Đa Tôn, chàng sinh viên hội họa, chuyên ngành Sơn dầu của Đại học Mỹ thuật thành phố, đang trong giai đoạn hoàn thành học phần Sáng tác tốt nghiệp, ngay sau khi leo lên đỉnh đồi, cách đó chừng vài trăm thước, đã phải thốt lên:

Đồi gióMinh họa: Anh Quân

-Thật là một thiên đường hoàn hảo cho sáng tác!

Nghe vậy, tim tôi ấm áp lạ thường.

Nhìn vào ánh mắt đầy cảm kích, chan chứa lòng nhiệt thành của chàng trai với nơi này, tôi thật không kịp giấu đi cảm xúc đã hiện rõ trên gương mặt mà tự những kẻ được sinh ra nơi miền đất ấy cho là niềm vinh hạnh.

Để giới thiệu, rằng quả đồi này, chỉ là một trong những quả đồi thú vị mà chàng trai ấy ít nhất một lần nên ghé thăm, tôi đưa tay về hướng Đông Bắc, gợi ý:

- Bên kia, có mấy triền đồi, trông còn thi vị hơn nữa.

- Gió à.

- Vâng, và nhiều hơn cả gió nữa!

Nghĩa, chàng họa sinh, là một người nhỏ thó, chỉ cần nhìn mái tóc dài buộc ngược và búi lại bằng cọng nịt níu hai đầu cây viết chì, đã đủ nói lên phong cách nghệ sĩ. Rất nhiều sinh viên ngành nghệ thuật ngày nay vẫn tạo trước cho mình một “chân dung” nhà nghề như vậy.

Chiếc biển tên treo lơ lửng nơi cổng vào phần nào đã nói lên thế mạnh của mỏm đồi: Đồi của gió. Tôi xấu nết, ưa soi mói, nên hơi nghi ngờ về cái tính từ sở hữu “của”, nhưng lại cũng không muốn mích lòng ai, vì vậy, tự mình lẩm bẩm: Gió là ai mà nhận đồi là “của” mình? Gió vô tri vô giác mà cũng có cái ham muốn của loài người sao? Bởi, tôi tự đặt lại trong bộ nhớ, nơi đó là “Đồi gió”.

Thật vậy, nơi này, hầu như khi nào cũng có gió. Những làn gió trong lành, lịch thiệp đi từ Bình Thuận, băng qua những cánh đồng lúa xanh rì roạp, trước khi hôn nhẹ vào mỏm đất nhô cao đầu tiên của quần thể núi đồi vùng bán sơn địa nằm cạnh rừng nhiệt đới cận xích đạo giàu thảm thực vật - Nam Cát Tiên.

Nếu đánh một vòng hồ, leo lên triền đồi phía tôi chỉ lúc nãy, ai đứng đó cũng đều có thể cảm nhận được sức gió vĩ đại thế nào, khi thổi từ hướng nam ngược lên, khiến những rặng cây Sao - Dầu gần trăm năm tuổi phải đồng loạt, khiêm hạ, cúi mình chào. Và, giả như bạn đến đó vào một buổi xế chiều, về hướng Bàu Chim, khi hoàng hôn khuất dần xuống sau lưng Đồi Mun, bạn cũng có thể nói rằng, những tán cây kia, như đang rướn mình về hướng tây, lưu luyến giữ lại những giọt nắng cuối ngày trước khi thời gian thinh lặng trùm xuống, đắp lên mặt hồ một tấm mền màu đêm thánh thiện.

Trong một tháng đẹp trời nhất năm mà người ta vừa có thể chiêm ngắm cả những ngày mưa lẫn nắng, chàng sinh viên tất nhiên dễ tìm cho mình những “người bạn” có đủ trải nghiệm và bề dày về thâm niên để có thể trả lời hết các câu hỏi mà một họa sinh có tính tò mò muốn biết về lược sử vùng này. Người ấy hẳn phải là một người đã đi quá nửa vòng đời.

Về diện mạo, trông ông hệt như một nhà giáo già điềm tĩnh, luôn diện những bộ Pijama lụa Nhật Bản và thường lấy thí dụ về lối sống của người Việt nơi đất khách, đến mức chàng đoán được ông có một người con gái đang làm ăn ra tiền nơi xứ sở Phù Tang. Trái ngược hẳn, bà vợ lại ăn mặc hơi luộm thuộm, nếu không muốn nói là nhếch nhác, nhất là khi bà nổi cáu với đàn gà không biết nghe lời mỗi lúc bà lùa lên chuồng vào chập tối. Bù lại, bà có một tấm lòng cởi mở đáng quý. Tiếc rằng, kiến văn của bà không đủ rộng để có thể nói rõ ngọn ngành một câu chuyện nào. Bà chỉ có thể thỉnh thoảng chen vào bằng câu hỏi của một người lãng tai. Ví dụ như, “Hả, thằng Nổi nào? Cái thằng nó chìm hôm đấy á...?”. Theo bản năng, chàng biết được, sở dĩ bà vợ có cái gu thẩm mĩ xuề xòa đó, cũng bởi tính tình ít thể hiện ý kiến của ông. Với ông, đẹp xấu, yêu ghét cũng đều kín đáo, không đáng để thổ lộ, đến nỗi, cách bang giao với lối xóm của ông cũng nói lên điều đó. Hẳn ông cũng không muốn ai bình luận về mình. Bởi vậy, dù đã qua lại trò chuyện đến chục lần, chàng họa sinh cũng chưa thể mời ông dùng chung ché rượu mà chàng định cùng ai đó cắm cần tỉ tê đến khi lạt vị.

Đêm cuối trước khi xếp gọn họa cụ trở lại Sài Gòn, chàng trai rốt cuộc cũng tìm được một người “tâm đầu ý hợp” để “đối ẩm”, giải quyết xong chum rượu mà chàng đang loay hoay chưa biết xử trí ra sao.

Đó là một người đàn ông nát rượu, đang thất thểu bước trên con đường trải nhựa phẳng phướn quanh hồ, tìm rượu. Ngoài năm mươi, nhưng vẻ mặt ngây thơ bướng bỉnh, thái độ chất phác, răng bàn cuốc và miệng luôn cười. Trong bán kính sáu bảy ki-lô-mét ở vùng này, đôi khi ta vẫn bắt gặp một vài người như thế. Thậm chí cách nay mười năm, còn có một gã nát rượu biết chơi đàn. Bên cây guitar, hắn phiêu với những bản tình ca quê hương mộc mạc, mà người đàn bà nào đi chợ ngang qua, cũng phải động lòng cho anh ta ít nhất là vài ba củ sắn. Nhiều tặc lưỡi người tiếc thay: “Trông điệu nghệ thế mà thành ma men, phí đời trai quá”. Nhưng ma men lại thương hại ngược lại người thường: “Mấy bà này vất vả làm chi uổng thật, đời tạm bợ có là gì đâu, uống rượu chơi đàn cho sướng lại chẳng thích”.

Tương phản hẳn với phòng khách trưng bày đầy nội thất trong căn nhà hơi thừa màu sắc của “ông già Pijama”, gian phòng ghép bằng nứa của người đàn ông này ít đồ đạc đến độ không thể nào tin được rằng, phía trong bức rèm hồng, lại có một thiếu nữ kín đáo và e lệ đến vậy.

Ngỡ tưởng chỉ được vào viếng căn nhà đơn sơ của người bạn vong niên mới quen, chàng họa sinh ngẫu nhiên bắt gặp ánh mắt cực kỳ quyến rũ của cô gái vừa chớm tuổi yêu còn đang cô độc. Nếu như có thứ gì đó đo được thời gian của hai cái nhìn tưởng chừng biết nói kia, thì có lẽ đó cũng là một khoảng đáng kể. Vì giả như trong ánh mắt của cô gái không chứa chút e thẹn vì cảm mến; và nơi khoảnh khắc chàng trai thất thần vô tình hiển lộ sự mê say dịu dàng điếu đổ, mà ngờ nghệch như con “cảnh khuyển” của ông cũng hiểu đó là ánh mắt si tình đến nỗi nó định sủa nhẹ một tiếng cảnh báo mà cũng không nỡ.

Ít phút sau, cô gái mang ra đãi khách một đĩa đậu phộng rang muối thơm lừng. Tất nhiên, chàng trai phải tiếp tục lặng đi ít nhất là một phút.Thể nào ông bố cũng nhẩm trong lòng: “Muốn cưa cẩm con gái bố, thì ít nhất, cũng phải cưa đổ bố, nhóc con ạ”.

Bên chum rượu đạm bạc, chàng trai, thêm một lần nữa, bất ngờ khi biết người đối diện cũng có kiến thức về tranh. Cậu tâm đắc mở hai lớp bọc ngoài, vì còn vài lớp sơn chưa thực sự khô, phơi ra dưới ánh sáng ánh đèn vàng ấm áp một bức tranh “Hồ và núi trong ánh ban mai”.

Phong cảnh gây ấn tượng bởi ánh sáng chói lọi của bình minh cuối tháng Năm, xuyên qua những rặng Sao, hắt xuống mặt hồ. Sau một đêm sương hiếm hoi, giọt còn đọng trên tán lá, đồng điệu với màu nước đang phản chiếu màu rừng. Vì vậy, nước có màu lam kỳ lạ.

Chàng họa sinh đã chọn tiền cảnh đơn giản. Chàng vẽ bầu trời với màu lam cobalt pha chút màu đất son vàng, cố ý tạo ra chất màu bazan đặc trưng của vùng Phương Lâm - Tân Phú, và với một giẻ lau, thay vì cọ, chàng cho bầu trời xuất hiện các đám mây. Rặng Sao - Dầu ở xa, chàng dùng hỗn hợp lục crôm đen xám cho cây cối ở lưng chừng. Cùng màu lam, nhưng đậm hơn, chàng tả bóng tối. Mặt hồ, chàng dùng màu xanh lam phthalo mãnh liệt pha trộn với màu đất sienna tự nhiên, để làm dịu bớt. Màu da trời được thêm vào phần mặt nước ở tiền cảnh, gợi ý cho người ta biết ở lòng hồ sẽ có độ sâu đáng kể. Chàng phết bầu trời bằng màu lam lục nhạt. Vì ánh sáng phản chiếu do mây, các bóng tối trên đỉnh được chàng đánh mờ đi rất yếu. Chàng tiếp tục làm đẹp cho những áng mây bằng màu đất son vàng. Chàng tạo hình những rẫy cà phê, tiêu, điều và sầu riêng ở phía triền núi bằng những nhát cọ nhỏ. Chỗ cần sáng, sẽ có màu cam và xanh lam phthalo. Đâu đó, thêm chút vàng để làm dịu sắc độ. Tả khoảng cách rất gần của các cây lớn, chàng chăm chút kỹ lưỡng và chi tiết hơn...

Đồng hồ chỉ sang giờ thứ chín, người đàn ông ngừng nhận xét bức tranh, từng lời như rót vào tim chàng trai sự đồng điệu. Kết thúc lời bình, ông dặn, về Sài Gòn, chàng thử nhuộm các đám mây bằng cách đánh cho chúng hồng hơn và xỉn ở chân trời được không. Mặt nước ở xa, nhất là những dải nằm ngang, có nên để chúng hòa hợp với màu sắc của bên dưới vòm trời không. Nếu được, thử mạnh dạn cộng thêm một vài nét đậm cho bóng phản chiếu của các cây Sao được ghi nhận rõ ràng hơn chăng, vì ở Đa Tôn này, hình bóng các cây Sao - cây Dầu, từ lâu, đã như một thứ gì đó rất thân quen, yên bình và độ lượng.

Đêm đó, lần đầu tiên người con gái thấy được cảnh cha mình chào thua trước rượu và đổ gục xuống chiếc ghế bành tượng cuốn đầy những đoạn dây thun nhem nhuốc vì đã gẫy mộng.

Chàng trai đặt trên vai ông một chiếc áo khoác, dọn dẹp chén đũa, thong thả ra về, dáng vẻ có chút bối rối và xấu hổ vì dường như chàng thiếu chút khéo léo.

Cánh cổng hé ra, chàng trai giật mình.

- Em chưa ngủ sao?

- Chờ tiễn anh về mà!

- Ồ, anh xin lỗi!

- Không có gì đâu. Mà anh có thấy đường về không?

- Chắc thấy!

Giọng hơi khàn, chàng trai đặt một ánh nhìn thật lâu nơi ánh mắt sâu thẳm mà dịu dàng của cô gái, mỉm cười.

Cô gái e thẹn, dúi vào tay chàng trai chiếc đèn pin và đặt lên vai cậu ta chiếc khăn len còn lưu hương nữ giới.

- Giữ ấm, gió bắt đầu thổi mạnh rồi đó.

Cánh cổng khép lại, chàng trai cố nán thêm vài chục giây nữa, đợi cho cô gái vào tới cửa nhà. Dưới ánh đêm mờ đục nhưng đầy lãng mạn, chàng bước ra đường lớn, mỉm cười, huýt sáo. Tiếng sáo ngắt quãng không lường trước được của những người say nhưng mang trong mình nhịp tim rộn ràng phấn chấn.

Ánh đèn pin dần dần lẫn vào màn đêm. Và nếu, có một ngày nào đó, người ta kỷ niệm thời khắc yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, thì đó là mười chín giờ ngày 20 của một trong 3 tháng mùa hè rực rỡ năm COVID thứ 3.

Truyện ngắn của Nguyễn Hoàng Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]