(vhds.baothanhhoa.vn) - Chưa bao giờ, việc xuất bản một cuốn sách lại thuận lợi như thời điểm hiện tại. Tất cả các công đoạn từ nộp bản thảo, xin giấy phép, chế bản đến biên tập, in ấn, phát hành... đều được giản tiện, rút ngắn thời gian một cách tối đa. Ấy thế nhưng, sách cũng như cuộc sống, thật muôn hình nghìn vẻ. Có sách dịch, sách cho thiếu nhi, sách văn học nghệ thuật; có sách khảo cứu, sách ảnh, sách lý luận phê bình; có sách hồi ký, chuyên khảo, di cảo... Điều này đòi hỏi người làm sách phải biết tính chất của sách, bởi nếu không, nặng thì ngoài chuyện có lỗi với độc giả, có thể còn mang tiếng “treo đầu dê, bán thịt chó”; nhẹ thì để lại những điều đáng tiếc!

Làm sách phải biết tính chất của sách!

Chưa bao giờ, việc xuất bản một cuốn sách lại thuận lợi như thời điểm hiện tại. Tất cả các công đoạn từ nộp bản thảo, xin giấy phép, chế bản đến biên tập, in ấn, phát hành... đều được giản tiện, rút ngắn thời gian một cách tối đa. Ấy thế nhưng, sách cũng như cuộc sống, thật muôn hình nghìn vẻ. Có sách dịch, sách cho thiếu nhi, sách văn học nghệ thuật; có sách khảo cứu, sách ảnh, sách lý luận phê bình; có sách hồi ký, chuyên khảo, di cảo... Điều này đòi hỏi người làm sách phải biết tính chất của sách, bởi nếu không, nặng thì ngoài chuyện có lỗi với độc giả, có thể còn mang tiếng “treo đầu dê, bán thịt chó”; nhẹ thì để lại những điều đáng tiếc!

Làm sách phải biết tính chất của sách!

Từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tôi đã nghe tên và biết cuốn “Phan Huy Lê DI CẢO: Nhận thức lịch sử Việt Nam” (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2024) qua một số chương trình quảng cáo của vài người bán sách trực tuyến và trang thông tin điện tử của Công ty CP Xuất bản khoa học và giáo dục Thời đại (TIMES) nhưng mãi đến sáng 23/2/2024 mới được mục sở thị nó nhân lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh GS Phan Huy Lê (23/2/1934 - 23/2/2024).

GS Phan Huy Lê là nhà giáo - nhà khoa học, một tên tuổi sáng giá của khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Cùng với các cố GS Đinh Xuân Lâm (1925-2017), GS Trần Quốc Vượng (1934-2005), GS Hà Văn Tấn (1937-2019), GS Phan Huy Lê (1934-2018) từng được suy tôn là “tứ trụ Sử học” của trường phái “Sử học Tổng hợp” hậu kỳ Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu... Cuốn sách ra mắt độc giả là một trong những hoạt động tưởng niệm ông nhưng rất tiếc, những người làm sách, biên tập sách đã không hiểu tính chất của công trình!

Thế nào là “DI CẢO”?

Chúng ta đều biết, theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt (bản do GS Hoàng Phê chủ biên) thì: "DI CẢO là bản thảo tác phẩm của người chết để lại” (Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, 2011, tr.340).

Từ điển Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế giải thích cụ thể hơn về từ DI CẢO như sau: “DI: để lại; CẢO: bản thảo. Bản thảo của các nhà văn sau khi chết để lại, chưa in thành sách” (Nxb Thuận Hóa, Huế, 2009, tr.431).

Từ điển từ Hán Việt của PGS Phan Văn Các (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm) cũng cho biết: “Di cảo: Bản thảo chưa in của người chết để lại” (Nxb TP Hồ Chí Minh, 2001, tr.118).

Chúng tôi hỏi thêm TS Chu Xuân Giao (nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), người có nhiều thời gian công tác, học tập tại Nhật Bản thì được anh cho hay: “Trong cả tiếng Hán (tiếng Trung Quốc hiện đại) và tiếng Nhật (tiếng Nhật sinh ngữ), “di cảo” đều dùng chữ Hán và đều có nghĩa là “văn bản/ tư liệu/ tác phẩm chưa được công bố lúc còn sống của người đã quá cố”.

Chưa công bố tức còn ở dạng viết tay (sau này, là còn nằm trong máy tính hay mới in ra trong phạm vi cá nhân) mà chưa cho in chính thức, công bố chính thức (in vào sách riêng, sách chung, tạp chí, báo...).

Còn theo nội dung “giải thích từ ngữ” của khoản 1, Điều 3, Nghị định 17/2023/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan", do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 26/4/2023 thì “Tác phẩm DI CẢO là tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả chết”.

Như vậy, có thể hiểu, tác phẩm DI CẢO là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học... thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào được công bố lần đầu sau khi tác giả qua đời. Nói cách khác, khi tác giả còn sống, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan (như thời điểm chưa phù hợp hoặc tác giả muốn tìm tòi, suy ngẫm thêm), có những tác phẩm chưa từng được công bố, sau khi tác giả mất đi, chúng mới ra mắt độc giả thì người ta gọi đó là tác phẩm DI CẢO.

Sách “DI CẢO” mà không phải “DI CẢO”

Điều rõ như ban ngày là toàn bộ 27 bài viết trong tập “Phan Huy Lê DI CẢO: Nhận thức lịch sử Việt Nam” đều đã được công bố ở các hội thảo, hội nghị khoa học, các tạp chí hoặc kỷ yếu..., sau lại đưa vào 3 cuốn sách “Tìm về cội nguồn”, “Lịch sử & Văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận”, “Di sản văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử”...? Thậm chí, có những bài như “Về tính chất của nhà nước Khúc - Dương - Ngô - Đinh - Tiền Lê (905-1009)” từng in trên Tạp chí Luật học, số 1/1983 trước khi in trong “Thế kỷ X - Những vấn đề lịch sử” (Nxb Khoa học Xã hội, H, 1984) rồi góp mặt không dưới 3 lần cùng 3 lần in cuốn “Tìm về cội nguồn” (các năm 1998, 2011, 2015); bài “Tình hình nghiên cứu làng ở Việt Nam trong thế kỷ XX” cũng từng xuất hiện trong 4 lần in “Lịch sử & Văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận” (các năm 2007, 2012, 2015, 2018); bài “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử” công bố năm 1994 tại Hải Phòng... Bài “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan” thì ghi chú rõ: "Báo cáo tại hội thảo khoa học do Trường Đại học Vinh và Viện Sử học tổ chức (...) năm 2008. Chỉnh lý năm 2014“; bài”Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn: Văn bản và người tham dự“cung cấp thông tin: tác giả từng báo cáo tại một hội thảo khoa học ở Thanh Hóa ngày 20/7/2013, bổ sung năm 2014; các bài khảo cứu về”Đại Việt sử ký toàn thư: Tác giả, văn bản, tác phẩm“;”Phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới”; "Cấu trúc kinh thành Thăng Long và vị trí, phạm vi Cấm thành qua các thời kỳ lịch sử”; “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”; “Châu bản triều Nguyễn và những chứng cớ lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa”; “Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”; “Phan Thanh Giản (1796-1867): Con người, sự nghiệp và bi kịch cuối đời”; “Danh nhân văn hóa Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục”... kể cả bài “Thay đổi cách đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ”... độc giả đều biết đến từ lâu, vì chúng đều được công bố khi tác giả còn sống. Trong đó, bài “Thay đổi cách đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ” từng được in tới 4 lần: Kỷ yếu “Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại”; báo Nhân Dân ngày 19/4/2004; tạp chí Xưa & Nay số 210, tháng 4/2004; sách “Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp” (Nxb Chính trị quốc gia, H, 2005)... Tóm lại, không bài viết nào trong cuốn “Phan Huy Lê DI CẢO: Nhận thức lịch sử Việt Nam” chưa từng được công bố khi tác giả còn sống! Cuốn sách sẽ hợp lý hơn khi có nhan đề “Phan Huy Lê tuyển tập”, “Tuyển tập Phan Huy Lê” hoặc “Phan Huy Lê - Những bài viết tâm đắc”...

Bài và ảnh: PHẠM VÕ THANH HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]