(vhds.baothanhhoa.vn) - Có lẽ cũng dăm bảy năm rồi, Văn Xương chưa ra sách, dù rằng anh vẫn có truyện đăng đều trên các báo, tạp chí ở trung ương lẫn địa phương. Cũng có những lý do tế nhị mà giờ đây anh mới có điều kiện hệ thống lại để có tập truyện ngắn "Lỗ thủng" ra mắt bạn đọc.

Ký ức chiến tranh trong tập truyện ngắn “Lỗ thủng” của Văn Xương

Có lẽ cũng dăm bảy năm rồi, Văn Xương chưa ra sách, dù rằng anh vẫn có truyện đăng đều trên các báo, tạp chí ở trung ương lẫn địa phương. Cũng có những lý do tế nhị mà giờ đây anh mới có điều kiện hệ thống lại để có tập truyện ngắn “Lỗ thủng” ra mắt bạn đọc.

Ký ức chiến tranh trong tập truyện ngắn “Lỗ thủng” của Văn Xương

Bao trùm lên tập truyện ngắn “Lỗ thủng” là ký ức chiến tranh, là những dấu tích, hậu quả dẫu đã gần nửa thế kỷ hòa bình vẫn còn đó, hằn rõ lên từng thân phận, làm nhức nhối bao tâm hồn con người hôm nay: “Tiếng rao”, “Hoài vọng”, “Lời thề Tacai”, “Kẻ chạy trốn”…

Chiến tranh để lại bao nhiêu cảnh đời mà cho dù ở phía bên nào cũng không bớt đi phần đau đớn. Những mất mát về thể xác hiển hiện khắp nơi, những dằn vặt, buốt nhói về tâm hồn như vết thương âm ỉ chưa một ngày liền sẹo, luôn ám ảnh những người đã từng tham gia cuộc chiến và cả những người đang sống. Trên trận tuyến khốc liệt thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972, “Trên trời tiếng máy bay gầm rít, dưới đất tiếng nổ ghê rợn, khủng khiếp của bom tấn, đạn chụp, đạn phá, đạn khoan, đạn hóa học… cả không gian như vỡ toác, ầm ầm, náo động âm thanh hỗn độn, triền miên bất tận, dội buốt vào óc, tai rỉ máu, đặc ù. Những luồng lửa, quầng lửa sáng lóa, đan xuyên nhau dày đặc như một cơn bão táp bằng lửa với đủ màu: đỏ lừ, đỏ bừng, đỏ xanh, da cam…đốt cháy cả bầu trời…” (Hoài vọng). Những tháng ngày đó, đất với người ngào đi trộn lại, không chỉ với thân xác người đã chết mà cả với những người còn sống sót; không chỉ xảy ra với phía bên này mà bỏ sót phía bên kia. Tất cả cuốn vào chiếc “cối xay” rợn người. Văn Xương sinh ra trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, là người Quảng Trị, nhà anh cách thành cổ chẳng bao xa, anh như một phần chứng nhân của lịch sử thành cổ. Ở anh chứa đựng một kho sử liệu khổng lồ, những thân phận bi hùng, những mất còn, những éo le, khắc khoải,…đó là nguồn cho những cảm hứng, là chất liệu hiện thực quý giá mà một nhà văn như anh may mắn được sở hữu.

Trong chiến tranh quả thật chẳng có gì là không thể, câu chuyện trong truyện “Hoài vọng” làm tôi thật sự xúc động. Đây là truyện ngắn hay, có khả năng lôi cuốn, kích thích trí tưởng tượng, làm tăng sự hấp dẫn đối với người đọc bằng những tình tiết cô đọng, độc, hiếm có… Một cuộc chiến mà ranh giới thực tế chiến trường mong manh đến mức người lính của hai bên chiến tuyến, giữa tứ bề bom đạn và xác chết, họ gặp nhau trong một căn hầm, một cuộc gặp không hẹn trước, một cuộc gặp do bom đạn mang đến, không mong muốn, đầy éo le, đẩy đưa và định mệnh. Văn Xương biết vượt qua rối rắm những chi tiết vụn, đưa thẳng người đọc đến những sâu lắng, những rung lắc xúc cảm của đời sống con người.

Phải nói toàn bộ tập truyện ngắn của Văn Xương đã tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn đáng nể, dù rằng, hầu hết các truyện đa phần liên quan đến những hồi ức chiến tranh, nếu không khéo léo dễ làm người đọc nản lòng vì những dàn dựng và những áp đặt của sự lặp đi lặp lại không đáng có.

Truyện của Văn Xương cuốn hút người đọc ở cốt truyện, ở những tình tiết của một người trong cuộc, các tiểu tiết trong mỗi truyện ngắn mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng; cao hơn là cái duyên, là tấm lòng, là bề dầy của những chiêm nghiệm, đủ để lắng kết, hợp vỉa, làm nên mạch truyện.

Ở mảng truyện có tính chất đương đại “Vết sẹo”, “Di bút viết bằng máu”, “Con mập”… Các chi tiết của truyện mang tính tạo hình rõ nét làm đối tượng được phản ánh hiện lên một cách chính xác, chân thực. Chi tiết về con chó yêu quý, gần gũi của một người về già trong truyện “Con mập”, ba lần thoát chết để có một chân dung về kẻ trộm chó hoàn lương, đó là chi tiết mà khả năng nói nhiều hơn bản thân nó, có tính khái quát cao, gửi gắm tư tưởng của tác giả về số phận, về tính “văn” của lớp người bần cùng, mỗi khi được thức tỉnh.

Cái hay chung truyện ngắn của Văn Xương là sự vừa vặn, nghĩa là biết bắt đầu truyện vào chỗ nào, kịp thời chấm hết chỗ nào, không có những chi tiết vô bổ. Anh biết cách chọn lựa, sắp xếp để chi tiết xuất hiện trong hoàn cảnh, tình huống, thời điểm một cách hợp lý, làm cho các chi tiết trở nên có tính “thực cảm”, góp phần đan dệt nên những cảnh sinh động làm người đọc quên đi việc đọc tác phẩm mà như đang tan chảy vào chính cảnh đời thực.

Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Đặc điểm của truyện ngắn phải ngắn gọn, cô đúc, kiệm lời, dung lượng nhỏ nhưng sức chứa lớn. Nói như nhà văn Nguyễn Khải: Lõi phải dầy, vỏ phải mỏng. Muốn vậy, mỗi yếu tố cấu thành truyện ngắn phải có sự gắn kết chặt chẽ và có ý nghĩa sâu xa. Đọc truyện của Văn Xương, bạn đọc thấm thía những cố gắng hết mình của anh theo hướng đó.

Lê Quang Sinh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]