(vhds.baothanhhoa.vn) - Rời khỏi phố thị hai bố con tôi rẽ vào con đường băng qua giữa cánh đồng quê. Gió chiều ngao du qua cánh đồng mang theo thứ mùi đặc trưng làm con gái phải kéo chiếc khẩu trang bịt kín mũi. Nhưng với một người sinh ra từ ruộng đồng như tôi thì lại thấy rất thân quen. Đó là mùi bùn. Thấy tôi dừng lại, đứa con gái nhỏ đập tay vào vai tôi dò hỏi: Bố nhớ ruộng hả bố? Rồi nó cười, hối tôi kể về những tháng ngày gắn với mùi bùn. Tôi nhè nhẹ tay ga cho chiếc xe chầm chậm giữa đồng chiều và bắt đầu câu chuyện về những năm tháng tuổi thơ lớn lên cùng ruộng đồng, sông nước bằng chất giọng trầm buồn đôi khi bị ngắt quãng bởi làn gió vùn vụt qua tai.

Kỳ ức mùi bùn

Rời khỏi phố thị hai bố con tôi rẽ vào con đường băng qua giữa cánh đồng quê. Gió chiều ngao du qua cánh đồng mang theo thứ mùi đặc trưng làm con gái phải kéo chiếc khẩu trang bịt kín mũi. Nhưng với một người sinh ra từ ruộng đồng như tôi thì lại thấy rất thân quen. Đó là mùi bùn. Thấy tôi dừng lại, đứa con gái nhỏ đập tay vào vai tôi dò hỏi: Bố nhớ ruộng hả bố? Rồi nó cười, hối tôi kể về những tháng ngày gắn với mùi bùn. Tôi nhè nhẹ tay ga cho chiếc xe chầm chậm giữa đồng chiều và bắt đầu câu chuyện về những năm tháng tuổi thơ lớn lên cùng ruộng đồng, sông nước bằng chất giọng trầm buồn đôi khi bị ngắt quãng bởi làn gió vùn vụt qua tai.

Kỳ ức mùi bùn

Minh họa: MD

Từ lúc vác được cái cuốc, tôi đã phải theo ông, theo ba ra đồng cuốc ruộng. Ở cái thời mà máy cày chỉ được nhìn thấy trong tranh vẽ thì mọi công đoạn làm ra hạt gạo đều được thực hiện bằng tay. Những luống đất vỡ ra theo từng nhát cuốc. Những thân rạ nát nhừ dưới những đôi chân trần. Những mảnh ruộng trơ gốc rạ sau mùa gặt xám nâu một màu phẳng lì chờ xuống giống. Đi đâu cũng chỉ thấy bùn là bùn. Bùn đắp lên bờ, bùn rơi vãi đầy trên những đường đi. Mùi của bùn đất cứ như bết dính vào thân của những người nông dân nên đi đâu cũng dậy lên một mùi đặc trưng của đồng ruộng. Đám trẻ con nghỉ hè xách nơm lội theo sau những con trâu đang kéo bừa để bắt cá đồng bùn dính đầy từ tóc tới chân xám ngắt. Chỉ có những đôi mắt trong veo và hàm răng tương phản với màu nâu được nhuộm khắp người lồ lộ khi tiếng cười cất lên mỗi khi tranh nhau chụp cá. Có đứa bùn bu bám làm tuột cả cái quần cộc lỏng dây thun gây nên những tràng cười sảng khoái. Tiếng điều khiển cho trâu đi thẳng hàng của những bác thợ cày, tiếng gọi giúp nhau í ới, tiếng cuốc, tiếng cày vang lên trên đồng từ lúc vào vụ cho đến khi những hạt giống bắt đầu nảy mầm vun lên. Là con của nhà nông chính hiệu mấy đời thế nhưng mọi công việc đồng án đều do ông bà, cha mẹ lo vì phần lớn thời gian tôi dành cho việc học với hy vọng một ngày kia không còn quẩn quanh nơi đồng ruộng. Chẳng một ai trong số những người nông dân lại muốn con mình nối nghiệp, mới biết nỗi khổ không gì sánh bằng công việc chân lấm tay bùn. Tất cả đều mong vượt qua lũy tre đầu xóm, xa rời mùi bùn dù biết rằng ta lớn lên và nên người từ nó.

Có lần tôi về quê vào đúng lúc cánh đồng trước nhà vào vụ làm đất. Mấy người bạn ngày xưa nơi xóm nhỏ vẫn còn gắn bó với ruộng vườn chống cuốc gọi với lên đường khi thấy tôi giơ tay chào: Ê, thầy giáo có còn nhớ ruộng không? Về giúp ông bà già đấy hả? Tôi cười đáp lại vì đôi bàn tay cầm phấn, cầm bút, cầm đàn của mình không biết bây giờ có còn cầm nổi cày, cuốc nữa không. Vừa chạm ngõ đã thấy mấy đứa em cũng về giúp cha mẹ đang hì hục dưới đám ruộng trước nhà. Cái mùi bùn chiều qua như thôi thúc làm tôi chỉ kịp dựng xe, cởi chiếc quần dài rồi lao xuống ruộng. Nhìn thằng con còn mặc cả áo sơ mi đội cái nón của mình lúng túng kéo từng đụn bùn nâu làm cha tôi đứng trên bờ ruộng bật cười. Nụ cười mãn nguyện của một lão nông tri điền hy sinh cả cuộc đời mình trên lớp bùn ruộng gánh gồng cho đàn con đông đúc không còn đứa nào phải lấm chân.

Ba mươi năm có lẻ xa quê hương, xa rời lớp bùn nâu để thay tay cầm cuốc bằng cầm phấn, nhưng tôi không bao giờ quên được những cánh đồng quê, những thửa ruộng mà tục danh của nó tôi còn nhớ vanh vách.

Tôi nhè nhẹ từng bước ngửi lấy mùi bùn non sục lên mặc cho nó văng lên dính đầy trên chiếc áo sơ mi phẳng nếp là. Chính những lớp bùn trên thân ruộng này đây đã giúp gia đình tôi vượt qua cơn bĩ cực của những ngày còn bao cấp. Nửa đời người xa vắng giờ lại được về sục chân vào lớp bùn quê làm lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Tôi cứ ngửa mặt giữa cái nắng tháng năm để được hít lấy mùi bùn.

Tản văn của Bùi Duy Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]