(vhds.baothanhhoa.vn) - Tục ngữ Việt có câu Mẻ không ăn cũng chết (Dị bản Không ăn mẻ cũng chết). Từ điển tục ngữ Việt (xuất bản 2010) giải thích: “Mẻ mà chẳng ăn thì cũng chết (nên có để dành được đâu mà cố để dành) hay dùng để khuyên mọi người chớ có dè sẻn những thứ không thể để dành được mà uổng công”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mẻ không ăn cũng chết

Tục ngữ Việt có câu Mẻ không ăn cũng chết (Dị bản Không ăn mẻ cũng chết). Từ điển tục ngữ Việt (xuất bản 2010) giải thích: “Mẻ mà chẳng ăn thì cũng chết (nên có để dành được đâu mà cố để dành) hay dùng để khuyên mọi người chớ có dè sẻn những thứ không thể để dành được mà uổng công”.

Mẻ không ăn cũng chết

Đây là một câu tục ngữ cổ, khá độc đáo. Nếu không có kiến văn, trải nghiệm thực tế đời sống làng quê thì sẽ rất khó hiểu. Do soạn giả Từ điển tục ngữ Việt không hiểu nghĩa đen, nên dẫn đến giải thích nghĩa bóng theo kiểu võ đoán. Ở đây dân gian nói mẻ mà không được ăn thì nó cũng chết, chứ đâu phải không ăn đến mẻ thì nó cũng chết?

Mẻ là con gì?

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex) giải thích: “mẻ • d. chất chua làm bằng cơm nguội để lên men, dùng làm gia vị khi nấu thức ăn”.

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “mẻ • Cơm nguội trộn với cái giấm để lâu mà thành ra chất chua”.

Mẻ không phải của nuôi sống người hay bán ra tiền ra bạc gì. Ngược lại, mẻ không phải là gia vị thiết yếu hàng ngày. Nhưng trong nhiều món ăn, từ nhà giàu sang cho đến kẻ bần hàn, không có mẻ không xong. Những giấm cá, canh chua, riêu cua, riêu ốc,... cho đến giả cầy, rựa mận... người người xuýt xoa, kẻ kẻ ngợi khen cũng là nhờ có mẻ.

Mẻ tính mát, trừ táo, giải nhiệt. Lỡ khi bị bỏng, dân gian thường lấy mẻ để xoa lên vết thương, mục đích “hạ hỏa, giải nóng” cho da thịt (lưu ý, đây chỉ là dẫn chứng về một kinh nghiệm dân gian liên quan đến chữ nghĩa. Tác giả bài viết không khuyến cáo sử dụng bài thuốc này). Từ “mát mẻ” có một nghĩa là tốt lành, thuận lợi, ví dụ: Mong cho năm nay làm ăn được mát mẻ. Có lẽ xuất phát từ sự liên hệ giữa “mẻ” với “mát mẻ” mà dân gian cho rằng, trong nhà đang nuôi mẻ mà bỗng dưng mẻ chết là điềm đen đủi.

Người ta rất cần đến mẻ, nhưng mẻ lại không thường xuyên được chăm sóc, coi trọng. Đến mức dân gian có câu Khinh người như mẻ!

Vì sao vậy?

Trong số các thứ “nuôi”, có lẽ mẻ dễ tính nhất. Cho nhiều ăn nhiều, cho ít ăn ít. Dụng cụ nuôi mẻ cũng giản đơn. Có khi nuôi trong cái ấm sứt vòi, cái âu vỡ nắp lấm lem bụi bặm, bồ hóng, không cần chăm sóc hàng ngày, vứt vạ vật đầu giàn cuối chạn, mẻ vẫn sống. Lúc cần, sờ đến, mẻ ngấu vẫn trắng tinh như mỡ đông. Mùi mẻ chua chua, ngọt ngọt vẫn dậy lên thơm lừng!

Xưa kia thiếu lương thực, bữa ăn chỉ bớt đi vài ba miếng cơm đã là cả một vấn đề. Thế nên nuôi mẻ người ta cho ăn cầm chừng. Cơm nguội, cơm thừa, thậm chí cơm lỡ đã có mùi hơi thiu, xương ống lợn đã gặm hết thịt, mới đến phần mẻ. Dân gian có câu “Coi như mẻ”, “Coi người như mẻ”, “Khinh như mẻ” hay “Khinh người như mẻ”, ý nói ai đó xem hay bị xem thường, xem khinh, cư xử rẻ rúng giống như người ta nuôi mẻ là vậy.

Mẻ ăn ít và ít ăn vẫn sống. Nhưng nếu hoàn toàn không được ăn trong thời gian dài, hết chất tinh bột, vi khuẩn gây men không có môi trường sống, thì mẻ sẽ lâm vào tình trạng bị “úng”, và cuối cùng, mẻ cũng chết đói như thường!

Như vậy, ăn uống là nhu cầu thiết yếu của tất thảy mọi sinh vật. “Mẻ không ăn cũng chết”, ý nói cái gì cũng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến dễ tính như mẻ mà “không ăn cũng chết” cơ mà!

Hoàng Tuấn Công


Hoàng Tuấn Công

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]