(vhds.baothanhhoa.vn) - Nói Thạc sỹ Phạm Thị Hoàng Hiền, Trưởng khoa Âm nhạc Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là người tạo nên những “cú hích” trong âm nhạc cũng không quá, bởi bằng con mắt tinh tường, sự cảm nhận tinh tế cùng đôi chút “liều lĩnh”, chị đã giúp không ít trường hợp tưởng khó có thể đi theo con đường ca hát, ấy thế mà cuối cùng lại trở thành những ánh “Sao mai” nổi tiếng trong làng nhạc Việt.

NGƯT Hoàng Hiền: Trọn vẹn tình yêu với sân khấu và bục giảng

Nói Thạc sỹ Phạm Thị Hoàng Hiền, Trưởng khoa Âm nhạc Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là người tạo nên những “cú hích” trong âm nhạc cũng không quá, bởi bằng con mắt tinh tường, sự cảm nhận tinh tế cùng đôi chút “liều lĩnh”, chị đã giúp không ít trường hợp tưởng khó có thể đi theo con đường ca hát, ấy thế mà cuối cùng lại trở thành những ánh “Sao mai” nổi tiếng trong làng nhạc Việt.

NGƯT Hoàng Hiền: Trọn vẹn tình yêu với sân khấu và bục giảng

Thạc sỹ Phạm Thị Hoàng Hiền trong một lần hướng dẫn kỹ thuật thanh nhạc.

Khúc thiên thanh

Cuối xuân, thành phố đỏng đảnh mưa - nắng, Hoàng Hiền xuất hiện trong bộ váy suông màu đen, tóc cắt ngắn sành điệu, trông chị trẻ lại chừng 10 tuổi, xinh tươi và ăm ắp sức sống. Chị bảo: Trời đẹp quá nhỉ, giờ mà được hát thì còn gì bằng!

Người phụ nữ ấy bắt đầu câu chuyện với câu nói thật dễ thương, cảm giác như âm nhạc là thức ăn hàng ngày của chị, bất cứ chỗ nào chị cũng có thể ngồi ngân nga khi có cảm xúc.

Chị kể, có lần đang đi trên đường bất giác môi chị mấp máy theo những lời ca, tiếng hát, không cần biết mọi thứ xung quanh.

Nhìn chị, tôi không thể hình dung nổi người đàn bà ngoài 50 tuổi mà trẻ trung đến lạ.

NGƯT Hoàng Hiền: Trọn vẹn tình yêu với sân khấu và bục giảng

Nghệ sĩ Hoàng Hiền vừa được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú

Hoàng Hiền hát tự nhiên như hơi thở. Những “Tự tình sông Mã”, “Nơi rừng thông còn dựng tượng đài Bác”, “Thăm bến nhà rồng”, “Màu hoa đỏ”, “Bài ca không quên”… qua giọng hát của chị ca từ trở nên tha thiết hơn.

Không nổi tiếng như Anh Thơ, Phương Linh…, nhưng tiếng hát của Hoàng Hiền tìm được nhiều tri âm, làm dịu lòng bao trái tim xa quê. Chị định danh mình trong dòng nhạc nhẹ bằng một chất riêng, đó là sự truyền lửa trong từng câu hát. Với Hoàng Hiền, âm nhạc không còn là kỹ thuật, mà kỹ thuật đã được chuyển hóa nhuần nhuyễn chạm đến trái tim khán giả.

Hoàng Hiền bảo, âm nhạc là nơi chị chia sẻ với khán giả những vui, buồn trong cuộc đời, chứ không phải nơi kiếm tìm sự nổi tiếng hay tiền bạc…

“Âm nhạc quan trọng là chạm tới cảm xúc của khán giả. Nếu không học hành bài bản và không có những trải nghiệm sống, thì người nghệ sĩ không truyền được chiều sâu tàng ẩn trong từng giai điệu”, chị chia sẻ.

Chị cho biết gia đình và dòng họ chẳng ai theo nghệ thuật nhưng vì sống ở Khu tập thể Nhà hát Nhân dân tại TP Thanh Hóa, thường xuyên được nghe tiếng hát của những nghệ sỹ nổi danh xứ Thanh. Những lời ca, tiếng hát ấy đã thấm sâu vào chị, để đưa chị trở thành một cây văn nghệ trong suốt những năm tháng học sinh. Và rồi chị quyết định theo học ngành sư phạm Âm nhạc Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật (nay là Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa).

Là người nhanh nhẹn, hoạt bát, thích hoạt động phong trào, khi theo học sư phạm Âm nhạc, Hoàng Hiền luôn tham gia các phong trào văn hóa - văn nghệ của nhà trường. Chị còn tham gia hát trên sóng phát thanh, các cuộc thi, hội diễn văn nghệ.

Nhắc đến cơ duyên với âm nhạc, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào trong ánh mắt của chị. Hoàng Hiền tâm sự: “Ngày nhỏ yêu thích hát ca cho vui vậy thôi chứ đâu có ngờ"...

Tuy nhiên, thành công đã mỉm cười với chị khi năm 1992 Phạm Thị Hoàng Hiền đoạt Giải B Cuộc thi Tiếng hát học sinh - sinh viên toàn quốc. Năm 1994 giành HCV hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp. Kế đó là vô số những huy chương trong các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, như: Huy chương vàng (HCV) Hội thi CN-VC-LĐ, HCV Tiếng hát toàn quân, HCV cuộc thi Tiếng hát sinh viên, giải ba Cuộc thi Tiếng hát trên sóng phát thanh...

Từ những thành tích đạt được, Phạm Thị Hoàng Hiền được cử đi học tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, kết thúc khóa học chị lại chọn trở về cống hiến cho quê hương. Nhiều người tiếc vì ngày đó nếu ở lại Thủ đô, hẳn cái tên Hoàng Hiền có lẽ đã có một vị trí khác.

Tuy nhiên, chị nói mỗi ngã rẽ trong cuộc đời là một lựa chọn. Và với chị, sự lựa chọn luôn để cho trái tim dẫn lối, bởi thế, chị không ân hận. Chị cũng không trở về để tìm sự thăng tiến như nhiều người vẫn nghĩ. Chị trở về vì những tình yêu lớn nhất, chung thủy nhất, vô điều kiện nhất của cuộc đời mình. Đó là tình yêu của người cha dành cho con gái và tình yêu của con gái dành cho mẹ.

Bố mẹ Hoàng Hiền là những người luôn âm thầm đi phía sau các con, đặc biệt với chị, họ luôn là người nhặt nhạnh và thu vén để chị toàn tâm bước vào “cái cuộc sống nghệ sỹ bận rộn và mộng mơ”.

Chị luôn nhớ lời khuyên của bố khi còn sống. Ông bảo rằng, cuộc đời này ngắn ngủi lắm, con hãy biết vượt qua và yêu đời, yêu người. Điều đó sẽ giúp con đủ nghị lực để sống và cống hiến.

Đôi khi có ai đó hỏi về thu nhập hay so sánh thu nhập của ca sĩ chuyên nghiệp với giáo viên dạy nhạc, ngỡ như Hoàng Hiền sẽ chạnh lòng. Nhưng thực tế, Hoàng Hiền chỉ im lặng mỉm cười.

Chị chia sẻ: “Các thầy ngày xưa đi dạy tiền thù lao chỉ đủ ăn một bát phở. Giờ chúng tôi được ung dung sống bằng nghề, chẳng phải may mắn hơn sao. Chỉ cần mình hài lòng, là cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu, chứ so sánh thì biết bao nhiêu cho đủ. Làm nghệ thuật đầu tiên phải vì mình yêu nghệ thuật đã, chứ chăm chú chuyện tiền bạc, thì nghệ thuật mình làm dễ nhuốm màu thương mại”.

Không vội vàng mà âm thầm làm việc, như con tằm rút ruột nhả tơ, sống hoàn toàn với điều mình tâm đắc, theo đuổi. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một nhạc sĩ già, ông bảo ca sĩ bây giờ “khôn” quá. Họ giỏi chiêu trò, tiểu xảo, lọc lõi tính toán, họ mất hết cái hồn nhiên để làm nghệ thuật. Họ tạo ra thứ nghệ thuật lấp lánh nhưng vô hồn. Xét cho cùng, công nghệ có thể làm thay đổi mọi thứ, nhưng vẻ đẹp tâm hồn ẩn chứa bên trong người nghệ sĩ thì không gì có thể thay thế.

Lao động và lao động mãi cho đời

Tính đến nay Hoàng Hiền đã gắn bó với âm nhạc hơn 30 năm. Không còn thường xuyên đứng trên sân khấu biểu diễn như trước, giờ chị làm công tác quản lý, giảng dạy là chính, luôn truyền ngọn lửa đam mê, sự nhiệt huyết cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là các bạn trẻ thực sự yêu thích và tìm đến âm nhạc với lòng chân thành, nghiêm túc.

NGƯT Hoàng Hiền: Trọn vẹn tình yêu với sân khấu và bục giảng

Bằng kinh nghiệm, Hoàng Hiền đã giúp nhiều thí sinh bỡ ngỡ, mới bước chân vào âm nhạc trở nên cứng cáp, bản lĩnh và tự tin hơn. Không những thế, cách hướng dẫn của Hoàng Hiền còn giúp không ít học trò khắc phục được những yếu điểm trong giọng hát để phát huy những khía cạnh thuộc về sở trường.

Danh sách những giọng hát từng học với chị và trở nên nổi tiếng phải kể đến: Ngô Thanh Huyền (Quán quân dòng nhạc nhẹ Sao Mai 2013), Hoàng Thủy (Á quân dòng nhạc nhẹ Sao Mai 2015), Ngô Trung Quang (Quán quân Thần tượng Bolero 2016), Trịnh Linh Chi (Á quân thính phòng Sao Mai 2019)... Đó còn chưa kể đến những tài năng nhí nổi danh trong nước được chị bồi dưỡng, như: Quang Anh (Quán quân Giọng hát Việt nhí), Quốc Thái (giải Nhất Đồ Rê Mi)... Ngoài ra còn nhiều học sinh, sinh viên đoạt giải cao trong các hội thi chuyên nghiệp và tài năng trẻ toàn quốc.

Hát chạm đến cảm xúc người nghe là điều mà Hoàng Hiền luôn nhắc học trò. Có lẽ bởi thế mà chị từng không ít lần nhận được thắc mắc từ những “đứa con” về cách dạy của mình, thậm chí có người còn không đủ kiên nhẫn theo học nên bỏ ngang, song cuối cùng vẫn quay về “gõ cửa” tìm đến chị.

Hoàng Hiền thừa nhận chị “rèn” học trò hơi bị nặng nề, vì hơn ai hết, chị hiểu rõ người có tài thì hay có tật, còn đã có tật thì càng phải rèn luyện cho thành tài.

NGƯT Hoàng Hiền: Trọn vẹn tình yêu với sân khấu và bục giảng

Nhà giáo ưu tú Hoàng Hiền cùng “Sao Mai” Linh Chi, Mỹ Lam và HCV tài năng Nguyễn Văn Thắng.

Khoa Âm nhạc dưới sự điều hành của chị cũng nhiều năm liền là đơn vị tiên tiến xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.

Chị còn tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học, có nhiều đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao về chất lượng. Trong đó, 2 live show cá nhân “Hoàng Hiền 15 năm” và “Hoàng Hiền những mùa hoa còn mãi” do chị tổ chức được sự ủng hộ nhiệt tình của giới chuyên môn. Đặc biệt, Đề án mở ngành thanh nhạc bậc đại học do chị biên soạn đã được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo.

Hơn 30 năm theo đuổi âm nhạc, danh tiếng cũng đã đủ, tiền bạc cũng vừa, nhưng tâm hồn người nghệ sĩ khát khao cống hiến, khát khao làm mới mình trong chị thì không dừng lại.

Chị luôn nhìn về phía trước với một tâm thế bình an. Chị nói, chưa bao giờ chị thấy mình tràn đầy năng lượng như lúc này. Với chị, bây giờ là sự ngộ giác, để bình thản đi qua cuộc đời. Và để sáng tạo, hát tiếp những giấc mơ đẹp về đời sống này, để cuộc đời mình không rơi vào vô tăm tích.

Ngày 1-4-2021 Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 445/QĐ-CTN phong tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021. Trong 2 giáo viên của tỉnh Thanh Hóa có vinh dự này có tên cô giáo Phạm Thị Hoàng Hiền.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]