(vhds.baothanhhoa.vn) - Sáng sớm, cô bạn nhắn tin: “Nhà nhiều thị, tao gửi lên cho mày vài quả. Mơ gì thì mơ đi nhé”. Giấc mơ năm nảo năm nao khiến tôi giật mình, hóa ra đã quá lâu rồi tôi chẳng có lúc nào để cầm trên tay chiếc vé đi về tuổi thơ. Một tuổi thơ nghèo khó nhưng đượm ủ hương nồng ấm áp.

Nhẹ nhàng hương thị về phố

Sáng sớm, cô bạn nhắn tin: “Nhà nhiều thị, tao gửi lên cho mày vài quả. Mơ gì thì mơ đi nhé”. Giấc mơ năm nảo năm nao khiến tôi giật mình, hóa ra đã quá lâu rồi tôi chẳng có lúc nào để cầm trên tay chiếc vé đi về tuổi thơ. Một tuổi thơ nghèo khó nhưng đượm ủ hương nồng ấm áp.

Nhẹ nhàng hương thị về phố

Quả thị - miền ký ức tuổi thơ.

Nhớ lại ngày thơ bé, từ mùa xuân, khi thị ra những cánh hoa nhỏ màu vàng xanh, lũ trẻ chúng tôi đã để ý và chờ đợi. Đến hè, ngày nào cũng như ngày nào, cây thị được quan tâm chu đáo, mỗi sáng ngủ dậy, cả lũ ra đếm xem quả nào ngả vàng, quả nào vẫn còn xanh. Chờ đợi mãi, cuối cùng những quả thị tròn mọng sắc vàng cũng thoang thoảng thơm hương.

Khi thị thơm là mùa thu đã về. Bà nội cho tôi biết: Cỏ cây gọi tên mùa. Khi những bông sen đủng đỉnh nở nốt cho trọn mùa, những đài sen chứa hạt già đanh, tím ngắt; hay những quả mít còn sót lại có hạt mọc mầm trong những múi mít thơm lừng cùng với những cơn mưa rào cuối hè ấy là lúc mùa thị về. Giữa những thời khắc giao mùa khi nắng hè còn rón rén ở lại, heo may chùng chình phả dịu nhẹ bầu không khí thì những quả thị e ấp chút hương thơm tinh khôi và dịu dàng.

Nhẹ nhàng hương thị về phố

Những quả thị đựng trong rổ tre ấp ủ bao kỷ niệm.

Hương thị về phố, hay hương thị đi chơi? Quả thực đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao có một thời chúng tôi nắn nót quả thị trong tay, thỉnh thoảng lại đưa lên mũi hít hà, tối đến đi ngủ cũng bỏ vào giường chờ đợi cô Tấm xinh đẹp hiện ra. Sau này khi lớn lên, đọc những câu thơ của Nguyễn Hoàng Sơn: “Cây thị bên cầu ao/ Suốt đời không đổi chỗ/ Quả thị trên cành cao/ Muốn đi đây đi đó/ Mùa hè nhiều mưa gió/ Đâu phải mùa đi chơi/ Quả thị đành khép vỏ/ Nằm mơ về xa xôi”... rồi Vũ Quần Phương viết: “Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/ Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/ Thấy chú bé đi hài bảy dặm/ Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền”, cả một trời tuổi thơ ào về, như giấc mơ xa xăm năm nào chúng tôi chờ đợi.

Thị bắt đầu ửng vàng, là lúc chúng tôi cặm cụi tìm dây đan cắt giỏ. Thị to thì đan giỏ to, thị nhỏ thì làm giỏ nhỏ. Lũ nít ranh cầm giỏ thị trên tay, lúc la lúc lắc xách vòng quanh xóm. Các chị gái lớn hơn thì đặt quả thị trong phòng, trên bàn, gần giường ngủ. Rồi cứ thế để cho hương thơm của quả thị tỏa ra khắp không gian. Quả thị càng chín thì hương càng thơm. Hương thị nhẹ nhàng đi qua tuổi thơ của tôi, để đến giờ mỗi lần nhìn thấy quả thị vào phố tôi lại ước ao được gặp lũ trẻ trong những ngôi nhà cũ, được tắm đẫm hương thị thơm, được nội vỗ về trong những giấc trưa hè.

Thị dẹt thì thơm, nhưng quả dạng tròn, đặc biệt là những quả méo trôn thì lại dày cùi hơn. Hít hà đủ kiểu, cuối cùng đã gọi là quả thì phải ăn thôi. Bọn nhỏ chúng tôi háo hức sờ nắm đủ kiểu chỉ mong quả thị mềm ra để mỗi đứa còn được một miếng. Đứa nào tham ăn thì khéo léo cậy nửa cuống rồi nhẹ nhàng hút lấy thịt quả từ trong khe hẹp đến khi quả thị rỗng sạch ruột.

Ăn hết thịt thị thì còn hạt. Lũ chúng tôi lấy dao cạo lớp ngoài hạt thị để lộ lớp trắng trong veo như viên sỏi. Rồi cả lũ lấy hạt thị chơi đánh chắt, ô ăn quan… trên nền gạch. Thậm chí, chúng tôi lấy hết sức để cắn vỡ hạt thị. Cứng ơi là cứng, nhưng sao sung sướng lạ kì? Sau này lớn lên tôi mới hiểu mỗi lần mẹ mắng: “Lúng búng như ngậm hạt thị” là vì hạt thị ngậm thì ngọt thanh nhưng nuốt vào chẳng được, hai má cứ lúng phúng ngập ngừng.

Ăn xong lũ trẻ lại nghĩ trò “lừa” nhau, bèn hà hơi thổi phồng lên treo quả thị vào giỏ. Đứa không biết thì cứ quay vào quay ra nhìn thèm thuồng, chảy nước dãi xin xỏ để được thưởng thức.

Nhẹ nhàng hương thị về phố

Thị về phố mang vẻ đẹp trang trí.

Giờ đây, hương phố với đủ mùi vị, từ nước hoa của các hãng nổi tiếng đến những thức quà chiều. Mùi vị xô bồ ấy cộng thêm lớp khẩu trang, rồi áo chống nắng quấn xung quanh, khiến tôi chẳng thể phân biệt cụ thể mùi nào. Nhưng mỗi năm, chỉ có vào thời điểm giao mùa, trong chừng hơn một tháng, thảng hoặc bên những mẹt hàng nhỏ, vài ba quả thị lọt thỏm trong chiếc rổ tre khiến nỗi chộn rộn về một thời trẻ dại lại ngọt ngào chảy về trong tôi. Có người vì yêu quá mà mang cả cành thị về cắm trong nhà, để lũ nhỏ hiểu được vì sao có cô Tấm bước ra từ quả thị trong truyện cổ tích Tấm Cám.

Hương thị về phố, dẫu có đôi chút rón rén, thì cũng thật đáng yêu, thật ngọt ngào như những năm tháng ấu thơ tôi đã đi qua. Nhớ ơi là nhớ!

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]