(vhds.baothanhhoa.vn) - Công tác điều động, luân chuyển cán bộ thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, góp phần đào tạo, rèn luyện thử thách cán bộ trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại công tác cán bộ ở Thanh Hóa (Bài cuối): Hành trình trên vùng đất mới

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, góp phần đào tạo, rèn luyện thử thách cán bộ trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn...

Vượt khó và niềm tin

Tháng 6/2015, ông Đỗ Văn Chung (SN 1977), nguyên là Chánh văn phòng Huyện ủy Như Xuân đã được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Lễ. Về làm cán bộ chủ chốt tại xã 135, 30a và có tới 60% là người dân tộc thiểu số như Yên Lễ thì đây được xem là một cuộc trình khó đối với ông Chung. Tuy nhiên, với quyết tâm cao và trách nhiệm lớn, hơn 4 năm qua, ông Chung đã đồng hành vượt khó cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Lễ, tạo sự đồng thuận, niềm tin để làm nên những thành tích đáng tự hào.

Ghi nhận sau hơn 4 năm trên vùng đất khó, hiệu quả công việc đầu tiên ở vị trí mới đó là ông Chung đã đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình đánh giá tháng cán bộ và sau đó, mô hình đã được Đảng bộ, chính quyền Yên Lễ triển khai, thực hiện. Đây cũng là xã đầu tiên của tỉnh cho ra đời mô hình này. Hiện mô hình đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Như Xuân.

Khi ông Chung đặt chân về Yên Lễ, tỷ lệ hộ nghèo tại đây đang chiếm tới 30%, nhiều hộ dân đang phải sống trong nhà tạm. “Muốn giảm nghèo, muốn nâng cao đời sống nhân dân thì ngoài việc phải cố gắng vận dụng linh hoạt khi thực hiện các công trình, dự án thì phải khai thác tốt nguồn lực của địa phương. Điểm thuận lợi của Yên Lễ là giáp thị trấn Yên Cát, thiên về phát triển dịch vụ, thương mại cho nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con là rất quan trọng. Hiện xã đã có một HTX dịch vụ nông lâm nghiệp và một HTX nuôi ong. Phần lớn các sản phẩm của 2 HTX này cung ứng ra thị trường Yên Cát”, ông Chung cho biết.

Bằng nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả Yên Lễ từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đến nay chỉ còn 1,18%, thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng/người/năm (2010) và năm 2019 thu nhập đã nâng lên là 44,4 triệu đồng/người/năm. Năm 2017, Yên Lễ về đích nông thôn mới, và để đạt được những thành quả này, có sự đóng góp rất lớn của ông Đỗ Văn Chung - Bí thư Đảng ủy xã Yên Lễ.

Cũng tại Như Xuân, trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ không thể không nhắc đến người cán bộ có tên Hà Văn Thi (SN 1971), người dân tộc Thái. Đây là một trong những cán bộ đi “lệch” với quy định điều động, luân chuyển. Nói vậy vì ông là cán bộ được điều động đã tự nguyên đi đến đơn vị mới cách đơn vị cũ 40 km. Hiện, ông là Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phong. Trước đó, ông là Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bình. Một lý do đơn giản được ông Thi đưa ra đó là bởi ông là người dân tộc Thái, trong khi đó tỷ lệ người dân tộc Thái ở xã Thanh Phong chiếm trên 98%. Ông xin về đây để thấy gần hơn và hợp hơn với người dân tộc mình. Hơn nữa, bà con ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên ông muốn đóng góp và những mong tạo được sự thay đổi trên vùng đất khó này.

Ở Thanh Phong người dân vẫn quen với kiểu trồng đâu bỏ đấy, không kỹ thuật, không chăm sóc. Lại thêm nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như làm vía, đám tang kéo dài ngày vẫn tồn tại... Về với Thanh Phong, ông Thi đã đi tìm hiểu, cách làm lâu nay của bà con, từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp. Vậy nên, trên đất Thanh Phong, người dân lại thay đổi bắt đầu bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, là trồng bưởi diễn, bưởi Hồng Quang Tiến, nuôi gà. Đến nay, Thanh Phong đã có 7 trang trại gà. Mừng hơn, khi trước đây, người dân trồng lúa chỉ toàn phun thuốc thì từ khi có cán bộ Thi về, ông đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách trồng lúa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, trồng lúa phải bỏ phân... Cũng chính làm được điều này mà vào vụ xuân năm 2018, năng suất lúa đã đạt 6 tấn/ha, điều mà chưa bao giờ có được ở Thanh Phong. Những phong tục làm vía, đám tang kéo dài ngày cũng đã được Bí thư Thi đến từng nhà động viên, đến nay cơ bản cũng đã được xóa bỏ. Sự đóng góp của ông đã làm cho xã Thanh Phong có chuyển biến tích cực khi tỷ lệ hộ nghèo từ 52,49% giảm xuống còn 15,56%; thu nhập bình quân đầu người từ 16 triệu đã tăng lên 22 triệu/người/năm.

Hà Văn Thi (người đi đầu), BTĐU xã Thanh Phong (Như Xuân) đi kiểm tra đường giao thông để làm cầu cho người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phong - Hà Văn Thi còn không ngừng quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Hiện ở Thanh Phong có 10 chi bộ, 178 đảng viên. Mỗi năm kết nạp từ 7 - 8 đảng viên. Ông cho biết: “Một số chi bộ ở đây sinh hoạt không theo quy định Điều lệ của Đảng, có những chi bộ 2,3 tháng mới sinh hoat. Để nâng cao chất lượng hoạt động các chi bộ, chúng tôi đã phân công các đồng chí cấp ủy ở xã về dự sinh hoạt, qua đấy sẽ giúp việc tìm nguồn phát triển đảng viên thực sự có chất lượng”.

Không ngại khó, không ngại khổ, cán bộ được điều động, luân chuyển đến đơn vị mới đã phát huy được năng lực công tác cùng với Ban chấp hành Đảng bộ đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đến vùng đất mới đó là một cuộc hành trình khó nhiều hơn dễ nhưng với tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, những cán bộ điều động, luân chuyển đã vượt khó, biến khó thành dễ và trên hết, đấy là sức mạnh của niềm tin, tin vào những đổi thay trên vùng đất mới...

Những vấn đề đặt ra...

Qua công tác điều động, luân chuyển đã khắc phục được tình trạng trì trệ, cục bộ địa phương, khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại, thỏa mãn chủ quan của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Tại huyện Yên Định, đến tháng 9/2019, toàn huyện đã thực hiện 20/29 xã thị trấn có 1 chức danh Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý không phải là người địa phương, có 2 xã có 2 chức danh cán bộ Huyện ủy quản lý không phải người địa phương. Từ năm 2015 đến nay cán bộ được điều động, luân chuyển đều được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nhưng một trong những cái khó mà theo chia sẻ của bà Quách Thị Hương - Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Yên Định đó là đã điều động một số cán bộ còn thời gian công tác không đủ 1 nhiệm kỳ. Chính điều này đã kéo theo sức ỳ, làm việc cầm chừng chỉ chờ đủ thời gian để về nghỉ chế độ, không tích cực đóng góp cho địa phương. Bà Hương cho biết: Số cán bộ điều động mà thời gian công tác còn ngắn, phần lớn làm việc không hiệu quả. Trong số đó cũng có đồng chí còn 4 năm về chế độ nhưng vẫn làm tròn trách nhiệm khi được điều động và thậm chí làm tốt, tuy vậy số đó không nhiều. Nên trong thời gian tiếp theo, chúng tôi sẽ không lựa chọn những cán bộ còn thời gian công tác dưới 1 nhiệm kỳ để điều động, luân chuyển.

Huyện Nga Sơn đến thời điểm này đã thực hiện điều động, luân chuyển tại 17 xã. Ông Phạm Đình Tố - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nga Sơn nhớ lại: Vào năm 2017, chúng tôi có điều động Chủ tịch UBND xã Nga Bạch sang xã khác làm Phó Bí thư thường trực Đảng ủy nhưng anh em, họ hàng của đồng chí này đã kéo hàng trăm người lên ủy ban để phản đối và sự việc đấy trở thành vấn đề của cả huyện. Và nguồn mà chúng tôi điều xuống Nga Bạch cũng không bố trí thay đượcvì dân không đồng tình. Vì thế, huyện Nga Sơn cũng đã ra chủ trương phấn đấu ít nhất là 50% số xã có cán bộ chủ chốt không phải người địa phương. Nếu nói chỉ tiêu từ đầu nhiệm kỳ đặt ra, chúng tôi đã vượt nhưng so với yêu cầu hiện nay thì chưa đạt.

Cũng theo bà Vũ Thị Suất - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Sầm Sơn: Những năm qua, TP Sầm Sơn đã đạt hiệu quả cao trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Nhờ thế mà Sầm Sơn đã bố trí được 1 trong 3 cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Hiện nay, Sầm Sơn đã làm được 9/11 xã, phường bố trí bí thư, chủ tịch không phải người địa phương. Bà Suất cho biết: Hướng tới, chúng tôisẽ mở rộng đối tượng hoặc là Phó chủ tịch hoặc Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy không phải người địa phương. Nhưng qua nắm tình hình, chúng tôi thấy 1 trong 3 cán bộ chủ chốt thì cũng cần phải có 1 người là người địa phương, nếu không sẽ rất khó nắm địa bàn,sẽ thuận hơn trong giải quyết công việc...

Bà Suất cũng cho biết thêm, việc điều động, luân chuyển trên địa bàn cũng còn những hạn chế, bất cập ở chỗ: Sầm Sơn phân biệt rất rõ 2 khu vực đó là dịch vụ du lịch và nông nghiệp mà tư duy của cán bộ ở 2 khu vực này cũng khác nhau. Nên trong điều động ngang giữa các phường, xã với nhau, từ khu vực này sang khu vực kia là rất khó. “Vấn đề đặt ra là cần phải tính toán lại, phải điều động cán bộ từ đơn vị du lịch sang đơn vị du lịch chứ không thể điều động cán bộ từ đơn vị làm du lịch sang đơn vị làm nông nghiệp được. Tất nhiên, việc điều động này cũng làm được nhưng cũng sẽ còn những cái khó cho chúng tôi”, bà Suất cho hay.

Thực tế, công tác điều động, luân chuyển cán bộ thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, ngành..., góp phần ổn định tình hình và thúc đẩy phát triển KT-XH, QP-AN ở các địa phương. Ngoài những khó khăn ở một số địa phương như đã đề cập ở trên thì công tác điều động, luân chuyển cán bộ vẫn còn gặp những vướng mắc, bất cập đó là một số nơi chưa làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, phương án và công tác đánh giá, nhận xét trước khi điều động, luân chuyển cán bộ. Một số cán bộ tiếp cận với đơn vị mới còn chậm, thiếu gần gũi với dân, có biểu hiện ngại khó, sống khép mình... Do đó, để thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ, trước hết cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải thực sự quan tâm, quán triệt nâng cao nhận thức trong đảng bộ, cơ quan, đơn vị; việc lựa chọn địa bàn và cán bộ đi luân chuyển phải đảm bảo quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực, trình độ...

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ phải được tiến hành thận trọng, đồng bộ, khoa học, phải tạo được sự thống nhất trong nội bộ và đồng thuận của địa phương, đồng thời khích lệ được cán bộ yên tâm phấn đấu. Không để việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác về làm ảnh hưởng đến phong trào và gây tâm lý phấn đấu vươn lên của cán bộ có tiềm năng ở địa phương, ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa

* Khi cấp ủy đã giao nhiệm vụ thì phải tin tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ và luôn luôn động viên anh em về cả tinh thần và vật chất. Chúng tôi dù là huyện nghèo thôi nhưng cũng hỗ trợ tiền xăng xe cho anh em. Nếu cán bộ xã đến công tác tại đơn vị xa sẽ hỗ trợ 1 lần là 6 triệu, đơn vị gần là 4 triệu. Huyện thường xuyên nắm tình hình ở các đơn vị, để có vấn đề gì nổi lên thì phải chấn chỉnh ngay để cán bộ nhận nhiệm vụ thấy được tập thể lãnh đạo không quên họ và luôn luôn đi theo sát họ, tạo cho họ sự yên tâm công tác..., Dương Văn Mạnh - Bí thư Huyện ủy Như Xuân.

* Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 703 (lượt) cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó: -Từ cấp tỉnh về cấp huyện: 43 đồng chí; Từ huyện về tỉnh: 50 đồng chí; Từ huyện này sang huyện khác: 5 đồng chí; Từ cấp huyện về cấp xã: 259 đồng chí; Từ cấp xã lên cấp huyện: 201 đồng chí; Từ xã này sang xã khác: 350 đồng chí.

Hoàng Việt Anh - Kiều Huyền


Hoàng Việt Anh - Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]