(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau các tập thơ “Màu sắc quê hương” (1974), “Lời đồng đội” (2012), “Chao nghiêng cánh võng” (2019), “Những cung đường ra trận” là trăn trở đau đáu về đồng đội, sự hy sinh mất mát, kỷ niệm chiến trường và những ngẫm ngợi về hòa bình của một người lính.

“Những cung đường ra trận” của Bùi Khắc Viên

Sau các tập thơ “Màu sắc quê hương” (1974), “Lời đồng đội” (2012), “Chao nghiêng cánh võng” (2019), “Những cung đường ra trận” là trăn trở đau đáu về đồng đội, sự hy sinh mất mát, kỷ niệm chiến trường và những ngẫm ngợi về hòa bình của một người lính.

“Những cung đường ra trận” của Bùi Khắc Viên

Thơ Bùi Khắc Viên thường ngắn. Nhiều bài chỉ bốn câu hoặc sáu câu, ít có bài dài. Cảm xúc trong thơ anh được nén chặt qua cái nhìn bao quát và lẩy ra những ý tưởng giàu sức gợi nhất. Đó cũng là điểm mạnh trong thơ anh, nó gần với thơ Đường luật nhưng lại rất bay bổng đời thường. Trong bài “Tiếng cười” tác giả viết: “Nợ em một tiếng cười/ Giữa mây núi Trường Sơn/ Có gì nữa đẹp hơn/ Tiếng cười em bên suối/ Vợi đi ngàn tiếng bom”. Tiếng cười làm bừng sáng thiên nhiên, đặc biệt tiếng cười xua đi không khí chết chóc thương đau. Chỉ một dáng em, một vệt cánh cò chao nghiêng, một triền đê gầy guộc đã vẽ nên nỗi niềm cô đơn vời vợi.

Quê hương là chốn đi về, là điểm tựa tinh thần cho những đứa con xa. Nhà thơ tự hào về quê hương giàu truyền thống hiếu học và khoa bảng. Ngược về tháng năm đã qua, quê còn nghèo vì chiến tranh, trai tráng ra trận đánh giặc cứu nước, song nghĩa tình sâu nặng, yêu thương: “Về quê đi em/ Có Bảng Môn Đình/ Nhà thờ Quan Trạng/ Mái trường lối nhỏ đêm trăng/ Đánh đáo chơi khăng/ Mũ rơm đi học/ Mẹ ru hời lẫy khúc Nguyễn Du (Về quê đi em). Bằng vài nét vẽ hình ảnh quê hương được tái hiện qua những thăng trầm lịch sử, quê hương giàu nhân văn, nhân nghĩa và những trở trăn khi cái mới đang làm mờ đi những mĩ tục truyền đời. Anh chọn những thi ảnh thật gợi khi nói về làng, tự nhiên như làng. Đọc lên thấy rưng rưng “Về làng đếm bậc cầu ao/ Lia thia đớp bóng vì sao trên trời/ Mới hay đi khắp nẻo đời/ Đâu bằng rơm rạ cái nơi sinh thành” (Về làng). “Mảnh trăng cong” là bài thơ theo thể lục bát hiếm hoi của nhà thơ. Tác giả nói về mẹ “Mẹ tôi như mảnh trăng cong/ Như bông lúa chín uốn cong trên đồng“, lối so sánh bất ngờ, thú vị, gợi lên hình ảnh người mẹ già nua cả một đời lo cho chồng, cho con, lưng còng vì gánh nặng cuộc sống mưu sinh. Thật nhất, trần trụi nhất là hình ảnh người con trước lúc hy sinh gọi mẹ ơi! rồi tắt lịm: “Đêm nay vào trận đánh/ Trước lúc hy sinh/ Anh gọi mẹ/ Mẹ ơi!”. Nỗi đau được đẩy lên đến tận cùng, tâm trạng rất giống câu thơ của một nhà thơ đương thời: “Giặc Mỹ bắn vào con/ Nhưng bắn vào tim mẹ”. Nỗi đau không thể nói bằng lời, chỉ có tiếng mẹ tình mẫu tử thiêng liêng mới đo đếm được sự mất mát do chiến tranh đem lại.

“Đêm phượng vĩ/ con ve kêu cháy xác/ ta thả hồn/ Đốt cháy cả đời trai/ Xin gửi lại/ Tháng năm đầy lửa đỏ/ Trong giấc mơ/ Lối nhỏ bóng hoa cài”.... “Đêm phượng vĩ/ Quê nhà ta trở lại/ Góc trường xưa/ Ai đứng đợi ta về” ám ảnh người đọc. Nhà thơ hoài nhớ về thời lửa đạn, sân trường, cuộc chia li, sự li biệt. Những ẩn ngữ nói về thời trai trẻ, tình yêu thơm ngọt cùng “tà áo mỏng” và đêm chia tay sân trường cùng phượng vĩ bịn rịn nhớ thương. Cái thời đẹp nhất của con người ta và cứ đẹp mãi cho đến bây giờ tóc đã hoa râm.

Có lẽ vì thế mà chữ “nợ” thường được Bùi Khắc Viên sử dụng mỗi khi suy tưởng. Nợ là sợi dây vô hình giằng níu tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, tình đồng đội. Từ đó để con người biết sống đẹp và có trách nhiệm công dân với quê hương đất nước: ... “Ta nợ đời/ đời trả hộ ta không?/ Nợ đồng đội/ một chiều không trở lại/ Nợ chưa về/ thay bạn/ gọi Mẹ ơi!” (Nợ).

Hay như bài thơ “Nén hương cháy ngược” viết về nỗi đau chiến tranh đầy ám ảnh: Hai bà mẹ già nua đầu bạc trắng, khói hương cũng màu trắng, màu khói lan tỏa đôi bờ Thạch Hãn nơi anh ngã xuống. Người già thắp hương cho người trẻ, lá vàng trên cây, lá xanh đã rụng: “Tháng vu lan đạn bom Quảng Trị/ Mẹ đến tìm con cắm ngược nén hương đời”. Cảm xúc mong manh trong đợi chờ thương nhớ đã làm cho tình yêu đẹp và thánh thiện. Con tim của thi nhân thật tinh tế: “Câu thơ/ anh đang bỏ ngỏ/ Em viết/ thêm một lời thương/ Ngoài kia/ gió nghe ngừng thổi/ Em viết/ thêm vào chữ đợi” (Ở phía không nhau).

Đọc thơ Bùi Khắc Viên, ta có thể nhặt ra những từ đẹp lấp lánh như những viên ngọc. “Hạnh phúc trong câu thơ rất đỗi nhỏ nhoi/ Cho đôi chim sẻ tối gọi nhau về tổ/ Cho ai chờ ai con đường nho nhỏ/ Hương lúa đồng còn vương cọng rơm phơi” (Hạnh phúc đi tìm) là đem lại niềm vui cho con người và vạn vật, những kỷ niệm đẹp đẽ, trong trẻo. Khiêm nhường nói lên điều này, anh đã chạm đến thiên chức cao cả của người cầm bút: Không bao giờ ngừng nghỉ trong công việc sáng tạo con chữ như con tằm suốt đời nhả tơ làm đẹp cho đời.

Thơ phản ánh đời sống hiện thực, từ hiện thực vỗ vào thơ trăm nghìn lớp sóng. Thơ Bùi Khắc Viên cũng không nằm ngoài hệ quy chiếu đó. Thơ anh không tránh khỏi một vài từ ngữ còn trùng lặp, hay lối diễn đạt đôi chỗ dàn trải. Song điều đáng ghi nhận là những đóng góp không nhỏ về sự phát triển ngôn ngữ thơ tiếng Việt, góp thêm một tiếng nói nhân văn cho văn học nghệ thuật quê nhà.

Lê Xuân Toàn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]