(vhds.baothanhhoa.vn) - Họ là Bí thư, phó Bí thư chi bộ 8x năng nổ, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, dám đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật thay thế cho hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu mà tôi gặp trên hành trình tác nghiệp vùng biên. Tôi tìm thấy ở mảnh đất sỏi cằn một Phó bí thư chi bộ bản Qua, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát Vi Văn Thiến sẵn sàng bán đi con trâu cơ nghiệp duy nhất của gia đình để đi học cách gieo cấy cây lúa, trồng cây xoan rừng hiệu quả về hướng dẫn bà con. Hay một điểm tựa vững chắc của bà con bản Pọong, xã Tam Chung trong cuộc di dân khỏi cơn lũ lịch sử - Bí thư chi bộ, trưởng bản Lò Quốc Tính... Tôi gọi họ là những đảng viên 8x vùng biên thời 4.0!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “hạt giống đỏ” vùng biên (Bài 2): Những bí thư 8x thời 4.0

Họ là Bí thư, phó Bí thư chi bộ 8x năng nổ, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, dám đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật thay thế cho hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu mà tôi gặp trên hành trình tác nghiệp vùng biên. Tôi tìm thấy ở mảnh đất sỏi cằn một Phó bí thư chi bộ bản Qua, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát Vi Văn Thiến sẵn sàng bán đi con trâu cơ nghiệp duy nhất của gia đình để đi học cách gieo cấy cây lúa, trồng cây xoan rừng hiệu quả về hướng dẫn bà con. Hay một điểm tựa vững chắc của bà con bản Pọong, xã Tam Chung trong cuộc di dân khỏi cơn lũ lịch sử - Bí thư chi bộ, trưởng bản Lò Quốc Tính... Tôi gọi họ là những đảng viên 8x vùng biên thời 4.0!

Bán con trâu, học kỹ thuật gieo lúa, trồng xoan

Sáng sớm vùng biên, sương ken đặc phủ lấp những nếp nóc nhà. Vi Văn Thiến - Phó bí thư chi bộ, trưởng bản Qua (xã Quang Chiểu) tay xách nách mang con dao quắm, xôi nếp cùng hành trang lên rẫy. Vợ Thiến đang đi học lớp mầm non dưới phố nên mọi việc đồng áng, ruộng nương một tay Thiến cáng đáng. Thiến bảo, mình là đảng viên, là phó Bí thư chi bộ của bản, là thế hệ trẻ được bản xã, huyện dìu dắt, nên không thể phụ công mong mỏi.

Phó Bí thư, trưởng bản Qua (xã Quang Chiểu) Vi Văn Thiến hướng dẫn bà con chăm sóc lúa đúng kỹ thuật.

Học hết 12, lấy vợ, có con rồi, bản thân Thiến cũng từng nghĩ đến chuyện ly hương đi làm ăn nhưng đi rồi, làm không đủ sống. Tài sản của hai vợ chồng có được từ khi lấy nhau là con trâu kéo gỗ, làm nương và vài bao thóc lúa. Quyết định bán đi con trâu xuất phát sau buổi họp tổng kết công tác đoàn huyện Mường Lát cuối năm 2010. Buổi tổng kết năm đó, đồng chí Bí thư Huyện đoàn đã giới thiệu nhiều mô hình kinh tế điểm của đoàn viên, đảng viên trẻ phát huy hiệu quả tại địa phương. Rồi những nội dung, tấm gương học tập và làm theo lời Bác trên nhiều bình diện. “Được cái vợ con đồng thuận, khi mình bàn đến thực tại năng suất lúa của bà con dân bản mình kém do thiếu kỹ thuật canh tác. Cây xoan rừng chậm lớn do không nắm bắt được kỹ thuật chăm bón phân tro... Mình đề xuất ý kiến bán đi con trâu nhà lấy cái trang trải học hành, vợ đồng ý ngay” - Thiến khoái chí.

Sau 2 năm (2011 - 2012) theo học Trường Trung cấp Nông lâm Thanh Hóa (diện cử tuyển) về bản, khi cả xã chưa có một cán bộ khuyến nông nào, Thiến là người đầu tiên của mảnh đất vùng biên này đi học nên bà con thường gọi là “anh Thiến kỹ sư” của bản. Vi Văn Thiến cho biết, anh vui nhất khi học được kỹ thuật gieo cấy cây lúa cho năng suất về áp dụng cho bà con. Nếu như trước đây, chưa có ai hướng dẫn kỹ thuật, các quy trình về chọn giống, ngâm ủ, gieo cấy gần như bà con không chú trọng. Thiến ví dụ chuyện ngâm giống, có hộ chỉ 1 đến 2 sào ruộng nhưng ngâm giống không đúng kỹ thuật, có hộ ngâm đi ngâm lại thóc lúa cũng không chịu nảy mầm, mà lượng giống ngâm lên tới 20 - 30kg. Rồi quy trình chăm sóc lúa, gần như không phân, không tro, không thuốc sâu, thuốc cỏ... năng suất thấp, lúa thu hoạch không đủ ăn. Kể từ khi được cử làm cán bộ khuyến nông của bản, xã, Thiến đã vận động thay đổi được nhận thức của bà con. Đến nay, năng suất lúa được nâng cao, tiệm cận năng suất các xã trung du, miền xuôi. Bên cạnh đó, mô hình lúa lai cũng được Thiến phổ biến, nhân rộng ra các bản khác của xã.

Ngoài cây lúa, cây xoan rừng, cây lát... cho gỗ là một trong những loại cây trồng chính của bà con vùng biên nơi đây. Trước đây, do kỹ thuật trồng, chăm sóc kém nên cây chậm sinh trưởng, phát triển. Với việc hướng dẫn đầy đủ các quy trình kỹ thật chăm sóc, phân tro từ “anh Thiến kỹ sư”, những năm gần đây, loại cây lấy gỗ này đã đang bắt đầu cho thu nhập hiệu quả, diện tích toàn bản được mở rộng lên tới hơn 100 héc ta...

Với những đóng góp to lớn của “anh Thiến kỹ sư” bà con đã tin yêu giới thiệu lớp nguồn rồi được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng năm 2017. Cùng năm, Thiết được 100% phiếu bầu chức danh Trưởng bản, Phó bí thư chi bộ. Điều chưa từng có trong tiền lệ của bản vùng cao này. Thiến bảo: “Bà con càng tin yêu bao nhiêu thì áp lực về trách nhiệm cho bản thân càng lớn bấy nhiêu. Làm sao trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động phải hài hòa, khéo léo. Phải nói làm sao cho bà con tin và làm theo là điều rất khó. Nhưng thật may, mình là đứa con của bản nên cũng được lòng bà con”.

Thế rồi, Thiến đã tập hợp tầng lớp thanh niên của bản, theo dõi động viên, bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đến nay, chi bộ bản Qua có 8 đảng viên thì có 4 đảng viên là thế hệ 8x năng động, nhiệt huyết. Theo Thiến, khi là đảng viên, tham gia chi bộ, mọi hoạt động từ sinh hoạt chi bộ đến triển khai các hoạt động khác anh đều sử dụng điện thoại, thông qua facebook, zalo... để thông báo, trao đổi bàn bạc nội dung. Đối với những đảng viên lão thành thì đích thân Thiến đến tận nhà bàn bạc trao đổi, thông báo...

Kể từ khi đảm trách chức trưởng bản, phó bí thư chi bộ, Thiến đã góp công thay đổi diện sắc về kinh tế của bản, từ chuyện cây lúa, cây xoan rừng cho tới phát triển đàn vật nuôi như: trâu, bò, lợn, gà,... đặc biệt là những con nuôi đặc sản cho thu nhập kinh tế cao như: dê, nhím... Trong thành quả đó, bản thân Thiến là đảng viên tiên phong đi đầu trong làm kinh tế giỏi. Ngoài hơn 1ha nương rẫy, hai vợ chồng Thiến cũng có trong tay hơn 5ha xoan và lát sắp kỳ thu hoạch; hàng chục con trâu bò, lợn, gà...

Phó Bí thư, trưởng bản Qua (xã Quang Chiểu) Vi Văn Thiến bên khu tái định cư mới của bà con.

Với những thành tích trong hoạt động tại cơ sở, Vi Văn Thiến nhiều lần được Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy Mường Lát tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác lãnh, chỉ đạo cũng như phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đảm bảo an ninh, chính trị vùng biên.

“Điểm tựa” của cuộc di dân ra khỏi vùng lũ

Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pọong Lò Quốc Tính, xã Tam Chung (huyện Mường Lát) tôi không giới thiệu hẳn nhiều người cũng rõ về người hùng của bản trong cuộc di dân lịch sử ra khỏi vùng lũ cuối tháng 8 năm ngoái. Gần tròn 1 năm, tôi lại gặp anh, vẫn dáng người gầy khô, khắc khổ nhưng đôi mắt thì vẫn luôn sáng, lanh lẹ! Cũng gần thời điểm này năm ngoái, hình ảnh anh Tính chạy tất tưởi đi từng nhà gõ cửa, đôi chân trần chạy đến rớm máu cùng các gia đình bế trẻ nhỏ, cõng cụ già chạy thoát lũ!

Sau trận lũ đó tôi biết anh và cũng gặp anh nhiều hơn! Đó là những lần theo chân các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Trung ương lên thăm hỏi, động viên và trao quà ủng hộ cho bà con của bản. Đặc biệt, dịp trước Tết Nguyên đán 2019, lúc đó anh Tính với vai trò vận động bà con lên khu tái định cư mới. “Dẫu những đau thương của cơn lũ hãy còn hãi hùng nhưng bà con vẫn không chịu lên khu tái định cư mới?” - anh Tính thở dài.

Phong tục, tập quán bao đời sinh sống dọc bên những con suối, bờ khe là vậy, không dễ gì thay đổi được tiềm thức vẫn ăn sâu bám rễ đó. Bí thư chi bộ Lò Quốc Tính đã phải nỗ lực, tập hợp các đảng viên trong chi bộ từ thế hệ trẻ đến các đảng viên lão thành đến từng nhà vận động, giải thích.

“Mình phải gặp từng hộ đấy, nhiều hộ mất nhà, mất cửa “màn trời chiếu đất” nhưng nhất quyết không chịu lên khu tái định cư mà đòi dựng lại nhà chỗ cũ. Họ rất tin tưởng, ái ngại với trưởng bản nhưng phong tục là vậy, họ cho rằng lên đó cao, không có nước, có điện, sợ lại gặp phải con ma rừng, con hổ, con báo... nên không chịu” - Trưởng bản Tính cho biết.

Bí thư, trưởng bản Pọong, xã Tam Chung Lò Quốc Tính (ngoài cùng bên trái) trong lần vận động bà con lên khu tái định cư mới.

Trường hợp nhà chị Hà Thị Đượng có 5 khẩu, 3 sào ruộng, trước khi lũ cuốn trôi nhà cửa còn có con trâu, con bò, lợn gà và cả thóc lúa. Chị Đượng còn chưa hết hãi hùng kể lại: “Bà con bản Poọng chưa bao giờ thấy lũ dữ và sạt lở kinh hoàng như vậy! Cứ nghĩ tất cả bà con đã bị con “ma lũ” nó bắt rồi chứ”. Sợ hãi là vậy, thế nhưng khi vận động lên khu tái định cư thì chị bảo: “Bà con biết ơn trưởng bản Tính, không có anh chắc người dân không chạy lũ kịp! Tuy nhiên, nhà tổ tiên bao đời sống bên con suối này rồi, đi nơi mới, đất lạ, con ma đất mới có chịu cho ở không”.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” ngày thì đi vận động, tối về nhắn tin qua mạng xã hội với các đoàn viên, đảng viên trẻ nắm về tình hình, tư tưởng từng hộ... đâu đó rồi cũng ổn. Ban đầu mình vận động những hộ có đoàn viên, đảng viên lên trước. Những hộ khó vận động, đến nhiều lần giải thích, lấy cả an nguy tính mạng con cái họ ra nếu lũ lại về để ép rồi cũng chịu. Tính ra đợt di dân này có tổng 63 hộ phải di dời lên khu tái định cư mới và cũng phải mất hơn 1 tháng trời để vận động thành công”.

Giờ đây, ở nơi tái định cư mới tập trung, nhà cửa, đường sá, điện đóm... tươm tất, cuộc sống của người dân đang đi vào ổn định, Trưởng bản Tính bảo: “Mình vừa rồi được đón nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mường Lát về công tác ứng phó, khắc phục trong đợt lũ 2018. Đáp lại sự tin tưởng đó, trên cương vị Bí thư chi bộ, trưởng bản hứa năm sau, sau nữa sẽ cố gắng đưa bản đạt bản nông thôn mới”.

Lời hứa, niềm vui của anh Tính còn vẳng bên tai, còn tôi khi hạ bút bài viết lại mang một nỗi lo đau đáu. Bản tin thời sự 19h tối phát đi thông tin, cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão đã đang gây ra thiệt hại to lớn về người và của cho nhiều huyện miền núi Thanh Hóa. Hiện có 3 người chết, 12 người mất tích... Đau thương bởi thiên tai lại ập đến với bà con vùng biên nữa rồi! Trước khi khoác ba lô lên những điểm lũ, qua điện thoại, anh Tính, anh Thiến... cho biết tình hình bà con vẫn ổn. Đối với những khu tái định cư thì yên tâm, tất cả lực lượng đang theo dõi sẵn sàng di dời những hộ còn lại có nguy cơ sạt lở...

Ông Triệu Minh Xiết - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát cho biết: “Huyện Mường Lát tính đến tháng 6/2019 có tất cả 2.615 đảng viên. Trong đó, đảng viên trẻ chiếm tới hơn 40%, đảng viên là nữ chiếm khoảng 18%... Rõ ràng với tinh thần, trách nhiệm của các đảng viên trẻ, đặc biệt là các bí thư, phó bí thư chi bộ như anh Thiến, anh Tính, chị Thiết... chính là nòng cốt, là “những hạt giống đỏ” của mảnh đất vùng biên. Qua thế hệ trẻ, một tinh thần xung kích, một nhiệt huyết “dám nghĩ dám làm” thấy rõ! Đặc biệt, trong phát triển kinh tế - xã hội việc áp dụng khoa học kỹ thuật để thay đổi nhận thức, thay đổi tư tưởng lạc hậu, ỉ lại đã đang phát huy hiệu quả nhờ vào những thế hệ 8x thời 4.0 này!”.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]