(vhds.baothanhhoa.vn) - ... đó là những dòng chữ lung linh sáng về tình thầy trò, về giá trị đích thực của một người thầy, bổn phận của học trò với việc học.

Những trang viết sáng lấp lánh

... đó là những dòng chữ lung linh sáng về tình thầy trò, về giá trị đích thực của một người thầy, bổn phận của học trò với việc học.

Những trang viết sáng lấp lánh

Đó là tác phẩm có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất trên đất nước Indonesia, có những người thậm chí đã dùng cuốn sách làm vật cầu hôn thay cho chiếc nhẫn. Một tác phẩm đã được dịch ra 26 thứ tiếng trên thế giới và đã bán được tới hơn 5 triệu bản. Với tôi, đó là một tuyệt phẩm của tác giả Andrea Hirata: “Chiến binh Cầu Vồng” – với mỗi trang viết đều sáng lấp lánh khát khao, hy vọng, niềm tin và tình người đôn hậu.

Andrea Hirata đã tỉ tê kể lại câu chuyện cuộc đời mình thuở cắp sách đến trường một cách chân thực, sống động và duyên dáng. Để rồi, khi lật giở từng trang sách, bạn đọc sẽ “khúc khích cười, xúc động, bực bội và khóc nức nở lúc nửa đêm - một mình” - như chính tác giả khi khép lại 600 trang bản thảo của cuốn sách.

Xúc động. Lẽ hiển nhiên rồi - ngay từ những trang đầu tiên. Cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun đã đến trường ở những giây phút cuối cùng trong lễ khai giảng ở ngôi trường mà “nếu có con dê nào đang nổi cơn động dục chạy đâm sầm vào thì nó sẽ ngay lập tức đổ ầm xuống thành một đống gạch vụn cho xem” - để đủ số lượng 11 học sinh, đáp ứng yêu cầu để Trường Tiểu học Muhammadiyah được hoạt động.

Khóc nức nở lúc nửa đêm. Dễ lắm, hoặc bạn sẽ hạnh phúc đến chảy nước mắt mà cười trong nước mắt - khi cậu bé làng chài, ngày ngày phải đạp xe 80 ki-lô-mét đến trường, băng qua đầm lầy, đối mặt với cả bầy cá sấu đứng lên trước lớp trong ngày đầu nhập học, khảng khái nói mà như tuyên thệ để bảo vệ người cha mù chữ “Con sẽ điền vào tờ mẫu này sau, thưa cô, chừng nào con biết đọc biết viết hẵng!”. Cậu thực hiện điều đó khi mà cả lớp mới bập bẹ học những chữ cái đầu tiên. Và cũng chính cậu bé “Lintang nghèo khó tội nghiệp ấy là viên ngọc và khoáng chất quý giá nhất”, đã trở thành học sinh xuất sắc nhất để thực hiện lời hứa thứ 2 với người mẹ đã bán chiếc nhẫn cưới để cho con được đến trường. Mẹ cậu ôm lấy tấm bảng chứng nhận học sinh xuất sắc ngồi sau xe cậu, còn Lintang đeo cái nạng của mẹ trên vai và gò lưng đạp xe, trong khi bố Lintang vừa đi vừa đẩy xe cho hai mẹ con trở về túp lều bên bờ biển trong niềm hạnh phúc vô bờ.

Đó là lúc thầy giáo Harfan trút hơi thở cuối cùng trên cái bàn trong căn phòng giáo vụ tồi tàn “ngay trên chiến trường, nơi ngôi trường thầy đã phải đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng mới có thể giữ được”. Không có vòng hoa viếng, không có phần thưởng nào từ chính quyền hay bài phúng điếu đến từ Bộ Giáo dục. Người thầy ấy đã để lại “một giếng nước mát lành trong tim của mười một đứa học sinh, một cái giếng kiến thức không bao giờ cạn”, đến mức cậu học trò thiểu năng Harun “… khóc quá chừng, không ai dỗ cho nín được. Nước mắt tuôn chảy ướt cả áo sơ mi”.

Và khúc khích cười. Cũng lạ. Một cuốn sách phơi bày sự nghiệt ngã đến tàn khốc của hố sâu khoảng cách giàu nghèo, sự khốn cùng của những người dân dưới đáy xã hội - những cu li, người nạo dừa, nông dân và ngư dân trên hòn đảo thiếc xinh đẹp Belitong, nhưng tình người và niềm lạc quan lấn át đi tất cả. Đó là lúc chất nhựa tiết ra từ trái Aren khiến lũ học trò trong trang phục hóa trang thành những chiến binh Moran ngứa điên cuồng, cùng với tiếng trống Tabla thúc giục đã nhảy như những chú bò đực trong cuộc chiến sinh tồn, và trở thành “điệu nhảy lay động bất kỳ khán giả nào như thể nó được đúc rút từ những nghi lễ thần bí của loài người”. Đó là khi cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun kiên quyết chỉ nhận điểm 3 môn đạo đức, dù cô giáo Mus cho cậu điểm 8 - xuất sắc nhất lớp; bởi vì với cậu, số 3 là số duy nhất cậu biết, nó còn có ý nghĩa hơn “điểm cao nhất cho môn học giá trị nhất thế giới”. Trong khi đó “chúng tôi, những đứa có đầu óc bình thường hơn lại chẳng bao giờ được nhận điểm 8 cho môn đạo đức”. Còn là lúc Lintang “đánh gục” thầy giáo dạy Vật lý của trường nhà giàu PN – cái người mang vấn đề muôn thuở của người Indonesia “có học thức lòng vòng nói tới nói lui những thuật ngữ to tát và lý thuyết cao siêu” chỉ vì “muốn khoe mẽ”, để mang về vinh quang cho ngôi trường “như nhà kho chứa cùi dừa khô” ở kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh.

Trên hết, đó là những dòng chữ lung linh sáng về tình thầy trò, về giá trị đích thực của một người thầy, bổn phận của học trò với việc học. Dạy và học, đó là những gì thiêng liêng nhất mà con người luôn khát khao hướng tới. Thầy Harfan với cái áo sơ mi mà “cổ áo mòn xơ cả chỉ”, áo lót thì “thủng lỗ chỗ”, cái thắt lưng đeo từ hồi “mười ba, mười bốn tuổi gì ấy”, đã phụng sự trường Muhammadiyah mấy chục năm mà chẳng có đồng lương nào. Chính thầy là người đã đốn cây trong rừng mang về xây nên trường Muhammadiyah và mang cả tính mạng mình để chứng minh rằng “học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản… và là ánh sáng văn minh”. Cô Mus cũng vậy, 15 tuổi, đánh đổi rất nhiều cơ hội việc làm để dạy học ở ngôi trường lúc nào cũng bị chính quyền đe dọa xóa xổ, đêm đêm phải mưu sinh bằng nghề may tới 1-2 giờ sáng - chỉ để đổi lại ước mơ được đứng trên bục giảng. Đổi lại “khi thầy Harfan muốn kiểm tra chúng tôi về câu chuyện thầy vừa kể xong thì những cánh tay nhất loạt giơ lên - ngay cả khi chúng tôi không chắc câu trả lời của mình đúng”. Tuyệt vời hơn là “người thầy đầy nhiệt huyết khiến bọn tôi mê say ấy đã phải rời lớp vì tiết học của thầy đã hết giờ. Một tiếng đồng hồ học cùng thầy cứ như một phút. Chúng tôi dõi theo thầy cho đến khi thầy rời hẳn khỏi phòng”.

Đọng lại trong tâm hồn chúng ta có bao nhiêu người thầy như thế? Con cái chúng ta đã bao giờ nói về thầy cô như 11 học sinh ở trường Muhammadiyah nói về thầy Harfan và cô Mus của họ “Họ là những anh hùng không được tụng ca, là vị hoàng tử và công chúa hiện thân cho sự tận tâm, và là giếng nước kiến thức thanh khiết cho cánh đồng khô hạn bỏ hoang”.

Đáp lại sự tận tâm ấy, là Lintang “dưới quầng sáng leo lét của ngọn đèn dầu, và chính ngay khoảnh khắc ấy, trong đêm tối tịch mịch, tư duy của nó chợt lóe sáng và nó nhận thấy một điều kỳ diệu nào đấy đang diễn ra trên trang sách trước mặt. Mỗi con số và chữ cái bò ngoằn nghèo rồi sáng bừng lên”. Và khi Mahar mở cái túi mây và lôi ra cây đàn ghi ta Hawaii trong những phút cuối cùng của tiết học Âm nhạc rồi vừa đàn vừa cất lên giọng ca mang vẻ đẹp “andante maestoso - vẻ đẹp không lời nào tả xiết”, đó là lúc “một nghệ sĩ tài ba đã ra đời tại trường Muhammadiyah” nghèo khó trong một trưa tháng 7 đỉnh điểm của mùa khô. Rồi của chính tác giả sau đó 12 năm: “Tôi chưa tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn quyết tâm giành học bổng thạc sĩ từ liên minh châu Âu. Tập trung! Tập trung! Tập trung! Đó là câu thần chú của tôi”…

Nhưng nếu bạn theo đuổi một cái kết có hậu cho 11 cậu học trò, thì điều đó không có trong những trang ít ỏi khép lại cuốn sách. Bởi đơn giản cuốn sách là câu chuyện có thực, ước mơ trở thành giáo viên, nhà toán học, thuyền trưởng, diễn viên, thậm chí chỉ là nhân viên xé vé ở rạp chiếu phim... đều tan vỡ. Lintang quay lại với kiếp culi. Samson vạm vỡ cũng vậy, culi bốc vác cho cửa hàng tạp hóa do vợ chồng người bạn – 2 trong số 11 “Chiến binh Cầu Vồng” làm chủ - A Kiong và Sahara. Tác giả thì bị dính một cú “nốc ao kỹ thuật” ngay từ cuốn sách đầu tiên viết về môn cầu lông, bởi chẳng nhà xuất bản nào chịu in vì lý do thương mại. Chàng trai Trapani đẹp từ thể chất tới tinh thần thì trở thành bệnh nhân ở bệnh viện tâm thần Sungai Liat “tuyệt vọng và tăm tối”. Kucai học dốt nhất lớp trở thành một nghị sĩ vì “hiểu rất rõ văn hóa của chúng tôi và cách hệ thống giá trị của chúng tôi vận hành”… Trường Muhammadiyah rồi cũng sụp đổ vào một buổi tối trong cơn cơn mưa, và “nằm dài ra đất hệt một con thú bị thương nặng”. Cô Mus theo đó cũng giã từ nghề dạy học để dành toàn bộ thời gian may quần áo cho khách.

Sau một cơn sóng thần khiến hàng trăm ngàn người dân Aceh thiệt mạng, có một cô gái đứng bên vệ đường cầm tấm băng rôn, đằng sau cô là ngôi trường đã bị sóng thần phá hủy. Tấm băng rôn có dòng chữ: “Cố lên, đừng bỏ học nhé”. Có thể đó là một cô giáo. Và cô gái đó mang thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Thật giản dị và trong sáng.

Tâm hồn chúng ta sẽ cảm nhận đồng điệu ngay thôi. Có tuổi thơ mình ở đó. Có bóng dáng những thầy cô giáo đánh đổi cả thanh xuân để “cắm bản”, “gieo chữ” ở những nơi “nghèo cả tiếng trống trường”. Thấy được cả những cô bé, cậu bé với đầu ngón chân bầm máu từ rẻo cao xuống tìm tri thức ở những ngôi trường còn lợp mái tranh… Vậy nên, hãy đọc cuốn sách này đi!.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]