(vhds.baothanhhoa.vn) - Thomas L. Friedman – người 3 lần đoạt giải Pulitzer, tác giả của cuốn sách nổi tiếng như: “Chiếc Lexus và cây olive: tìm hiểu toàn cầu hóa”, “Thế giới phẳng: Tóm tắt lịch sử thế kỷ 21” – cuốn sách đầu tiên được trao giải Sách của năm của Financial Times/Goldman Sachs luôn khiến độc giả phải nhìn nhận những gì đang diễn ra trên thế giới này bằng con mắt khác. Tựa như cái cách mà ông cảnh báo chúng ta về các vấn đề mà thế giới chịu tác động, phải đối mặt một cách khá trực diện thông qua tác phẩm: “Nóng, phẳng, chật - Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai? (dịch giả Nguyễn Hằng, 2019, NXB Trẻ) (sau đây gọi tắt là Nóng, phẳng, chật).

Nóng, phẳng, chật – Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai?

Thomas L. Friedman – người 3 lần đoạt giải Pulitzer, tác giả của cuốn sách nổi tiếng như: “Chiếc Lexus và cây olive: tìm hiểu toàn cầu hóa”, “Thế giới phẳng: Tóm tắt lịch sử thế kỷ 21” – cuốn sách đầu tiên được trao giải Sách của năm của Financial Times/Goldman Sachs luôn khiến độc giả phải nhìn nhận những gì đang diễn ra trên thế giới này bằng con mắt khác. Tựa như cái cách mà ông cảnh báo chúng ta về các vấn đề mà thế giới chịu tác động, phải đối mặt một cách khá trực diện thông qua tác phẩm: “Nóng, phẳng, chật - Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai? (dịch giả Nguyễn Hằng, 2019, NXB Trẻ) (sau đây gọi tắt là Nóng, phẳng, chật).

Nóng, phẳng, chật – Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai?

Cuốn sách “Nóng, phẳng, chật - Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai?” của Thomas L. Friedman.

Với dung lượng 577 trang, chia thành 5 phần đã cho thấy “sức nặng” của cuốn sách. Nhưng khi tiếp cận với ngồn ngộn tư liệu, những lập luận, kiến giải sắc sảo, hiểu biết xã hội sâu sắc của tác giả, bạn đọc hiểu rằng: Nội dung cuốn sách đã vượt ra ngoài khuôn khổ được định lượng bằng những con số thống kê giản đơn.

“Nóng, phẳng, chật” bắt đầu câu chuyện được viết ra từ trung tâm nước Mỹ - nơi đã phải đối mặt với hai trong số những thách thức lớn nhất, đó là: Khủng hoảng môi trường toàn cầu và việc Mỹ đánh mất trọng tâm, mục tiêu quốc gia một cách đáng ngạc nhiên kể từ sau sự kiện lịch sử ngày 11-9. Đó là “một nước Mỹ bó hẹp trong sự trốn tránh phòng thủ”, và nếu cứ tiếp diễn như thế, “nước Mỹ sẽ không thể hòa vào dòng nước mênh mông của chủ nghĩa lý tưởng, của sự đổi mới, của tinh thần tình nguyện và lòng nhân ái”. Quan trọng hơn, “nước Mỹ sẽ không thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với thế giới như bao lâu nay – một ngọn hải đăng biểu trưng cho hy vọng, một quốc gia luôn đi đầu thế giới trong việc đối mặt với những thách thức”.

Một trong những thách thức của nước Mỹ cũng chính là thách thức lớn nhất của toàn thế giới, Thomas L. Friedman chỉ ra một cách cơ bản: Thế giới đang càng nóng bức, bằng phẳng và chật chội hơn. Chính xác là như thế, gọn – sắc là điểm thu hút trong cách viết, cách lập luận của Thomas L. Friedman: “Sự nóng lên của trái đất, sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới, dân số tăng nhanh khiến cho hành tinh này có thể rơi vào trạng thái bất ổn đầy nguy hiểm. Đặc biệt, trái đất nóng bức, bằng phẳng và chật chội đang thúc đẩy quá trình tuyệt chủng của động thực vật, nhấn sâu thêm tình trạng thiếu nhiên liệu, củng cố vai trò thống trị của dầu mỏ và làm gia tăng biến đổi khí hậu”. Cách thức chúng ta giải quyết những khó khăn chung trên toàn cầu sẽ tác động rất nhiều đến chất lượng cuộc sống thế kỷ 21 này. Thomas L. Friedman sắc sảo nhận định: Đây là cơ hội cho nước Mỹ nhưng cũng là bài trắc nghiệm. Trước thực tế đó, với sức mạnh, tiềm lực, tham vọng, ông cho rằng: Nước Mỹ cần phải đóng “vai trò dẫn dắt”, lãnh đạo, sáng tạo, hợp tác.

Những nhận định của Thomas L. Friedman giống như lời tiên tri. Khi cuốn sách được hoàn thành từ năm 2008 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, các mệnh đề được đặt ra trong cuốn sách như: “cung cầu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên”, “vai trò thống trị của dầu mỏ”, “biến đổi khí hậu”, “nghèo năng lượng”, “mất đa dạng sinh học” vẫn “nóng hổi” tính thời sự.

Vừa qua, “Xứ cờ hoa” làm xôn xao dư luận quốc tế khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặc dù đã ở ngưỡng “bát tuần”, đã chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử vào “Nhà trắng” năm 2024 bằng động thái gửi hồ sơ lên Uỷ ban Bầu cử Liên bang (FEC), nhất quán với tham vọng “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Không chỉ ở nghị trường, thậm chí, từ thực tế gần gũi nhất với cuộc sống của mỗi chúng ta, đó là sự “nhảy múa” của giá xăng dầu (kéo theo giá cả các mặt hàng khác) tính theo từng ngày và cách mà Mỹ, Châu Âu vật vã tìm cách đối phó với cơn khủng hoảng năng lượng đủ cho thấy khả năng tiên tri của Thomas L. Friedman, giá trị từ cuốn sách mang lại.

“Biến đổi khí hậu”, “sự nóng lên của trái đất”…, quá rõ ràng rồi, thế giới thấm thía sâu sắc điều này với nhiều bài học đắt giá. Qua từng chương, tiểu mục hấp dẫn: “Nơi chim trời không bay qua”, “Hãy đổ đầy bình xăng và làm cho thế giới bị thống trị bởi dầu mỏ”, “Sư bất thường của trái đất”, “Xanh là màu quốc kỳ mới”, “Thời kỳ đồ đá kết thúc không phải vì chúng hết đá”, “Nếu không nhàm chán thì sẽ không xanh”, …, những lát cắt của vấn đề được nhận định, đánh giá, bóc tách và xử lý kĩ lưỡng, khéo kéo, chặt chẽ, khoa học khiến độc giả không khỏi cảm thán, khâm phục.

Nếu nửa đầu cuốn sách, Thomas L. Friedman đi tìm hiểu nguyên nhân của những thách thức về vấn đề năng lượng, khí hậu và đa dạng sinh học mà cả thế giới đang phải đối mặt thì nửa sau, ông “dồn sức” để trình bày biện pháp giải quyết chúng. Giải pháp cho những vấn đề ấy, Thomas L. Friedman gọi tên là: “Mã xanh”.

“Mã xanh” này chính là cộng hưởng giữa những “đột phá lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch lẫn thái độ trân trọng hơn đối với tài nguyên rừng. biển, những điểm nóng về đa dạng sinh học…” - Thomas L. Friedman đi thẳng vào vấn đề - như ông vẫn thường như thế trong các cuốn sách, bài báo của mình. Ông phê phán những người chỉ coi “lối sống xanh” như kiểu “nói cho sang mồm”, “đu trend”. Ông khẳng định: “Chúng ta đang phải nỗ lực thay đổi hệ thống khí hậu – để tránh những điều không thể kiểm soát và kiểm soát những điều không thể tránh được! Chúng ta đang phải nỗ lực tác động lên lượng mưa, cường độ gió và tốc độ tan băng. Ngoài ra, chúng ta còn đang phải nỗ lực bảo vệ và phục hồi những hệ sinh thái đang bị suy thoái rất nhanh trên thế giới – đó là rừng, sông ngòi, thảo nguyên, đại dương cùng với các loài động thực vật đa dạng trong hệ sinh thái đó. Cuối cùng, chúng ta đang nỗ lực chấm dứt “cơn nghiện” xăng dầu đang làm trầm trọng hơn không chỉ biến đổi khí hậu mà cả biến động về địa chính trị. Thách thức này đã đạt được quy mô lớn nhất của nó. Bạn không thể giải quyết theo kiểu làm vì sở thích, và tính từ “dễ dàng” không bao giờ - không bao giờ - xuất hiện ở đây.

Đối với nước Mỹ nói riêng, cả thế giới nói chung cũng vậy, “kỷ nguyên mới trước mắt sẽ là một trong những thời kỳ thay đổi lớn nhất về xã hội, chính trị và kinh tế mà nguyên nhân chủ yếu lại đến từ bầu trời trên cao kia – Mẹ thiên nhiên”. “Nóng, phẳng, chật” được Thomas L. Friedman viết lên bằng tất cả tấm lòng, tâm huyết, trí tuệ của một nhà báo tài năng, một công dân trách nhiệm, như những gì ông chân thành bộc bạch: “Nếu cuốn sách này có đóng góp chút nào đó khiến cho cuộc cách mạng xanh thực sự do nước Mỹ dẫn đầu từ tình trạng không được biết đến thành không thể ngăn nổi, thì tôi sẽ coi đó là một thành công của mình".

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]