(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiệm vụ của những cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Muốn làm được điều đó, trước hết phải xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố QP-AN, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn biên giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh (Bài 2): “Bám đất, bám dân”, phát huy tiềm năng, thế mạnh các xã biên giới

Nhiệm vụ của những cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Muốn làm được điều đó, trước hết phải xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố QP-AN, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn biên giới.

Trên tinh thần chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, những cán bộ sỹ quan biên phòng khi được điều động về làm phó bí thư đảng ủy tăng cường xã biên giới đã chủ động “bám dân, bám đất”, giữ mối liên hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền địa phương, hình thành thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, biến tiềm năng, thế mạnh các xã biên giới dần trở thành hiện thực.

Xã biên giới đầu tiên về đích nông thôn mới

Đang công tác ở đội tổng hợp (Đồn Biên phòng Yên Khương, huyện Lang Chánh), tháng 9/1016, Trung tá Lê Đình Thiện được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa điều động tăng cường Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới Tam Lư, huyện Quan Sơn. Thời điểm Trung tá Thiện về nhận nhiệm vụ mới cũng là những năm cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tam Lư đang nỗ lực, quyết tâm về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trung tá Thiện chia sẻ: Anh sinh năm 1972, quê xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, công tác 29 năm trong quân đội, thời gian công tác chủ yếu ở các đồn biên phòng tuyến biên giới. Anh gắn bó 14 năm với mảnh đất Yên Khương nên am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào cũng như tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Bởi vậy, về xã Tam Lư, đảm nhận cương vị mới ở địa bàn biên giới anh không còn bỡ ngỡ, bà con thấy bộ đội cũng đều quý mến. Là thành viên BCĐ xây dựng NTM, nên thường xuyên xuống bản, cùng ăn, cùng ở với dân. Từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa; phát huy vai trò cấp ủy chi bộ, nêu gương cán bộ đảng viên mà nòng cốt là vai trò của già làng, trưởng bản, cũng như người uy tín để tạo sự đồng thuận cao nhất trong việc huy động bà con xây dựng NTM. Nhất là vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, xây dựng đường nội thôn, phối hợp với nhân dân, Đồn Biên phòng Tam Thanh tham gia bảo vệ cột mốc, dọn dẹp đường giao thông, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa luôn sạch đẹp. Anh đã không quản ngại nắng mưa, địa hình hiểm trở thường xuyên bám cơ sở, tổ chức giao ban hàng tuần, hàng tháng tại các thôn, bản để nắm bắt tâm tư người dân. Bà con nhờ đó được nói lên tiếng nói của mình, qua đó tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía người dân trong xây dựng NTM.

Xã biên giới Tam Lư có 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh, dân tộc Thái chiếm 98% dân số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng có lợi thế trong phát triển cây vầu, luồng. Bởi vậy, Trung tá Lê Đình Thiện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình, như: mô hình trồng vầu, luồng, mô hình rau an toàn, mô hình chăn nuôi bò... Khi anh về nhận nhiệm vụ, thu nhập bình quân trên địa bàn xã mới chỉ có 19 triệu đồng/người/tháng thì năm 2017 đạt 27,4 triệu đồng/ người/ tháng và năm 2018 là 30,6 triệu đồng/ người/ tháng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,4% (năm 2018).

Trung tá Lê Đình Thiện - Phó Bí thư tăng cường Đảng ủy xã Tam Lư thăm vườn ươm cây vầu ở bản Hậu.

Ông Vi Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Lư cho biết: Trung tá Lê Đình Thiện từ khi về tăng cường Phó Bí thư Đảng ủy xã đã thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn đồng bào các bản thực hiện chương trình phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh biên giới. Nhờ sự góp sức của Trung tá Thiện, an ninh xã biên giới Tam Lư được duy trì ổn định, sự đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân được nâng cao, diện mạo khu vực vùng biên ngày càng khởi sắc. Sau 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, ngày 24/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 5225 công nhận xã Tam Lư đạt chuẩn NTM. Đây cũng là xã biên giới đầu tiên của huyện Quan Sơn và tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn NTM.

Sau khi hoàn thành chương trình xây dựng NTM, niềm vui tiếp niềm vui, ngày 20/4/ 2019, UBND huyện Quan Sơn đã tổ chức “Lễ đón nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Hội đồng quản trị rừng thế giới-FSC” cho nhân dân 2 xã Tam Lư và Tam Thanh. Theo đó, xã Tam Lư có 35 hộ đại diện gồm 1.645,9ha; xã Tam Thanh có 34 hộ gồm 1.399,1ha được cấp chứng chỉ. Đây là niềm vui của người dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh (thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Tam Thanh phụ trách - PV) nói riêng, huyện Quan Sơn nói chung, bởi tiềm năng, thế mạnh của địa phương được phát huy, nhiều hứa hẹn về sự “bứt tốc” đổi đời từ kinh doanh rừng trồng theo hướng sản xuất liên kết, có hiệu quả cao và bền vững. Tam Lư, Tam Thanh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước “lĩnh xướng tiên phong” triển khai về việc cấp chứng chỉ rừng đối với cây vầu, luồng, nứa. Đây là cơ sở để thúc đẩy mô hình quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Niềm vui này có vai trò của Trung tá Lê Đình Thiện - người lính mang quân hàm xanh giữ trọng trách quan trọng trong cấp ủy địa phương.

Ở Đồn Biên phòng Tam Thanh, ngoài Trung tá Lê Đình Thiện được tăng cường Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Lư còn có Thiếu tá Lò Văn Mợi vừa được Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa điều động làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh. Phát huy vai trò của bộ đội biên phòng trong lòng dân, anh Mợi nhanh chóng hòa nhập với công việc mới. Là người con bản Ngàm, xã Tam Thanh, được về chính mảnh đất quê hương để công tác cũng là niềm tự hào của cá nhân anh. Nhờ sự đồng thuận về ngôn ngữ, am hiểu phong tục, tập quán địa phương, nên anh có nhiều dự định để phát triển KT-XH nơi đây. Đặc biệt, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân với bộ đội biên phòng; phát triển KT-XH xã vùng biên còn nhiều khó khăn như Tam Thanh; xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với nước bạn Lào; đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của bọn phản động và các phần tử xấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia.

Thiếu tá Lò Văn Mợi vừa nhận nhiệm vụ về làm Phó Bí thư tăng cường Đảng ủy xã Tam Thanh.

Phát triển các mô hình kinh tế

Sau hành trình đến thăm những người lính biên phòng ở các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Quan Sơn, tôi có cuộc làm việc với Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Thị Hương. Có hẹn trước nên mặc dù bận rộn với công việc, bà vẫn tranh thủ trò chuyện với tôi sau chặng đường dài. Bà Hà Thị Hương nhấn mạnh vai trò, đóng góp của lực lượng biên phòng trong công tác tham mưu, phối hợp cho cấp ủy, chính quyền. Quan Sơn có 6 đồng chí hiện là Phó Bí thư tăng cường đối với 6 xã biên giới: Tam Thanh, Tam Lư, Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Thủy, Sơn Điện. Các đồng chí biên phòng khi nhận nhiệm vụ về làm phó bí thư tăng cường đã phát huy tốt vai trò của bộ đội biên phòng, có đóng góp rất lớn trong phát triển KT-XH, xây dựng NTM, xây dựng đảng, đảm bảo QP-AN, bảo vệ cột mốc, đường biên, giữ vững an ninh trật tự tuyến biên giới. Các đồng chí chính là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương với đồn biên phòng trong quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Từ miền biên Mường Lát đến Quan Sơn, những nơi tôi dừng chân, gặp gỡ những người lính biên phòng, cảm nhận ở họ là tinh thần trách nhiệm, sự gần gũi, hòa đồng với quần chúng nhân dân. Họ đã cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương khảo sát, nhận định đánh giá tình hình, đặc điểm của từng địa phương để xây dựng kế hoạch, nghị quyết, phương án, xây dựng các mô hình phù hợp với đặc điểm địa lý, khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng và phong tục, tập quán, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên biên giới. Nhiều mô hình kinh tế đã và đang phát huy hiệu quả như: Mô hình cây lúa nước chuyển từ 1 vụ sang 2 vụ đạt năng suất cao tiêu biểu cho các xã Tam Thanh, Tam Lư, Hiền Kiệt, Trung Lý, Na Mèo, bản Xắng, bản Hằng xã Yên Khương... đã có 93% diện tích trồng cây lúa nước 2 vụ đều đạt năng suất cao; mô hình trồng cây ngô lai 2 vụ ở xã Pù Nhi, xã Bát Mọt; mô hình chăn nuôi lợn xã Tam Chung, mô hình nuôi nhím Bản Poọng, xã Hiền Kiệt có hộ thu lãi 100 triệu đồng/năm; mô hình cây ngô xen cây xoan tại bản Na Khà, xã Tén Tằn; nuôi cá nước ngọt và trồng cây dược liệu ở xã Tam Thanh, thí điểm mô hình nuôi cá Tầm ở Bát Mọt; cây sắn cao sản, cây luồng, cây trẩu, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên biên giới.

Đến nay, ở các xã biên giới, số hộ nghèo giảm được 9,65%, có 7,58% hộ khá, giàu; đồng thời phát triển kinh tế, văn hóa gắn với ổn định, định canh, định cư, xây dựng NTM. Tiêu biểu cho phong trào như đồng chí Vũ Xuân Thu cán bộ tăng cường xã Sơn Thủy được nhân dân địa phương tôn vinh là người con làm sống lại bản Khà vì đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân không bỏ làng đi nơi khác để làm ăn sản xuất mà ổn định cuộc sống. Anh Thu đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương mở đường giao thông, phát triển lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và bảo vệ rừng, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội ủng hộ vật chất, tinh thần, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nên đời sống của bà con được nâng lên, nhân dân yên tâm ở lại bản làng làm ăn sản xuất.

Không chỉ tham mưu trong phát triển kinh tế, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, phát huy tiềm năng, thế mạnh các xã biên giới, những cán bộ biên phòng được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới đã góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa tại các địa phương; đảm bảo giữ vững chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên phòng; kịp thời ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vượt biên, di cư tự do, buôn bán ma túy, vũ khí, chất nổ chất cháy, phòng chống cháy rừng, truyền đạo trái phép; giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, mâu thuẫn, bức xúc trong nội bộ và trong quần chúng nhân dân; xây dựng đoàn kết trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương và giữ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với nhân dân các bản giáp biên với nước bạn Lào. Mảnh đất biên cương ngày một khởi sắc, đời sống người dân ngày một nâng cao, một phần có sự đóng góp của những Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]