(vhds.baothanhhoa.vn) - Quả táo thần kỳ của Kimura” là tự truyện về Kimura - một nông dân Nhật Bản giản dị với hành trình bền bỉ 20 năm trồng táo nói không với phân bón hóa học và thuốc trừ sâu được chắp bút bởi tác giả Takuji Ishikawa. “Chắc tôi ngốc quá nên cây táo mới ra quả” ông Kimura nói vui vậy, nhưng có lẽ cây đã ra quả nhờ chưng cất đủ độ của tình yêu thiên nhiên, hăng say lao động của một trái tim thuần khiết.

Quả táo thần kỳ của Kimura - quả ngọt của tình yêu

Quả táo thần kỳ của Kimura” là tự truyện về Kimura - một nông dân Nhật Bản giản dị với hành trình bền bỉ 20 năm trồng táo nói không với phân bón hóa học và thuốc trừ sâu được chắp bút bởi tác giả Takuji Ishikawa. “Chắc tôi ngốc quá nên cây táo mới ra quả” ông Kimura nói vui vậy, nhưng có lẽ cây đã ra quả nhờ chưng cất đủ độ của tình yêu thiên nhiên, hăng say lao động của một trái tim thuần khiết.

Quả táo thần kỳ của Kimura - quả ngọt của tình yêu

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Kimura đã vào làm cho một công ty ở Tokyo, nhưng sau đó vì nhiều lý do, ông đã quyết định quay trở về quê hương Hirosaki để bắt đầu ước mơ trồng một trang trại táo cho riêng mình. Cũng do vợ ông dị ứng với thuốc trừ sâu nên ông đã hạ quyết tâm trồng táo không cần phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Một lần mày mò trong đống tài liệu để nâng cao kiến thức, ông đã chạm đến cuốn “Nông pháp tự nhiên” của Fukuoka Masanobu với thông điệp: Không làm gì cả- Nông nghiệp không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón.

Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng táo sẽ giảm hơn 90% do thiệt hại bởi sâu bệnh. Chỉ cần 2 năm liên tiếp trồng không có thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng thu hoạch chắc chắn bằng 0. Thách thức tất cả mọi lý thuyết, Kimura bắt đầu với hành trình nông nghiệp không làm gì cả, bằng việc giảm số lần thuốc bảo vệ thực vật trong năm từ 13 lần xuống 6, xuống 3 rồi 1 lần. Khi cây táo bắt đầu ra hoa thì cũng là lúc ông phải đối mặt với bệnh đốm rụng lá.

Tác giả cuốn sách đã bắt đầu gặp ông từ mùa hè năm 1980 khi chứng kiến một mảnh vườn hoàn toàn khác lạ "cỏ dại không xén, châu chấu “nhảy vào mặt”, “ong bay, ếch kêu, chuột đồng và thậm chí là cả thỏ chạy”. Mảnh vườn hơn 6 năm, chủ không hề phun dù chỉ là một giọt thuốc bảo vệ thực vật. Đương nhiên cây táo bị bệnh và sâu hại, và mấy năm không thấy ra hoa. Và người chủ ấy hành động thật khác người: “Trời chưa sáng tinh mơ, ông đã tới vườn táo, rồi từ sáng tới tối, ông bắt sâu trên cây táo bằng tay không. Rồi cả những trưa hè, ông đang nhìn những con sâu gây hại ăn lá táo”.

Chưa hết, năm 2006, khi tác giả gặp ông Kimura sau gần 20 năm tính từ thời điểm ông theo dõi con sâu đo ngày nào, thì giờ táo đã có quả. Một phần ba lượng nước táo làm từ táo của ông Kimura được chính trị gia mua trọn, món súp táo thượng hạng nấu từ táo ông trồng được phục vụ trong nhà hàng hạng sang, khách muốn ăn phải đặt lịch trước cả năm trời. Tất nhiên đó là thành quả sau này.

Còn trong khoảng thời gian đằng đẵng thử nghiệm của ông thì thật là kinh khủng. Ngày đọc sách, nghiên cứu, đêm vùng dậy chạy ra vườn táo: này thì hòa bột mỳ, rải rượu chưng cất loãng rồi phun lòng trắng trứng, ông cứ thử như vậy hết năm này qua năm khác. 5 năm trôi qua, khi kinh tế gia đình ngày một khó khăn, khi cục tẩy cũng phải chia 3 cho các con dùng, cái tất rách phải may lại thì những vườn táo của ông vẫn chưa cho ra kết quả như mong đợi. Táo không cho thu hoạch, sâu bệnh nhiều. Bạn bè láng giềng gọi ông là kẻ phá gia chi tử. Còn ông bất lực nói cùng cây táo: “Xin lỗi vì đã bắt mày cố gắng quá mức!”.

Đúng vào thời điểm ông Kimura tuyệt vọng nhất định kết liễu đời mình ở rừng sâu, thì cũng chính là lúc ông phát hiện ra những cây dẻ tuyệt đẹp tự sinh trưởng mà không cần thuốc bảo vệ thực vật bằng lớp đất tơi xốp, trong hệ sinh thái cân bằng với một bộ rễ khỏe mạnh. Giây phút ấy đã thức tỉnh ông. Ấy là lâu nay ông chỉ quan tâm đến bề mặt của cây táo mà quên đi phần vô cùng quan trọng là bộ rễ và môi sinh của nó. Phải mất 6 năm để tìm ra câu trả lời. Phải mất 7 năm để vườn táo của ông ra hoa đậu thành hai quả.

Đoạn hàng xóm đến báo tin cho gia đình ông Kimura rằng vườn táo ở núi Iwaki đã ra hoa thật cảm động: “Nói là mùa xuân nhưng gió thổi đến chân núi Iwaki vẫn còn lạnh cóng. Chẳng biết có phải do bị gió lạnh thổi không mà mắt của hai vợ chồng ông đều rơm rớm nước. Ngắm hoa táo sau 9 năm, mắt đẫm lệ”. Một mùa xuân đến muộn nhưng thật ngọt trong vườn táo đã đơm hoa sau tháng năm đằng đẵng với triết lý nông nghiệp thuần khiết của Kimura.

Rồi đêm ấy, ông uống chút rượu dưới các gốc cây táo, rót cho từng cây một và nhắn đôi lời: Cảm ơn nhé vì đã ra nhiều hoa. Ông luôn nói rằng: “Không phải tôi mà là các cây táo đã luôn cố gắng”.

Kimura đã thành công. Câu chuyện truyền cảm hứng về cuộc đời ông giờ đây đã nổi tiếng toàn Nhật Bản. Không có gì hoàn toàn ngẫu nhiên, ngay cả cái đêm định mệnh ông muốn kết liễu đời mình vì bất lực thì cũng chính là lúc ông tìm thấy một câu trả lời giữ gìn môi sinh tự nhiên cho mỗi sinh mệnh cây trồng. Ấy là quả ngọt hoàn toàn xứng đáng với một tình yêu thủy chung nhất với nông nghiệp. Không phải vì Kimura ngốc mà cây táo đã nở hoa, mà chính là trái tim thuần khiết và tấm lòng rộng mở hết thảy của ông đã giải được bài toán tự nhiên: Vạn vật ắt có sinh mệnh, miễn là ta thấu hiểu và yêu thương nó hết lòng.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]