(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu để nói về thân phận tình yêu, không thể không nói đến hình bóng người phụ nữ. Ấn tượng đầu tiên khi nghĩ về các nhân vật nữ trong truyện ngắn của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh là vẻ đẹp. Cái vẻ đẹp hoang sơ, chơi vơi, cái đẹp của người phụ nữ ngoài 40 tuổi: “Cái cổng nhỏ vẫn im lìm. Lòng chị rối bời. Mùa xuân này qua đi. Mùa xuân khác lại đến để mang tuổi trẻ của chị đi theo. Gần 40 tuổi chị vẫn đẹp. Đẹp một cách hao mòn, quặn thắt trong nỗi cô đơn, trống trải triền miên và vô tận” (Giải vía).

Thân phận tình yêu trong truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh

Nếu để nói về thân phận tình yêu, không thể không nói đến hình bóng người phụ nữ. Ấn tượng đầu tiên khi nghĩ về các nhân vật nữ trong truyện ngắn của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh là vẻ đẹp. Cái vẻ đẹp hoang sơ, chơi vơi, cái đẹp của người phụ nữ ngoài 40 tuổi: “Cái cổng nhỏ vẫn im lìm. Lòng chị rối bời. Mùa xuân này qua đi. Mùa xuân khác lại đến để mang tuổi trẻ của chị đi theo. Gần 40 tuổi chị vẫn đẹp. Đẹp một cách hao mòn, quặn thắt trong nỗi cô đơn, trống trải triền miên và vô tận” (Giải vía).

Thân phận tình yêu trong truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh

Phụ nữ chính là một phần của đời sống, nhìn họ ta có thể đoán được một phần cuộc sống đang hiện sinh. Hơn ai hết, phụ nữ trong truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh là những con người yêu làng bản của mình. Đối với họ cái thung lũng Si Dồ, làng Chiềng Va vừa là nơi vĩnh viễn nhốt chặt các thành viên, nhốt chặt những thửa ruộng bậc thang, nhốt chặt cả những ngôi làng... vào trong lòng nó. Nhưng cũng chính nó lại có vẻ đẹp riêng: “Thung lũng Si Dồ với những ngọn núi hôm nào cũng phun mây trắng xóa; núi thì bao giờ cũng phải đội mây trắng trên đầu. Nhà sàn thì phải giữ lửa. Nhà sàn mà thiếu bếp lửa cháy bập bùng mỗi đêm, thiếu những sợi khói tỏa ra mỗi ngày thì ngôi nhà ấy rất lạnh"; “Khi đã ở trên lưng núi thì tất cả mọi buồn phiền đều bay biến cả” (Nước mắt đỏ, tr.15). Cái vẻ đẹp núi rừng được phụ nữ nhìn thấy ở mọi góc cạnh. Đó có thể là “yêu thích sự hùng mạnh của con sông này... Nếu sợ những ngọn núi cao thì sông đã chẳng phải là sông Mã như bây giờ. Trước kia con sông này chỉ là con suối lớn...” (tr.12). Tình yêu đó đã cải biến một đứa trẻ 9 tuổi: “Được đi cùng chị, được sống hòa mình vào giữa chốn thiên nhiên hoang dã tôi cảm thấy lòng mình yên ổn và hạnh phúc hơn khi ở nhà nghe mế nói chuyện tiền nong, cha bàn đến chức tước ở chốn quan trường cùng bè bạn của ông. Tôi cũng yêu những khu rừng, tôi yêu những ngọn núi và những ngôi làng như chị” (Nước mắt đỏ).

Nhưng những người phụ nữ Mường này lại không đủ sức níu kéo những người đàn ông. Họ biết làm hũ rượu thật ngon, thứ rượu bằng nếp cẩm “Thứ nếp mà chỉ Mường Dồ mới có”, được ủ “với một thứ men được chế bằng lá cây thuốc quý mà cũng chỉ có người đàn bà Mường Dồ mới biết làm. Nhưng rồi cái chất men say nồng, đắm đuối ấy vẫn không đủ sức để níu kéo được gã thợ săn trở lại”. Bởi, đàn ông như “con lộc nhòn, nay ở núi này, thoắt cái mai đã gặp ở rừng kia”, là những người “sống lang bạt kì hồ” (Của hồi môn).

Làng Chiềng Va ấy, con gái 16 tuổi chưa lấy được chồng đã là gái già. Bản năng đàn bà chính là lợi thế lớn của phụ nữ trong truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh. Đọc truyện ngắn của chị, thân phận phụ nữ dù đẹp và mỏng như một chiếc lá trên cành cây rợp thì sự trái ngang, lỡ dở cũng đeo bám họ. "Họ cả đời mới chỉ vài lần bước chân ra khỏi Mường Chiềng, là loại đàn bà chỉ biết mặc váy, đái ngồi, tầm nhìn không dài hơn được cái liềm đi rẫy” (Một nửa của người đàn bà).

Dường như có sự ngược chiều với những chuyện tình lãng mạn là hôn nhân không hạnh phúc, yêu nhau nhưng không đến được với nhau, rồi chửa hoang, rồi chờ đợi. Tất cả dồn lên đôi vai mỏng mảnh của người phụ nữ. “Một nửa của người đàn bà” không chủ định nói về chuyện tình yêu. Đó là những ẩn ức, những tức tưởi của một người đàn bà vội vã bỏ chồng giống như khi vội vàng quyết định kết hôn. Ở đó chỉ còn là cái kết của một cuộc tình, đó là sự đơn côi của người đàn bà và đứa con. Cuối cùng sự oan nghiệt đẩy con người đến tận cùng, không có nỗi đau nào hơn khi biết người cưỡng hiếp mình (cha của con gái mình) chính là chồng đứa em gái.

“Của hồi môn” kể về câu chuyện tình dở dang của đôi trai gái đằng sau những câu xường: “Câu xường giao duyên thật đẹp. Lòng người lại giống như một cái vực sâu thăm thẳm. Đáy vực đen ngòm. Người con gái nhẹ dạ, cả tin như mẹ tôi, một khi đã vô tình sẩy chân rơi xuống thì khó lòng ngoi lên được” … “Sau mỗi đêm xường hai người lại gặp nhau bên bếp lửa nhà mộng râu tôi. Hai người quấn quýt nhau như hai con chim chẻo pheo vào mùa tháng Ba”; “Bà đã yêu nông nổi như câu xường giao duyên nên không có quyền trách cứ người đàn ông đã đi qua cuộc đời con gái của mình”. Điều an ủi cuối cùng là một bài thơ hay, thứ “của hồi môn” người cha để lại. Ít nhất, người đọc còn thấy dẫu sao, sau những phút giây quấn quýt, sau những mưu sinh toan tính đời thường, con người vẫn còn giữ chút “tình xưa”.

Trong “Chuyện tình bên bến sông xưa”, “Người lính pháo 21 tuổi, chàng trai trẻ lần đầu tiên yêu và được yêu vùi khuôn mặt nóng bừng vào thân thể thơm nồng và ngát mùi hương hoa cải của cô thiếu nữ Mường yêu dấu thổn thức dặn dò: Anh đi rồi anh sẽ trở về bãi sông này để gặp em. Em đã là vợ anh rồi! Nhất định chúng mình phải có được nhau. Phải sống với nhau cho đến hết cuộc đời em ạ”. Cả đời chờ đợi người yêu và là bố con mình trở lại bến hoa cải. Câu chuyện dẫu có buồn vì nữ nhân vật chính đến khi chết vẫn chưa gặp lại người yêu. Nhưng họ chưa có phút giây nào không nghĩ về nhau, họ chưa nói xấu, nghĩ xấu về nhau.

Tôi thích “Trăng rằm”, bởi vẫn có tình lứa đôi mà vẫn có khoảng lặng của những con người đi qua nhiều chiều bão gió. Ở đó, nhân vật Lão (ngoài 70 tuổi) yêu người đàn bà họ Trương (kém lão khoảng mươi mùa rẫy) ở Mường Dồ, lần đầu tiên có nói từ yêu: Lão yêu bà! Và lão cũng cảm nhận được rằng trong lòng bà có lão. Đã lâu lắm rồi! Cả hai người không ai nói chuyện đó thành lời. Và sẽ chẳng bao giờ họ nói”.

Sắp chẵn 10 năm, cứ mỗi tháng một lần lão lại từ Mường Phấm xuống Mường Dồ thăm bà lão. Hai người ở bên nhau chẳng được bao lâu. Có lẽ chỉ đủ thời gian để ăn nhạt miếng trầu. Họ không nói với nhau một lời, nhưng khi trở về Mường Phấm, lão vui vẻ suốt cả tháng trời. Lão khỏe mạnh hẳn lên, da dẻ hồng hào trở lại. Ban đêm lão ngủ trọn giấc hơn... Cái xúc cảm tình yêu khiến không chỉ ông lão khỏe mạnh hơn mà "bà lão mỗi lần trẻ hơn một chút”.

Mối tình xế bóng mãn chiều này, cả hai người, không ai bàn tính đến chuyện hôn nhân. Tuy cả hai không còn cháy sáng như ngọn đèn dầu, dầu chưa cạn thì lửa vẫn còn đang cháy, nhưng cả hai đều không muốn chạm tay vào. Cả hai đều ngại, tuổi tác cả rồi. Hành động ấm áp nhất mà hai người có tuổi yêu nhau, hay đúng hơn là thương nhau đơn giản chỉ: “nắm lấy bàn tay chai sần và nhăn nheo”.

Phải khẳng định rằng, câu chuyện tình yêu trong các tác phẩm của Hà Thị Cẩm Anh dù “mãnh liệt” thì cũng còn “nhẹ nhàng, chưa đủ độ” với người đọc. Nếu trong “Chuyện tình bên bến sông” có vài lần nhắc tới yếu tố tình dục, sự đụng chạm của cơ thể: “Những cánh hoa rải vàng trên thân thể mượt mà và trinh trắng của nàng. Bầu ngực đầy đặn, phập phồng trong cánh hoa màu nắng sáng. Gã trai hai mươi mốt tuổi vùi mặt vào chỗ eo bụng thon nhỏ với những đường cong thánh thiện của người thiếu nữ Mường Dồ”, thì “Giải vía” cũng chỉ dừng ở hình ảnh “Mái tóc dài đen của người đàn bà 40 tuổi vừa được vấn lên thành một búi gọn gàng sau gáy lập tức bị xổ tung ra phủ kín cả khuôn ngực vạm vỡ của gã nhân tình. Anh lồng những ngón tay rắn chắc, chai sạn của mình vào tóc rồi vừa vuốt ve vừa nói: Em à, anh đợi mãi rồi. Đợi cả trăm năm rồi mới có được ngày này à".

Trong rất nhiều truyện về thân phận phụ nữ có lẽ Giải vía là truyện duy nhất của Hà Thị Cẩm Anh viết về đề tài tình yêu đúng nghĩa. Bởi đó không chỉ là những chuyện riêng tư của đàn bà và đàn ông, mà là những câu tình tứ, và quan trọng hơn là lời yêu được thốt ra nhiều lần. Giải vía ít nhất có 2 lần người đàn ông chờ đợi cô gái từ 20 năm trước giờ đã nói: “Anh yêu em. Anh sẽ bao bọc che chở cho ngọn núi cao vời vợi này của anh”; “Anh rút lui và đứng từ xa nhìn em và yêu em từ nơi rất xa ấy như anh đã từng làm như thế”; “Anh là rừng già. Em là núi non. Rừng và núi bao giờ cũng có nhau. Cũng gắn kết, cũng bao bọc nhau. Không có rừng thì núi cô đơn lắm em ơi”.

Nhưng chuyện tình yêu cũng chỉ là cái cớ, là ngọn nguồn, là cảm hứng để Hà Thị Cẩm Anh viết về đời sống người Mường ở bản làng của mình; là sự phản kháng “đánh thức cái bản năng tự vệ của một con thú hoang bị dồn đuổi đến cùng” trong việc vứt cái máy ảnh và tờ giấy trong truyện “Một nửa của người đàn bà”; là tình yêu sâu nặng với núi rừng: “Của rừng ăn một mất mười”.

Từng trang văn của Hà Thị Cẩm Anh nhẹ nhàng đấy mà cũng đủ làm người đọc rơi nước mắt. Họ thương cho kiếp đàn bà, yêu và được yêu, tưởng là quyền năng của phụ nữ, nhưng hóa ra lại vời vợi xa, xa và mịt mờ như những ngọn núi bao quanh thung lũng Si Dồ.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]