(vhds.baothanhhoa.vn) - Những con phố mùa đông bập bùng than đỏ, không mất quá nhiều tiền, cũng không tiêu tốn mấy thời gian của thực khách. Dừng lại ở đó để nhớ về một thời mẹ ta gồng gánh khắp đồng làng nuôi giấc mơ ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh âm phố ngày đông

Những con phố mùa đông bập bùng than đỏ, không mất quá nhiều tiền, cũng không tiêu tốn mấy thời gian của thực khách. Dừng lại ở đó để nhớ về một thời mẹ ta gồng gánh khắp đồng làng nuôi giấc mơ ta.

Thanh âm phố ngày đông

(Ảnh minh họa)

Ngô, khoai ăn mãi rồi, giờ vẫn ngon, bởi đó không chỉ là bắp, là củ, mà nó thức ta về với cái hồn làng ta một thời thiếu khó, nhưng vui vầy.

Khi những cơn gió mùa bắt đầu thả cái lạnh vào từng góc phố, cũng là lúc bếp lửa tạm bợ được cất lên trên vỉa hè với mùi thơm lừng hương vị đồng quê, hấp dẫn mời gọi khách qua đường.

Không chỉ ngô, khoai, sắn, mía, mà còn nhiều thứ nữa từ làng quê, được người quê đem lên làm quà phố. Tên phố nướng cũng bắt đầu từ đó, bắt đầu từ những chiếc bếp dã chiến đỏ than hoa với những chị, những bà thường trực chiếc quạt trên tay. Điều đáng nói là không chỉ dân quê lên phố với bếp than đỏ lửa mưu sinh, mà nhiều người gốc phố cũng hướng về đồng đất, lấy sản vật làng quê để làm phong phú thêm cho hương vị của mùa nơi phố xá...

Ngô, khoai nướng bởi vậy luôn được xem là thứ quà quê hấp dẫn, không no, nhưng ấm lòng, ấm tình, như những tháng ba, ngày tám xưa cũ đã nuôi lớn biết bao thân phận, kiếp người. Món quà quê bình dân vì vậy nên ngày càng có sức hút mọi người và thêm chỗ đứng xứng đáng nơi phố thị, hơn cả bánh khoái, bánh đúc, chả tôm...

Trong ngược xuôi dòng người tất bật, mỗi lần qua những con phố nướng trên đất Hạc Thành trong tiết trời se sắt lạnh, ta đều không quên hít hà cái thoang thoảng của hương sữa ngô, ngai ngái từ than hoa bập bùng trên bếp đỏ, để lòng thêm nhớ quê xa, để rồi như lẽ tự nhiên, muốn dừng lại, để sà vào.

Túm tụm bên mẹt ngô, gắp khoai trên vỉa hè bụi bặm, nhưng không mấy người để ý là mình đang ngồi ở đâu, có xứng hay không, bởi hơn cả, hương của ngô, vị của khoai đã chinh phục mất rồi. Vừa đưa vào thực quản, vừa ngẫm ngợi về làng mình, về cánh đồng với biết bao kỷ niệm thủa thiếu thời, để tiếc nuối một chút, giật mình một chút, thật là thú vị. Càng thú vị hơn khi màn đêm buông xuống, cái lạnh trùm không gian, bên bếp lửa thêm ấm lòng người, khách lạ mà như quen, cùng đợi chờ trong tiếng lách tách, để gần nhau hơn, như chính sự sum họp trong cái văn hóa làng quê mộc mạc xa xưa.

Như một lẽ thường tình của thú ăn, ngô dùng để nướng đúng chất chỉ có thể là ngô nếp loại ngon, được đưa về từ các vùng quê Hoằng Hóa, Thiệu Hóa dọc triền sông Mã, sông Chu, nếu được ngô nếp trồng trên đất bãi bồi Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, thì càng tuyệt. Ngô ở đây dẻo, thơm hơn các giống ngô lai bắp to đất khác.

Theo những người quạt ngô có thâm niên, thì ngô dùng để nướng phải là ngô tươi, bẻ trong ngày, bởi chỉ cần để quá một ngày thôi, thì vị ngọt, dẻo của ngô sẽ giảm rất nhiều. Giờ nhiều người ăn ngô nướng tinh lắm, khi đưa bắp ngô lên miệng, cắn nhẹ vào thân hạt đã biết ngô đã “qua đêm” hay chưa.

Không cứ phải là đặc sản, mà chính món ngô dân dã giờ với nhiều người cũng đã thành một thú văn hóa ẩm thực có chút cầu kỳ.

Nhếch nhác, bụi bặm, nhưng gần gũi, ấm áp, gợi nhớ tới mảnh hồn làng, những bếp than hồng trên phố tập nập người qua, lâu lâu lại thức ta về chốn cũ bình yên, để ta còn nhớ ta sinh ra từ làng, còn có nghĩa vụ với làng.

Những thanh âm lách tách trên bếp tham hồng bập bùng nơi hè phố những ngày đông thật ấm áp, thân thương. Sà vào đó một lần thôi, dù ta có là ai.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]