(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 16,5 tiêu chí/xã, có 5 huyện về đích NTM, 60% số xã, 20% thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, Thanh Hóa đang có nhiều giải pháp tích cực xây dựng NTM bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa: Hành trình về đích NTM (Kỳ cuối): Để xây dựng NTM bền vững

(VH&ĐS) Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 16,5 tiêu chí/xã, có 5 huyện về đích NTM, 60% số xã, 20% thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, Thanh Hóa đang có nhiều giải pháp tích cực xây dựng NTM bền vững.

Những bất cập trong xây dựng NTM

Sau 6 năm xây dựng NTM, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu, diện mạo nông thôn ở nhiều nơi đã được đổi mới, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Cũng từ xây dựng NTM, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng như: mô hình trồng chanh không hạt (Nông Cống), trồng cam và bưởi diễn ở Xuân Thành (Thọ Xuân), chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở Nga Thành, Nga Thạch (Nga Sơn), trồng ớt xuất khẩu (Yên Định)... Theo đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ từ công sở, trường học, trạm xá, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.

Đặc biệt, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Họ hiểu rõ ý nghĩa của chương trình và tích cực tham gia. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã phát huy vai trò trong lãnh, chỉ đạo xây dựng NTM, từ đó đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện... Song, quá trình xây dựng NTM ở Thanh Hóa còn bộc lộ những bất cập nhất định: Nhiều mô hình phát triển kinh tế chưa thực sự bền vững; nợ đọng xây dựng NTM còn nhiều; một số tiêu chí khó bền vững (ANTT, môi trường, hệ thống chính trị, BHYT); việc tổ chức kiểm tra, xét công nhận danh hiệu và đón nhận NTM còn những hạn chế...

Yên Định sau 4 năm phấn đấu đã trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều xã của huyện vẫn chưa trả hết nợ xây dựng cơ bản. Bí thư Đảng ủy xã Quý Lộc Trịnh Đình Thịnh cho biết: Là xã đầu tiên về đích NTM đầu tiên của tỉnh và huyện năm 2013, sau khi đón nhận danh hiệu NTM, xã còn nợ xây dựng cơ bản hơn 16 tỷ đồng. Hiện tại còn nợ 10 tỷ đồng (chủ yếu là nợ doanh nghiệp). Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2019 đã đưa ra nhưng do nguồn thu có hạn nên phải có lộ trình mới trả được. Tương tự, các xã: Định Tiến, Định Hòa, Yên Lâm đều nợ xây dựng từ 5 - 10 tỷ đồng trở lên.

Xã Hoằng Anh là đơn vị về đích NTM thứ 2 của TP Thanh Hóa. Khi đạt NTM xã này nợ 87 tỷ đồng. Sau 3 năm đã thanh toán được 47 tỷ đồng, hiện còn nợ 40 tỷ đồng. Các xã: Nga An (Nga Sơn), Hoằng Đồng (Hoằng Hóa), Thiệu Trung (Thiệu Hóa), Minh Dân (Triệu Sơn) đều là những xã nằm trong 11 xã điểm của tỉnh đã về đích NTM, nhưng cũng đều nợ đọng xây dựng NTM với số tiền không ít. Cuối năm 2016, khi đánh giá kết quả thẩm định công nhận cho 17 xã đạt chuẩn NTM thì xã nào cũng nợ đọng xây dựng cơ bản, trong đó có 9 xã nợ từ 4 - 7 tỷ đồng như: Đông Nam (Đông Sơn) 6,7 tỷ; huyện Thọ Xuân có các xã Xuân Châu nợ 6,7 tỷ, Xuân Bái 6,9 tỷ; Xuân Tín 6,7 tỷ; Hà Châu (Hà Trung) 5,9 tỷ, Hà Toại 6,7 tỷ...

Nguyên nhân nợ đọng trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó có cả bệnh thành tích trong xây dựng NTM. Chương trình MTQG xây dựng NTM đòi hỏi có nguồn vốn lớn nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước ít, dân đóng góp có mức độ, chủ yếu kinh phí lấy từ đấu giá cấp quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, khi xây dựng các công trình dự toán vượt quá khả năng chi trả, thậm chí có xã không có nguồn thu đảm bảo lộ trình xử lý nợ nhưng vẫn xây dựng những công trình lớn, lãng phí công năng...

Thực hiện xây dựng NTM, nhiều hộ dân đã áp dụng mô hình trồng bưởi Diễn cho giá trị kinh tế cao.

Trước tình hình trên, Chính phủ cũng như tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cương quyết không cho nợ đọng trong xây dựng NTM. Thực tế nhiều người cho rằng: Xây dựng NTM, đơn vị nào mà chẳng nợ đọng. Có điều nợ trong khả năng và có nguồn lực, lộ trình để trả nợ là rất cần thiết...

Đối với tiêu chí ANTT, có những đơn vị vừa được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng lại xuất hiện đối tượng nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, thậm chí xảy ra án mạng. Xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) mới được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2014 thì năm 2015 đã xảy ra vỡ Quỹ tín dụng nhân dân, nhiều người dân không rút được tiền tiết kiệm nên kéo về tụ tập, xô xát đánh nhau, gây mất ANTT... Không những thế, tiêu chí hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể phải vững mạnh, song không ít xã sau khi về đích NTM thì mất cả chức bí thư, chủ tịch do mâu thuẫn nội bộ, khiếu kiện lẫn nhau, hoặc người dân không tín nhiệm. Có trường hợp lãnh đạo xã quản lý yếu kém dẫn đến thất thoát ngân sách phải xử lý kỷ luật Đảng... Đây là những vấn đề cần phải khắc phục trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo.

Các giải pháp xây dựng NTM bền vững

Chương trình MTQG xây dựng NTM là chương trình lớn, mang tính chiến lược lâu dài và không ít thách thức. Một số tiêu chí giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước như: tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế phải đạt 85% (giai đoạn 2010 - 2015 là 75%), tỷ lệ giảm nghèo đa chiều cao hơn. Đối với huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 phải có 100% các xã về đích NTM (giai đoạn trước chỉ cần 75%), trong khi Thanh Hóa có 11 huyện miền núi còn nhiều khó khăn; thời tiết, thiên tai liên tục xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản...

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 phải có 60% số xã, 5 huyện và 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, Thanh Hóa cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Nhằm giúp các huyện, xã đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2288 ngày 29/6/2016 phê duyệt cho 5 huyện về đích NTM (Quảng Xương 2017, Đông Sơn 2018, Thọ Xuân 2019, Nga Sơn, Hoằng Hóa 2020) và 214 xã đạt chuẩn. Theo đó là việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh cho những đơn vị này trong việc thực hiện lộ trình phấn đấu về đích NTM.

Người dân thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến (Hà Trung) khảo sát tuyến đường để tiếp tục nâng cấp xây dựng thôn kiểu mẫu.

Đối với những xã đã về đích NTM đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xuất khẩu lao động, xây dựng làng nghề, chú trọng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Đồng thời và giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nhiều xã tiếp tục phát huy được thế mạnh của địa phương như: đổi điền, dồn thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng được khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất: Nga An, Hoằng Thắng, Hoằng Hợp, Phú Lộc, Xuân Thành, Tượng Văn, do đó thu nhập của người dân đạt từ 28 - 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 4%...

UBND tỉnh cũng tạo thêm cơ chế chính sách hỗ trợ cho các huyện đăng ký về đích NTM sớm đạt 9 tiêu chí. Các huyện đều ban hành các cơ chế cho các xã còn lại phấn đấu về đích NTM. Huyện Nga Sơn hỗ trợ cho các xã chưa được hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh để xây dựng công sở, trung tâm văn hóa, trạm y tế; hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất rau an toàn quy mô từ 3ha tập trung trở lên nằm trong quy hoạch sản xuất rau an toàn tập trung của huyện. Những chính sách này đã khuyến khích, động viên kịp thời các xã về đích NTM. Huyện Quảng Xương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ cho các xã còn lại và các tiêu chí của huyện, đồng thời giải quyết vấn đề phát sinh tại cơ sở, phấn đấu về đích NTM đúng lộ trình năm 2017. Riêng 3 thôn được chọn để xây dựng thôn NTM kiểu mẫu đang triển khai thực hiện các tiêu chí đề ra...

Để đạt mục tiêu, nhiều người cho rằng, Thanh Hóa cần tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở, phân công từng thành viên theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND trong xây dựng NTM. Rà soát, kiện toàn bộ máy giúp việc có năng lực chuyên môn cho ban chỉ đạo; ưu tiên nguồn lực dành kinh phí, giao kế hoạch vốn hằng năm để các địa phương triển khai thực hiện hoàn thành NTM theo tiến độ đề ra. Đồng thời tăng cường đổi mới, huy động nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, con em xa quê, các tổ chức xã hội cho xây dựng NTM. Quá trình xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn phải đúng theo quy định của pháp luật, không được đầu tư quá khả năng nguồn lực của địa phương, những đơn vị còn nợ đọng trong việc xây dựng NTM thì phải ưu tiên cho việc trả nợ. Tập trung hơn nữa cho công tác lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng; chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng NTM. Đối với huyện Mường Lát đang còn 4 xã đạt dưới 5 tiêu chí, cần phải dành sự quan tâm đúng mức cho lãnh đạo tổ chức thực hiện. Đến hết năm 2017 mà vẫn còn xã đạt 5 tiêu chí, theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ xây dựng NTM tỉnhthì Thường vụ Huyện ủy mà trực tiếp là các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo cho các Sở, ngành liên quan theo chức năng của mình, nhất là Văn phòng điều phối NTM tỉnh phải giành nhiều thời gian, bám sát cơ sở cùng đơn vị tháo gỡ khó khăn. Riêng việc thẩm định các tiêu chí NTM tại các xã theo hướng mỗi nhóm tiêu chí thành lập một đoàn kiểm tra, thẩm định, tránh gây phiền hà cho cơ sở. Thường vụ cấp ủy các cấp phải tập trung cao hơn nữa cho lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương mình, phải đưa nội dung về kết quả xây dựng NTM vào nội dung sinh hoạt định kỳ, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện xây dựng NTM ở các xã, thôn, bản...

Xây dựng NTM là cả quá trình phấn đấu lâu dài, nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Thực tiễn xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã minh chứng đây là chủ trương đúng và kịp thời của Đảng. Đảng đã giao trọng trách cho cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công NTM. Vì thế đòi hỏi mỗi đảng viên khi nhận nhiệm vụ cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mình. Đây cũng là “Ý Đảng - Lòng dân” trong xây dựng NTM.

Thúy Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]