(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm ấy, chú tôi bị một đám nhọt ở lưng, nhiều ngòi, nhìn vào như tầng ong. Máu mủ từ đám ngòi đó rỉ ra. Chú sốt cao, mê man. Thày tôi lên làng Vĩnh mời một ông thầy thuốc từng làm trong quân đội Pháp, người ta gọi là ông Đội Thụy. Ông Đội Thụy tiêm nhưng bệnh của chú vẫn không thuyên giảm, có phần nặng thêm. Suốt nửa tháng trời, anh em trong nhà cắt nhau ra túc trực bởi tình huynh đệ như thủ túc, hơn nữa thím tôi lại vừa sinh em bé thứ ba. Ông Đội Thụy thấy bệnh nặng lên, thở dài nói với chú Tân một tràng tiếng Tây: “Mon frère avait un hoobae, une infection grave, mais il m”a rappelé tard, donc c”était difficile de récupérer”. Cả nhà chỉ có chú Tân và chú Hợi được học tiếng Tây nhiều nên mới hiểu. Nghe ông nói, chú Hợi liền nháy mắt ra hiệu cho thày tôi và các chú ra ngoài hè, thì thào bảo là ông Đội Thụy nói chú bị hậu bối, bệnh nhiễm trùng nặng mà gọi ông ấy muộn nên khó qua khỏi! Nghe chú Hợi nói vậy, thày tôi vào nhà nói với ông Đội Thụy: “Thôi thì còn nước thì còn tát, mong thầy cố cho!”. Thím tôi thì ch

Thím tôi

Năm ấy, chú tôi bị một đám nhọt ở lưng, nhiều ngòi, nhìn vào như tầng ong. Máu mủ từ đám ngòi đó rỉ ra. Chú sốt cao, mê man. Thày tôi lên làng Vĩnh mời một ông thầy thuốc từng làm trong quân đội Pháp, người ta gọi là ông Đội Thụy. Ông Đội Thụy tiêm nhưng bệnh của chú vẫn không thuyên giảm, có phần nặng thêm. Suốt nửa tháng trời, anh em trong nhà cắt nhau ra túc trực bởi tình huynh đệ như thủ túc, hơn nữa thím tôi lại vừa sinh em bé thứ ba. Ông Đội Thụy thấy bệnh nặng lên, thở dài nói với chú Tân một tràng tiếng Tây: “Mon frère avait un hoobae, une infection grave, mais il m”a rappelé tard, donc c”était difficile de récupérer”. Cả nhà chỉ có chú Tân và chú Hợi được học tiếng Tây nhiều nên mới hiểu. Nghe ông nói, chú Hợi liền nháy mắt ra hiệu cho thày tôi và các chú ra ngoài hè, thì thào bảo là ông Đội Thụy nói chú bị hậu bối, bệnh nhiễm trùng nặng mà gọi ông ấy muộn nên khó qua khỏi! Nghe chú Hợi nói vậy, thày tôi vào nhà nói với ông Đội Thụy: “Thôi thì còn nước thì còn tát, mong thầy cố cho!”. Thím tôi thì chắp tay vái lạy ông Đội Thụy như mong ông mở lòng thương mà cứu lấy chú tôi.

Tôi theo thày tôi sang ngủ bên nhà chú từ ngày chú ốm nặng. Đêm đó, tôi nằm giữa, một bên là thày, một bên là chú Hợi và chú Liếu. Ngoài hè, ông chú Mởn, chú Xuyến, Quán cùng các ông chú bà thím ngồi nói đủ thứ chuyện. Hết chuyện đồng áng đến chuyện bán buôn, chủ yếu để giết thời gian...

Khi tôi tỉnh dậy không thấy thày và chú Hợi, chú Liếu nằm bên nữa. Nhà vắng, lạnh tanh, đèn dầu mờ ảo. Nhìn sang gian cuối nhà, chú tôi nằm đắp chiếu. Tôi la ầm lên, lồm cồm ngồi dậy và vùng căng chạy ra sân để về. Tôi chạy về đến cửa bếp nhà tôi thì gặp chú Hợi đang rót nước. Chú Hợi ôm lấy tôi và nói đừng sợ, đã có chú đây! Ông Cống đi rồi. Chú ấy đang nằm có đi được đâu mà đi? Đi là chết, cháu biết chưa! Tôi theo chú Hợi đưa nước lên nhà. Cả nhà đang bàn về chuyện đám tang cho chú. Lúc đó gà đã gáy dồn, ngoài sân trời đã tang tảng sáng.

Chú được cất ở cồn Me, bên kia cánh đồng trước nhà tôi. Chú đi để lại cho thím 3 con nhỏ: Đầu là thằng Xích, thứ hai là con Vện, thứ ba là con Mực mới đầy tháng. Nhà tôi hiếm người nên đặt tên cho bọn chúng tôi xấu xí như vậy để ma khỏi bắt! Tôi cũng thế, ông thầy cúng ở điện thày mợ (mẹ) tôi đến cầu tự dặn: “Ba đứa trước hữu sinh vô dưỡng, đứa thứ tư ni, trai hay gái cũng đặt tên là Súc nhá!”. Cái tên Súc có từ hồi tôi đang trong bụng mẹ. Với cái âm điệu đó, em trai được đặt tên là Cúc, tên một loài hoa đẹp hơn tên tôi. Ngày tôi học lớp 5, lớp 6 thầy Đãi, thầy Mưu đến tận nhà nói với thày mợ đặt lại tên cho tôi nhưng mợ tôi không đồng ý. Ba em nhà thím tôi nhờ cậu Dưỡng, em ruột thím, là người có chữ, vận động mãi nên ngày đi học mới được đặt tên lại. Xích đổi thành Linh, Vện đổi thành Xuyên và Mực đổi thành Minh.

Sau khi chú tôi mất, thím tôi bỏ chợ một thời gian rồi lập lại gánh buôn hàng tấm và khung dệt cửi. Thím thuê người dệt ban ngày còn thím hôm thì ngồi chợ Quăng, hôm thì đi chợ Thẩy. Ban đêm người dệt thuê về, thím dệt vải đến tận khuya. Có đêm để kịp phiên chợ thím dệt đến gần sáng mới đủ vuông đổ tấm(1). Tiếng chày nện vải(2) của thím lẫn vào tiếng gà gáy rộ lên báo trời sáng. Thím lại tất tả khuya sớm sống với nghề dệt vải và buôn hàng tấm, vừa là chủ vừa là thợ nên kinh tế cũng đủ nuôi các con. Nhưng sự đời lắm nỗi truân chuyên, không hiểu sao từ khi chú tôi mất có con gì gặm vào cái kẻ sau, ở hồi nhà phía Nam. Mặc dù là có bà thím Cơng sang ngủ nhưng con mọt gỗ vẫn cạo từng hồi trong đêm làm cả nhà sợ không tài nào nhắm mắt được. Nhất là các em tôi sợ ma. Thấy thế, thầy tôi nói với các chú gọi là cứng bóng vía sang ngủ để trấn an. Nhưng tình trạng mọt cạo trong đêm vẫn diễn ra. Các chú cầm gậy đập vào cái kẻ phát ra tiếng kêu rùng rợn ấy cũng chỉ im được một lúc rồi nó lại cạo sột soạt. Thày mợ tôi buôn bông nên trong nhà sắm cái máy cung bông, thường mượn bốn quay chạy máy và một người vừa bỏ bông xơ vào vừa đỡ những cuộn bông ra. Thường quả lu hay trục trặc do các hàng răng nhỏ bằng các răng cưa bong ra, thỉnh thoảng phải thay cái mới vào tựa như ta vá áo, nhổ cái sứt ra đóng cái mới vào. Những mảnh răng quả lu thải ra thày tôi đóng vào cái kẻ bên nhà thím tôi hay bị con gì khoét cạo nhưng vẫn không được. Đặc biệt là chỉ ban đêm, càng về khuya tiếng cạo càng vang to. Thím và mợ tôi đi xem bói nhiều nơi. Chỗ thì nói làm nhà phải cây gỗ có người con gái ăn lá ngón rồi ôm lấy cây mà chết. Cây thành nhà của cô ta khi xuống âm. Giờ thì cô ấy về ở. Chỗ lại nói có người đàn ông trèo lên cây lấy mật ong, bị ong đốt, ngã xuống chết ngay dưới gốc cây và cây thành nhà của ông ta, giờ nhà không có đàn ông làm chủ nên vong hồn ông ta vượng lên về quấy rối!. Tựu chung lại là cây gỗ làm kẻ sau nhà đó có ma. Thế là cậu Dưỡng nói ông bà ngoại đến nói chuyện với bên nội đón thím và các em về ở bên ngoại một thời gian. Thím tôi và ba em về ngoại vào mùa tháng bảy tháng tám, mùa mưa lụt bão bùng. Không có người ở, căn nhà của chú thím tôi mốc meo như nhà hoang, đành phải lên tiếng bán. Bán nhà cũng khó vì mang tiếng đồn là nhà có ma. May sao có gia đình cụ Ca, cùng xóm, cho con san bọng (ra ở riêng) đang bấn nhà ở nên cụ Ca mua. Từ khi đặt tiền để lấy sào mực(3) phải đến một tháng sau cụ mới dỡ nhà. Nhà về tay cụ Ca, cụ vất cái kẻ có mọt gặm đi. Quả nhiên là căn nhà dựng lên ở khu vườn của cụ ở ngay đầu xóm mất hẳn tiếng cót két và con cháu vẫn mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Hai cụ đều đại thọ, đặc biệt là cụ bà, sau anh con trai cả đón cụ ra Hà Nội, cụ sống 103 tuổi. Có những điều thật khó giải thích, dù tâm linh hay không tâm linh! Những người già trong xóm dựa vào số, vào tuổi để cắt nghĩa cho những người ở được và người không ở được!.

Ông chú Cơng, em ông nội tôi mất khi còn rất trẻ, khi bà thím mới hai mươi tuổi. Ông bà sinh được một người con gái. Bà ở vậy nuôi con. Khi con gái đi lấy chồng, bà sống một mình đã nhiều năm. Thấy hoàn cảnh thím và ba em như vậy, bà xin với nội tộc đến nói chuyện với hai cụ thân sinh của thím tôi xin được đón thím và ba em về ở cho có người có tiếng. Mẹ con, bà cháu có nhau khi đêm hôm tắt lửa tối đèn.

Thế là thím tôi và ba em về ở với bà thím Cơng.

Thím vẫn chạy chợ, tần tảo nuôi ba người con học hành và thành đạt: Em Nguyễn Huy Linh, cùng tuổi tôi, học hết lớp 7 thi vào học trung cấp thủy lợi. Ra trường, có chú Tân khi đó là cán bộ tổ chức của Ty Thủy lợi nhận Linh về làm ở Trạm Thủy văn Giàng. Rồi cuộc chiến tranh chống Mỹ vào thời điểm cao trào, em tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Và đã hy sinh ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Em Xuyên đi thanh niên xung phong, sau được tuyển sang học cơ khí ở Trung Quốc, về nước làm việc ở xí nghiệp B240. Em Minh học ngành công nghệ dệt, ra trường về làm việc ở Nhà máy Dệt 8 tháng 3.

Sau ngày em Linh hy sinh, thím tôi chao đảo. Đêm nào thím cũng khóc. Về sau con cái, anh em, bạn hàng động viên nên thím nguôi ngoai. Các bạn hàng khuyên thím trở lại chạy chợ. Gánh hàng buôn của thím giờ là trái trăng hoa quả. Các em tôi có gia đình, có con nên thím lại bỏ gánh hàng mua đầu chợ bán cuối chợ để đi chăm các cháu. Cứ lần lượt hết cháu lớn đến cháu nhỏ. Đi chăm cháu nhưng ở gần thì chủ nhật thím về thăm nhà; ở xa thì một hai tháng thím cũng về thắp hương gia tiên, cho nhà đỡ lạnh.

Phải đến mươi mười lăm năm, khi các cháu đi học, thím lại về quê, trở lại với gánh hàng nào chuối, nào hồng, nào lạc, nào đậu xanh, trứng gà... mùa gì thức nấy thím đi chợ cho vui và kiếm đồng ra đồng vào. Chúng tôi thương thím nhiều, mỗi lần có người cùng trang lứa với em Linh về phép đến thăm hay hàng tháng có cô làm chính sách trên xã đến phát trợ cấp tiền tuất là coi như đêm ấy thím khóc. Tết đến, những người xa quê về nhà ăn tết là thím cứ đờ đẩn ra vào khóc thầm, đi chợ mà cứ quên tả quên hữu. Nhất là từ đêm 23, Chạp ông bếp là thím cứ ri rỉ khóc. Đặc biệt là sáng 27 tết, con cháu các nhà đòi bố mẹ cho “đi chợ hàng lợn” là thím bỏ phiên...

Những năm về già, mọi người gọi thím là Bà Cò. Như mọi người, tôi cũng theo họ gọi thím là Bà Cò. Tôi đi bộ đội, đi học và đi làm việc xa nhà nên không giúp cho thím được mấy. Sáu năm tôi học ở Hà Nội, về nghỉ chủ nhật hay nghỉ lễ, khi đi thím còn dúi vào tay tôi vài chục, thím bảo: “Có lương thì có lương nhưng mà đang đi học, cầm lấy ra thêm vô mua sách bút, mà ăn sáng, đừng kiết quá ốm lăn ra thì vứt!”. Thím thương tôi như mợ tôi. Tôi cũng thương thím, quý thím như thương, như quý mợ tôi.

Năm thím trên 75 tuổi, bệnh sỏi mật của thím bùng phát. Tôi đón thím lên nằm viện. Vợ chồng các em Thao Xuyên và Hóa Minh thay nhau lên chăm. Thím đau và sốt cao. Hết sốt. Bệnh viện hội chẩn kết luận bệnh của thím phải mổ nhưng còn e thím tuổi đã cao khó lường những tai biến. Tôi nói lại để các em biết mà còn tính. Rồi các em nói thật với thím. Lúc tôi xuống khoa thăm thím, thím hỏi và bảo tôi nói hết sự tình cho thím nghe. Tôi đang đắn đo thì em Xuyên vừa khóc vừa nói: “Không mổ thì mười phần chết cả mười. Mổ thì có thể chết chín phần, chỉ một phần sống!...”. Thím nhìn tôi, nước mắt ứa ra và nghẹn ngào hỏi lại: Có đúng không? Tôi khẽ gật đầu và nhìn đi chỗ khác, giấu những giọt nước mắt đang chực rơi. Thím nắm lấy tay tôi và nói: “Có phải rứa thì tao mổ. Một phần mà còn được sống để thấy con, thấy cháu là quý rồi!”. Thế là ngày hôm sau các em Thao Xuyên và Hóa Minh bảo tôi thay mặt các em ký giấy xin mổ cho thím. Đận ấy thím qua khỏi. Gia đình và các thầy thuốc mừng lắm. Xuất viện về được một tháng thím lại tiếp tục đi chợ mua bán hoa quả.

Và hơn 10 năm sau, bệnh của thím lại tái phát. Thím kêu đau ở mạn sườn phải, gan thím to ra do tắc mật. Da vàng hơn lên mỗi ngày. Khi thì thím sốt cao, khi thì rét run. Tôi xin xe cấp cứu về đón thím lên khoa điều trị tích cực của bệnh viện. Ở bệnh viện, thuốc men, phương tiện đầy đủ, thầy thuốc giỏi và tận tình. Nhưng gần nửa tháng điều trị, bệnh tình của thím không thuyên giảm. Nguyện vọng của thím muốn về nhà. Các em bàn với tôi xin cho thím về vì mấy ngày qua thím đã có lúc ngừng thở do sốc nhiễm khuẩn đường mật. Tôi xin với bác sĩ Lê Xứng, trưởng khoa rồi lên báo cáo với bác sĩ giám đốc bệnh viện. Chúng tôi đã sống và làm việc với nhau mấy chục năm nên hiểu hoàn cảnh của nhau, bác sĩ giám đốc xem thím như mợ của tôi, hơn nữa thím cũng là mẹ liệt sĩ như mợ tôi nên ông nói trưởng phòng kế hoạch bệnh viện điều xe và cử một kíp cấp cứu đưa thím về. Khi xe cấp cứu vào đến khoa thì thím đã trút hơi thở cuối cùng. Tình huống phải thay đổi, tôi là thầy thuốc tôi biết quy định xe cấp cứu không được chở tử thi nên tôi ra cổng bệnh viện thuê xe khác đưa thi hài thím về.

Đám tang thím được cử hành vào ngày hôm sau. Anh em nội tộc, ngoại tộc, bà con lối xóm bạn bè thân quen với thím, bạn bè các con, các cháu của thím, chính quyền địa phương, công đoàn bệnh viện, anh chị em nhân viên khoa tôi có mặt đông đủ để tiễn đưa thím về nơi an nghỉ cuối cùng.

Không phải “mẹ hát con khen hay”, nhưng công bằng mà nói quả thím tôi là một người anh hùng. Thím đã vượt lên số phận để nuôi dạy các con nên NGƯỜI. Các con của thím đã hiến dâng cả máu xương và công sức cho chiến tranh vệ quốc và công cuộc xây dựng hòa bình.

Những trang viết này như là một nén tâm nhang gửi đến thím ở miền cực lạc. Cầu mong cho hương hồn thím được mát mẻ!

1.Ngày xưa có khung cửi thủ công, khổ hẹp rộng 40cm (hai gang tay). Khi dệt 20 vuông hoặc 30 vuông (1 vuông = chiều rộng bằng chiều dài: 40cm) là đủ 1 tấm. Người thợ dệt tháo ra gọi là đổ tấm.

2.Khi dệt được một tấm vải, trước khi mang ra chợ bán người ta cho tấm vải lên hòn đá một chiều khoảng 70x50cm, mặt phẳng và dùng một cái chày bằng gố đẽo nhẵn hai tay vươn lên đập xuống cho tấm vải phẳng phiu rồi mới đưa ra chợ bán. Người ta thường gọi là nện vải.

3.Ở mỗi cái nhà cấp 4 khi xây dựng các ông thợ thường đo cột, kèo, khoái giang, khâu đầu... nói chung là tất cả các số đo các bộ phận trong nhà đều được đánh dấu vào một thanh luồng giống như một cái rui (gọi là sào mực). Khi mua bán nhà, người bán đồng ý, người mua giao tiền đặt cọc và lấy cây sào đo mực về coi như xong.

Truyện ký của NGUYỄN HUY SÚC



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]