(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ những khúc đồng dao, những truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại trong dân gian đến những bài thơ, truyện ngắn, truyện dài kỳ thậm chí với cả tiểu thuyết hiện đại, văn học thiếu nhi luôn là món ăn tinh thần bồi đắp tâm hồn cho trẻ nhỏ. Đến nay, trong bức tranh đời sống văn học chung, có lẽ, “diện tích” của văn học thiếu nhi ngày càng nhỏ dần.

Văn học thiếu nhi - Nhiều chỗ trống, ít người khai thác

Từ những khúc đồng dao, những truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại trong dân gian đến những bài thơ, truyện ngắn, truyện dài kỳ thậm chí với cả tiểu thuyết hiện đại, văn học thiếu nhi luôn là món ăn tinh thần bồi đắp tâm hồn cho trẻ nhỏ. Đến nay, trong bức tranh đời sống văn học chung, có lẽ, “diện tích” của văn học thiếu nhi ngày càng nhỏ dần.

Văn học thiếu nhi - Nhiều chỗ trống, ít người khai thác

Người lớn viết cho thiếu nhi: Khó chồng khó

Thế hệ chúng tôi lần đầu tiên đọc thơ Định Hải: Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh/ Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến/ Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển/ Cùng bay nào, cho trái đất quay!/ Cùng bay nào, cho trái đất quay!... cứ ngân nga mãi. Bài thơ ra đời cách đây gần 45 năm, không lâu sau đó được nhạc sĩ Trương Quang Lục chắp cánh thành bài hát tươi vui, hồn nhiên để đến nay giai điệu ấy vẫn được trẻ em trình diễn trong nhiều chương trình ca múa nhạc. Đi trong hành trang của chúng tôi còn có những câu chuyện xoay quanh Dế Mèn, Dế Choắt, chị Cốc trong “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, được ngao du về “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, được hiểu thêm cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những đứa trẻ 13, 14 tuổi thuộc hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân trong tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán…

Những tác phẩm ấy sống được theo thời gian, các tác giả được tiếp thêm năng lượng sáng tạo nhờ sự yêu mến của bạn đọc. Trong bức tranh chung của văn học thiếu nhi cả nước, các nhà thơ Thanh Hóa đã góp những giọng điệu cũng như bút pháp thể hiện riêng. Ở mảng thơ thiếu nhi có những cái tên nổi tiếng như Định Hải, Mai Ngọc Uyển, Nguyễn Ngọc Quế, Phạm Đình Ân, Vũ Thị Khương; văn xuôi có Đào Hữu Phương, Hà Thị Cẩm Anh… Hầu hết các tác phẩm viết cho thiếu nhi không chỉ giúp trẻ nhỏ phát hiện được sự tồn tại đầy lý thú của những sự vật xung quanh mình mà còn góp phần giáo dục thẩm mỹ, hướng các em đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống… Có lẽ vì thế mà những bài thơ, trang văn có sức lay động tâm hồn tuổi thơ, vượt thời gian.

Nhà văn Đào Hữu Phương có lần chia sẻ với tôi rằng, do hoàn cảnh gia đình và cuộc sống, ông ít được giao lưu, được đi đó đi đây, những sáng tác ông viết ra có một phần do trí tưởng tượng, nhưng hơn hết là những câu chuyện cuộc sống hằng ngày bên cạnh ông. Quả thật, viết truyện thiếu nhi không hề dễ dàng. Nếu đơn thuần chỉ mang ý nghĩa giáo dục, với sự dạy dỗ phải thế nọ, thế kia, trẻ chỉ đọc vài trang là đã chán. Đứng giữa ranh giới đòi hỏi ngoài tâm hồn “trẻ thơ” còn là sự thấu hiểu với trẻ nhỏ, phức tạp quá thì giáo điều, nhưng thơ ngây quá thì lại được coi là làm lố. Đó chính là cái “khó”, là rào cản các tác giả mạo hiểm bắt tay vào “chinh phục” thiếu nhi. Đi được đường dài với khu vườn ấy, chắc chắn ngoài sự yêu thương còn phải bắt kịp xu hướng, nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi.

Chỉ mới xuất hiện 3 năm nay, trong số 5 tập thơ của mình, Phạm Thanh Phương có 3 tập viết về thiếu nhi: “Chuyện của con”, “Giòn tan mùa hè” và “Nũng mẹ”. Dù ra 3 đầu sách thiếu nhi, nhưng Phạm Thanh Phương cho rằng anh mới chỉ chạm nhẹ vào thế giới trẻ em: Thơ vừa gần gũi, vừa xa xỉ với tôi. Là những buồn vui tôi thả vào câu chữ, là ký ức của riêng mình và thực tại của những đứa con”. Anh cho biết: “Nếu còn khao khát với thơ, thì viết thơ cho thiếu nhi là điều tôi thấy vui vẻ và trong trẻo nhất”.

Mỗi nhà văn có “tạng” riêng, có cách quan tâm khác nhau tới thế hệ mầm non tương lai. Trong khi sách văn học thiếu nhi hiện nay đếm trên đầu ngón tay thì sách thiếu nhi của nước ngoài lại tràn ngập. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói: “Để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ khác của người Việt…”.

Xuất hiện những cây bút nhí

Nếu các nhà văn của thế hệ trước chủ yếu viết bằng “kinh nghiệm tâm hồn” với kho ký ức đầy ắp về đồng quê, với những biểu trưng quen thuộc như cánh diều, dòng sông tuổi thơ, hạt thóc vàng… thì những nhà văn nhí hiện nay lại thích khám phá những mảng đề tài khoa học, những cuộc phiêu lưu, thế giới kỳ ảo, viễn tưởng… Chính sự xuất hiện của các cây bút nhí đã ít nhiều nhen nhóm niềm tin về sự trở lại của dòng văn học thiếu nhi. Trong đó không thể không nhắc tới tác giả nhí Nguyễn Hạnh Phương (sinh năm 2009) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục “Người viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh và xuất bản thành sách song ngữ Anh - Việt nhỏ tuổi nhất Việt Nam” với tác phẩm “Biệt đội ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại” do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2022. Ngoài ra, các tác giả nhí như Cao Việt Quỳnh, từ khi 9 tuổi, đã khởi viết tập 1 và ở tuổi 13 em đã hoàn thành 3 tập của bộ tiểu thuyết “Người Sao Chổi”; Quỳnh Trần ra mắt tiểu thuyết “Ngài Kẹo” năm 14 tuổi; Trần Phú Minh Anh, xuất bản tập truyện “Bức tranh huyền bí” sáng tác bằng tiếng Anh cũng vào năm 14 tuổi.

Rõ ràng, đề tài cho văn học thiếu nhi là vô tận và chưa bao giờ có dấu hiệu cạn kiệt. Việc ngày càng nhiều các tác giả nhí tham gia viết sách đã cho thấy mảng văn học thiếu nhi đang có những bước chuyển động. Nhanh nhạy nắm bắt được sở thích, thị hiếu lứa tuổi của chính mình (hằng ngày tiếp xúc với thế giới ảo qua mạng internet), các tác giả nhí đã đưa cái kỳ ảo, chất phiêu lưu vào tác phẩm như một “lực hút” độc giả.

Để “bổ khuyết” cho hiện trạng này, Hội Nhà văn Việt Nam đã và đang mở cuộc thi văn học viết cho thiếu nhi, thu hút đông đảo văn giới chuyên và không chuyên cùng sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, kết quả cuộc thi ra sao; liệu có sự thay đổi, phát triển nào của dòng văn học thiếu nhi Việt, thì còn phải chờ thời gian trả lời.

Lý giải câu chuyện tại sao văn học thiếu nhi ngày càng co hẹp, dễ chết yểu, nhiều người cho rằng: yếu tố thời đại. Thời đại này, trẻ nhỏ chỉ biết đến game, internet, TikTok; may chăng nếu có đọc thì chỉ là truyện tranh. Mọi lý giải đều đứng ở một góc nhìn nhỏ. Chúng ta đã có nhiều nhà văn dành trọn tâm huyết cho những sáng tác thiếu nhi, như: Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Phùng Quán, Huy Cận, Nguyễn Nhật Ánh… Và nhiều tác phẩm đã sống mãi với tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ trẻ em Việt Nam như Dế mèn phiêu lưu ký, Quê nội, Đất rừng phương Nam, Tuổi thơ dữ dội…

Không ngẫu nhiên mà những tập truyện “Harry Poster” của nữ nhà văn J.K. Rowlling kể về cuộc phiêu lưu của chú bé Harry Poster trong thế giới phù thủy lại tạo nên cơn sốt đối với tất cả thiếu nhi thế giới. Căn cơ nhất để trả lời là chúng ta chưa có những nhà văn tâm huyết, dài hơi, tác phẩm chưa đủ sức hấp dẫn.

Khoảng trống còn nhiều và chúng ta vẫn đang chờ những tác giả “dám” đến và khai thác.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]