(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày bé, có hai con người đã trở thành mục tiêu tôi học tập và noi theo: Bác Hồ và Tố Hữu. Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa của nhân loại, đã được UNESCO vinh danh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ảnh hưởng thơ Tố Hữu đến đời thơ của tôi

Ngày bé, có hai con người đã trở thành mục tiêu tôi học tập và noi theo: Bác Hồ và Tố Hữu. Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa của nhân loại, đã được UNESCO vinh danh.

Nhà thơ Tố Hữu (1920 - 2002).

Tuổi thơ tôi và tập Từ ấy của Tố Hữu

Tố Hữu, người đầu tiên đã ảnh hưởng cụ thể đến sự nghiệp thơ ca của tôi. Ngày ấy, tôi mới bảy tám tuổi, rất yêu thơ nhưng làng tôi ở Nông Cống, xa thành phố, làm gì có sách mà đọc, thơ như là của hiếm. May sao, bố tôi về phép mang tặng tôi tập thơ Từ ấy. Tôi đọc thuộc rất nhiều bài nhưng thích nhất vẫn là bài thơ Từ ấy. Bài thơ Từ ấy ngắn như là một tuyên ngôn thơ, một tuyên ngôn sống có lý tưởng mà bố tôi đã giảng cho tôi nghe cho dù lúc đó tôi hiểu rất lờ mờ về lý tưởng, về cái Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Nhưng lý tưởng của Tố Hữu về cách mạng, về con đường đi tới tương lai và cách sống là ảnh hưởng sâu sắc nhất thời ấu thơ, lý tưởng của Tố Hữu và Từ ấy đã ám ảnh tôi suốt đời:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề tận cổ, súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa

Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa

Bạn đời ơi, ta đã hiểu nhau rồi

(Trăng trối - tập thơ Từ ấy)

Những câu thơ hừng hực tuổi hai mươi, sáng như chân lý, lý tưởng cách mạng đã ngấm vào hồn tôi từ ấy.

Những ngày thơ chăn trâu cắt cỏ ở quê nhà Nông Cống, chiều chiều đi đón trâu về, tôi mang theo tập thơ Từ ấy để đọc và tôi đã thuộc lòng nhiều bài thơ trong tập. Tôi còn nhớ, lời giới thiệu tập thơ Từ ấy do nhà thơ Xuân Diệu viết dài đến 30 trang và chữ rất nhỏ.

Sau này, tôi yêu Huế vì đã đọc thuộc lòng bài Quê mẹ với những câu nhớ nhung da diết quê nhà:

Huế ơi, quê mẹ của ta ơi

Nhớ tự thuở xưa tuổi chín mười.

Những câu thơ chứa đầy giai điệu nhạc Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng/ Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi... ámảnh một đời thơ tôi.

Bài thơ Mẹ Tơm, tôi đọc những năm học cấp 3 cho tôi yêu một quê nhà xứ Thanh của tôi. Phân tích bài thơ Mẹ Tơm, tôi đã được điểm cao nhất khi đi thi học sinh giỏi những năm 60 của thế kỷ XX. Vẫn là những câu thơ ám ảnh, da diết kéo dài giai điệu nhạc: Hòn Nẹ ta ơi, mảng về chưa đó/ Có nhiều không con Nục con Thu/ Chào những buồm nâu, thuyền câu diêm Phố/ Nhớ nhau chăng hỡi Hanh Cát, Hanh Cù. Đến nỗi, khi mẹ tôi sinh em út Lê Thị Hương Thơm. Ru em Thơm, tôi đã ru thơ Tố Hữu: Ai về thăm mẹ quê ta/ Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm/ Bầm ơi có rét không bầm/ hiu hiu gió núi, lâm thâm mưa phùn... (Bầm ơi). Rồi các con tôi ra đời, Lê Thanh Phúc, Lê Thị Mỹ Hạnh, tôi đều ru các cháu bằng thơ Tố Hữu.

Tôi cảm ơn bố tôi, cảm ơn tập thơ Từ ấy của Tố Hữu đã hướng tôi vào đời để những năm tuổi thơ tôi đẹp như một bông hồng tươi. Tôi không quên được những năm dạy bổ túc văn hóa cho công nhân mỏ Chromite Thanh Hóa. Tôi được phân công dạy văn. Một lần các trường thi bình giảng văn. Tôi đã chọn bài Cô gái Sông Hương của Tố Hữu để giảng mẫu và thật bất ngờ, bài giảng mẫu ấy được giải thưởng. Cái giải thưởng nhỏ nhoi thôi, lúc ấy tôi coi là đã to và tôi vẫn nhớ mãi cho đến tận bây giờ. Những câu thơ ám ảnh và ấn tượng thơ có giai điệu như nhạc: Trên dòng Hương Giang/ Em buông mái chèo/ Trời trong veo,/Nước trong veo/ Em buông mái chèo/ Trên dòng Hương Giang/ Trăng lên/ Trăng đứng/ Trăng tàn/ Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng.

Ngày Tố Hữu mất, 9/12/2002, tôi đã vào Hội Nhà văn Việt Nam. Mình chỉ là học trò của những học trò Tố Hữu. Nhưng ngưỡng mộ ông mà tôi đi viếng. Tôi lọt thỏm như muối bỏ biển giữa những biểu tượng lồng lộng trên bầu trời Việt Nam có mặt trong ngày tang lễ Tố Hữu: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Lê Đình Cánh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt... Sân nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông rộng mênh mông nhưng chật ních người đưa tang. Ở Thanh Hóa, ngoài lãnh đạo tỉnh ra dự (Tố Hữu có thời gian 1946 là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) còn có một đoàn bà con huyện Hậu Lộc, quê mẹ Tơm ra dự đám tang nhà thơ.

Tôi yêu thơ Tố Hữu với những bài thơ phơi phới một niềm tin cho lý tưởng ngày mai. Vì yêu thơ Tố Hữu nên tôi yêu Huế. Và sau giải phóng, tôi đã đến Huế, quê hương của ông. Tôi đã đi cùng dân vạn chài trên phá Tam Giang một trưa mùa Thu và đọc thơ Tố Hữu giữa bao la trời đất. Những người dân vạn chài chưa bao giờ nghe thơ Tố Hữu, tôi đã đọc lại lần hai cho họ nghe. Hôm ấy tôi không mất tiền đò.

Huế chuẩn bị cho 100 năm Tố Hữu từ năm 2017

Yêu thơ và lý tưởng cách mạng của Tố Hữu, tôi yêu cả quê hương Quảng Điền và mơ ước cuối đời tôi thật đơn giản là được một lần đến thăm đất Phù Lai vẫn tốt cà. Và rồi tôi đã đến Quảng Điền. Tháng 9/2019, tôi về Huế mới biết, ngay từ năm 2017, ở Huế đã chuẩn bị cho 100 năm ngày sinh Tố Hữu rất trang trọng (4/10/1920 - 4/10/2020) qui mô lớn, gồm: Liên hoan nghệ thuật quần chúng chủ đề “Đất nước anh hùng ca”; Phát hành tập thơ gồm các tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu viết về quê hương Thừa Thiên - Huế; khánh thành công trình Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu... Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Tố Hữu, Đêm thơ Tố Hữu và chương trình nghệ thuật sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tôi đã đến thăm làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, quê Tố Hữu. Mảnh vườn xưa đã xơ xác. Nhà xưa đã dỡ đi, nhà mới trong khu tưởng niệm còn chưa dựng. Tôi chú ý ngoài vườn xưa, giữa hai cây khế, người mẹ trẻ đang nằm ru con trên võng bằng cói. Đứa bé chắc là chưa đầy 3 tháng tuổi. Giọng ru ngái ngủ, lặng dần trong chiều đất Phù Lai:

À ơi... Ru con con ngủ cho muồi

Nước non chưa gánh, mẹ ngồi mẹ ru

Cô gái là cháu hay chắt Tố Hữu? giọng ru Huế xa dần, nhỏ dần làm tôi nhớ người xưa, một nhà thơ tài hoa và trong sáng trọn đời.

Cảm ơn nhà thơ Tố Hữu. Thơ ông đã dẫn dắt tôi, cái thuở ban đầu để thành một nhà thơ. Cho dù với tôi, ông là thế hệ của bố tôi, mà mãi đến khi chết tôi mới nhìn thấy ông qua kính của nắp quan tài.

Tố Hữu đã thành dân gian

Những năm tuổi thơ, tôi vẫn nhớ tiếng ru con trưa hè của bà Đăng ở xóm Trại nhà tôi, xã Tân Khang, Nông Cống:

Bầm ơi có rét không bầm

Hiu hiu gió núi lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội xuống bùn, tay cấy mạ non.

Tôi lại nhớ tiếng ru của chú họ tôi, ông Lê Thanh Điệc, ru con vào một đêm Đông. Tôi đến sân nhà chú. Tiếng ru văng vẳng trong nhà, nghe một lần mà tôi nhớ đến trọn đời:

Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai

Mình về rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Mãi sau này, lớn lên, đi học cấp ba tôi mới biết những câu thơ ấy là trong bài Việt Bắc của Tố Hữu.

Một lần, nói chuyện qua điện thoại với tôi, ông Nguyễn Công Mịch, Nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Dương (Tuyên Quang), nói: Trong các nhà thơ thế hệ trước, tôi yêu quý nhất Tố Hữu. Khi sắp mất, ông đã tặng bạn bè bài thơ ngắn, sâu sắc như một quan niệm sống ở đời. Rồi ông đọc qua điện thoại: Sống là cho và chết cũng là tro.

Thế là Tố Hữu đã để lại cho người đời tất cả triết lý sống trong sáng của mình để rồi thanh thản ra đi. Nghe thế đủ biết, thơ Tố Hữu đã thành dân gian.

Người đời vẫn nhớ thơ Tố Hữu

Những người đã nghiên cứu về thơ Tố Hữu, đã sống với Tố Hữu, nói về thơ ông những lời sâu sắc. Đọc bài Ánh sáng của chân lý và hương hoa trên đường thơ Tố Hữu, GS Hà Minh Đức viết: ..."Người đã đi xa nhưng còn để lại cho đời một di sản văn hóa đặc biệt là thi ca, những bài thơ là chấm son điểm tô cho từng giai đoạn của cách mạng, những đài thơ kỷ niệm cho những sự kiện vinh quang của đất nước". (Tạp chí Hồn Việt, số 146, tháng 4/2020).

Ông Nguyễn Đình Hương - Nguyên Phó ban Thường trực, ban Tổ chức Trung ương, Nguyên Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ, người bạn làm việc 40 năm với Tố Hữu đã viết: "Thơ Tố Hữu quyến rũ tôi một phần thì phong cách sống của ông làm tôi say mê gấp mười lần. Một con người sống giản dị, hòa mình, không phân biệt đối xử"... (Tạp chí Hồn Việt, số 148, tháng 6 năm 2020, trang 74).

Ông Đoàn Duy Thành - Nguyên Phó Thủ tướng, đã nói về thơ Tố Hữu: "Nói đến văn thơ là phải nói đến anh Tố Hữu, những câu thơ chúng tôi thích nhất và cho là tuyệt tác, trước đây có thể gọi là thần cú. Đấy là những câu thơ đến bây giờ chúng tôi vẫn nhớ:

Dậy mà đi

Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần".

(Dậy mà đi, trong tập thơ Từ ấy. Tạp chí Hồn Việt, trang 20, số 150, tháng 8 năm 2020).

Ngày 27/7/2020, trong lễ tri ân mẹ Việt Nam anh hùng, khi nói về công lao của những người mẹ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc hai câu thơ Tố Hữu, trong bài thơ Bầm ơi:

Con đi đánh giặc 10 năm,

không bằng khó nhọc đời bầm 60.

Tôi mãi mãi ngưỡng mộ một con người, sống trong sáng và thơ cũng mãi trong sáng như lý tưởng của ông. Từ ấy, trong tôi bừng nắng hạ. Câu thơ đã gần một thế kỷ và tác giả cũng đã về thiên cổ gần 20 năm những âm hưởng vẫn còn lay động, vang xa. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, người mới thốt lên:

Tạm biệt đời ta yêu quí nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ tặng bạn đường, tro bón đất

Sống là cho và chết cũng là tro.

(Tạm biệt, năm 2002).

Và tôi nghĩ, tư tưởng lớn đã làm ông nhẹ lòng mà thanh thản ra đi.

Nhà thơ Tố Hữu, thế mà đã trăm năm!

Lê Tuấn Lộc


Lê Tuấn Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]