(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi trao đổi về sự nghiệp nhiếp ảnh ở Thanh Hóa, người ta không thể không nói đến nghệ sĩ Trần Đàm, không phải vì ông là nhà báo mà từ những bức ảnh nghệ thuật phản ảnh đa sắc mầu về thiên nhiên và con người xứ Thanh được ông sáng tạo trong nhiều thập kỷ qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chất thơ và đời trong ảnh của Trần Đàm

Khi trao đổi về sự nghiệp nhiếp ảnh ở Thanh Hóa, người ta không thể không nói đến nghệ sĩ Trần Đàm, không phải vì ông là nhà báo mà từ những bức ảnh nghệ thuật phản ảnh đa sắc mầu về thiên nhiên và con người xứ Thanh được ông sáng tạo trong nhiều thập kỷ qua.

Xuất thân từ một phóng viên và tiếp đó là thư ký tòa soạn báo Thanh Hóa rồi Giám đốc Nhà in báo, Trần Đàm đã quen với nghề chọn ảnh của phóng viên, cộng tác viên để xuất bản. Với lòng đam mê, yêu nghề nhiếp ảnh, ông đã dành nhiều thời gian nghiêm túc tìm hiểu, khám phá kỹ thuật chụp và nghệ thuật tạo hình của nhiều tác giả, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh trong nước và thế giới.

Được tiếp cận với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng qua lăng kính ở trung ương, tỉnh bạn, vì thế, ông đã có nhiều tác phẩm đẹp cả về nội dung và hình thức biểu hiện. Tâm sự với đồng nghiệp, nghệ sĩ Trần Đàm cho rằng đã là nghệ thuật thì phải sáng tạo, tìm tòi cái mới, tránh dập khuôn theo đường mòn sao chép theo cách thức minh họa để tạo cho mình một phong cách riêng.

Từ những quan niệm ấy của ông mà người xem ảnh Trần Đàm, cảm thụ rất lâu mới thấy sự ẩn ý của tác giả hòa quyện trong tác phẩm. Có những bức ảnh nhìn qua người xem cảm thấy như tự nhiên chủ nghĩa song qua cấu trúc, bố cục, mảng khối ánh sáng thì mới biết tác giả nói cái gì thông qua nghệ thuật tạo hình. Bức ảnh “Sức vươn” là tác phẩm như thế, đẹp cả về nội dung lẫn hình thức miêu tả. Tác giả khôn khéo lấy ánh sáng vào thời điểm buổi trưa, tạo những đường vòm tròn có màu vàng nhạt lẫn xanh tạo nền phía xa rất mềm mại, cành lá đung đưa giữa khoảng mây trôi khá đẹp mắt. Điều đáng nói ở đây, tác giả cấu trúc nhiều cây măng có màu trắng vươn thẳng tạo ra những đường phá các vòm tròn của các khóm tre, tạo thành bức ảnh có bố cục khá vững chắc. Có thể nói Trần Đàm nắm rất chắc về phương pháp tạo hình hội họa vào ảnh của mình là ở chỗ đấy không gian và thời gian của tự nhiên thành đỉnh cao nghệ thuật nhiếp ảnh. Qua bức ảnh “Sức vươn” mà người ta cảm thụ được “tre già thì măng mọc” đó là lẽ đời song đâu có thế, những cây măng của Trần Đàm nhìn kỹ thì những cây măng mềm mại ấy chứa đựng đầy gai góc bởi những bẹ măng đang tủa ra để bảo vệ thân măng còn ở độ non trẻ yếu ớt. Tính triết lý ở đây trong tác phẩm “Sức vươn” ở độ non trẻ đâu phải đơn giản của tự nhiên mà chính bản thân nó còn có sự vươn lên đấu tranh với bối cảnh xung quanh để sinh tồn và phát triển.

Nghệ sĩ, nhà báo Trần Đàm. (Ký họa Hoàng Hoa Mai)

Cách triết lý sâu sắc mà ông thường nói: tuổi trẻ, tuổi già đều có nỗi khổ riêng, tất cả phải vượt khó, chống đỡ với phong ba bão táp của cuộc đời, vươn lên để sống bằng chính nỗ lực của mình “lấy cảnh mà nói người”. Tác phẩm “Dừa nước” là một bố cục đẹp và lạ trong ảnh của Trần Đàm. Trong hội họa, người ta rất kiêng cách vẽ đối xứng của tự nhiên, trừ những kiến trúc do con người tạo ra nó, khám phá hình ảnh đối xứng của thiên nhiên là cả một quá trình chịu khó tìm tòi, và trong tự nhiên trong không gian núi sông, cây cối rất hiếm có sự đối xứng vì thế cần có sự khám phá của người cầm máy ảnh. Trần Đàm nắm bắt được bố cục từ hai cây dừa nước có các tàu lá đan chéo nhau và để lộ ra xa xa là con thuyền nhỏ cùng người dân miền sông nước là một ý tưởng khá tinh tế. Sự giao thoa tạo hình tam giác đối xứng nhau của các tàu lá dừa trong mối quan hệ cây, nước, trời và những cành lá khô bị cắt ngọn, đã tạo cho bức ảnh một cảm xúc triết lý đến lạ thường. Cách miêu tả của ông vẫn có các góc cạnh vừa duyên dáng, tươi đẹp mềm mại vừa kèm theo đó là gai góc, lô nhô, của gốc cành khô héo. Cái nhìn tương phản hai mặt cũng không khác gì “Sức vươn” mà ông đã miêu tả. Sự đối xứng cân đối giàu hình tượng gắn liền với sự gai góc trong tự nhiên của các gốc dừa đã làm cho người xem ảnh liên tưởng đến một triết lý mang tính quy luật của các mặt đối lập, “trắng đen”, “xấu đẹp” cũng như tác phẩm “Cây dừa nước”, bên cạnh sự trong sáng, đẹp đẽ thì dưới gốc cây dừa có những nét rạn khô thân cành đan xen tương phản ngay trong tác phẩm. Sự sâu lắng trong ý tưởng của tác giả là ở chỗ sống ở trên đời, con người, bên cạnh có cái ưu, cái đẹp, cũng tiềm ẩn những nỗi khổ đau, có cái buồn man mác ẩn hiện trong tâm hồn cuộc đời. Bức ảnh “Cây dừa nước” là một tác phẩm khá hoàn chỉnh, có sự kết hợp giữa ảnh thông tấn thời sự với ảnh nghệ thuật làm cho người xem cảm nhận được sự tinh tế sâu lắng trong tâm hồn ông, đượm chất thơ.

Trong tác phẩm “Hạnh phúc”, tác giả miêu tả một đôi nam nữ âu yếm ngồi bên nhau trong một khoảng không gian đầy lãng mạn, thơ mộng mà người xem cảm nhận được có mây, có trời, có suối, có rừng núi bao la ôm ấp đôi lứa đang tình tứ ngồi trên triền núi. Hầu như nhiều bức ảnh của Trần Đàm đều miêu tả tính hai mặt, tính nhân quả của con người với thiên nhiên mà bức ảnh “Hạnh phúc” là một ví dụ. Bức ảnh ấy có hai nhân vật trai gái ôm vai nhau, rất hạnh phúc, duyên dáng, người xem có thể liên tưởng đến hai câu thơ trong Truyện Kiều:

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

(Trang 57 - Nhà Xuất bản Hà Nội, 1999)

Vẫn lối triết lý gợi mở, bên cạnh những phút giây giao cảm hạnh phúc ân ái ấy, tác giả lại biểu hiện ở điểm hẹn mà hai người ngồi là đất đá, không bằng phẳng, trước mặt là mây núi bồng bềnh, lãng đãng vô định. Mối quan hệ nhân quả, “Thiên, địa, nhân” giữa trời, đất, và con người là một thể thống nhất nhưng không ít mâu thuẫn trong “phẳng lặng”, bởi bức ảnh đầy cảm xúc mà nghệ sĩ đã ghi được bằng cách miêu tả ấn tượng mạnh, sâu lắng giữa cái yên tĩnh và dữ dội. Đối với tình cảm lứa đôi trong ý tưởng triết lý của nghệ sĩ Trần Đàm là không có sự vật, không có con người nào là đơn giản, phẳng lặng mà đều có lực cản ngoài ý muốn. Nghệ sĩ Trần Đàm đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đóng góp nhiều cho hoạt động xã hội nghề nghiệp như Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung ương, Hội Văn học nghệ thuật VHCDTVN, Hội Văn nghệ Thanh Hóa v.v... nhưng ông cảm thấy nhiều điều còn chưa làm được cho sự nghiệp nghệ thuật cũng như chưa khai thác hết được tư liệu sắc thái xứ Thanh đang còn là tiềm ẩn nhất là vùng sâu vùng xa của địa phương, mặc dù đến nay Trần Đàm có hàng ngàn tác phẩm ảnh và nhiều ảnh có giá trị cao, có ý tưởng triết lý sâu sắc và đậm đà chất thơ. Trong bài viết này, tôi chỉ khái quát mấy tác phẩm trong nhiều bức ảnh có nội dung và nghệ thuật sâu sắc để phản ánh một phần nào đó cái riêng có trong nghệ thuật nhiếp ảnh Trần Đàm.

Vườn cau nhà. (Ảnh: Trần Đàm)

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm sinh năm 1940, quê Thiệu Giang, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, hiện nay ở số nhà 23 phố Việt Bắc, thành phố Thanh Hóa là nơi thường đông vui, gặp gỡ của những người làm báo chí và nhiếp ảnh. Đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng niềm tự hào của ông là đã góp cho đời hằng ngàn bức ảnh, hằng chục cuốn sách, phản ảnh một cách sinh động và chân thực con người xứ Thanh, miền xuôi đến miền núi, hơn thế nữa Trần Đàm đã đi rất nhiều chuyến thực tế đến các tỉnh vùng sông nước Nam bộ, miền Trung cố đô Huế và nhiều tỉnh thành phía Bắc để sáng tác. Nhiều bức ảnh của ông đã chạy dài năm tháng và không gian của ba miền đất nước, được bạn đọc gần xa đón nhận trân trọng, trong đó có giới văn nghệ sĩ, nhà thơ Thiều Minh Liên trong bài thơ có lời tựa “Đêm Pù Luông ngắm cảnh của Trần Đàm” có câu:

“Anh đưa chúng tôi đến khắp mọi miền

Chốn hoa lệ đô thành nơi công trường, phiên chợ

Miền ngược, miền xuôi, hai đầu nỗi nhớ

Bỗng thấy gần trong câu hẹn, lời yêu”.

Đến nay tác giả cho ra mắt bạn đọc hơn chục cuốn sách ảnh, đa sắc màu vừa mang tính thời sự vừa mang tính nhân văn sâu sắc của cuộc sống hôm nay và những dấu tích của lịch sử một thời máu lửa đã qua.

Những cuốn sách ảnh như “Hương rừng quê Thanh”, “Hoa trăm miền” đoạt giải ba của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam “Miền đất ta yêu” giải ba “Hồn đất tình người”, giải nhì, hai giải xuất sắc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, một giải của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2010, nhiều giải thưởng khác trong tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Ngoài ra ông còn tham gia nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật về các đề tài chuyên ngành ở địa phương và trong nước. Gần đây nghệ sĩ Trần Đàm cho ra mắt bạn đọc “Nơi chim hạc cất cánh”, một quyển sách giàu chất nhạc, chất thơ nói về một thành phố thanh lịch, giàu bản sắc và rất trữ tình, được nhiều bạn đọc hoan nghênh.

Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một nhà báo tài hoa, những tác phẩm ảnh mà ông chụp, quảng bá, xuất bản đã có sức truyền cảm và triết lý khá sâu sắc, đem lại cho người xem một cảm thụ ấn tượng. Trao đổi với đồng nghiệp về dự kiến tới, nghệ sĩ Trần Đàm cho hay ông đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm cá nhân có quy mô lớn, bề thế hay nói một cách khác là những tác phẩm tiêu biểu, cả ảnh thông tấn và ảnh nghệ thuật sẽ trưng bày có hệ thống để trình làng vào ngày lễ lớn trong năm.

Hải Đăng


Hải Đăng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]