(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi biết chị Nguyễn Thị Hồng Vân cách đây gần chục năm. Cũng quãng thời gian đó đến giờ hình ảnh chị, tâm hồn chị vẫn trong lòng tôi: Đáng yêu và đáng kính. Một người phụ nữ nghị lực, giỏi giang và nhân hậu. Chị có nhiều thành tựu đáng nể để lớp chị em, con cháu luôn tự hào và noi theo.

“Cho tôi khóc một nụ cười” - Điệu hồn trong thơ Nguyễn Thị Hồng Vân

Tôi biết chị Nguyễn Thị Hồng Vân cách đây gần chục năm. Cũng quãng thời gian đó đến giờ hình ảnh chị, tâm hồn chị vẫn trong lòng tôi: Đáng yêu và đáng kính. Một người phụ nữ nghị lực, giỏi giang và nhân hậu. Chị có nhiều thành tựu đáng nể để lớp chị em, con cháu luôn tự hào và noi theo.

Chị sinh ra ở xứ Thanh - chị là bác sĩ chuyên khoa Nhi cấp II, nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, thầy thuốc ưu tú, Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng đáng nể hơn là chị rất yêu văn học nghệ thuật, chịu khó đọc sách. Chị đã phấn đấu trở thành hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam.

Đặc biệt, chị đạt giải nhất Thơ Tài hoa trẻ năm 1999. Chị có 10 tập thơ in riêng và 2 tập in chung. Tiêu biểu như các tập: Lặng thầm, Một điều ước, Ngập ngừng, Thao thức, Em cứ hẹn, Con đường, Lời ru chia đôi, Lời ru trên sông... Cứ thế, hành trình thơ chị bền bỉ đến hôm nay. Chị chia sẻ: “Tôi làm thơ là để giao cảm với đời, nhưng chính thơ cứu cánh cuộc đời tôi, hỗ trợ nghề bác sĩ. Và những người bạn văn họ là niềm vui sống của tôi”. Thì ra sức mạnh văn chương luôn có mặt trong mọi tình huống để giúp con người vượt qua tất cả. Năm 2019, chị bị đột quỵ, song chính sức mạnh nội lực, khát vọng sống đã khiến chị khỏe lại. Với chị có lẽ “ngồi yên là chết”, chị không để cuộc đời vụt trôi tẻ nhạt mà luôn đem lại niềm vui cho mọi người, lan tỏa năng lượng tích cực. Càng gần chị Hồng Vân tôi càng nhận ra một điều thật quan trọng: “Cuộc đời biết cho đi thì nhận lại rất nhiều. Nhiều nhất là niềm vui, khát vọng, thứ tài sản vô giá nuôi hồn ta trở nên lạc quan - tin yêu - chiến thắng”, như tâm sự của chị.

Hồng Vân luôn rất khiêm nhường, trách nhiệm, nhiệt huyết trong đời và trong thơ. Chị nói rất chân thật: Làm thơ từ tuổi thiếu niên/ Nửa đời nay vẫn trinh nguyên nghĩa tình/ Thơ ơi day dứt nỗi niềm/ Đời xô cát bụi lặng yên sao đành/ Xin dâng thơ tấm chân thành/ Đất nâu tươi, cỏ giăng mành là thơ... (Duyên thơ). Thật đáng yêu cho một hồn thơ rất đời mà lãng mạn. Những hình ảnh, câu chữ dung dị mà xao động, đồng cảm. Nói về hạnh phúc, chị thật ấm áp: “Tiếng lòng ngất ngây/ Một đời thu lại/ Đọng trong phút này.../ Thơ viết triệu bài/ Cũng không tả nổi/ Ngập ngừng thầm hỏi/ Sao bờ môi run/ Sao tim đập dồn”. Triết lý đơn giản mà đúng thế. Môi run, tim đập dồn, thu lại trong hai chữ “hạnh phúc”.

“Trước hoa” là bài thơ mang nhiều sự chiêm nghiệm. Hoa lá giả cũng đỏ xanh/ Bày ra trước mắt người sành chơi hoa/ Ta tìm hoa thật của ta/ Long lanh sương đọng cánh hoa trước thềm... Sự giả thật bày ra (...) Ôi hoa cũng trắng cũng hồng/ Bên dịu ngọt bên rỗng lòng trớ trêu/ Trước hoa nói hộ lời yêu/ Xòe tay cuối cuộc tàn chiều, thật hoa!. Chỉ nói nhẹ nhàng thế mà sâu trong suy tưởng, khiến người ta cùng ngẫm về thật - giả ở đời. Thơ chị thẳng thắn, bộc trực mà đáng yêu như chính con người chị.

Hồng Vân với tố chất của một bác sĩ, chị làm thơ nhanh, nhạy cảm với thời cuộc, nhất là với những điều, những việc gắn với nghề. Chị viết với giọng tự sự, triết lý. Cảm hứng chính là tự hào về nghề, quê hương, đất nước, con người nhất là phụ nữ và trẻ em. Trong đó đan xen là nỗi niềm thương cảm với thân phận nhỏ bé trong xã hội: người nghèo bị bệnh, trẻ em, người gánh hàng rong... Và một nguồn mạch thầm kín trong tâm tư ấy là tình nhà, tình mẹ con, chồng vợ. Tập thơ Lời ru chia đôi có nhiều bài tôi thích, đặc biệt là những bài viết khi chồng mất rất chân thành, có dấu ấn riêng của một người vợ chung thủy, nhân hậu, nặng tình: Tự cảm, Bên mộ anh, Thư buồn em viết cho em, Vui buồn ly rượu, Lời ru chia đôi... Ta hãy nghe nhà thơ trải lòng trong bài Bớt một:

“Bớt đi một chiếc lá

Ta nhận rõ mùa thu

Bớt đi một kẻ thù

Thêm khoảng trời xanh biếc...

Bớt đi một nửa kia

Nửa còn... hồn tan nát

Bớt một người trong nhà

Trong ngoài đều mất mát”.

Tôi đọc đi đọc lại và thấy chị nói rất đúng quy luật đời, quy luật tình cảm bằng thơ. Một sự đúc kết mang dấu ấn cá nhân của nữ sĩ Hồng Vân. Tôi lại đọc kỹ để tìm những điều đồng cảm và tâm đắc qua những câu thơ:

Viết về nỗi đau mất chồng: Thơ buồn em viết cho em/ Buồm căng bạc phếch/ Con thuyền chông chênh (Thơ buồn em viết cho em); Phật thiêng!/ Tu tự tâm người/ Khi vui thì khóc/ Khi cười chẳng vui (Vui buồn ly rượu); Lạy anh! Mộ cỏ canh rì/ Em nghe đất cựa thầm thì tiếng anh/ Nắng chiều nhuộm tím trời Thanh/ Gió hiu hiu thổi đau mành cỏ non (Bên mộ anh); Cho tôi khóc một nụ cười/ Dẫu là một chút để rồi xa xôi/ Người đi tít tắp chân trời/ Người về vợi chút đơn côi lỡ làng/ Tiếng chim thấm đỏ lá bàng/ Lời xưa gói chiếc đò ngang một chiều (Không đề).

Viết về nghề thầy thuốc: Ở nơi đây!/ Ta không thể cười/ Giữa điều ước và tiếng khóc/ Nỗi đau trước những cơn đau... Ở nơi đây!/ Gác lại chuyện buồn phiền/ Trước cơ chế thị trường ám ảnh/ Chỉ còn tình mẹ/ Đôi khi tay run lên bụng cồn cào/ Vẫn cấp cứu, cấp cứu... (Ở nơi đây).

Đó là tấm lòng người bác sĩ được nhà thơ Hồng Vân tái hiện. Sự sống của bệnh nhân là mệnh lệnh trái tim họ. Họ trực đêm gian khổ, nhưng con mắt bác sĩ - thi sĩ thật nên thơ qua bài Gió ru: Chợp mắt chút thôi/ Có đâu được ngủ/ Trăng ngoài cửa sổ/ Đậu bàn tay em...

Và cuối cùng tôi muốn nhắc đến bài thơ Tiếng ru của núi để hiểu chị, tâm hồn chị lạc quan, say đắm với đời, với rừng, với biển... là bởi cách chị nhìn sự vật thật đáng yêu: Núi thả dây đưa võng/ Đêm về trong ngọt ngào/ Đất dâng trào sự sống/ Rừng khoác áo hoa trăng. Chị sống giữa những năm tháng chống Mỹ cứu nước, cống hiến cho nghề y cũng là bảo vệ đất nước. Chị có nhiều bài thơ về Bác, về người lính Cụ Hồ, về tình hữu nghị các nước với Việt Nam... Nhưng chị làm thơ hồn nhiên, trong trẻo như tính cách chị. Bình thản và cống hiến. Chị đến với thơ cũng như một loại “thuốc” tinh thần đặc biệt và không quá dụng công, trau chuốt chữ. Chị làm thơ đôi khi chỉ để cho một người: Ai bảo thơ em hay? Chỉ có anh! Nhận biết/ Ai bảo tình em đẹp?/ Chỉ có anh mới hay! Ấm ngọt và đắng cay/ Chỉ có anh thấu hiểu!. Chúc mừng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Vân đã có nhiều bạn văn chương, nghệ sĩ và độc giả xa gần tri âm, cảm mến thơ chị. Tôi cũng vậy cứ mãi ám ảnh câu thơ “Cho tôi khóc một nụ cười”.

Tưởng nghịch lý mà rất đời! Mong nhà thơ luôn mạnh khỏe, truyền ngọn lửa yêu đời, yêu con người đến con người!

HUY LÂM



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]