(vhds.baothanhhoa.vn) - Đầu xuân Canh Tý tôi nhận được món quà đặc biệt từ nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh đó là tập thơ thứ hai của anh có tựa đề “Màu nắng”. Một tập thơ chỉn chu, đẹp cả hình thức lẫn nội dung, gói gọn bốn mươi mốt bài thơ mới nhất của anh trong tám mươi trang giấy khổ 13x20 do Nxb Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành tháng 12 năm 2019.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chợt nhận ra Màu nắng

Đầu xuân Canh Tý tôi nhận được món quà đặc biệt từ nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh đó là tập thơ thứ hai của anh có tựa đề “Màu nắng”. Một tập thơ chỉn chu, đẹp cả hình thức lẫn nội dung, gói gọn bốn mươi mốt bài thơ mới nhất của anh trong tám mươi trang giấy khổ 13x20 do Nxb Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành tháng 12 năm 2019.

Ngay cái tên Màu nắng cũng mang theo nhiều ý niệm mà nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình, tuy không mới, không lạ nhưng cũng khiến người đọc tò mò rằng màu nắng của Hoàng Quốc Cảnh có gì đặc biệt?!

Màu nắng phải chăng là màu của đất trời, màu của thời gian và có thể là màu của suy tưởng nhà thơ cũng nên?! Sao lại có cái định nghĩa ôm đồm như vậy về tựa của một cuốn sách? Sẽ không ít người thắc mắc như thế, nhưng nếu đi hết những vệt nắng trong màu nắng mà nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh tạo nên trong tập thơ chắc chắn nhiều người đồng tình điều đó với tôi. Vẫn biết cảm xúc trong nghệ thuật là vô cùng và định ranh giới là điều khó nói, tuy nhiên để cảm nhận rõ được vẻ đẹp của Màu nắng, tôi tạm chia tập thơ ra làm ba phần cảm xúc cũng như nội dung chủ đạo, và tất nhiên đây là cách chia mang tính chủ quan và tương đối của cá nhân tôi khi tiếp cận với Màu nắng.

Phần thứ nhất, màu của thiên nhiên, đất trời lấp lánh trong màu nắng, lấp lánh trong câu chữ, trong những vần thơ nhẹ nhàng, thánh thiện của nhà thơ. Với tôi đây là phần được nhất, đẹp nhất, hay nhất của tập thơ này. Thơ của Hoàng Quốc Cảnh nghiêng nhiều về tả thực và được thi vị hóa bằng nguồn ngôn ngữ rất dày dặn của tác giả. Ta bắt gặp điều này ngay ở bài thơ Màu nắng: Chợt nhận ra màu nắng/ giữa ngày đông buốt da/ ánh sáng òa mọi chỗ/ mướt tươi màu lá hoa. Hay ở bài Hương miền ký ức: xuân nay không còn mưa bụi/ hoa xoan không tím lối về/ tháng giêng không còn rét muộn/ nắng như đổ lửa ngoài đê... tất cả cảnh vật hiện lên trong thơ như những nét cọ đơn giản nhưng đằm thắm và khung cảnh rất thơ. Và cũng như bao nhà thơ khác, Hoàng Quốc Cảnh cũng tức cảnh sinh tình lắm: Bể dâu vẫn một bóng hình/ thương con đò cũng một mình lặng trôi... con đò nào lặng trôi hay chính tâm hồn nhà thơ lặng trôi: Ta mãi miết với những điều to tát!/ tìm kiếm phù du gần cả kiếp người/ quên hết cả sông màu gió đục/ tuổi thơ vùi nếp áo mộc tinh khôi. Cứ mãi miết trôi với bao lo toan cơm áo gạo tiền, mong muốn đời thường rồi khi đã chồn chân tự mình biến mình thành người hoài niệm, thương nhớ cái ngày xưa, cái ngày chưa trôi theo “những điều to tát”.

Phần thứ hai, tôi tạm gọi là phần nhật ký hành trình của anh, bởi mỗi bài thơ là sự ghi lại những xúc cảm về những nơi anh đến, những nơi anh từng đi qua từ khi còn là một chàng trai trẻ, xếp bút nghiên xách ba lô lên đường bảo vệ Tổ quốc, cho đến khi anh trở thành một nhà thơ với mái tóc hoa dâm chậm rãi bước từng bước qua những con phố nơi mình ở, mỗi bài thơ như một mảnh ghép để góp phần làm nên bức tranh thơ, rất riêng của Hoàng Quốc Cảnh. Khi anh ở biên giới Tây Nam tham gia cuộc chiến: những ngày nắng thiêu giữa cánh đồng phèn mặn/ chúng tôi giữ đường biên ngăn giặc tràn qua/ vẫn thương về phum nhỏ bên kia giới tuyến/ em gái Khơ-me đôi mắt to tròn... khi anh đến với nước bạn Lào: Người lính biên phòng nước bạn/ nước da sạm màu gió sương/ bắt tay gọi nhau đồng chí/ thân tình như gặp người thương... những nơi anh qua còn có Hà Tiên, Rạch Giá, rừng U Minh... rồi trở về thành phố thân thương của mình: ta đã đi qua những tháng ngày/ bom Mỹ dội Hạc Thành đổ nát/ vẫn vút cao lời ca câu hát/ “...ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng...” mỗi nơi đi qua, anh đều vẽ lại những ký ức đẹp đẽ ấy bằng ngôn ngữ của thơ, một giọng thơ mộc mạc, chân chất, không hoa mỹ, ước lệ hay trừu tượng nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc những dư vị ngọt ngào, sâu lắng.

Phần thứ ba, tôi xin được gọi là suy ngẫm về thời cuộc của nhà thơ. Phần này bao gồm các bài thơ nghiêng về sự chiêm nghiệm, ngẫm ngợi về đời sống hiện thực: Tuổi sáu mươi ta vào trận chiến mới/ trận chiến cuộc đời ta đối mặt với ta... (Đối mặt). Hầu hết các bài thơ trong phần này đều có giọng điệu buồn, nặng nề tâm sự, đọc những những bài thơ ấy độc giả có thể dễ dàng cảm nhận được bao nỗi niềm đa mang của nhà thơ. Mỗi câu chữ chất chứa rất nhiều những nghĩ ngợi, những liên tưởng, những ẩn ức của tác giả, nhiều đến nỗi người ta cảm thấy ngột ngạt, khó thở như khi đọc các bài Giới hạn, Bù nhìn, Đối mặt, Ngụ ngôn thời @...

Có thể nói tập thơ Màu nắng của nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh là một mảnh vườn nhỏ xinh đầy nắng, nhiều cây và hoa, ong bướm, chim muông, là một bức tranh đẹp với nhiều sắc màu, nhiều mảnh ghép thú vị, là một bản nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc. Tuy nhiên, vì tác giả gần như trung thành với lối viết tả thực, và có lẽ cũng bởi yêu thơ quá, say thơ quá mà thành ra ôm đồm, đôi khi dư thừa câu chữ vật lí nên có lúc, có chỗ bị rơi vào trạng thái đơn điệu, hụt hơi. May thay nhà thơ đã có những xử lí thông minh trong cách gieo vần, gieo nhịp để làm mới, làm lạ cho câu thơ mà vì thế giúp Màu nắng vẫn tinh khôi, lấp lánh và ấm áp trong tâm khảm người đọc.

Nguyễn Hải


Nguyễn Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]