Chúng tôi viết “Truyền thống Hàm Rồng"

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chúng tôi viết “Truyền thống Hàm Rồng"

Ký của Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh

Đề cương của “lịch sử" cũng dựa vào tiến trình của cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền bắc để “cấu trúc". Tất nhiên, những “nhân vật lịch sử" đã được nêu gương sáng trong đơn vị, được báo chí ca ngợi. Cuộc chiến đấu của Hàm Rồng đâu chỉ mình đơn vị tôi. Tài liệu của các trận đánh lớn, hai ngày 3 và 4/4/1965 hầu như không có là bao.

Dẫu sao những tấm gương chiến đấu mà từ năm 1965 đến năm 1968 của quân và dân Hàm Rồng cũng là những nhân chứng cho “lịch sử Hàm Rồng". Hai ngày 3 và 4/4/1965 vẫn là cái mốc son, ghi vào lịch sử hào hùng chống Mỹ của dân tộc ta, Thanh Hóa bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ. Đi sưu tầm “điều tra" các sự kiện, nhưng bản lĩnh của người viết mà non nớt, cái danh nghề nghiệp mà chưa “chính danh" thì hoàn toàn lệ thuộc vào những sự kiện - sự thật đã để lại. Không thể minh oan cho những sự kiện xuất hiện mà bị thời gian lãng quên, những“con người vô danh “.

Hàm Rồng tập trung rất nhiều đơn vị anh hùng. Bộ đội pháo cao xạ bảo vệ Hàm Rồng (tuyên dương chung cho bộ đội bảo vệ cầu Hàm Rồng) dân quân Nam Ngạn anh hùng, Nhà máy điện anh hùng, Bộ đội vũ trang anh hùng, Đồn công an anh hùng, Trung đoàn 228 anh hùng (sau này hầu hết các xã, đơn vị hai bên bờ sông Mã đều được phong tặng Danh hiệu Anh hùng). Phải công nhận một sự thật, cả huyện Hoằng Hóa ở bờ bắc, ra đến Nghĩa Trang, xuống đến tận Hoằng Trường, nơi đâu cũng là “hậu phương" của Bộ đội Hàm Rồng. Họ gánh cả một nửa cầu Hàm Rồng, vì lý do nào đó, không dẫn các phái đoàn trong nước và quốc tế đến thăm, mà họ chịu nhiều thiệt thòi. Ví như Cầu Tào, dù bộ đội ta có bảo vệ và bắn rơi máy bay, khi đưa tin cũng là “quân dân Nam Ngạn Hàm Rồng bắn rơi máy bay". Tôi cũng nghe có cán bộ hay chiến sỹ một đơn vị nào đó bên trận địa Gốc Cáo - Tào đã nói cái ý ấy. Mà mới viết thiên truyện: “Truyện tình bên cầu Tào".

Hầu như các đơn vị chiến đấu, bầu không được “anh hùng". Những hành động “nhất thời" trôi qua, mà không gặp “hoàn cảnh" mới để tạo ra “anh hùng". Ví như Phạm Bá Lỡ, chiến đấu ở Bái Thượng rất anh dũng, không “bồi dưỡng" được, để xây dựng “điển hình tiên tiến" ra Lèn hy sinh mất. Anh Nguyễn Văn Điền ở Đại đội 4, trận chiến đấu ngày 28 tháng 7 năm 1965, bị 11 vết thương vào bụng, ruột lồi, lấy cờ chỉ huy ấn vào để chiến đấu, dân quân lên trận địa cáng đi cấp cứu, nhất quyết không chịu đi. Chúng tôi ra tận Yên Phong, Hà Bắc thăm và gặp anh Nguyễn Văn Điền, mong tìm được những sự kiện chân thật, có giá trị lịch sử cao. Lúc ấy, đến chiếc xe đạp cũng phải đi mượn cọc cạch đạp ra Hà Nội, lên tận Bắc Giang... mà cũng không biết cách để thanh toán có đồng công tác phí, khi đi đường đói lòng có đồng quà tấm bánh.

Chúng tôi đến Ô Chợ Dừa để tìm nhà anh Đinh Ích Nhượng, anh Nhượng là Khẩu đội trưởng Khẩu đội 8, Đại đội 1, chiến đấu bảo về đập Bái Thượng. Anh bị thương trận 18/8/1965, vào cột sống, vẫn cầm cờ chỉ huy, dựa vào công sự để phất cờ cho pháo bắn. Tháng 10/1965, tôi đã lên Bái Thượng để viết về anh in ở tập gương chiến đấu, báo PKKQ đã sửa cái tít “Đinh Ích Nhượng, La Văn Cầu trên trận địa Hàm Rồng". Bây giờ gặp lại bố anh Đinh Ích Nhượng, mong ông kể về thời niên thiếu của anh. Ông bố anh lấy ra những bài thơ thất ngôn đường luật viết về con đọc cho chúng tôi nghe. Một âm hưởng buồn thấm đẫm nước mắt.

Công việc nhọc nhằn và khó khăn ấy tưởng không bao giờ kết thúc. Tình hình chiến sự ở miền Nam đang vào hồi quyết liệt. Ta đánh vào các cuộc hành quân của địch trên mặt trận Nam Lào. Máy bay của địch hoạt động trở lại ở vùng ném bom hạn chế. Chúng tôi bị nhắc nhở phải mau chóng hoàn thành tập “sử ký về Hàm Rồng". Thế là không kể ngày đêm, bò ra để viết, dù cho có “khô khan và chán ngoét" đến mấy chăng nữa.

Ngày 26 tháng 12 năm 1971, Mỹ cho máy bay A4D mò vào Hàm Rồng bắn rơi chiếc máy bay thứ 100. Chúng tôi không thể ngồi yên mà viết “truyền thống được nữa". Truyền thống đang xảy ra ở trận địa, chứ không phải ở trang giấy, không hiểu sao tôi lại nói được câu nói đó, khi được gọi dựng dậy trong đêm cùng phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam xuống trận địa để viết bài. Ngày đó kể cũng nhút nhát tợn. Nếu được đi với các nhà báo Trung ương, mình chỉ làm anh dẫn đường, nói năng rất"lí nhí", bảo gì cũng dạ vâng rất khiêm nhường.

Cuốn "truyền thống" chưa xong thì tháng 4/1972 giặc Mỹ cho B52 đánh Hàm Rồng, bao nhiêu dự định bị xáo trộn. Anh Lê Xuân Giang được đề bạt cán bộ trung đội, rồi đi học bồi dưỡng làm chính trị viên đại đội. Tôi tiếp tục hoàn thiện để in ấn. Khoảng tháng 7/1972 thì in xong “Hàm Rồng ký sự lịch sử". Chuyện vui mà tôi muốn nhắc lại. Năm 1971, anh Phạm Tấn vừa tốt nghiệp khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội về Ty Văn hóa nhận việc. Đến Hàm Rồng để xin một bản “Lịch sử Hàm Rồng" không ai dám cho, vì nó là “Tuyệt mật", chỉ lưu hành trong nội bộ. Phạm Tấn phải “bí mật" chép lại. Bây giờ gặp, nói đến chuyện “viết sử", anh vẫn nói vui: “Ông và anh Giang là người viết sử đầu tiên ở Thanh Hóa đấy". Có thể đó là câu nói đùa, và cũng có phần rất thật, vì sau này, “Ký sự Hàm Rồng"là tư liệu cho ai đó muốn nhớ về mảnh đất này. Dẫu nó còn là ấu trĩ, non nớt về tay nghề.

Phần mình, cứ nghĩ ngợi về sự hẫng hụt của Hàm Rồng mà mình chưa làm được. Có nhà văn nổi tiếng quê Thanh Hóa, khuyên tôi, phải viết một cuốn tiểu thuyết ra trò về Hàm Rồng, kẻo phí cả tuổi thanh xuân đi. Tôi cám ơn, nói rằng mình đã viết về Hàm Rồng. Hàm Rồng vẫn là một đề tài lâu dài của người cầm bút. Nhưng lòng chạnh buồn. Tiểu thuyết “Mảnh vụn chiến tranh" và hơn 30 truyện ngắn mà mình viết về Hàm Rồng, cùng với ký sự, in chung và riêng chưa tạo ra ấn tượng mạnh, gây được dấu ấn trong lòng người đọc, mà nhà văn đáng mến đó chưa kịp đọc, hoặc đọc mà không ưng ý.

Hàm Rồng. Thách thức chưa nguôi trong cuộc đời cầm bút của mình.

Từ Nguyên Tĩnh


Từ Nguyên Tĩnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]