(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Có những bài thơ đọc mãi không chán, càng đọc càng ngẫm ngợi thấy không gian trước và sau ta trải dài vô tận. Về làng(*) với câu mở đầu “Làng ta ở tận làng ta” của Nguyễn Duy là một bài thơ như thế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện quanh một câu thơ

(VH&ĐS) Có những bài thơ đọc mãi không chán, càng đọc càng ngẫm ngợi thấy không gian trước và sau ta trải dài vô tận. Về làng(*) với câu mở đầu “Làng ta ở tận làng ta” của Nguyễn Duy là một bài thơ như thế.

Làng ta ở tận làng ta

mấy năm một bận con xa về làng

gốc cây hòn đá cũ càng

trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay

...

Bài thơ mang đến cho tôi rung động diệu kỳ, nhiều đêm mất ngủ. Những hình ảnh làng quê hòn đá, gốc cây, trâu bò đủng đỉnh,... cùng khung cảnh gia đình nghèo khó nhưng ấm áp những câu thơ về người cha:

Cha ta cầm cuốc trên tay

Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa

lưng còng bạc nắng thâm mưa

Về người mẹ:

Mẹ ta vo gạo thổi cơm

ba ông táo sứt lửa rơm khói mù

Và chòm xóm:

Nhà bên xay lúa ù ù

vẫn chày cối thậm thịch như thưở nào

lũ em ta vác cuốc cào

giục nhau bước thấp bước cao ra đồng

...

đã đánh thức trong tôi ký ức làng quê mộc mạc thân thương và túng thiếu. Thật lạ lùng một số người làm thơ hiện nay cố gắng lên gân cốt, tô vẽ làm bóng làm duyên câu chữ, số khác biểu hiện cuộc sống như nó tồn tại. Thơ Nguyễn Duy thường khi nhiều lớp nghĩa mờ ảo, không ít lần làm tôi phải lặng lẽ chìm đắm mới cảm nhận được. Làng ta ở tận làng ta, có vẻ như ông viết hơi bị nhầm chăng? Một cái làng trong văn chương hư ảo hay bất biến vĩnh hằng Quảng Xá nổi tiếng rượu tăm còn để dành khi con về? Nhiều thứ đã thay đổi, gần mà xa, xa mà gần, riêng nghèo đói vẫn hiện hữu. Người dân quê phương tiện sản xuất thô sơ nhếch nhác nhưng hồn nhiên, tự tại. Biết vậy, chừng như đôi lúc tôi không hiểu Nguyễn Duy muốn nói gì trong câu thơ Làng ta ở tận làng ta. Bên ly cà phê, một lần trò chuyện cùng ông anh thuộc dân văn nghệ tính tình vui vẻ hài hước, tôi có đưa câu thơ này ra để xem ý và cùng “giải mã”. Anh cười tếu táo, cậu cứ quan trọng hóa câu chữ của mấy ông thi sỹ làm gì, đơn giản ở đây ông Duy bí từ thôi. Mấy năm một bận con xa về làng thì rõ ràng trước đó phải là Làng ta ở tận làng ta, chứ ở tận Thanh Hóa thì còn gì là lục bát nữa. Nhà nghiên cứu khả kính sau đó còn diễn thêm, ông Xuân Diệu cũng vài lần bí từ như vậy. Vua thơ tinh xứ ta đã từng thú nhận điều này khi lấy vần cho một câu thơ trong bài Mũi Cà Mau:

Ở đầu sóng gió, mỏm non sông

Như ngực anh hùng Lý Tự Trọng

Cao hơn sóng gió một thành đồng

Đây chốn đi về nơi ước vọng

Xuân Diệu bảo đến chót mũi Cà Mau thì có gì để ước vọng, mà phải là ước hẹn. Muốn thành thơ, nhà thơ phải viết như thế cho “vần”, chẳng nhẽ lại viết: “Như ngực anh hùng Lý Tự Trẹn” để Tây nó cười cho à! Làng văn thật lắm giai thoại. Nói cho vui chuyện chứ ông anh tôi, bạn đồng niên của Nguyễn Duy, cái tuổi áo nâu chân đất / bữa cháo bữa khoai đi cày và đi học/ bụng cồn cào con chữ chạy liêu xiêu giải mã điều này chẳng mấy khó khăn. Anh nói, thực ra ông Duy không phải ở đâu đâu viết câu này, mà ông đã về làng, đi trên con đường làng, thả hồn buông chữ Làng ta ở tận làng ta như lời đồng dao ông ấy thường hát thuở ấu thơ để bắt vào những nỗi niềm “làng” thời hiện tại. Nhà thơ muốn có được cái mộc mạc chân tình thì trái tim phải da diết thương yêu. Tôi thì thấy: Nguyễn Duy nghĩ về làng bằng cái chữ tận đặc biệt tài tình, “tận” vừa gợi không gian vời vợi vừa gợi thời gian xa lắc. Khói bếp bốc lên từ kiềng ba ông táo sứt, tiếng cối xay tre ậm ì nặng nhọc, thậm thịch tiếng chày giã gạo và tuổi thơ nơi đồng bãi lam lũ vẫn cứ vọng về. “Ở tận làng ta”, xa mà gần, ngay dưới bước chân của đứa con xa ngày trở về, dù làng đã đổi thay, nhưng ám ảnh thân thương thì còn mãi. Chia tay, anh vỗ vai tôi, làng ta ở tận làng ta chứ ở đâu nữa mà thắc mắc hoài vậy! Y hệt như Nguyễn Duy, cứ cười cười cợt cợt mà nước mắt ứa ra. Xa quê đi đánh giặc, quăng quật với đời sống khắp chân rừng, góc phố rồi châu Âu châu Mỹ, trở về thấy làng mình vẫn xưa cũ...

Tháng 1-2015

Lê Vạn Quỳnh

* Về làng - Thơ Nguyễn Duy - NXB Hội Nhà Văn 2010.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]