(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê hương tôi là Hà Trung yêu dấu, nơi có dòng sông Hoạt, sông Tống, sông Lèn, gắn liền với những buổi mò cua bắt ốc, tắm mát sau mỗi buổi học trường làng. Tôi nhớ vùng đồng quê chiêm trũng xen lẫn núi đồi, nhấp nhô trập trùng, vụ chiêm hạn hán, vụ mùa đồng trắng nước trong. Quê hương Hà Trung có nhiều nét đẹp từ một nền văn hóa lâu đời của truyền thống lịch sử kiên cường anh dũng trong lao động, đấu tranh và cách mạng rất đỗi tự hào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đi đâu rồi cũng nhớ về quê cha đất mẹ của mình

Quê hương tôi là Hà Trung yêu dấu, nơi có dòng sông Hoạt, sông Tống, sông Lèn, gắn liền với những buổi mò cua bắt ốc, tắm mát sau mỗi buổi học trường làng. Tôi nhớ vùng đồng quê chiêm trũng xen lẫn núi đồi, nhấp nhô trập trùng, vụ chiêm hạn hán, vụ mùa đồng trắng nước trong. Quê hương Hà Trung có nhiều nét đẹp từ một nền văn hóa lâu đời của truyền thống lịch sử kiên cường anh dũng trong lao động, đấu tranh và cách mạng rất đỗi tự hào.

“Cây có gốc mới tươi cành xanh lá

Nước có nguồn mới biển cả sông sâu”

Đó là những lời nhắn nhủ của các thế hệ cha ông từ xa xưa để lại giúp cho mọi người sống ở trên đời phải luôn nhớ về cội nguồn quê hương xứ sở. Thật vậy đối với con người nói chung ai cũng có một miền quê để nhớ, để thương. Nhắc đến quê hương lại xúc động, bồi hồi trào dâng lên nỗi niềm da diết thân yêu. Dù có đi đâu, ở đâu thì quê hương vẫn là nơi đã khắc ghi những ký ức nặng nghĩa, nặng tình. Nơi ấy tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành ra ta, nuôi dưỡng ta lớn lên, dạy dỗ ta những điều lễ, nghĩa, trí, tín để biết cách làm người và chắp cánh cho ta bay đi khắp mọi phương trời.

Quê hương tôi là Hà Trung yêu dấu, nơi có dòng sông Hoạt, sông Tống, sông Lèn, gắn liền với những buổi mò cua bắt ốc, tắm mát sau mỗi buổi học trường làng. Tôi nhớ vùng đồng quê chiêm trũng xen lẫn núi đồi, nhấp nhô trập trùng, vụ chiêm hạn hán, vụ mùa đồng trắng nước trong. Địa hình phức tạp, thiên nhiên khắc nghiệt, lại thêm ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến cho nên dù các cụ xưa có đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương vẫn đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Chính gia đình tôi, bản thân tôi cũng đã từng phải sống trong cảnh “Nửa đêm thuế thúc trống dồn/ Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy” (Tố Hữu) và đã phải trải qua những ngày dài phải chống đỡ vất vả với trận đói kinh hoàng tháng 3 năm Ất Dậu - 1945.

Quê hương Hà Trung có nhiều nét đẹp từ một nền văn hóa lâu đời của truyền thống lịch sử kiên cường anh dũng trong lao động, đấu tranh và cách mạng rất đỗi tự hào. Nơi đây có Ly cung (Cung Bảo Thanh) nguy nga tráng lệ của nhà Hồ, có con kênh đào Chiếu Bạch từ thời nhà Trần, có hồ Bến Quân, có núi rừng Tam Điệp hùng vỹ với đèo Ba Dội nên thơ, có dấu chân oai hùng của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hồ Quý Ly, Tô Hiến Thành,... cùng đoàn quân dũng mãnh thần tốc của Quang Trung Nguyễn Huệ tiến ra giải phóng Thăng Long và nhiều đền, chùa, đình, miếu thờ Thánh mẫu, Bà chúa, Đức ông, Thành hoàng có công dẹp giặc, yên dân, xây dựng thôn làng. Hà Trung là đất quý hương có làng Gia Miêu Bái Trang, nơi phát tích 9 đời Chúa, 13 đời Vua Nguyễn, cùng với khu di tích các lăng mộ, hào, thành, cung điện mô phỏng hình sắc kinh thành của Vương triều này. Đáng chú ý là điệu hò Sông Mã “Dô tả dô tà/ấy dố khoan dô huầy...” lúc êm dịu, lúc trầm hùng, nhặt khoan vang lên từ những con đò dọc ở các bến chợ Gũ, chợ Chiềng chở đầy thóc gạo, cá tôm, mắm muối, dầu hỏa, thuốc lào, vải vóc ngược dòng vượt qua ghềnh thác, ngã Ba Bông lên tận Điền Lư, La Hán, Hồi Xuân rồi lại xuôi dòng với bao thứ hàng lâm thổ sản của rừng núi xứ Thanh đã từng làm lay động, xao xuyến lòng người. Còn phải nói đến tép và mắm tép Hà Trung nhất là mắm tép Đình Trung, xã Hà Yên nổi tiếng được nhiều người gần xa ưa chuộng. Rồi đến khu rừng thông, sến, sở, những khu đồi sắn, mía, đặc sắc nhất là mía “Đường chèo” đã có một thời là sản phẩm tiến Vua.

Dấu ấn lịch sử mãi sáng ngời là phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Hà Trung từ khi có Đảng dẫn đường. Năm 1927 tại Trường Tiểu học Pháp Việt (Ecole primaire complementaire) của huyện đã có tổ chức và hoạt động của chi bộ Tân Việt Đảng bao gồm một số học sinh của trường. Đến ngày 10/10/1930, chi bộ Đảng Cộng sản thành lập tại gác chuông chùa Trần, tổng Ngọ Xá nay là xã Hà Ngọc. Đây là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời trong năm 1930, là tiền thân của Đảng bộ Hà Trung hiện nay. Lúc mới thành lập chi bộ có 5 đảng viên do đồng chí Nguyễn Xuân Phương làm Bí thư. Trong số 5 đảng viên này có đồng chí Nguyễn Văn Huệ, người làng Đô Mỹ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đã trở thành Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, Đại biểu Quốc hội khóa I của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào quần chúng đấu tranh chống sưu, chống thuế, chống đi lính, đi phu, chống áp bức, bóc lột của bọn cường hào, ác bá, bọn quan lại tay sai cho đế quốc, đòi hỏi cải thiện dân sinh, dân chủ ngày càng phát triển dâng cao... Cùng với cả nước, cả tỉnh đúng ngày 18/8/1945 nhân dân Hà Trung đã nhất tề vùng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.

Tiếp đến cuộc trường chinh 30 năm chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Hà Trung lại phát huy truyền thống kiên cường đấu tranh, ra sức sản xuất và chiến đấu để bảo vệ quê hương và chi viện cho tiền tuyến.

Từ khi hòa bình xây dựng và đổi mới đến nay bộ mặt qê hương Hà Trung đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Cảnh ruộng đồng ngập úng, hạn hán thất thường, “hai bát úp một” đã đi vào dĩ vãng. Giờ đây nông dân đã có 2, 3 vụ ăn chắc trong năm, đã xuất hiện những hợp tác xã kiểu mới, những trang trại, gia trại căn cơ, năng động sáng tạo, các khu công nghiệp, thủ công nghiệp hình thành, phát triển. Từ thị trấn Đò Lèn đến các thị tứ, các chợ quê luôn đông vui, tấp nập với vô số nông lâm, thủy sản và hàng hóa công nghiệp, thủ công đa dạng, đủ loại sắc màu. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới bùng nổ các làng quê đều đã thay da đổi thịt. Hình ảnh của những căn nhà tranh vách đất xưa chỉ còn trong ký ức xa xăm, nhà ngói, nhà bằng, nhà tầng mọc lên san sát. Đường làng, đường xã đã được thảm nhựa, đổ bê tông, không còn ổ trâu, ổ gà, lầy lội như trước. Trường học, trạm xá, nhà trẻ được nâng cấp khang trang. Các dịp lễ tết, hội hè nhân dân bản xứ và khách thập phương lũ lượt kéo về các đền chùa nhất là theo thông lệ “tháng sáu hội Gai tháng hai hội Mía” đông vui hòa quện với mùi hoa sen, hoa huệ, hoa hồng và hương trầm thơm ngát. Gác chuông chùa Trần, nơi khai sinh ra Đảng bộ huyện nhà đã được tôn tạo sáng đẹp, uy nghi. Cây cầu Đò Lèn, dấu ấn của những chiến công oanh liệt, bất khuất vẫn hiên ngang soi bóng trên dòng sông Lèn hiền hòa, thơ mộng.

Tôi có may mắn được đi đến nhiều nơi, có những nơi đẹp, đẹp lắm, lại giàu có nữa, nhưng rồi lòng vẫn thấy Hà Trung quê tôi thật tuyệt vời, thân thương, thật nghĩa nặng, tình sâu. Tôi mong quê hương ngày càng phát triển, đi lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng, văn minh.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]