(vhds.baothanhhoa.vn) - Đêm rằm. Trăng sáng, hương thơm của các loại hoa làm cho khuôn viên trạm y tế thêm lung linh. Ông Trương đã nằm đây gần một tuần, kể từ hôm ông xuất viện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông tính về nhà cho thoải mái lại tiện cho con cháu chăm sóc. Nhưng anh con trai cả không nghe, anh giải thích:

Đối thoại với quá khứ

Đêm rằm. Trăng sáng, hương thơm của các loại hoa làm cho khuôn viên trạm y tế thêm lung linh. Ông Trương đã nằm đây gần một tuần, kể từ hôm ông xuất viện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông tính về nhà cho thoải mái lại tiện cho con cháu chăm sóc. Nhưng anh con trai cả không nghe, anh giải thích:

- Ngực thày không nằng nặng như mấy hôm trước khi đặt cái giá đỡ ở đám mạch máu nuôi dưỡng cơ tim nữa, nhưng huyết áp của thày còn phập phù, lúc lên lúc xuống. Ở đây có chuyên môn túc trực, phòng ốc rộng rãi, tiện nghi đầy đủ, khuôn viên thoáng mát. Mỗi ngày phải uống nào thuốc hạ huyết áp, thuốc bổ mạch vành, thuốc kháng đông, thuốc vitamin... Giờ đang là thời gian đầu, thày phải ở đây để chuyên môn nhắc thày uống cho thành nếp.

... Ông Trương nâng chén trà nụ tam thất lên nhấp một ngụm vừa đặt xuống đã thấy ai như ông Ngân đứng ở trước mặt. Ông Trương nhìn kỹ lại một lần nữa, từ đầu đến chân. Đúng là ông Ngân rồi! Vẫn bộ pizama ông ấy thường mặc mỗi khi hai ông ngồi thưởng lãm trà ở lầu bát giác, ngắm hoa sen và đàn cá cảnh. Lạ thật! Ông Ngân đã về với tổ tiên hơn chục năm rồi cơ mà! Nếu ông không ốm đận này, ông Trương đã ở đám giỗ ông Ngân cách đây ba ngày, hôm 12 tháng 8. Ông Trương đang phân vân với những suy nghĩ của mình thì ông Ngân đã lên tiếng: “Ông nghĩ mà xem, nói như mấy cha ấy tôi cho là chưa thuyết phục!”. Ông Trương chưa biết ông Ngân nói với mình về vấn đề gì nên hỏi lại: “Việc gì mà chưa thuyết phục!”. Ông Ngân ngồi xuống cái ghế đối diện với ông Trương, cầm chén trà lên nhấp một ngụm rồi nói: “Ông không nhớ à? Chỗ ta đang ngồi đây, xưa vốn là Hiền Từ của làng Bột Thái. Dịch lên phía Bắc, có con đường dẫn đến cổng tam quan, trên nóc đề hai chữ Nghĩa môn, là Hiền từ của làng Hoằng Nghĩa. Là ra vậy! Ông Ngân lại nhắc chuyện phá đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm... Ông Trương run run, đưa tay cầm tách trà, định cho lên miệng thấm giọng mà khó quá. Một lát lấy lại bình tĩnh, ông trả lời ông Ngân: “Vẫn biết là như thế. Nhưng đã mấy chục năm nay, nơi này là trạm y tế rồi. Chính nơi này có đến hàng ngàn đứa trẻ đã chào đời và hàng ngàn người đã được cứu khỏi tay thần chết”. “Nào có ai phủ nhận điều đó! Nhưng mà vẫn tiếc! Tiếc thật. Nếu ngày xưa làm trạm xá và ấu trĩ viên ra chỗ khác, giữ cái Hiền Từ này lại và làng ta đừng phá từng ấy đình chùa miếu mạo thì bây giờ đã là làng cổ, nét xưa, là làng du lịch! Con cháu ta sướng biết chừng nào. Mỗi khi chúng tôi đi về cũng mát mẻ”.“Giờ làng ta đã được công nhận là làng cổ rồi”. “Làng cổ thì đúng rồi. Tiếng là làng cổ nhưng bây giờ các công trình như đình chùa, miếu mạo rồi những con đường rợp bóng dừa, những giếng đá, những ngôi nhà cổ còn ít lắm, toàn nhà bê tông cốt thép, cây cối chặt hết, vui thì có vui nhưng hè nóng, đông lạnh”. “Tôi nhớ ngày ấy ông cũng có tham dự họp để bàn về chuyện tiêu thổ mà?”. “Ông nhầm sang tiêu thổ kháng chiến rồi, đó là phá những công trình của ta mà bọn Pháp, bọn Nhật chúng lợi dụng vào đó để đánh lại ta, hoặc ta phá nhà cửa của ta lấy cột kèo, cửa nhả dồn đống thành những chướng ngại vật trên đường để ngăn chiến xa của giặc; phá cầu cống triệt đường tiến quân của bọn chúng như ta đánh sập cầu Hàm Rồng, hồi năm 1946 chẳng hạn”. “Ờ nhỉ, ông Trương ngập ngừng, bản chất cũng là phá đình đền miếu mạo để chống giặc phong kiến đó thôi”. “Đã đành là vậy! Thời đó ai đặt vào vị trí ấy thì cũng phải làm thôi”. “Chống phong kiến, bài trừ mê tín dị đoan và giải quyết phần khó khăn về gỗ lạt, gạch ngói xây trạm xá, trường học, trụ sở...”. “Thì đã đành. Nhưng đâu phải chỉ có lý do thiếu thốn chỗ học, chỗ tiêm...”. “Đúng rồi! Ngày đó chủ yếu ta chống phong kiến. Nói cho đúng ra là ta chống tư tưởng phong kiến, cụ thể là chống tệ nạn mê tín dị đoan do chế độ phong kiến nó gieo vào đầu óc còn đọng lại trong mỗi chúng ta. Nó là vô hình mà thâm hiểm. Còn đền đài, lăng tẩm và những kiến trúc cổ là sản phẩm do công sức, là sáng tạo của người dân lao động làm nên, chúng không có tội. Bây giờ mới nhận ra thì việc đã rồi!”. “Đúng rồi. Ông ở lại trần thế lâu hơn tôi nên tiếp thu được cách suy nghĩ tiến bộ hơn tôi. Biết phân biệt rạch ròi cái gì nên, cái gì không nên”. “Nếu ông ở trần gian đến giờ, ông còn có những nhận biết hay hơn tôi nhiều. Nhưng phải công nhận là anh em lãnh đạo mình khi đó cũng có cái nhìn mới. Mới ở chỗ là biết bảo tồn cái có thật: Giữ lại miếu Đệ Tứ thờ Đại tướng Nguyễn Tuyên và miếu Đệ Ngũ thờ Thượng thư, Quận công Bùi Khắc Nhất. Phá miếu Đệ Ất, Đệ Nhị, Đệ Tam thờ 3 vị Thiên thần do Vua Lý Thái Tông mơ thấy đêm ngài nghỉ lại ở trang Đường Bột ta và chùa Thiên Vương thì làng đã rước vong linh của các Ngài về để phối thờ ở miếu Đệ Tứ mà!... Có phục là phục tài Vua Lý đã gieo vào lòng dân niềm tin vào cái không có - Thiên Thần ấy mà - để làm nên sự nghiệp lớn, vẻ vang cho đất nước. Thế mới biết lòng tin quý đến chừng nào!”. “Thì đã đành. Có câu mất lòng tin là mất tất cả, mà bác”. “Nhưng còn tùy, bác à. Tin vào ai? Và ai tin?

Ông Trương nhìn qua cửa sổ, thấy trăng như sáng hơn giữa bầu trời đầy sao. Nhớ ngày ông mới mười một mười hai, bố ông với bố ông Ngân làm chân bảo vệ đồng điền, thường hay vào ra tiền đường của miếu Đệ Nhị để bàn công việc, vì ở đấy mát mẻ và yên tĩnh. Ông Trương và ông Ngân thường theo bố nên thỉnh thoảng gặp người đến cầu tự tại miếu, dư huệ khi thì cho nắm xôi, khi thì cho cái bánh đa... Nhiều lần ông từ già ra mở cửa cho người ta cúng, cu Trương và cu Ngân nháy mắt cùng nhau nhẹ nhàng bước theo sau để nhìn vào hậu cung. Trong ấy có ba cái bàn thờ to kê liền nhau, cao thấp, bày biện khác nhau. Phía ngoài cùng có cái giá cắm toàn gươm, kiếm và biển. Có hôm khách ở xa đến cúng hay có người trên tỉnh về thăm, ông từ bê cái hộp sơn son thếp vàng, dài đến gần sải tay rộng bằng gang tay, đặt lên cái bàn ở gian bên, lấy ra những tờ giấy bồi cũ, có cái bằng vải lụa, đã ố vàng theo thời gian, viết toàn những chữ Nho, chữ Hán loằng ngoằng như giun dế rồi nói với khách: “Đây là sắc của vua phong Thiên Thần cho làng thờ. Làng có ba cái miếu thờ ba vị Thiên Thần, gọi là Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam. Về sau, làng có thêm vị Phúc Thành Hoàng là Thượng thư, Quận Công Bùi Khắc Nhất, để kỵ húy, làng xin với trên được gọi miếu Đệ Nhất là miếu Đệ Ất.

Ba miếu xây y như nhau. Hậu cung thấp hơn tiền đường. Cột lim người ôm không xuể. Hoành tải, rui lim, lợp ngói âm dương. Bức hồi trước, giáp với tiền đường, chạm trổ tinh xảo. Những bức chạm ở đây thường là tứ linh, tứ quý quện với mây trời, mang vẻ huyền ảo.

Ông Trương mỉm cười. Chính ông cũng nửa tin nửa không tin có thế lực vô hình con người ta đang tôn thờ ở đình chùa miếu mạo!... Ông nhớ như in hồi vợ ông sốt liên miên mấy ngày, khi mê, khi tỉnh, bà thím ông đã đem trầu rượu, vàng hương, hoa quả ra miếu Đệ Nhị cầu, rồi lá cây trong vườn, giã vắt lấy nước, thả sương cho vợ ông uống đến ngày thứ ba thì khỏi! Nhưng cũng có người không cầu mà chỉ uống những bát nước lá vườn nhà vẫn khỏi! Khó thật? Phải công nhận là ông phục những người đã có cách làm cho mọi người tin vào những thần rắn, thần lửa, thần sông nước... Rõ ràng người đó chỉ thấy qua mơ, trong mơ rồi sau cho rằng những điều trong mơ đó là âm phù cho họ nên sự nghiệp! Sự nghiệp trong phạm vi cá nhân thì người ta hậu tạ tại nhà; bằng một tuần cúng, bằng lập điện, lập am. Sự nghiệp ở những người có địa vị quan trọng trong xã hội, như vua chúa hoặc quan đầu triều chẳng hạn, ảnh hưởng đến cả một cộng đồng, đến nhiều cộng đồng..., thì truyền lập miếu, lập đền thờ. Với các nhân thần là chuyện người thật, việc thật. Đáng làm và phải làm. Bởi lẽ nơi thờ tự là để ghi công trạng của các anh hùng đã cống hiến trí tuệ, sức lực, thậm chí là tính mạng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Nơi hậu thế đến để tri ân, để học tập rồi ra về với tinh thần sảng khoái và tự tin đưa đến sự hanh thông trong sự nghiệp của mình.

Người đời nói Lưỡng Bột của ông là làng khoa bảng, quả không sai. Từ thời ông Nguyễn Nhân Lễ, vị tiến sĩ khai khoa (1418), trải qua 5 thế kỷ, đến kỳ thi cuối cùng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, triều Khải Định (1919); làng có 12 vị đỗ tiến sĩ, trong đó có 7 vị được ghi danh trên bia đá tại Văn miếu Quốc Tử Giám, cùng gần 200 hương cống, cử nhân, hơn trăm người đỗ sinh đồ, tú tài. Đó có phải đất làng vượng khí nên có nhiều người đỗ đạt hay là do truyền thống hiếu học, trọng nhân tài mà làng xã có không khí ganh đua học tập, thi cử! Nghĩ đến đây thì ông Trương nhìn ông Ngân và cố nói to để ông Ngân nghe rõ: “Về học hành thi cử tôi vẫn nghiêng về ý thứ hai: Do truyền thống hiếu học, noi gương các bậc tiền nhân, trọng nhân tài mà làng ta bừng lên ý chí thi đua học hành, thi cử, ông nghĩ mà xem, 100 năm trở lại đây, Lưỡng Bột ta có tới 60 người đỗ tiến sĩ, một phần ba trong số họ có học hàm giáo sư, phó giáo sư; có 2 cấp tướng, 30 ông mang hàm cấp đại tá, còn thạc sĩ và tốt nghiệp đại học thì phải tính đến vài trăm!..

Ông Ngân cười. Gật đầu tán thưởng.

- Chuyện. Bây giờ...

Ông Trương đang nói thì giật mình, tỉnh dậy. Không thấy ông Ngân đâu nữa. Tiếc thật! Ông đang định nói với ông Ngân là đã đến lúc ta không thể cứ ôm mãi sự hoài niệm về cổ xưa, về những chuyện đã qua. Phải thay đổi cách nhìn nhận để theo kịp với xu thế mới, cách làm mới, xây dựng quê hương nông thôn mới!..

Cô y tá đang quấn cái băng máy huyết áp vào tay ông để đo huyết áp. Hóa ra nãy giờ là ông mơ. Mơ mà sao cứ như thật? Thế thì gọi là gì cho được vì mọi việc ông và ông Ngân tranh cãi nãy giờ có gì sai với thực tế đâu. Ông vắt óc suy nghĩ để tìm một cụm từ cho xứng với cuộc trò chuyện với ông Ngân vừa rồi. Bí quá ông kể hết câu chuyện trong mơ cho cô y tá nghe. Ông phàn nàn với cô y tá, chỉ bằng tuổi con gái út của ông, là không biết gọi đó là gì.

Cô y tá mỉm cười, nhìn ông Trương và nhẹ nhàng hỏi ý ông:

- Thưa ông, câu chuyện ông vừa kể có gọi là: Đối diện với quá khứ được không ạ?

Ông Trương mỉm cười:

- Đối diện với quá khứ. Được! Được lắm! Cháu giỏi! Giỏi lắm! Đúng là tuổi trẻ, suy nghĩ trẻ!

Ông Trương ngồi dậy, nói với cô y tá:

- Cháu pha cho ông ấm trà.

Cô y tá cầm chiếc ấm ở bàn lên. Ấm trà vẫn đang nóng.

- Thưa ông hình như là trà mới được pha. Còn đương nóng ạ!

Cô y tá rót nước, hai tay nâng chén trà mời ông Trương.

Trà nóng và thơm. Ông Trương nhấp từng ngụm thấy người khoan khoái.

Truyện ngắn của NGUYỄN HUY SÚC



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]