(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng tôi có một con hón chảy từ hồ Cựu Mã Giang (sông Lỗi Giang cũ), xã Yên Trung, ra ghềnh Kiểu, sông Mã, được gọi là Hón Máu. Theo các cụ cao niên trong làng, ngày xưa, nước Hón đỏ như máu nên gọi là Hón Máu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hón Máu

Làng tôi có một con hón chảy từ hồ Cựu Mã Giang (sông Lỗi Giang cũ), xã Yên Trung, ra ghềnh Kiểu, sông Mã, được gọi là Hón Máu. Theo các cụ cao niên trong làng, ngày xưa, nước Hón đỏ như máu nên gọi là Hón Máu.

Ngày tôi còn nhỏ, nước hón thường có màu đùng đục vàng vàng da lươn. Khi động trời, nước hón chuyển sang màu đỏ lờ lờ máu cá. Nhiều chỗ nước bộn lên vằn đỏ vằn tía đặc như máu đỉa.

Tương truyền rằng, Hón Máu được đào vào thời Lê Trung Hưng, khoảng giữa thế kỷ XVI. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê bằng hình thức ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi, Nguyễn Kim cùng một số quan văn, võ, tướng lĩnh trung thành với nhà Lê kéo nhau về Thanh Hóa chống lại Mạc Đăng Dung. Năm 1533, Lê Ninh được Nguyễn Kim phò tá lên ngôi, tức Lê Trang Tông lập kinh đô Vạn Lại (tại xã Xuân Châu, Thọ Minh, Thọ Lập huyện Thọ Xuân). Triều Lê Trung Hưng bắt đầu từ đó. Năm 1545, Nguyễn Kim bị đầu độc chết. Trịnh Kiểm, con rể của Nguyễn Kim nắm toàn quyền điều binh khiển tướng chống lại Mạc Đăng Dung, khôi phục nhà Lê. Năm 1548, Lê Trang Tông chết. Trịnh Kiểm lập Lê Trung Tông làm vua. Năm 1556, Lê Trung Tông chết, ông lập Lê Anh Tông nối ngôi.

Trong giai đoạn này, làng tôi có một người tên là Trương Quốc Hoa. Ông là một võ tướng, làm đến chức quan Thượng thư Bộ binh dưới triều của vua Lê Anh Tông. Ông có dáng người cao, to, đi, đứng, nói năng toát vẻ oai phong lẫm liệt. Màu da ông đen bóng. Vì thế, dân gian gọi ông là quan Thượng Đen. Trong sử cũ, làng tôi có tên là Điền Thôn. Điền Thôn là làng của quan Thượng Đen nên dân gian trong vùng gọi là làng Quan Thượng Đen. Trải qua năm tháng, hai chữ “Quan Thượng” bị thời gian bào mòn. Làng Quan Thượng Đen chỉ còn lại chữ “Đen”. Làng tôi thành làng Đen từ lúc nào không rõ. Đi đâu người ta cũng chỉ gọi làng Đen, hỏi làng Đen. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng tôi có tên mới là làng Thọ Lộc. Nhưng chẳng mấy ai biết làng Thọ Lộc. Gần bảy, tám chục năm khai sinh, cái tên Thọ Lộc hầu như vẫn xa lạ với nhân dân trong vùng. Nhưng nói đến làng Đen, họ nhận ra ngay. Cái tên làng Đen ám ảnh thế, sâu sắc thế. Đó chỉ là cách gọi truyền miệng theo màu da của quan Thượng thư Trương Quốc Hoa cách đây hơn bốn thế kỷ. Ảnh hưởng của ngài Thượng Đen còn mãi tận bây giờ.

Lại nói, khi Lê Anh Tông được Trịnh Kiểm lập làm vua, Quan thượng Thư Trương Quốc Hoa, tức Quan Thượng Đen, rất được vua quý mến. Vua luôn muốn Trương Quốc Hoa vào triều để được gặp mặt, đàm đạo. Ông nổi tiếng là người cương trực, trung thực, thật thà, ngay thẳng, đức độ, một lòng trung thành phò tá vua. Trịnh Kiểm cũng rất quý trọng ông, nể trọng ông. Có ông ở bên cạnh là vua rất yên tâm.

Giai đoạn này, quân nhà Mạc (từ Mạc Đăng Dung qua Mạc Kính Điển, đến Mạc Mậu Hợp) liên tục cho quân đánh vào Thanh Hóa hòng xóa sổ Kinh đô Vạn Lại, xóa sổ nhà Lê Trung Hưng. Trịnh Kiểm (sau này là Trịnh Cối, Trịnh Tùng) cho xây nhiều phòng tuyến dọc Cựu Mã Giang, dọc sông Lường (sông Chu), cũng như tả hữu Lỗi Giang (sông Mã) để chống lại quân nhà Mạc. Quan Thượng thư Trương Quốc Hoa được sai đem quân lính về bờ bắc Cựu Mã Giang xây tiền đồn, dựng trại bảo vệ Kinh đô Vạn Lại. Làng tôi là nơi ông đóng quân, dựng trại, tập luyện binh sĩ. Dấu ấn thời trận mạc nơi ông đóng quân chống nhà Mạc vẫn lưu lại các địa danh của làng. Cánh đồng nơi ông nhốt voi, buộc voi, luyện voi thì gọi là Tàu Voi. Cánh đồng nơi ông nhốt ngựa, buộc ngựa, luyện tập ngựa chiến gọi là Mã Gia. Cánh đồng nơi ông luyện tập quân sỹ bắn cung, bắn nỏ gọi là Trường Bắn. Cánh đồng nơi ông lập dinh chỉ huy, ra các quyết định, phán xét công việc gọi là Đồng Phán... Ông đã chỉ huy quan sĩ, trực tiếp chiến đấu giành rất nhiều chiến công. Những chiến công của ông cùng với chiến công của các đạo quân khác trên phòng tuyến Cửa Thần Phù, sông Lèn, trận địa Ba Bông, Lỗi Giang, Sóc Sơn, Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc bây giờ) đã góp phần đánh tan ý đồ của quân Mạc, giữ vững được kinh đô Vạn Lại.

Ảnh hưởng của ông ngày càng lớn đối với vua và triều đình. Thấy thế, một số quan nịnh thần tìm cách hãm hại ông. Họ tâu với vua rằng, đất quan Thượng thư Trương Quốc Hoa ở là thế đất phát vương. Dải đất từ Hổ Bái bên hữu ngạn Cựu Mã Giang ngược lên phía bắc (cồn cát nổi giữa hai nhánh Cựu Mã Giang) là thế đất hình con rồng. Làng Điền Thôn chính là đầu của con rồng. Phải triệt thế đất ấy để trừ hậu họa cho mai sau. Nghe lời xiêm nịnh, vua cho thầy địa lý về nghiên cứu thế đất làng Điền Thôn để tìm cách triệt hạ. Các thầy địa lý đã tìm ra cách. Đó là đào một con hón cắt đứt long mạch của làng Điền Thôn, nơi sinh ra quan Thượng thư Trương Quốc Hoa. Con hón ấy bắt đầu từ đầu làng Thọ Lộc, chạy xuyên cánh đồng Phốc làng tôi, men theo bìa làng Lạc Tụ, chạy qua làng Kiểu và đổ vào ghềnh Kiểu. Chiều dài con hón khoảng hai cây số.

Theo các cụ truyền lại, khi cắt đứt mạch đất chỗ đầu làng, thông Cựu Mã Giang vào Lỗi Giang, mạch nước hón phun lên đỏ ngầu như máu. Mọi người kinh hãi thốt lên: Máu! Hón máu! Ai cũng tin cổ con rồng đã bị chặt đứt. Cây cối trong làng tự nhiên đổi màu. Thấy thế, các cụ, người dân trong làng lập đàn, làm cỗ, bày hoa quả thắp hương khấn vái lạy trời đất.

Chặt đứt được long mạch rồi bọn quan nịnh thần vẫn chưa yên tâm. Họ lại tâu với vua một việc vô cùng hệ trọng. Hình như Quan Thượng thư đang có mưu đồ làm phản. Từ khi đem binh lính về làng đóng quân, thấy quan Thượng thư xây một khu nhà rất rộng, xây kín xung quanh, tuyệt đối không được ai vào. Đích thân ông đi khắp vùng mua những cây mít cổ thụ mấy người ôm, cưa cắt cẩn thận chở về. Ngày nào cũng đèn nhang hương khói. Họ xì xào bàn tán quan Thượng thư mượn thầy phù thủy cao tay về yểm bùa ngầm hại vua chúa. Bán tín, bán nghi, vua cho người dò la hư thực. Kẻ thám thính về tấu trình quả có việc đó. Lời gièm pha càng ngày càng lớn lên, thúc ép vua phải nhanh chóng trừ khử Trương Quốc Hoa. Nếu để lâu tất có biến. Nhưng trừ bằng cách nào? Trong lòng vua vẫn vô cùng yêu mến quan Thượng thư. Vua phân vân lắm. Thấy vua chần chừ không quyết, bọn nịnh thần bày kế hiểm. Được tin nhà Mạc sắp cho 500 chiến thuyền đánh vào Thanh Hóa. Không chi bằng cử quan Thượng thư Trương Quốc Hoa làm tướng tiên phong ra vùng Tống Sơn, Thần Phù đánh chặn để thử thách lòng trung thành. Nếu thắng trận về thì vua ban thưởng. Nếu thua, Trương Quốc Hoa bị nhà Mạc giết. Như thế là một mũi tên trúng hai đích. Vua cũng không phải mang tiếng hãm hại đại thần.

Theo một số tư liệu sử cũ Thanh Hóa, khoảng năm 1576 - 1579, trong trận chiến ác liệt với quân nhà Mạc, sáu tướng của vua Lê Anh Tông bị bắt. Năm người kia đầu hàng nhà Mạc, được Mạc Kính Điển trọng dụng. Riêng Trương Quốc Hoa không đầu hàng nhà Mạc, bị nhà Mạc thủ tiêu, ném mất xác.

Lại nói về vua Lê Anh Tông. Nhân lúc Trương Quốc Hoa đem quân đi chặn quân nhà Mạc. Vua cho lục soát nơi tư dinh, doanh trại của Trương Quốc Hoa ở làng Điền Thôn (tức làng Thọ Lộc bây giờ) với niềm tin sẽ tìm thấy bằng chứng làm phản của Trương Quốc Hoa. Khi tháo cửa căn nhà bấy lâu đóng kín, không cho bất cứ ai lui tới, một sự thật làm vua sững sờ. Trước mắt vua là một pho tượng vua. Đúng là vua. Giống hệt vua từng chi tiết. Trương Quốc Hoa đang tạc tượng vua. Bức tượng uy nghi, thần thái, sáng láng. Tất cả hầu như đã hoàn hảo. Riêng khuôn mặt, mới một con mắt được hoàn thành. Còn một con mắt nữa đang dang dở. Vua chết lặng trước pho tượng. Đúng lúc ấy, vua nhận được tin sáu tướng bị bắt, Trương Quốc Hoa bị giết. Vua thốt lên, ta đúng là vua một mắt. Ta đã giết chết một tướng tài, giết chết một vị tướng trung thành. Ta thật mù quáng.

Nhiều năm hạn hán. Cánh đồng Phốc nứt nẻ khô cạn. Hón máu chỉ có nước vào mùa mưa. Trong quy hoạch thủy lợi, hồ Cựu Mã Giang là nơi dự trữ nước ngọt từ Cửa Đặt dẫn về. Đây là hồ sinh thái lớn nhất khu vực các xã Yên Trung, Yên Thọ, Yên Bái, Yên Trường, Yên Tâm, Yên Lâm, Yên Phú, Yên Giang, Yên Ninh, Yên Lạc, Yên Hùng, Quý Lộc của huyện Yên Định. Chỗ cổ con rồng bị chặt đứt ấy, bây giờ được Nhà nước đầu tư xây đập tràn. Ngay cạnh đập tràn là cây cầu vào làng Thọ Lộc. Làng tôi đấy. Làng Trương Quốc Hoa xưa đấy. Rất nhiều người về làng tôi thăm đền thờ Lý Thường Kiệt, khi đến đầu làng, dừng lại cây cầu đầu làng, ngắm cổng làng có dòng chữ “Làng Thọ Lộc kính chào quý khách”, ngắm Cựu Mã Giang, chụp ảnh Cựu Mã Giang, chụp ảnh núi Lời, núi Hà thơ mộng. Nhưng không phải ai cũng biết dưới chân họ là Hón Máu. Con hón gắn liền với câu chuyện Bức tượng vua một mắt. Họ đang đứng ngay giữa chỗ cổ con rồng cách đây hơn bốn trăm năm bị chặt đứt.

Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm


Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]