(vhds.baothanhhoa.vn) - Những người tham gia CLB hát Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa đều là những người đã ở độ tuổi từ 50, thậm chí có người trên 80 tuổi. Mặc cho những hạn chế về sức khỏe, nhưng họ vẫn yêu tuồng cổ đến căng tràn. Đó chính là động lực để họ vượt qua những ngày khó khăn, duy trì hoạt động và tạo được những tiếng vang đáng kể...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lưu giữ nét văn hóa hát tuồng cổ ở Hoằng Quỳ

Những người tham gia CLB hát Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa đều là những người đã ở độ tuổi từ 50, thậm chí có người trên 80 tuổi. Mặc cho những hạn chế về sức khỏe, nhưng họ vẫn yêu tuồng cổ đến căng tràn. Đó chính là động lực để họ vượt qua những ngày khó khăn, duy trì hoạt động và tạo được những tiếng vang đáng kể...

Ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Minh Công - thành viên của CLB hát Tuồng cổ Hoằng Quỳ - ở thôn Ích Hạ từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người say mê nghệ thuật tuồng. Thường thì một tháng mọi người tập trung một lần, thậm chí có những đợt tham gia hội làng, các hoạt động của xã, thậm chí là của huyện, bà con khi nào rảnh rỗi lại với nhau để tập luyện nhiều hơn. Chỉ tay về tấm phông treo giữa nhà, bác nói: Năm ngoái CLB vừa tổ chức 5 năm thành lập CLB Tuồng của xã. Hôm biểu diễn, những “nghệ nhân chân đất” như chúng tôi đã được đông đảo bà con đến xem, ủng hộ. Vui lắm khi còn nhiều người vẫn còn quan tâm đến nghệ thuật tuồng. Không chỉ có bà con trong làng, trong xã mà ở những xã lân cận cũng có nhiều người viết đơn tự nguyện tham gia sinh hoạt trong CLB.

Ông Lê Đỗ Khải - Chủ nhiệm CLB hát Tuồng cổ bộc bạch: “Bản thân tôi cũng như mọi thành viên trong CLB thì hát tuồng là sự say mê, nó không chỉ là sở thích cá nhân, đem lại niềm vui cho chúng tôi trong cuộc sống mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII). Cùng niềm đam mê chúng tôi tìm đến nhau để tập luyện, chia sẻ kinh nghiệm. Thế nhưng có một số người không hiểu, cho rằng chúng tôi là người ưa “nhảy nhót” hay là những người rỗi việc, vác tù và hàng tổng...” Thoáng một chút buồn, ông Khải chia sẻ, là vốn văn hóa quý báu mà cha ông truyền lại thì thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy nó. Nếu như không có sự hiểu biết, niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật tuồng thì khó có thể các thành viên tập hợp lại được với nhau để thành lập được CLB.

Dù tuổi đã cao, nhưng nhiều thành viên trong CLB hát Tuồng cổ Hoằng Quỳ vẫn hăng say tập luyện với những mong giữ lại vốn văn hóa quý của cha ông để lại.

Nghệ thuật tuồng đòi hỏi người nghệ sỹ luôn phải học, yêu nghề, phải khổ công rèn luyện. Ðể thực hiện động tác tuồng cần phối hợp nhuần nhuyễn các động tác, từ ngón tay, khuỷu tay, gân tay cho tới cơ bắp, thân hình. Nếu không rèn luyện được hơi khỏe sẽ không hát được tuồng, thể hiện được khí chất của từng nhân vật. Chính vì vậy các thành viên trong CLB luôn chú trọng tập luyện. Được thành lập từ năm 2012 với 5 thành viên, đến nay CLB đã có 28 thành viên tham gia, hầu hết là những người cao tuổi đam mê nghệ thuật tuồng cổ. Từ cơ chế kích cầu của huyện cho 20 triệu cho việc thành lập CLB và hàng năm hỗ trợ thêm 5 triệu việc tập luyện, các thành viên trong CLB đã tự nguyện đóng góp 300.000 đồng/thành viên để thăm hỏi lẫn nhau, mua sắm trang phục, đạo cụ phục vụ biểu diễn.

Cũng như rất nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, những năm đầu mới thành lập CLB Tuồng cổ Hoằng Quỳ đã gặp không ít khó khăn do bộ môn nghệ thuật này đang dần bị mai một, đôi khi có những thành viên chán nản muốn bỏ cuộc. Thế nhưng bằng niềm đam mê với nghệ thuật, biết kế thừa truyền thống của vùng đất là cái nôi của trò diễn, hát bội năm xưa với các bậc tiền nhân như Cả Tốn, Cả Tấn, Đăng Sắt, Đăng Vu... các thành viên giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt qua được những khó khăn và đã tạo được dấu ấn trong lòng không ít người dân xứ Thanh. Trong 5 năm qua, CLB Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ đã đọc và dàn dựng xong những trích đoạn tuồng cổ gồm: vở Triệu Trinh Nương đề cờ, Triệu Tử tuần giang, Đổng Lân qua đèo, Châu Long dệt gấm và Đô thống Đại tướng quân Lê Phụng Hiểu. Cũng trong 5 năm, CLB đã vũ đạo thành công 2 bài hát múa: chầu văn cô bé và lời ru của mẹ; trình làng 13 đêm diễn tại các làng văn hoá trong huyện và tham gia giúp đỡ 15 CLB ở nhiều xã trên địa bàn huyện.

Khi chúng tôi hỏi trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, CLB có đủ trang phục, đạo cụ cho các buổi biểu diễn không? ông Lê Đỗ Khải - Chủ nhiệm CLB hát Tuồng cổ Hoằng Quỳ tự hào cho biết: Hiện nay CLB có 3 thùng quần áo, mũ các loại. Những trang phục, đạo cụ này đều được kế thừa từ những gánh hát xưa để lại. Có những bộ đã bị rách, các thành viên trong CLB thiết kế, chỉnh sửa lại cho phù hợp với từng vai diễn. Thậm chí các bác còn là người đi đến tận Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa xin thêm trang phục để phục vụ cho hoạt động biểu diễn trong CLB.

Ông Đoàn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ cho biết: Trong những năm qua xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho CLB duy trì và ngày càng phát triển. Với kinh nghiệm và tình yêu nghệ thuật tuồng, những thành viên trong CLB đã và đang góp phần tích cực làm sống dậy vốn văn hóa phi vật thể mà cha ông để lại. Những việc làm của các bác trong những năm qua thật đáng trân trọng và tin rằng ngọn lửa đam mê nghệ thuật tuồng sẽ tiếp tục được các thành viên trong CLB gìn giữ để bộ môn nghệ thuật truyền thống này ngày càng lan tỏa.

Trung Hiếu


Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]