(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ Thím Cò Khoai, đến Cô gái Mường Biện, nơi có những Gốc gội sù sì... là cuộc di cư đầy dấu ấn của một cô gái ra đi từ thung lũng Si Rồ miền rừng phía Tây Thanh Hóa để trở thành nữ nhà văn vang danh của xứ Thanh - Hà Cẩm Anh hôm nay!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người đi từ thung lũng Si Rồ

Từ Thím Cò Khoai, đến Cô gái Mường Biện, nơi có những Gốc gội sù sì... là cuộc di cư đầy dấu ấn của một cô gái ra đi từ thung lũng Si Rồ miền rừng phía Tây Thanh Hóa để trở thành nữ nhà văn vang danh của xứ Thanh - Hà Cẩm Anh hôm nay!

Tùy bút của Viên Lan Anh

Nhà văn Hà Cẩm Anh có 10 tập sách in riêng, trong đó có 6 tập truyện ngắn do các NXB Hội Nhà văn, NXB Thanh Hóa, NXB Dân tộc thiểu số... ấn hành như: Mưa bụi; Người con gái Mường Biện; Nước mắt của đá; Bài xường ru từ núi; Bình minh xanh; Một nửa người đàn bà. 4 tập viết cho thiếu nhi: Những đứa trẻ mồ côi; Lão thần rừng nhỏ bé; Chẫu chàng cóc tía và cư dân xóm bờ ao; Con cọp và người anh hùng. 3 tiểu thuyết: Đồng đội; Lửa đỏ; Lính nghĩa vụ và 2 kịch bản điện ảnh...

Nhà văn Hà Cẩm Anh tên thật là Hà Thị Ngọ, sinh năm 1948, quê ở Chòm Mõ, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Vào cuối năm 1963, chị đang học dở lớp 5, phải bỏ học vì gia đình bố mẹ đông con, kinh tế khó khăn, vả lại bằng tuổi chị con gái ở Chòm Mỗ đâu có học nhiều, về làm nương, rẫy mấy năm, lông lống là có nhà đến dạm cưới. Chị cũng không là một ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng chính trong những ngày phải bỏ học, chị ngồi nhà viết truyện ngắn đầu tay: “Thím Cò Khoai”. Truyện ngắn được đăng trên tạp chí “Người bạn văn hóa”, đã được đông đảo bạn đọc ngày ấy khen ngợi. Không cam chịu chuyện lấy chồng sớm, chị xin đi làm ở trại chăn nuôi hợp tác xã Cẩm Phong, đến tháng 2/1968, chị được Ty Văn hóa Thanh Hóa điều động về công tác tại Ty Văn hóa; tháng 8/1996, chị được đi học lớp Bổ túc Công nông, đến tháng 5/1972, được điều động về Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa; tháng 9/1973 chị được đi học Khóa 6, Viết văn Nguyễn Du. Sau khi học xong, chị được về công tác tại văn phòng Hội VHNT Thanh Hóa. Năm 2000, chị nghỉ hưu trí. Nay ở tuổi 72, chị vẫn miệt mài với những trang viết, cho dù những trận ốm do bệnh tim mạch, viêm phổi, gan mật... hành hạ, thi thoảng khiến chị phải ngừng viết để nhập viện.

Chị kết duyên cùng nhà điêu khắc Lê Xuân Hùng, người dựng cụm tượng Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên ở Rừng Thông, Thanh Hóa. Do sức khỏe yếu, chồng chị mất sau thời gian chữa bệnh kéo dài. Một nách hai con nhỏ, chị được anh chị em văn nghệ sĩ xứ Thanh động viên, đùm bọc qua những ngày khó khăn. Và rồi cũng tận năm 2000 “về hưu”, chị mới dành toàn tâm cho những trang viết. Trong suốt gần hai mươi năm, bình quân cứ ba năm chị có hai tập sách ra đời. 10 tập truyện ngắn, 3 tập tiểu thuyết, 2 kịch bản phim đã ra đời từ năm 2000 đến nay.

Nhìn chung, những nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ của Hà Cẩm Anh hầu hết sinh ra, chết đi, hoặc đi ra từ thung lũng Si Rồ. Nếu kịch sân khấu lấy sân khấu là nơi trình diễn các nhân vật, thì thung lũng Si Rồ chính là cái “sân khấu” văn học tràn ngập hình ảnh lung linh, huyền ảo, tăm tối, đau thương,... của cảnh núi rừng Mường Trong để chị khái quát thành những hình tượng văn học lấp lánh tính nhân văn cho dù thân phận những nhân vật đó luôn thuộc những phận người thiệt thòi từ khi sinh ra, quabão giông cuộc đời, những vấp ngã trầy xước rồi vẫn lạc quan,tự vươn lên như cây rừng,để đứng vững mà ngân lên cho mình một cái tên giữa bao la núi rừng.

Văn nhân, bạn bè Thanh Hóa có một thời ít ai gọi nhà văn Hà Cẩm Anh như bút danh, mà luôn gọi tên cho chị như tác phẩm đầu đời của chị là: “Thím Cò Khoai” đúng như hình dáng chị với dáng đi lúc nào cũng lọm khọm, mặt mũi luôn rầu rĩ, ngơ ngác... Khi gọi chị là Thím Cò Khoai chị chỉ cười xòa: “Gọi răng cũng được. Mình lấy bút danh Hà Cẩm Anh là có lý do. Hà là danh thắng nổi tiếng Cửa Hà của Cẩm Thủy, Cẩm tên mở đầu của xã và huyện, Anh là sự minh triết, sáng láng” để mình phấn đấu những tác phẩm sau phải hay hơn tác phẩm trước... Đúng như vậy. Bao tinh hoa, tinh túy chị dồn cho những tác phẩm văn học, để rồi các truyện ngắn, tiểu thuyết của chị hay bao nhiêu, cái lưng chị còng xuống bấy nhiêu...

Chị nói với tôi: "Tuổi già ăn uống, ngủ nghỉ thất thường nên chị nói với vợ chồng con trai và con gái cho chị ăn uống độc lập. Với hơn ba triệu tiền lương hưu, thi thoảng có thêm chút nhuận bút, để sống một cuộc sống chan hòa với anh em gia đình, dòng họ, bạn bè, lúc này chuyện vui, lúc khác chuyện buồn là điều khó khăn. Chị ăn riêng cũng là để tiết kiệm tiền in sách và mua thuốc. Từ thuốc đau mắt tới đau đầu, đau dạ dày, đau tim, viêm phổi, hen phế quản... Dù vậy, nhưng cứ mỗi cuốn sách ra đời, chị như có thêm sức mạnh để bắt tay viết tới cuốn khác và cơ bản là để... quên mình đang có bệnh"!

Mỗi lần tôi tới thăm chị, chưa kịp đá chân chống xe, cởi mũ xe máy, chị đã rũ rượi bước ra, tay run run mở cổng và than: “Mình đang ốm quá!”. Tôi với chị lúc như chị em gái, lúc như bạn nên tôi xót chị nên xẵng giọng: “Ai bắt tội bà? Mệt thì nghỉ!”. “Nhưng càng nghỉ, ngồi buồn càng ốm cậu ạ”. “Sao lạ thế được?”. "Thì vì... vì tớ chả còn đồng nào tiêu nên phát ốm chứ sao! Tiền lương in sách chả bán được, chỉ tặng bạn là chính”. “Thế..., bây giờ chị nên đi công tác với em viết bút ký đăng báo cho khỏe người, cứ ủ rủ cả ngày trong nhà chỉ trầm cảm rồi sinh bệnh mà ốm thêm”.

Tôi không nhớ hết, có biết bao nhiêu lần chị em chúng tôi băng rừng, vượt suối trên chiếc xe máy cà tàng về các bản làng xa xôi để viết ký. Được về rừng, “người con gái Mường Biện” như cá gặp nước. Nhiều bút ký hay chị viết về xây dựng đời sống nông thôn mới miền núi, đã ra đời từ những chuyến đi đầy ấn tượng của chị và tôi.

Tới thăm chị, bao giờ tôi cũng làm một động tác thô lỗ là lật hết tủ lạnh, xoong nồi ra xem chị đang ăn uống ra sao? Chế độ ăn hàng ngày của chị, kiệm đến mức tôi không chịu nổi. Một bữa ăn cắm cơm cho cả ngày từ ăn sáng, trưa và tới chiều. Thức ăn chỉ có nồi canh rau ngót chị tự trồng với cá trích kho khô. Có hôm thì không có cá, thay bằng ít thịt nấu không gia vị và ít vừng, lạc. Biết chị ít quan tâm đến bản thân mình nên có lần chị ốm, tôi tặng chị ít hộp sữa đặc để khi say viết quá, chị có thể uống sữa thay cho bữa ăn chưa kịp chuẩn bị. Một thời gian sau xuống thăm chị tôi thấy sức khỏe của chị thay đổi, da dẻ sáng lên. Tôi hỏi: “Bà có bí quyết gì mà hôm nay..., nói như nhà văn Xuân Ba, nom kháu lão thế?”. Nhà văn Hà Cẩm Anh cười khì khì: “Nhờ cậu đấy... Cậu mua sữa hộp thăm tớ đận ốm, sau đó tớ cứ theo đó mua thêm uống dần, tự dưng thấy người khỏe ra... Đơn giản có thế mà bao nhiêu năm tớ không nghĩ ra".

Từ Thím Cò Khoai, đến Cô gái Mường Biện, nơi có những Gốc gội sù sì... là cuộc di cư đầy dấu ấn của một cô gái ra đi từ thung lũng Si Rồ miền rừng phía Tây Thanh Hóa để trở thành nữ nhà văn vang danh của xứ Thanh - Hà Cẩm Anh hôm nay! Phải chăng, chị đang viết để trả ơn dòng sữa ngọt ngào như suối nguồn Cửa Hà Cẩm Thủy đã nuôi chị nên người và trả ơn cuộc đời nâng bước chân chị đi từ thung lũng Si Rồ tới với đề cử danh sách tham gia Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ X. Vinh dự thật xứng đáng với chị trong hai mươi năm lầm lũi viết nên những trang văn quằn quại khổ đau và cũng ngập tràn tha thiết, ngọt ngào, lạc quan, lung linh, thánh thiện có trong những nguyên mẫu đất và ngườixứ Thanh. Chị được tặng thưởng Giải Nhất Hội nhà văn với tác phẩm truyện ngắn “Gốc gội sù sì” và nhiều giải thưởng văn học cho tác tác phẩm khác của Hội Nhà văn, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và nhiều giải thưởng các ngành cùng giải thưởng văn học Lê Thánh Tông của Thanh Hóa. Chị như bông lúa cuối đầu, vì đó là “bông lúa nặng hạt”! Chúc mừng nữ văn sỹ xứ Thanh - Hà Cẩm Anh!

Viên Lan Anh


Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]