(vhds.baothanhhoa.vn) - Tên tập thơ “Đò ngang ngược sóng” (Lê Đáng, NXB Hội Nhà văn) mới nghe đã gợi về một cảnh đời, thân phận người con gái bước sang nhà chồng có gì ngang trái, chịu đựng, buồn thương. Cuộc đời của người chị có ám vào đời em không mà buồn thế:

Người “lỡ” vào cuộc chơi

Tên tập thơ “Đò ngang ngược sóng” (Lê Đáng, NXB Hội Nhà văn) mới nghe đã gợi về một cảnh đời, thân phận người con gái bước sang nhà chồng có gì ngang trái, chịu đựng, buồn thương. Cuộc đời của người chị có ám vào đời em không mà buồn thế:

"Từ độ chị bước sang ngang

Em về vớt mảnh trăng vàng

đáy sông

Nắng nhạt chẳng đủ đem hong

Mộng xưa níu chẽn lúa đòng

phất phơ...".

Để rồi khi đã đi qua dại khờ thì đã muộn mằn, chỉ còn biết “vọng về bên ấy, ngẩn ngơ đò chiều”.

Người ta có thể giấu mình vào các nhân vật diễn trò sân khấu; các quan chức sang trọng, những đại gia bề thế, người tri thức, kẻ bình dân; giấu vào truyện kể, tiếng hát, tiếng đàn... Nhưng thật khó giấu vào thơ. Vì thơ chính là tâm trạng hồn cốt của cá nhân. Không giấu mình, Lê Đáng một lần “với biển” bộc lộ không một chút e dè:

“Ì... oạp nhịp tim... cái bữa...

Dòng hôi hổi tựa dậy thì.

...

Nắng em bên người trong trẻo

Hoa vườn nhà bỗng ngát hương

Dùng dằng máu hồng nghẽn lối

Thì thôi

Chung chỉ đoạn đường”.

Bài thơ kể tiếp:

“Nay lại gặp người... cái bữa...

Hỏi rằng: - Em lấy anh không?

Đáp rằng: - Mừng anh vẫn khỏe

Về em còn nấu cơm chồng.

Em đi gió cay thốc ngược

Cả chiều đổ bóng vào anh

Phố hãy ôm người nghe phố

Đường về xa lắm khúc quanh”.

(Với biển)

Một nỗi hoài vọng vừa nghẹn ngào vừa thương cảm: “Cả chiều đổ bóng vào anh”, câu thơ thật tài hoa.

Vào một ngày nào đó lại thật thà nói lời “em nợ anh một cái gật đầu”.

“Áp mặt vào ngực anh

Lắng trọn bản giao hưởng trái tim lênh loang trên biển.

Hoàng hôn ngọt lịm

Vàng mười tan chảy trong nhau”.

(Em nợ anh một cái gật đầu)

Hình như có một cuộc tình từ biển, ở biển khắc khoải trong đời, Lê Đáng không thể giấu mình, không nỡ giấu người. Thơ là vậy, thơ tình là vậy, tình yêu là vậy, có giấu cũng không được. Giống như truyện tình của chàng trai đánh cá nghèo Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung tắm trên bãi cát hoang sơ ngày xưa:

“Vùi thân vào cát tưởng yên

Gáo em mới dội đã nguyên

hình hài”.

(Thơ Trương Nam Hương)

Cho nên dù tự xưng là anh, em, tôi, ta,... thì tựu chung vẫn là tình cảm, tâm trạng chủ ý của tác giả. Đây là thái độ quả quyết, tự tin:

“Em đã sống cuộc đời sóng bể

Ghềnh thác cuộc người chênh mấy cũng cân”.

Hay:

“Người mang tình cảm ra chia

Ta cho người tất, ta về tay không”.

(Chia)

Sóng biển cứ ồn ào nôn nóng, tình yêu cứ thì thầm mách bảo nữ sĩ ơi hãy giữ lấy mảnh đất ấy cho thơ!

Bài thơ “Anh” giống như một ngôi nhà mở cửa, thắp lên ngọn đèn yên tĩnh:

“Dẫu người đời vẫn đong đếm thiệt hơn

Anh ghé vai kê trăm ngàn

chỗ lệch

Bên anh ghềnh thác hóa

đất bằng”.

Có được người “chở che... kê trăm ngàn chỗ lệch” trong đời, Lê Đáng dành cho mình một thế giới riêng - thi ca - thế giới tự do và sáng tạo.

“Đò ngang ngược sóng” có nhiều câu thơ bất thần vượt bay lên từ “Bến quê”:

“Đâu đây vẳng tiếng hò song

Cầu phao “cưới” cả đò sông

thuở nào”.

Chỉ có một từ “cưới” mà làm sống dậy cả một thời, làm mới cho câu thơ lục bát quen thuộc.

Lại có câu vụt bay ra từ “khúc ru” của mẹ:

“Đôi môi con chúm chím cười

Mà đan cột cả đất trời vào ta”.

Từ cụ thể đến khái quát trừu tượng, câu thơ thật đa nghĩa. Lại có câu vụt bay ra từ một lần “chạm” vào phố:

“Phố đang thức bỗng mơ màng ...

Gió khuôn rồi ... bỗng lang thang không nhà”.

Gió bị khuôn trong các ngõ phố, gió hóa ra người lang thang không nhà, gió làm thi sĩ.

Có quan niệm cho rằng: Đi vào thơ là đi vào cuộc chơi, họ dấn thân tận cùng. Hình như Lê Đáng cũng thuộc “loài nghệ sĩ” này. Chị có câu thơ:

“Ngỡ là chỉ một cuộc chơi

Ai ngờ đến tận cuối trời vẫn theo”.

Chị như “Nắng dùng dằng muôn lối/ Đem vào rải cát rong chơi”. Rồi đi tìm trong mơ, trong ảo tưởng “bơ vơ, thảng thốt...”:

“Đường xưa bất chợt thêm dài

Ti gôn khóc...

Rụng đầy hai lối về”.

Nhà thơ Hy Lạp Yiannis Ritsos nói: “Người ta cần thơ ca ở chỗ nó nâng cấp đời sống của con người lên một tầm mức cao thượng hơn, đẹp hơn, tự do hơn, cất mình khỏi “những sự đời” luôn độc ác, kéo con người xuống sát đất”.

Đọc “Đò ngang ngược sóng”, ta nhận ra Lê Đáng biết nuôi thơ cho cuộc đời mình.

Văn Đắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]