(vhds.baothanhhoa.vn) - Cụ Nguyễn Xuân Dương vốn là nhà giáo, nhà nghiên cứu và dịch giả nổi tiếng. Cụ thuộc lớp người "xưa nay hiếm". Tên tuổi và nhân cách cụ cho tôi cảm nhận về thế hệ “vang bóng một thời”. Ở lứa tuổi cụ, ít ai vẫn hoạt bát, cần mẫn và ngay ngắn trong văn chương, học thuật và đời như cụ được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà giáo Nguyễn Xuân Dương - Lần giở trước đèn - cảo thơm những trang văn

Cụ Nguyễn Xuân Dương vốn là nhà giáo, nhà nghiên cứu và dịch giả nổi tiếng. Cụ thuộc lớp người "xưa nay hiếm". Tên tuổi và nhân cách cụ cho tôi cảm nhận về thế hệ “vang bóng một thời”. Ở lứa tuổi cụ, ít ai vẫn hoạt bát, cần mẫn và ngay ngắn trong văn chương, học thuật và đời như cụ được.

Cụ quen, quý tôi coi tôi như con cháu trong nhà. Hơn thế, biết tôi là người chuyên "chăm lo, hầu hạ" sách vở thiên hạ, cụ rất quý! Có lúc nhàn tản cụ quá bộ đến cơ quan tôi chơi. Đó là khi cơ quan ở trụ sở cũ tại 25 Cửa Tả. Cụ đi chiếc xe đạp rồi để ngay ngắn ở góc tường nhà. Nhìn cụ có cái nét thư sinh đến tuổi ngoài 90 vẫn còn trong nét cười, dáng người và nước da trắng. Cả cái sự nho nhã mà cụ thể hiện khi bắt tay và cách nói chuyện cùng người trên, người dưới... Cụ rất giỏi tiếng Pháp. Tôi nể trọng cụ vô cùng. Đôi khi thấy nhớ tôi lại tạt qua nhà thăm cụ, khi thì cụ tặng sách, khi rảnh rỗi nhiều thì ngồi uống chén trà nóng rồi trôi vào mạn đàm, trao đổi đủ mọi thứ chuyện. Ngắm cụ say sưa, giọng nói thư thái, khỏe khoắn, tôi đâm ra hấp dẫn chuyện cụ kể từ lúc nào, nhiều lần tôi cứ như lá thu hút gió lăn dài theo chuyện đời của cụ.

Lần giở trước đèn là cuốn sách nghiên cứu văn hóa do Nxb Thông tin và truyền thông, ấn hành 2011, cụ tặng tôi trong một lần đến thăm cụ tại nhà. Rồi một ngày thu 2018, cụ Nguyễn Xuân Dương đi về cõi vĩnh hằng đúng ngày sinh nhật, khi chạm tuổi 100 tròn. Tiếc thương một tài năng và nhân cách, tôi lần giở chiêm nghiệm những trang sách của cụ viết để kính cẩn nhắc nhớ, hình dung lại những trang đời của cụ.

Ba trăm linh bốn trang sách, chia làm hai phần với hơn ba chục bài viết nhiều góc nhìn, chiều kích và vấn đề hướng đến nghiên cứu. Lúc thì nghe cụ "thuyết trình" về học thuyết Khổng Tử về nguồn gốc, giáo lý đạo Phật, bàn luận về những tư tưởng, việc làm một số triều đại xưa, đánh giá một số nhân vật lịch sử qua thi ca hoặc qua dấu tích còn sót lại hay vì này nọ mà họ đang chìm lấp hoặc bị điều tiếng, tìm cách xác minh hầu mong trả lại danh phận cho họ; khi thì lại bay bổng theo cụ trước một áng thơ hay mà quên đi bao vụn vặt đeo bám ở đời, lại có khi "trầm lắng" trước câu chuyện xưa, những phong tục tập quán khác lạ để rồi mê mẩn tản mạn xung quanh một chén trà...

Đọc sách cụ, mới thấy được khối lượng kiến thức cụ tích góp thật đồ sộ. Phần do cụ học hỏi qua sách vở, phần do sự " trường đời" của cụ mà có. Cụ lấy đó rồi soi chiếu vào những vấn đề tâm đắc, lý giải, gợi mở để câu chuyện trở nên có chiều kích... Vì thế. đọc bài viết nào của cụ cũng thấu đáo, rành rẽ, học hỏi được nhiều điều.

Khi bàn về học thuyết Khổng Tử cụ lấy ý kiến nhận định của học giả William James Durant: "Càng hiểu biết về nho giáo và người sáng lập ra nho giáo là Khổng Tử chúng ta càng ngạc nhiên thấy những lời giáo huấn của ông rất ít bị lỗi thời trước sự tiến bộ như vũ bão của khoa học và những biến đổi của thời thế", đối chiếu nó với những am tường của mình về học thuyết, rồi cụ lại đối chiếu giữa học thuyết với đời sống hiện tại để đi đến nhận xét: "Cho đến nay, nhiều khái niệm đạo đức của khổng giáo vẫn chứa đựng những yếu tố hợp lý, có giá trị" và việc "Vận dụng vào sự nghiệp xây dựng con người và xã hội hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa".

Về việc đánh giá những nhân vật lịch sử, cụ có quan điểm rất rõ rệt: "Những nhân vật kiệt xuất (Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hồ Chí Minh...) đối với đời sống cộng đồng họ đã được liệt vào hàng "công chí thủ" chỉ cần nghe nhắc đến tên họ là tất cả mọi người đã suy tôn là những bậc phi thường, vì thực tế là đối với đa số họ đã vượt lên rất xa về khí tiết, về trí tuệ, về tài năng, về nghị lực. Đối với các bậc này thì chúng ta rất dễ thống nhất với nhau, chẳng cần tốn công thảo luận, nếu có muốn phát biểu gì thêm thì cũng chỉ là tô đậm những khía cạnh xét ra còn mờ nhạt mà một số người chưa nhận thức rõ thôi". Vấn đề là ở chỗ: "Trong lịch sử phát triển của các dân tộc có những nhân vật mà tài năng, nhân cách, sự nghiệp, bị các thế hệ vì những lý do nào đấy mà nhìn nhận đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau" cần được nghiên cứu thận trọng, trả lại đúng vị trí của họ trước lịch sử.

Kiến thức của cụ về văn học cũng đáng nể. Nhìn cách đánh giá một tác phẩm văn học, nghệ thuật "có đầu, có đũa" qua các bài viết của cụ mới thấy cụ thận trọng, kỹ càng đến mức nào. Cụ không những phân tích giá trị nghệ thuật hiện hữu của bản thân tác phẩm mà còn ngược dòng thời gian tìm hiểu nguồn gốc hình thành nên tác phẩm đó. Câu chuyện cụ kể lôi cuốn người đọc, dẫn dụ họ nhập đồng để rồi không cần phải "kỹ lưỡng" lắm mà vẫn nhớ; không cần "vặn vô-lum" to, mà vẫn vang xa. Bài thơ ở bến Cô Tô là một ví dụ, ta nghe một đoạn về cách dẫn chuyện của cụ: "Trời về khuya, sương càng thêm lạnh, sư cụ từ ngoài sân bước vào phương trượng, rồi tới giường cỏ thừ người, suy nghĩ mông lung. Nỗi khổ tâm của người làm thơ đang khi hào hứng, tưởng nguồn thơ lai láng khôn dừng, thế mà đột nhiên lời hết, ý cùng, ai ở trong tình cảnh này mới thấu hiểu nỗi lòng sư cụ lúc đó".

Ở một bài viết khác, khi đọc thơ Minh Hiệu - Một nhà thơ xứ Thanh cụ có lời bình thật chân xác, cuốn hút: "Thơ Minh Hiệu đa dạng cả về đề tài lẫn chủ đề. Nhiều bài mang tính chất hồn nhiên, nhuần nhị của thơ ca dân gian, một số bài khác lại đậm đà phong vị trầm mặc và sâu lắng của thơ Đường, thơ Tống. Trong thơ Minh Hiệu nhiều cảnh ở xứ Thanh bình dị này cũng thơ mộng như những cảnh ở Tô Châu, Tần Lĩnh nơi xứ bạn:

Núi dựng, cây vươn, chim thỏ thẻ

Sông dài, suối hiện, nước lung linh

Nắng hồng mới vén, màng sương bạc

Phố xá như tranh vụt hiện hình

(Phong cảnh Hồi Xuân)

Ở mảng nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, sự am tường của cụ ở mọi lĩnh vực cho thấy cụ là một người chịu đọc, chịu đi, chịu suy nghĩ và nhất là khả năng tổng hợp, phân tích đánh giá sự vật có tư chất của một nhà nghiên cứu. Đọc bài viết chuyên sâu nào của cụ ở một lĩnh vực cụ thể nào đó, tôi đều cảm nhận thấy loé rạng của kiến thức được tổng hợp, chắt lọc qua thời gian lắng lại trong con người cụ. Khi cụ bàn về thú uống trà hay phong tục tập quán tết cụ thấu đáo, lý giải tường tận đến từng căn nguyên mà nó tồn tại.

Trong Tản mạn quanh chén trà, cụ viết về thú thưởng trà của người Nhật thật sâu sắc: "Thú vui không còn dừng ở mức một thẩm mỹ thông thường mà đã được nâng lên ngang tầm một "nghi thức tôn giáo". Còn khi bàn phong tục tập quán tết, cụ cũng phân tỏ sự vật một cách minh tường: "Cái hay, cái dở tồn tại bên nhau, điều đó cũng không có gì lạ" vấn đề là: "Chúng ta phải biết loại trừ cái dở để ngày tết hoàn toàn vui vẻ, để mùa xuân về chỉ đem lại hạnh phúc".

Bàn về hoa cụ cũng luận giải dí dỏm: "Yêu hoa, vì hoa có tác dụng làm rạng rỡ những bộ mặt đã nhăn nhúm lại do những tróc phọc của cuộc sống hàng ngày. Yêu hoa, vì hoa làm tan biến bóng mây, đôi khi chỉ mới lởn vởn quanh nhà, nhưng nếu không thận trọng, có thể vào nhà lan tỏa thành bóng tối bao trùm cả một gia đình"...

Cụ cứ thế dẫn dắt tôi đi hết miền văn hóa này đến miền văn hóa khác; phân biệt, lý giải một cách cặn kẽ sự khác biệt, đặng biết cách mà gìn giữ, biết cách mà đắp bồi. Âu cũng là cách cụ chuyển giao kiến thức từ một thế hệ sang một thế hệ trẻ hơn chăng? Đó cũng còn là minh chứng cách tồn tại, sự vạm vỡ của văn hoá Việt.

Thy Lan


Thy Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]